Suối Mơ có thể xem là một kiệt tác âm nhạc thời kỳ tiền chiến của nhạc sĩ Văn Cao, được ông viết vào khoảng thời gian năm 1940-1941. Lúc đó nhạc sĩ chỉ mới vừa mới 17-18 tuổi, có ý định viết một trường ca về tích chàng Trương Chi trong truyện cổ. Sau đó ông tách một đoạn của trường khúc này ra để viết thành bài hát Suối Mơ, còn có tên khác là Bài Thơ Bên Suối, còn bài Trương Chi nổi tiếng sau này có thể xem là bản Trương Chi 2.

Bài hát này do Văn Cao soạn nhạc, nhưng có lẽ là sau đó còn có sự góp sức của nhạc sĩ Phạm Duy để hoàn tất, nên ấn phẩm của Nhà Xuất Bản Tinh Hoa năm 1954 ghi tên cả 2 nhạc sĩ này.

Nhạc sĩ Văn Cao từng tâm sự về nhạc phẩm Suối Mơ như sau:

“Có nhiều buổi sáng, con người khi hết một giấc mơ lại tiếp tới thấy một giấc mơ khác, những giấc mơ dù không có thật nhưng nó lại đem lại cho mình mường tượng tới những ngày mình sống cũ, nghĩ lại mà nó vẳng lại những tiếng nói của kỷ niệm, đôi lúc kỷ niệm cứ đeo đẳng và không thể quên, những cái đó là những năm tháng tôi tìm được ra những điều mà tôi đã mất đi trong những ngày trẻ tuổi của tôi…”


Click để nghe Thái Thanh hát Suối Mơ trước 1975

Đã có không ít những “giòng suối” đi vào trong âm nhạc qua những ca khúc nổi tiếng, như Trăng Mờ Bên Suối của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, Uống Nước Bên Bờ Suối của Lê Uyên Phương, Xây Nhà Bên Suối của Hoàng Thi Thơ, nhưng Văn Cao mới là người đầu tiên viết về một dòng suối mơ trong mộng tưởng. “Suối” như là hiện thân của một chốn thiên thai, hiện lên trinh nguyên, thuần khiết, sau tất cả những mệt mỏi của một kiếp phù sinh, hình như ai cũng có đôi lần muốn rũ bỏ hết bụi trần để hẹn cùng người yêu về xây nhà bên bìa rừng và được nghe tiếng suối reo suốt đêm ngày.

Sau này nhạc sĩ Văn Cao cũng nhắc tới suối trong một tình khúc rất lãng mạn khác là Bến Xuân: 

Dìu nhau theo dốc suối nơi ven đèo
Còn thấy chim ghen lời âu yếm…

Có thể nói Suối Mơ của Văn Cao là bài hát khởi đầu cho một loạt những ca khúc thời tiền chiến có không khí lãng đãng như sương khói, như đưa người trôi lạc vào nơi chốn của những thiên tiên:

Suối mơ bên rừng thu vắng,
Giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng.
Ngày chưa đi sao gió vương?
Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương.

Khúc dạo đầu của bài hát như một bức tranh vẽ chốn sơn kỳ thủy tú đẹp như mơ, đưa người thưởng ngoạn về nơi rừng thu êm vắng yên bình có giòng suối mơ trôi lững lờ ngoài nắng. Cuộc sống càng hối hả lòng người càng mong tìm đến một nơi như thế để tâm hồn được hòa nhịp với cảnh sắc thiên nhiên.

Đến với Suối Mơ, để cảm nhận được giây phút lòng mình “sống chậm” lại bên rừng thu vắng lặng, nhìn “giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng” mà êm đềm chảy vào lòng mình nguồn an nhiên thanh tịnh, trôi đi nỗi bao muộn phiền lo toan vì đời sống bôn chen tất bật.

