“Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi
Đường dài mịt mùng em không đến nơi…”
Đó là những câu hát nổi tiếng về chuyện tình Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà mà hầu như ai cũng biết đến. Tuy nhiên họ thực ra là ai thì hiếm có người biết rõ tường tận.
Ngọc Sơn hát Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà
Khoảng giữa thập niên 1960, khi là một chú nhỏ học lớp nhất, tôi ôm mộng lớn lên làm nghệ sĩ hát cải lương. Mỗi khi gần hết giờ học, cô giáo người Bắc mê nghe hát cải lương vọng cổ thường tổ chức văn nghệ cuối giờ.
Ấy thế là thằng nhỏ tui được leo lên sân khấu là cái bục giáo viên để hát bài ruột Võ Đông Sơ. Lúc ấy tôi thần tượng giọng ca Minh Cảnh thần sầu – nhất là khi nghe bài Võ Đông Sơ của soạn giả Viễn Châu: “Tuấn mã ơi hãy phi nhanh về báo cho quân ta được rõ, rằng Võ Đông Sơ đã vùi thây nơi gió bụi quan… hà”. Trên 50 năm rồi mà tôi còn nhớ câu vọng cổ này!
Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà của Minh Cảnh và Lệ Thủy
Bài hát chỉ nói về nội dung Võ Đông Sơ sa cơ vào tay giặc chứ không thể kể hết nội dung thiên tình sử trắc trở của đôi trai tài gái sắc Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà trong tiểu thuyết “Giọt máu chung tình” của Tân Dân Tử, một tiểu thuyết chương hồi in lần đầu năm 1926. Tiểu thuyết này hấp dẫn độc giả vô cùng nên được tác giả Nguyễn Tri Khương viết thành vở kịch Giọt máu chung tình (còn gọi là Giọt lệ chung tình năm 1927); soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền viết thành vở cải lương Giọt máu chung tình (1928). Rồi đến thời lứa tuổi của tôi thì có Võ Đông Sơ (Minh Cảnh ca) và Bạch Thu Hà (Lệ Thủy ca) do soạn giả Viễn Châu sáng tác (1960)…
Đọc lại quyển Văn học Quốc ngữ ở Nam kỳ 1865 – 1930 của nhà nghiên cứu Bằng Giang, biết rằng tiểu thuyết Giọt máu chung tình với nhân vật nam chính Võ Đông Sơ – mà tác giả Tân Dân Tử gán cho là con trai của Chưởng hậu quân Võ Tánh – ra đời là cách để phản ứng với làn sóng truyện Tàu đang tràn ngập thị trường. Theo Bằng Giang thì truyện Tàu được tiêu thụ mạnh vì mảnh đất sáng tác văn học của ta ở Nam kỳ vẫn là mảnh đất trống. Từ năm 1904 – 1910 có 46 bộ truyện Tàu được xuất bản mà tiểu thuyết của ta chẳng có quyển nào. Mãi đến năm 1912 truyện Hà Hương Phong Nguyệt của Lê Hoằng Mưu mới xuất hiện trên báo Nông Cổ Mín Đàm.
Truyện Tàu phát triển mạnh vì phương tiện giải trí của người dân cũng hiếm hoi. Rạp hát đầu tiên xây dựng tại Sài Gòn năm 1900 nhưng chỉ dành cho người Pháp, rồi kế đến là rạp hát bóng xây dựng bằng vật liệu nhẹ năm 1908 cũng chẳng phải dành cho giới bình dân. Chưa kể đến truyện Tàu viết vô cùng hấp dẫn, đầy đủ trung hiếu tiết nghĩa như Nhạc Phi – Tần Cối, pháp thuật ly kỳ như Tôn Tẫn – Bàng Quyên, chiến đấu ác liệt, mưu trí khôn cùng như Tam quốc chí… người đọc mà không mê mới lạ.
