Như những ca khúc khác của Trịnh Công Sơn – mỗi ca khúc của Trịnh là mỗi bài thơ – nhạc phẩm Diễm Xưa là một bài thơ của nhạc sĩ tự phổ lên thơ mình những giai điệu bất hủ cho đời, đã đi vào và ở lại mãi trong lòng muôn triệu người nghe.

Lời kể của Trịnh Công Sơn về Diễm trong bài hát: “Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi. Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.

Diễm Xưa

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu

Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa

Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du…

Mưa vẫn mưa bay trên “tầng tháp cổ”. Khi cảm xúc thăng hoa, ý nghĩa của ngôn từ bay cao tượng hình đến hình ảnh khác. Tầng tháp cổ có thể là tháp Phước Duyên của chùa Thiên Mụ, hoặc là tầng tháp cổ cô đơn rêu xanh tuế nguyệt nơi miền cổ sử nghìn năm.

Mưa vẫn mưa bay và tôi cũng bị xanh rêu phong tỏa hết hồn mình nơi mấy thuở mắt xanh xao tay em dài nỗi nhớ, tình yêu là nỗi chờ mong chín úa hồn người, khi cơn mưa đem về thêm khoảng dài xa cách buồn thênh thang.

Tôi nghe ”lá thu mưa” reo mòn theo từng gót nhỏ son hồng đài các, cũng như nghe tình mình lắt lay từng phiến lá ưu tư theo đường dài hun hút, cho mắt sâu dài thêm vực thẳm nhớ nhung:

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu

Mưa như về từ cổ lụy để dệt thêu tình sử cho loài người. Mưa trên hàng lá nhỏ xanh mướt sợi tơ tương tư giăng kín đường về. Từng buổi chiều “ngồi ngóng những chuyến mưa qua” như ngóng chuyến tình yêu từ buổi ban đầu sẽ là tình sầu dang dở trong dự cảm cho mai sau cũng sẽ là những chuyến mưa, tuần hoàn chuyển tiếp không gian thời gian của hiện tại.

Lá đổ âm thầm trên bước chân em, những bước chân đã từng làm xôn xao nỗi trông ngóng từng buổi từng buổi hoàng hôn tím úa tin yêu. Hồn buốt xanh chợt nhận ra màu tình yêu là nỗi xót xa thấm vào từng mạch nhớ:

Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa.

Thủ bút của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

“Chiều nay còn mưa sao em không lại”. Tôi chỉ hỏi vu vơ với tôi, vì mình có nói với nhau lời hẹn hò nào đâu để mà người quên kẻ đợi. Nhưng trong một góc tâm thức thầm vỡ ra ý niệm thương yêu, cần thiết có nhau cho trong cuộc đời vốn đã sẵn buồn nhiều hơn vui

Sao em không lại? “Nhỡ mai trong cơn đau vùi” làm sao có nhau? Có nhiều người nhầm tưởng “nhỡ mai” là “nhớ mãi”. Tình yêu trong ca khúc là tình yêu ban sơ thuở ban đầu, chưa mặn nồng, chưa ly biệt thì không đến phải trở thành “cơn đau vùi”. Nên cơn đau đó chỉ là dự cảm cho “nhỡ mai”

“Nhỡ mai trong cơn đau vùi, làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau”. Cung bâc cao vút lên nỗi đau hiện tại từ vết roi mưa quất vào trái tim da diết nỗi chờ mong. Bước chân em xin hãy về mau, cho lá tương tư mở ra từng cánh bình minh cứu rỗi:

Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau

Đời biển động ở ngoài đời, biển động luôn ở trong lòng người xót xa trông ngóng. Làm sao em nhớ những vết chim di, những nhánh ngày tháng muộn phiền rêu xanh thành quách lâu đài, những chùm sầu đông trổ nhánh li ti tím bên dòng sông dùng dằng không muốn trôi xa dần nguồn cội.

Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng”. Mưa qua một miền bao la ngoài không gian hiện hữu, một miền không còn cách ngăn nhung nhớ, để tôi quên mình là người lãng du hát du ca bên đời, bên chiều mưa Huế thiết tha có Diễm mãi với ngày xưa.

Mấy mươi năm sau hát lại tình khúc Diễm Xưa này, khi đã đi qua nhiều biển động của đời mình, người hát mới thấm thía câu “nhỡ mai trong cơn đau vùi” có thể đổi lại là “nhớ mãi trong cơn đau vùi” vì tình yêu nào cũng làm nên những cơn đau nhớ mãi!

Bài: Trương Đình Tuấn
(Ghi rõ nguồn nhacxua.vn nếu copy bài viết này)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here