“Ngày chưa đi sao gió vương?” – Nghe như tiếng thở dài nhè nhẹ luyến tiếc ngày vui thường qua mau và giây phút êm đềm hạnh phúc thường ngắn ngủi. “Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương” là nét chấm phá cho bức tranh tuyệt đẹp của rừng thu, mang mang chút gì luyến lưu cho ngày thanh xuân tươi thắm sẽ trôi qua theo dòng thời gian lững lờ…

Suối ơi ôi nguồn yêu mến,
Còn ghi khi bóng ai tìm đến.
Đàn ai nắn buông lưu luyến.
Suối hát theo đôi chim quyên.

Suối mơ cũng là giấc mơ, khi một mình không có ai để bày tỏ nỗi lòng của mình, thì đi tâm sự với giấc mơ, khi tâm tình đang dạt dào suối nguồn yêu mến còn khắc ghi từ “khi bóng ai tìm đến”. Âm điệu “bóng ai” chùng xuống nhẹ thênh mơ màng về bóng người như sương khói xa xăm…

Bóng ai mờ xa nhân ảnh cho tình ai lưu luyến mãi không nguôi, thiết tha gửi tiếng lòng vào tiếng “đàn ai nắn buông lưu luyến”. Tình yêu của người xưa da diết mà âm trầm, và ca từ của nhạc sĩ xưa khéo léo chắt lọc, “kiệm lời” mà gói hết tâm tình tâm tư và lung linh đầy hình ảnh hình tượng gửi gắm: “Suối hát theo đôi chim quyên”. Đôi chim quyên còn có đôi có cặp hát với nhau còn ta thì một mình buông nắn cung đàn với rừng thu hữu tình gợi bao điều ước mơ ngày vui hạnh phúc.

Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối 
Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát.
Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi 

Mùa xưa ai đã cùng hẹn ta xây nhà bên suối để cùng nghe tiếng suối róc rách, cùng ngắm mây bay trên trời hoa trôi dưới nước. Ước mơ nào cũng đẹp, mà mơ ước xây nhà bên suối là giấc mơ quá tuyệt vời! Nhân sinh quan “thoát tục” của nghệ sĩ thời xưa: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao” là cách sống tĩnh lặng an dưỡng tâm hồn để thụ hưởng thiên nhiên.

“Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát. Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi” là những nét đẹp tuyệt bút tiếp nối của bức tranh vẽ thiên nhiên. Giai điệu thanh thoát đưa người nghe đến một rừng thu “thời tiền chiến” có con nai vàng ngơ ngác, có tiếng suối róc rách như điệu nhạc thoát trần trôi màu hoa hương gió ngát thời gian.

Tơ đàn chùng theo với tháng năm,
Rừng còn nhớ tới người.
Trong chiều nào giữa chốn đây,
Hồn cầm lắng tiếng đời.

Tơ đàn cũng là tơ lòng buông chùng theo với tháng năm, và “rừng còn nhớ tới người” là câu ca vừa thiết tha vừa kín đáo nhớ nhung khi cho cảnh vật mà còn nhớ huống chi là người. Và đúng như lời của nhạc sĩ Văn Cao đã thổ lộ ở trên: “Đôi lúc kỷ niệm cứ đeo đẳng và không thê nào quên”. Trong chiều nào giữa chốn đây, chiều nào là một trong những chiều kỷ niệm, giấc mơ này là một trong những giấc mơ khác, cho thi nhân “hồn cầm lắng tiếng đời…”


Click để nghe Sĩ Phú hát

Suối ơi nghe rừng heo hút.
Giòng êm đưa lá khô già trút.
Còn như lưu hương yêu dấu .
Với suối xưa trôi nơi đâu .

Suối ơi! Tiếng kêu tha thiết như tiếng gọi Người ơi! Vì Suối là Giấc Mơ mà Người là hình ảnh lung linh chủ đạo trong từng Giấc Mơ! Những âm điệu từ “heo hút” và “lá khô già trút” đem đến hình ảnh cô quạnh âu sầu, từ nỗi nhớ của một người “Yêu rất nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu”.

Và từ niềm thủy chung của một tấm lòng nghệ sĩ đa mang tình rồi ôm ấp kỷ niệm tình, nhìn rừng xưa mà tưởng nhớ người xưa, hương yêu dấu ngày cũ như còn lưu luyến chưa rời xa mà suối xưa thì trôi mãi nơi đâu…

Bài: Trương Đình Tuấn
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here