Một số nhà văn Nam kỳ như Trương Duy Toản, Phạm Minh Kiên, Hồ Biểu Chánh, Tân Dân Tử mới tức mình phản ứng bằng cách sáng tác truyện Việt dựa theo quốc sử. Phạm Minh Kiên, tác giả truyện dã sử Tiền Lê vận mạt năm 1932 từng viết: “Người mình nên biết sự tích nước nhà cho lắm lắm. Hỏi thử Trương Lương, Hàn Tín, Hạng Võ, Tiêu Hà thì làu thông; còn hỏi lại ai là anh hùng hào kiệt nước ta thì ngẩn ngơ chẳng biết”.
Với sự “căm phẫn” đó, Tân Dân Tử đã cho Võ Đông Sơ là tướng nhà Nguyễn chiến đấu ác liệt với quân… Mãn Thanh xâm lược rồi tử trận. Bạch Thu Hà tuẫn tiết theo Võ Đông Sơ gây nên sự căm thù quân xâm lăng và thương cảm cho nhân vật từ phía độc giả.
Trong truyện, tác giả có cho trước miếu thờ Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà đôi câu liễn khắc lên thạch trụ:
“Phận đứng anh hùng, một thác ơn đền non nước Việt
Tấm gương liệt nữ, ngàn thu danh rạng đất trời Nam”
Với nhân vật chính là Võ Đông Sơ mà tác giả cho là con của Võ Tánh và bối cảnh thời Gia Long, nhiều người đọc tin rằng tích đôi anh hùng – thuyền quyên này là chuyện có thật vì Tân Dân Tử từng có hai tiểu thuyết là Gia Long tẩu quốc và Gia Long phục quốc nên lại càng tin là chuyện thiệt!
Bìa tiểu thuyết Giọt máu chung tình qua các thời kỳ
Thiên tình sử của đôi trai tài gái sắc
Vở kịch Giọt máu chung tình lần đầu tiên được biểu diễn vào năm 1927 do cụ Nguyễn Tri Khương viết dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Tân Dân Tử. Nội dung cốt truyện như sau: Võ Đông Sơ là con của Hoài Quốc công Võ Tánh và công chúa Ngọc Du. Bạch Thu Hà là con quan Tổng trấn Tây Thành Bạch Công. Sau khi Võ Tánh tuẫn tiết, Võ Đông Sơ sống với người chú ruột tại Bình Định luyện võ, ôn văn chờ dịp cứu nước. Lúc bấy giờ có giặc Tàu Ô (chỉ những toán cướp biển từ Trung Quốc) đang hoành hành ở Biển Đông, triều đình mở khoa thi để chọn tướng tài dẹp giặc. Võ Đông Sơ ra kinh ứng thí.
Trong một lần Võ Đông Sơ ra tay đánh bọn cướp cứu tiểu thư Bạch Thu Hà trên đường đi lễ chùa, đôi trai tài gái sắc đã phải lòng nhau. Sau đó, Võ Đông Sơ thi đỗ võ quan được phong làm đô úy lãnh quân đi dẹp giặc. Ở nhà, Bạch Thu Hà bị gia đình bắt phải lấy một tên vô lại – bạn của anh trai Bạch Xuân Phương tên là Trần Xuân. Bạch Thu Hà bỏ trốn khỏi nhà, phiêu bạt tìm người yêu Võ Đông Sơ.
Trong cơn hoạn nạn, Bạch Thu Hà được Triệu Dõng và em gái Triệu Dõng là Triệu Nương cứu giúp thoát khỏi tay chủ sơn trại Nhứt Lang ép làm vợ. Sau cùng, Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà lại được trùng phùng. Nhưng không lâu sau, biên ải có giặc, vua ban chiếu cử Võ Đông Sơ cầm binh lên Lạng Sơn đánh đuổi giặc ngoại xâm. Võ Đông Sơ tử trận. Trong phút giây hấp hối chàng không ngừng gọi tên Bạch Thu Hà và nhắn gửi ba quân báo hung tin cho nàng hay. Bạch Thu Hà đã khóc thảm thiết bên linh cữu Võ Đông Sơ rồi dùng gươm báu quyên sinh để giữ trọn sự chung thủy.
