Nhạc sĩ Hoàng Trọng được giới nghệ sĩ Miền Nam đặt cho danh hiệu là “Ông Vua Tango”. Thật là một vinh hạnh hiếm hoi, khi trong giới văn nghệ mà lại được công nhận như một vị vua không ngai như vậy. Lý do khá dễ hiểu: Hoàng Trọng là người có nhiều ca khúc viết ở điệu Tango nhất. Bài nào cũng đặc sắc, mỗi bài một vẻ: Lạnh Lùng, Đường Về, Mộng Lành, Tiễn Bước Sang Ngang, Tình Đầu…
Nổi tiếng với điệu Tango như vậy, nhưng nhạc sĩ Hoàng Trọng vẫn có Ngàn Thu Áo Tím bất tử với điệu Valse, và thêm nữa là bài Cánh Hoa Yêu với điệu Bolero. Một điều có thể ít người biết rằng cả hai bài hát Ngàn Thu Áo Tím và Cánh Hoa Yêu này, nhạc sĩ Hoàng Trọng đều chỉ viết nhạc, còn phần lời thuộc về tác giả Vĩnh Phúc. Trong khoảng 200 nhạc phẩm của Hoàng Trọng, ông chỉ tự đặt lời khoảng 40 bài, số còn lại được sự giúp đỡ của nhiều nhạc sĩ khác như Hồ Đình Phương, Hoàng Dương, Nguyễn Túc, Quách Đàm, Vĩnh Phúc…
Về tác giả Vĩnh Phúc, không có nhiều thông tin. Tuy nhiên có một nguồn thông tin cho rằng Vĩnh Phúc thực ra là một người phụ nữ, tên đầy đủ Lưu Thị Vĩnh Phúc, sinh năm 1937, con của Mục sư Lưu Văn Mão, vốn là người rất nổi tiếng về tài làm thơ. Ông từng xuất bản tập thơ “Nam sơn thi phẩm” năm 1971.
Sinh thời, nhạc sĩ Hoàng Trọng và Mục sư Lưu Văn Mão như đôi bạn tri kỷ, vẫn thường đàm đạo chuyện đời. Lưu Văn Mão là một mục sư nổi tiếng, ông có làm nhiều bài thơ, và nhiều bài giảng của ông hiện nay vẫn còn lưu giữ, truyền đạt.
Bà Thu Tâm (vợ sau của Nhạc sĩ Hoàng Trọng) cũng nhắc đến Mục sư Lưu Văn Mão như sau: ”Hoàng Trọng thường hay đến nhà Mục sư Lưu Văn Mão để hàn huyên, tâm sự và rất khâm phục đức tính vị mục sư nầy”.
Anh trai của bà Vĩnh Phúc là mục sư Lưu Văn Tường cũng là một người có tài làm thơ. Sống trong một gia đình có truyền thống như vậy, dễ hiểu vì sao bà Vĩnh Phúc đặt lời ca rất hay cho Cánh Hoa Yêu và Ngàn Thu Áo Tím. Khi nghe, xem kỹ lời lời nhạc của hai bài hát này, người ta có thể cảm thấy sự mềm mại rất phụ nữ mà nhiều bài hát khác không có. Cả hai bài hát này đều có điểm chung là nhắc về một màu tím mơ mộng, màu tím thủy chung của người con gái:
Một hôm anh về em bâng khuâng đứng trông theo,
Hoàng hôn nâng niu bước đôi chân người em yêu…
Hoặc:
Từ khi yêu anh anh bắt xa màu tím
Sầu thương cho em mơ ước chưa kịp đến
Trời đã rét mướt cùng gió mưa
Khóc anh chiều tiễn đưa
Thế thôi tàn giấc mơ…
Bài hát Ngàn Thu Áo Tím vốn gắn liền với tên của của nhạc sĩ Hoàng Trọng với tiếng hát Thái Thanh. Còn bài Cánh Hoa Yêu, sẽ có nhiều người không biết rằng người sáng tác ra một bài Bolero rất tình cảm này lại là Hoàng Trọng – ông vua của Tango.
