Trên một chương trình truyền hình, nhạc sĩ Y Vũ một lần nữa nhắc đến bài hát “Tôi Đưa Em Sang Sông” và khẳng định là bài hát của một mình ông sáng tác. Câu chuyện này một lần nữa nhắc đến câu hỏi tranh cãi trong nhiều năm qua chưa có lời kết thoả đáng: Ai mới là người “đưa em sang sông”?

Trong bản nhạc tờ bài Tôi Đưa Em Sang Sông phát hành trước 1975 ghi tên cả 2 nhạc sĩ Y Vũ và Nhật Ngân sáng tác. Còn cả 2 nhạc sĩ này thì lại đều khẳng định rằng chỉ có 1 người họ sáng tác mà thôi. Nay nhạc sĩ Nhật Ngân đã qua đời. Người duy nhất có thẩm quyền để xác minh sự thật là nhạc sĩ Y Vân cũng đã không còn.

Bài viết này xin nhắc lại lời kể của 2 nhạc sĩ Nhật Ngân và Y Vũ về hoàn cảnh sáng tác của bài hát nổi tiếng này.

Nhạc sĩ Nhật Ngân:

Nhạc sĩ Nhật Ngân khẳng định ông đã viết nhạc phẩm đầu tay đầy kỷ niệm vào năm 1960 khi chỉ vào 18 tuổi ở Đà Nẵng, và cũng đã giải thích rõ lý do có thêm tên nhạc sĩ Y Vũ khi phát hành bài nhạc.

Nhạc sĩ Trường Kỳ, một cây bút chuyên viết đời sống và tác phẩm của các văn nghệ sĩ, trong một bài viết vào năm 2000, đã thuật lại nguồn gốc của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông theo lời kể của nhạc sĩ Nhật Ngân, và dưới đây là vài đoạn chính:

Theo lời tâm sự của Nhật Ngân, đáng lẽ ông đã trở thành một nhạc công vĩ cầm như người em họ là Nhật Hiền, nhưng vì gia đình ông quá nghèo, không mua nổi cây đàn cho ông. Do đó, ông đành quyết định thôi học. Vì lòng đam mê âm nhạc và nhất là nhờ ở khả năng thiên phú của mình, Nhật Ngân đã hoàn thành nhạc phẩm đầu tay khi ông mới vừa 18 tuổi vào năm 1960. Ðó là một ca khúc tình cảm mang tên Tôi Đưa Em Sang Sông.

Mặc dù chưa có phương tiện phổ biến rộng rãi trong thời gian đầu, nhưng Tôi Đưa Em Sang Sông đã trở thành một ca khúc được giới học sinh, sinh viên Ðà Nẵng rất ưa thích, chép tay truyền cho nhau hát.

Sau đó Nhật Ngân gửi ca khúc này vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y Vân phổ biến giùm, với sự sửa đổi một vài chữ trong bản nhạc cho hợp với đường lối của Bộ Thông tin lúc đó không cho phép phổ biến những nhạc phẩm ủy mị, ướt át.

Câu hát:

“Rồi thời gian lặng lẽ trôi,
đời tôi là cánh mây trôi bốn phương trời.
Và đời em là cánh hoa thì bao người ước mơ,
đưa đón trông chờ”

được nhạc sĩ Y Vân đổi thành:

“Rồi thời gian lặng lẽ trôi,
đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời.
Mà đời em là ước mơ đẹp muôn ngàn ý thơ,
như ngóng trông chờ”

cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh của đất nước.

Câu kết của bản chính là “Nàng đã thay một lối về, thay cả bàn tay đón đưa” cũng đã được Y Vân đổi thành “Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa”. Sự thay đổi lời ca này đã khiến cho tác giả cảm thấy “hẫng” đi một chút, như lời ông nói, vì không đúng với tâm trạng của mình khi đến lúc đó, chưa hề trải qua đời sống trong quân ngũ.

Hơn nữa, vì tác giả còn là một người chưa có tên tuổi nên cần nhờ tới một nhạc sĩ nổi tiếng đứng chung tên để Tôi Đưa Em Sang Sông đến với quần chúng dễ dàng hơn. Khi được phát hành, Tôi Đưa Em Sang Sông được ký tên bởi hai người là Nhật Ngân và Y Vũ.