Năm 1928, trên sân khấu Huỳnh Kỳ của vợ chồng Bạch Công tử cũng dựng vở Giọt máu chung tình do Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền ở Cần Thơ soạn và nữ nghệ sĩ đóng vai Bạch Thu Hà là Phùng Há. Vở này được nhiều đoàn cải lương dựng lại với các tài danh như Hùng Cường, Bạch Tuyết, Phượng Loan… nhưng người mộ điệu cải lương vẫn nhớ nhất hai bài vọng cổ của soạn giả Viễn Châu là Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà do Minh Cảnh và Lệ Thủy ca.
Về sau, các nhà nghiên cứu văn học Nam kỳ thời kỳ này như ông Bằng Giang cho biết Võ Tánh và công chúa Ngọc Du chỉ có người con trai là Võ Khánh. Còn Võ Đông Sơ chính là con của… Tân Dân Tử sinh ra để chống lại cơn dịch truyện Tàu và khơi gợi lòng ái quốc của đồng bào đang sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp.
Tân Dân Tử tên thật là Nguyễn Hữu Ngỡi (1875 – 1955), quê quán ở H.Thủ Đức, tỉnh Gia Định, nay thuộc Q.Thủ Đức. Ông xuất thân trong gia đình có truyền thống nho học. Sau khi tốt nghiệp Trường Thông ngôn Sài Gòn, Tân Dân Tử được bổ làm kinh lịch ở Chợ Lớn, về sau được thăng chức huyện hàm. Tân Dân Tử được xem là nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử đầu tiên và tiêu biểu nhất của văn học quốc ngữ Nam bộ nửa đầu thế kỷ 20.
Nhìn lại tiểu thuyết ‘Giọt máu chung tình’ của Tân Dân Tử
Tiểu thuyết Giọt máu chung tình ra đời năm 1926. Trước đó một năm, Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách xuất hiện và được đa số các nhà nghiên cứu công nhận là tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của văn học Việt Nam. So sánh hai tiểu thuyết này về mô hình tư duy nghệ thuật, Giọt máu chung tình, về cơ bản, vẫn thuộc về truyền thống tự sự trung đại.
Được viết theo lối chương hồi với mẫu nhân vật trung nghĩa, tiết liệt, tác giả Tân Dân Tử coi giáo huấn là mục đích lớn nhất của tác phẩm. Lời văn của Giọt máu chung tình còn nặng tính biền ngẫu và in rõ dấu ấn của lối kể chuyện diễn xướng thông qua sự hiện diện công khai của lời người dẫn chuyện. Theo quan điểm tiến hóa luận, Giọt máu chung tình đã nằm ngoài tiến trình hiện đại hóa của tiểu thuyết Việt Nam.
Song giờ đây quan điểm tiến hóa luận trong nghiên cứu văn học cũng thường bị chất vấn. Nó tiềm tàng nguy cơ giản hóa các hiện tượng văn học khi có thể bỏ qua nhiều yếu tố đa dạng trong môi trường tồn tại của chúng. Tạm thời tách khỏi quan điểm ấy, có thể thấy Giọt máu chung tình gợi ra nhiều vấn đề đáng để chúng ta nhìn lại về một hiện tượng nổi bật của văn chương Nam bộ hồi đầu thế kỷ 20.
Chẳng hạn, nếu như Tố Tâm – một đột phá của văn xuôi tự sự Việt Nam – gây nên một cơn sốt trong phạm vi độc giả là lớp thanh niên Tây học đang nổi lên đương thời, thì Giọt máu chung tình – một tác phẩm viết theo lối cũ, cả về loại hình cốt truyện và lời văn – cũng cuốn hút rộng rãi công chúng Nam bộ thời điểm ấy, trở thành một tác phẩm “best-seller”.
Chưa hết, cuốn tiểu thuyết của Tân Dân Tử còn cắm rễ sâu hơn vào đời sống văn hóa bình dân khi hơn một lần được chuyển thể thành các phiên bản cải lương – thể loại sân khấu đặc sản của mảnh đất Nam bộ. Thậm chí, phiên bản cải lương của cuốn tiểu thuyết này do soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền chuyển thể còn trở thành vở tuồng có sức hút mãnh liệt đối với công chúng.
