Nhạc sĩ Song Ngọc là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng, và chủ đề quen thuộc nhất trong nhạc của ông là nhạc lính, có thể kể đến những ca khúc nổi tiếng nhất: Nó Và Tôi, Chiều Thương Đô Thị, Một Chuyến Bay Đêm, Chúng Mình Ba Đứa, Kỷ Niệm Một Mùa Hè, Người Nữ Đồng Đội… Trong đó có một ca khúc ít nổi tiếng hơn, nhưng có nội dung rất ấn tượng và khác lạ: Chuyến Xe Ba Người, viết về nỗi ngậm ngùi của đời lính và tình yêu thời ly loạn với kết cuộc không thể nào buồn hơn: sinh ly tử biệt. Bài hát này được thi sĩ nổi tiếng Hồ Đình Phương viết lời.
Có một thời gian tôi thường nghe đi nghe lại bài này trong playlist nhạc hàng ngày của mình, với giọng hát truyền cảm của Chế Linh. Bẵng đi một thời gian dài, bài hát này bị trôi lạc khỏi trí nhớ, cho đến khi hôm nay có một độc giả nhắc lại, xin viết lại đôi dòng về nội dung bài hát này theo cách hiểu và cảm nhận của riêng mình.
Click để nghe Chế Linh hát
Trên chuyến xe năm nào về quê hương miền Tây
Có tôi em hai người đường lá trút heo may
và người đi lửa binh về trong giấc yên lành
chēt một thời liệt oanh
Tôi chēt theo não nùng,
đẹp như thơ là em trắng tang trên trang đài
lệ thắm khóe môi duyên
Một trời thương vào tim dồn lên mắt u huyền
môi chợt buồn đẹp thêm.
Trên một chuyến xe đò xuôi từ thành đô về miền Tây, có một đôi người tình cờ gặp nhau. Họ vốn là 2 người xa lạ lần đầu gặp mặt, và chàng trai bị ấn tượng với nét mặt rất buồn trên khuôn mặt trang đài của người phụ nữ kia, đẹp nhưng buồn đến não nùng. Trên tay nàng là di vật sau cùng của người vừa trở về từ chốn lửa binh, về trong một giấc ngủ yên lành, để lại sự đau xót tột cùng cho người vợ hiền và “trắng tang trên trang đài”. Chuyến xe vẫn vút đi qua nhanh bỏ lại 2 bên vệ đường lá trút heo may, một khung cảnh buồn theo cả tâm trạng của người.
Nàng đáp chuyến xe từ miền Tây lên Sài Gòn để làm lễ tang cho chồng ở nghĩa trang quân đội, sau đó trở về với những di vật sau cùng còn giữ lại của người chồng đã sống đời liệt oanh: Đó là tấm thẻ bài nhỏ bé, hoặc có thể có thêm manh áo nhà binh và ba lô lính trận.
Trên chuyến xe đò liên tỉnh đó có thể còn có nhiều người nữa, nhưng trong mắt chàng trai lúc đó hình như chỉ có 3 người, đó là anh, người góa phụ, và vong linh của người đã ngã xuống, mà đại diện là tấm thẻ bài nhỏ bé trong tay nàng. Nỗi buồn thương không hề che giấu trên đôi mắt u huyền của người thiếu phụ kia vì sự mất mát là quá lớn không gì bù đắp được. “Một trời thương vào tim dồn lên mắt u huyền”.
Em ơi cho đến bây giờ
Tôi chưa thấy hay tình cờ gặp em đến trong mơ
Hôm nay trên chuyến xe buồn
em không nói, tôi lạnh lùng ngồi ôm mối tình câm…
Hai người cứ ngồi bên nhau như vậy, lặng yên mà không ai nói điều gì. Cô gái tự giam mình trong nỗi buồn đau vô hạn, còn chàng trai bên cạnh cũng không nỡ chen vào nỗi muộn phiền đó, chỉ biết ngồi lạnh lùng ôm mối tình câm tràn ngập cõi lòng. Đó có thể là mối tình khó diễn tả của anh với một thiếu phụ không quen biết kia, hoặc cũng có thể là không phải, mà anh chỉ đang mơ về một chuyện tình cho riêng mình.
Nhận thấy tình cảm mà giai nhân kia dành cho người chồng quá cố, trong lòng anh thoáng dâng lên một nỗi “ganh tỵ”:
Người buông tay hồn cao vút oai linh
Được giai nhân còn theo khóc ân tình
Ta kiếp giang hồ ai đau xót cho mình
và nàng nghiêng bóng chiếc cúi đầu bước nhanh
Người chiến sĩ kia dù hồn đã cao vút oai linh rồi, nhưng dù sao đi nữa chàng vẫn được giai nhân nhỏ lệ khóc thương cho ân tình dang dở. Còn ta, một kẻ giang hồ cô đơn rong ruổi đêm ngày, có còn ai xót thương cho ta trong cõi đời này?
Rồi chuyến xe cùng dừng, nàng cúi đầu bước vội xuống xe, vẫn không hề biết có một ánh mắt vẫn đang nhìn theo vừa ngỡ ngàng, vừa xót xa.
Click để nghe Chế Linh hát trước 1975
Đem chuyến xe ba người dệt lên đây bài ca
áo tang xưa trang đài giờ vẫn trắng như hoa
Một người luôn thờ ơ
mình thương mấy cho vừa
giấu lệ thầm mà mơ.
Ta có khi mơ làm người trai đi lửa binh
chēt cho con tim nàng giọt máu xuống tim anh
để lòng không còn than đời không chút ân tình
suốt tuổi buồn ngày xanh.
Người khách giang hồ kia tưởng như là đang sống một cuộc đời tự do, tự tại, nhưng đó là sự tự do giữa cô đơn, không lý tưởng, không mục đích. Anh thoáng mơ mình sẽ trở thành một người trai khoác áo chinh nhân hiên ngang trên trận tuyến, rồi dù có hy sinh vì nước thì cũng sẽ không bị phí hoài tuổi xanh. Và khi đó, biết đâu sẽ có một giai nhân nào khóc nhỏ lệ ân tình cho người liệt oanh ngã xuống?
Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com