Nhạc sĩ Y Vũ:

Thông qua nhiều bài báo, nhạc sĩ Y Vũ cũng từng tâm sự về hoàn cảnh sáng tác của Tôi Đưa Em Sang Sông như sau:

“Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên tại đất Sài Gòn náo nhiệt. Những ngày tháng thơ ngây tại trường trung học có lẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi, bởi ở đó tôi đã để trái tim mình rung động trước cô bạn chung lớp tên Thanh. Tình yêu học trò trong sáng lắm, chỉ cảm nhận qua ánh mắt, nụ cười chứ đâu có dám ngồi gần, dám nắm tay. Những khi tan trường sóng bước bên nhau cũng không biết nói câu gì, chỉ biết… đá cái lon sữa bò khua vang đường phố.

Thanh là con một gia đình khá giả, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ. Còn tôi hồi đó chỉ có chiếc “xế nổ” hiệu Roumie ngày ngày đi học. Mỗi chiều khi thay ba ra trông cây xăng, Thanh lại nhắc tôi ra đổ xăng… chùa. Những ngày tháng đó với tôi thật hạnh phúc, lãng mạn. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, Thanh biến mất khỏi cuộc đời tôi vì một đám cưới ép gả với chàng bác sĩ. Hụt hẫng, chơi vơi, tôi uống chén đắng đầu đời và nếm trải mùi vị của “thất tình”. Tỉnh cơn say vào 2 giờ sáng, tôi ôm guitare và thế là Tôi đưa em sang sông ra đời. Bài hát với giai điệu buồn da diết được coi là tài sản chung cho nhiều chàng trai lâm vào cảnh như tôi thời đó.

Mối tình đầu làm tôi trắng tay, nhưng nỗi bất hạnh ấy đem lại cho tôi xúc cảm để có được hai bài hát tâm đắc. Sau Tôi đưa em sang sông gắn liền với tiếng hát Lệ Thu, ca khúc Ngày Cưới Em lại thành công vang dội: “Hôm nay ngày cưới em, nào men nồng nào hoa thơm, nào môi hồng nào da phấn, khăn áo muôn sắc đua chen…”

Ngoài ra, khi nhạc sĩ Trịnh Hưng còn sống, ông từng là một ký giả ở hải ngoại. Nhạc sĩ Y Vũ tâm sự với Trịnh Hưng trong 1 bài báo như sau:

”Đó là nhạc ghi lại mối tình đầu của em. Dạo đó, em còn là học sinh trung học tư thục Hàn Thuyên ở phố Cao Thắng, gần nhà và lớp nhạc của anh, yêu một nữ sinh cùng lớp tên Thanh. Đó là mối tình học trò, trong trắng. Tình yêu chúng em chỉ cảm nhận qua ánh mắt trao đổi, chứ chưa một lần nắm tay nhau. Nhà nàng giàu sang, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ, còn em thì nghèo, chỉ có chiếc xe gắn máy hiệu Bromic do anh Y Vân mua cho. Nàng dặn em, mỗi ngày cứ vào buổi chiều, canh đúng giờ nàng ra thay thế cho cha mẹ nàng về nhà nghỉ ngơi, thì tới để nàng đổ đầy bình xăng cho, không phải trả tiền. Và cứ thế, rồi bẵng đi một tuần không thấy Thanh đi học và ra cây xăng. Em nhớ Thanh quá, mới lấy hết can đảm tới nhà nàng, hỏi thăm cô em gái nàng, thì được biết mấy hôm nay nhà bận rộn vì phải tiếp nhận lễ hỏi cưới chị Thanh, do cha mẹ gả cho một ông bác sĩ lớn tuổi”.

Có thể thấy câu chuyện hoàn cảnh sáng tác này của hai nhạc sĩ đối với bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông hoàn toàn khác nhau. Sự thật thì chỉ có 1 duy nhất, nên trong 2 người nhạc sĩ đáng kính này, đáng buồn là chắc chắn có 1 người nói không đúng sự thật.

Đúng sai như thế nào, xin để bạn đọc tự suy xét.

nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here