Theo lời của bà Nguyễn Thị Đỉnh, cháu nội của soạn giả Mộc Quán: “Khoảng năm 1930 – 1940, hễ nghe có tuồng hát Võ Đông Sơ là bà con kéo về chợ Thốt Nốt coi đông nghẹt”. Đặc biệt, trường đoạn Bạch Thu Hà đau đớn trước quan tài của Võ Đông Sơ, người đã hi sinh nơi trận mạc vì Tổ quốc, qua diễn xuất của nghệ sĩ Phùng Há đã trở thành một trường đoạn mẫu mực của nghệ thuật cải lương.
Nhưng “hậu kiếp” của Giọt máu chung tình còn được tiếp tục nối dài qua hai bài vọng cổ Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà ra đời vào thập niên 1960 của soạn giả Viễn Châu. Hai tác phẩm này, với lời ca mùi mẫn, lâm ly, ảnh hưởng sâu sắc từ ngôn từ tiểu thuyết, đã trở thành những bản vọng cổ kinh điển.
Có thể nói, qua những phiên bản “hậu kiếp” này, Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà được nâng lên như một trong những cặp tình nhân lý tưởng mà nghệ thuật Việt Nam đã xây dựng nên bên cạnh những Thúy Kiều – Kim Trọng (Truyện Kiều – Nguyễn Du), Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga (Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu) hay Tố Tâm – Đạm Thủy (Tố Tâm – Hoàng Ngọc Phách), Loan – Dũng (Đôi bạn, Đoạn tuyệt – Nhất Linh)…
Như vậy, nhìn vào sự đón nhận của công chúng đối với cả hai cuốn tiểu thuyết – một rất mới, một rất cũ – tại thời điểm chúng ra đời, có thể hình dung văn học khoảng 30 năm đầu thế kỷ 20 không phải là một thực thể đồng chất: có phân khu nơi cái mới được hưởng ứng nồng nhiệt nhưng cũng có phân khu nơi cái cũ vẫn được say mê.
Nếu nhìn vào các phiên bản chuyển thể cải lương của Giọt máu chung tình thì một câu hỏi đáng suy nghĩ khác cũng được đặt ra: điều gì ở cuốn tiểu thuyết có thể bị lãng quên trong lịch sử thể loại này lại tạo sức sống cho những “hậu kiếp” của nó, khiến chúng trở thành những điển phạm? Mối quan hệ giữa tiểu thuyết và cải lương còn là một mảnh đất còn bỏ trống đối với các nhà nghiên cứu.
Một trường hợp có số phận tương tự với Giọt máu chung tình là tiểu thuyết Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan: trong khi nguyên tác ra đời vào năm 1933 gần như là một dấu ấn rất mờ nhạt trong lịch sử văn học thì các phiên bản chuyển thể của nó, đặc biệt là tuồng Lan và Điệp do Trần Hữu Trang soạn ra mắt năm 1936 lại là một hiện tượng sân khấu kinh điển.
Nhưng giờ hãy nhìn lại chính cuốn tiểu thuyết của Tân Dân Tử. Công chúng Nam bộ, nhất là tầng lớp bình dân, những năm 1920-1930 ấy bị thu hút bởi điều gì ở Giọt máu chung tình?
Trong những tài liệu tôi tham khảo được, có ý kiến đã gọi đây là một tiểu thuyết huê tình hay một thiên tình sử nước Nam. Quả thật, toàn bộ cuốn tiểu thuyết này xoay quanh mối tình trắc trở, éo le giữa Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà, trải qua bao nhiêu cản trở, thử thách, nút thắt này được gỡ thì lại xuất hiện nút thắt mới. Phải chăng đây là điều đầu tiên hấp dẫn công chúng bình dân.
Có thể dẫn lại lời của nhà báo Đăng Huỳnh khi tìm về lai lịch sự tích mối tình Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà: “Ngay sau khi ra mắt, tiểu thuyết Giọt máu chung tình đã tạo được hiệu ứng mạnh đối với độc giả. Đi đến đâu mọi người cũng bàn về chuyện tình đẫm nước mắt của đôi trai gái Võ – Bạch”.