Cánh Hoa Yêu được sáng tác vào khoảng đầu thập niên 1960, khi mà dòng nhạc vàng thể điệu bolero, rumba đang rất ăn khách. Dòng nhạc này dễ nghe, dễ đàn, phù hợp với phần đông công chúng thời bấy giờ. Nhiều nhạc sĩ thể loại nhạc âm hưởng tiền chiến đã chuyển sang viết một số bài nhạc vàng theo thị hiếu này, trong đó có Hoàng Trọng với tiêu biểu là Trang Nhật Ký (Giờ đây âm thầm bên trang nhật ký…) và Cánh Hoa Yêu.
Bài hát Cánh Hoa Yêu qua tiếng hát Thanh Thúy trước 1975
Một hôm anh về em bâng khuâng đứng trông theo,
Hoàng hôn nâng niu bước đôi chân người em yêu
Em nhớ thương nhiều, lòng xao xuyến thêm nhiều
Hiu hắt sương mờ xuống tịch liêu
Rồi em đi nhặt hoa “pensée” ép trong thơ,
Thầm trao cho anh những khi tâm hồn bơ vơ
Khi gió sang mùa làm vơi lá bên hồ,
Hoa nói lên ngàn nỗi nhớ mong chờ
Có biết rằng: Tâm tư em một lần đầu tiên đã mến yêu
Có thấu rằng: Anh xa xôi còn lại mình em dưới sương chiều
Tìm nhau trong mầu hoa “pensée” tím chơi vơi,
Tìm nhau trong mơ, dắt nhau sang bờ yên vui
Thương nhớ xa vời
Gửi về chốn phương trời
Theo cánh hoa lòng đến bên người…
Chiều nay trong vườn hoa “pensée” bướm đua bay,
Chiều nay anh ơi, gió may như ngừng nơi đây
Hoa tím nơi này chờ anh đã bao ngày,
Anh có mơ mầu tím chiều nay.
Màu hoa tâm tình se duyên đôi lứa yêu nhau!
Một mai anh ơi có ly tan đừng quên nhau!
Hoa có phai màu, cuộc đời có u sầu
Xin nhớ câu thề lúc ban đầu
Nhớ mãi ngày anh đem hoa về tặng người yêu giữa giấc mơ .
Đã mấy mùa anh xa xôi để lại người yêu với mong chờ!
Tìm em như mầu hoa “pensée” ngát hương yêu,
Lòng em luôn mong giữ sao nguyên màu trung trinh,
Mong ước mơ thành,
Trời cho lứa đôi mình đi hái hoa đời kết tâm tình.
Tác giả đã mượn màu tím của hoa pensee để nói lên sự thủy chung chờ đợi của người con gái. Chỉ một lần gặp gỡ đầu tiên đã mến yêu. Người trai đã xa xôi mấy mùa nhưng người ở lại nguyện vẫn mong chờ, mong một ngày được “hái hoa đời kết tâm tình”.
Trong nhạc vàng miền Nam, có một số bài hát khác nữa nhắc đến cánh hoa pensee, như Mùa Pensee Nở (Có người nào không ngậm ngùi cho duyên kiếp khi nghe kể chuyện xưa, chuyện hoa Pensée đau thương và dang dở…) và Màu Tím Pensee (Màu hoa Pensée, màu hoa tình yêu hay hoa tím dở dang…). Cả 2 bài hát này đều của nhạc sĩ Ngọc Sơn (trước 75) và đều gắn bó với giọng hát Giao Linh.
Đây là loài hoa có xuất xứ từ Pháp Quốc, mang sang Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, được trồng nhiều ở xứ lạnh như Đà Lạt. Ý nghĩa của loài hoa là sự nhớ nhung, tương tư trong tình yêu. Cánh Pensee hình tim nên dân gian tin rằng chúng sẽ là đại sứ làm lành mọi vết thương trong tình yêu và hi vọng về một mối quan hệ lâu dài, bền bỉ. Vì mang một ý nghĩa rất nên thơ như vậy, nên dễ hiểu rằng Pensee đã thi vào thi ca, và trở nên bất tử qua các bài hát nhạc vàng, đặc biệt là Cánh Hoa Yêu, với sự viết lời của nữ tác giả Vĩnh Phúc.
Đông Kha (Ghi rõ nguồn nhacxua.vn nếu copy bài viết)