Nếu vậy, cuốn tiểu thuyết của Tân Dân Tử góp thêm một dữ kiện để nghiên cứu thị hiếu thẩm mỹ của tầng lớp đại chúng. Nhìn lại truyền thống, những tác phẩm nghệ thuật sống lâu trong cảm thức của đại chúng đều khai thác cốt truyện oán khổ theo xu hướng cảm thương với nhiều tình tiết, biến cố lâm ly, trớ trêu, như Truyện Kiều hay Lục Vân Tiên. Thậm chí đến ngay cả Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách cũng không cắt đứt hoàn toàn với xu hướng cảm thương ấy.
Tuy vậy, Tân Dân Tử thực tình không có ý định viết một tiểu thuyết cảm thương. Trong chủ đích của ông, đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, dù chưa có sử liệu nào xác nhận Võ Đông Sơ có nguyên mẫu ngoài đời thực. Mục đích giáo huấn mà Tân Dân Tử hướng đến qua tác phẩm của mình cũng là giáo huấn ý thức về lịch sử dân tộc: “Những nhà đại gia văn chương trong xứ ta khi trước, hay dùng sự tích truyện sử nước Tàu, mà diễn ra quốc văn của ta, như: Kim Vân Kiều, Nhị độ mai, Phan Trần truyện, Lục Vân Tiên, thì toàn dùng cách văn lục bát mà thôi, chưa thấy truyện nào đặt theo cách văn lưu thủy là văn xuôi theo tiếng nói thường của mình; cho dễ hiểu mau nghe, và cũng chưa thấy tiểu thuyết nào làm ra một sự tích của kẻ anh hùng hào kiệt và trang liệt nữ thuyền quyên trong xứ ta, đặng mà bia truyền cho quốc dân rõ biết. Hỏi thử: Trương Lương, Hàn Tín, Hạng Võ, Tiêu Hà thì sự tích lão thông; còn hỏi lại ai là anh hùng hào kiệt trong nước ta, thì ngẩn ngơ không biết. Như vậy thì trong xứ ta chỉ biết khen ngợi sùng bái người anh hùng liệt nữ của xứ khác, mà chôn lấp cái danh giá anh hùng liệt nữ trong xứ mình, chỉ biết xưng tụng cái oai phong của người ngoại bang, mà vùi lấp cho lu mờ cái tinh thần của người bổn quốc”.
Trích đoạn trên từ “Lời tự” của Tân Dân Tử có nhiều điểm quan trọng để ta có thể nghĩ lại về giá trị của tiểu thuyết này. Thứ nhất, về mặt tư tưởng, có thể thấy những lời trên của tác giả toát lên nhiệt tình khơi dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa – một ý niệm, trên thực tế, là sản phẩm của thời hiện đại. Nhu cầu cần kiến tạo ý niệm dân tộc, nhất là đặt trong bối cảnh đất nước đang bị thuộc địa hóa, đã thôi thúc các trí thức đương thời khai thác lại các sự tích, nhân vật lịch sử, để ý niệm này trở nên cụ thể và có tính hình tượng. Nỗi quan ngại của tác giả Giọt máu chung tình về sự thiếu vắng ý thức về lịch sử nước nhà trong dân chúng có lẽ rất gần với điều mà Phan Bội Châu trăn trở.
Nhưng Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử không chỉ tham gia vào sự kiến tạo tinh thần dân tộc chủ nghĩa hồi đầu thế kỷ 20. Tiểu thuyết này thiết nghĩ cũng phải được nhắc đến như một hiện tượng văn học nổi bật tham gia vào quá trình kiến tạo ý niệm về bản sắc Nam bộ, một “cộng đồng được tưởng tượng” khác. Hành động kiến tạo này, trước hết, được nhìn thấy ngay ở lớp phương ngữ Nam bộ dày đặc, với những biến âm mang dấu vết lịch sử trong lời văn, cũng không chỉ ở bối cảnh của cuốn tiểu thuyết – thời Gia Long, qua đó, tác giả không giấu chủ ý suy tôn công trạng những anh hùng, liệt nữ của nhà Nguyễn, triều đại nối tiếp của những bậc tiền nhân có công khai khẩn và chính thống hóa vùng đất mới này trong lịch sử dân tộc.
Sâu xa hơn, bản sắc Nam bộ còn thể hiện ở hình mẫu nhân cách lý tưởng mà cuốn tiểu thuyết này xây dựng. Đó là những con người nghĩa khí, “nam thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu trao mình”. Mẫu nhân cách này, phần nào đó, gợi liên hệ đến những nhân vật trong truyện Tàu – loại truyện được tầng lớp bình dân Nam bộ hồi đầu thế kỷ yêu chuộng, nhưng có lẽ, dấu ấn ảnh hưởng sâu đậm hơn cả đến Giọt máu chung tình là Lục Vân Tiên.
Những phẩm chất của cặp đôi Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà cũng như những biến cố ly kỳ, éo le trong cuộc đời của họ không khỏi làm người đọc liên tưởng đến truyện thơ nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu. Ở khía cạnh này, tiểu thuyết của Tân Dân Tử cũng lại là một dẫn chứng cho thấy bản sắc của một cộng đồng văn hóa được tưởng tượng, được kiến tạo như thế nào.
Ý niệm về dân tộc, hay một cộng đồng văn hóa, cũng thường được thiết lập cùng với quá trình biến một tác phẩm nghệ thuật trở thành điển phạm của dân tộc hay cộng đồng ấy. Phạm Quỳnh đã làm điều này khi nâng Truyện Kiều của Nguyễn Du thành quốc hồn, quốc túy; Tân Dân Tử không lập thuyết, nhưng cách ông tái tạo lại Lục Vân Tiên trong Giọt máu chung tình cũng có thể xem là cách để Lục Vân Tiên được điển phạm hóa và điều này cũng nằm trong nỗ lực khẳng định bản sắc riêng biệt của văn hóa Nam bộ.
Những gì được nói đến trên đây có thể khiến người đọc hôm nay băn khoăn: Vậy Giọt máu chung tình phải chăng chỉ là cuốn sách đáng đọc lại, nên đọc lại đối với giới nghiên cứu, giới sưu tầm tư liệu? Trên thực tế, tôi là người dành mối quan tâm nhiều hơn đến văn hóa đại chúng đương đại.
Có một hiện tượng văn hóa đại chúng nổi lên gần đây làm tôi chú ý là sức thu hút lớn của các chương trình giải trí trên truyền hình khai thác các di sản văn hóa nghệ thuật vốn xuất phát từ Nam bộ như đờn ca tài tử, vọng cổ cải lương, nhạc bolero… Sự hưởng ứng của công chúng đối với những di sản văn hóa tưởng như đã có lúc mai một, thất thế này là điều có thể khiến ta phải suy nghĩ xa hơn.
Không khó để nhận thấy các stereotype (khuôn mẫu) về văn hóa Nam bộ vốn được kiến tạo bằng tưởng tượng lại trở thành điểm nhấn tạo sự hấp dẫn ở những chương trình giải trí này. Tôi đã nghĩ đến sự trở lại của ý thức khẳng định giá trị và sức mạnh văn hóa của miền Nam, vốn từng bị làm` mờ đi bởi nhiều nguyên do. Nhưng khi nghe một thí sinh tuổi đời còn rất trẻ ca bài Võ Đông Sơ trong một cuộc thi vọng cổ trên truyền hình, thực tình, tôi lại thấy có thể nhìn vấn đề giản dị hơn. Chính trong bối cảnh mà nhiều giá trị nền tảng đang bị lung lay, xáo trộn, những tác phẩm khơi dậy ý thức về đạo nghĩa, khí phách, phẩm giá lại dễ tạo được niềm xúc động. Bởi lý do ấy, tôi nghĩ, Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử có cơ hội để công chúng hôm nay yêu quý thêm lần nữa.
Theo Lê Văn Nghĩa & Trần Ngọc Hiếu (báo Thanh Niên)