Nếu có một bài hát nào vận vào cuộc đời tác giả sáng tác như là một định mệnh, một cách rõ rệt nhất, phải nói đến trường hợp nhạc sĩ Trúc Phương và ca khúc “Thói Đời”.

Trong một lần trò chuyện với nhạc sĩ Tuấn Khanh, ông đã nói với tôi rằng trong nhạc của ông, dù là ca khúc buồn hay vui, ông đều chủ ý thêm vào đoạn cuối một kết thúc có hậu, không hề có những bi quan nào trong bài hát của Tuấn Khanh. Cho dù nội dung bài hát có là chia xa như Chiếc Lá Cuối Cùng, ông vẫn hy vọng “một chiều xuân thơ trinh” để đôi tình nhân tái hợp trở lại, hoặc là một hát đầy những nỗi niềm ưu tư như bài Nỗi Niềm, cái kết vẫn là viên mãn: “Giờ thì đôi tay đan tay quấn quít…”. Nhạc của Tuấn Khanh luôn chan chứa những lạc quan, tin yêu cuộc sống: “Xin yêu thương đến đôi bạn hiền để xóa hết cô đơn” (Mùa Xuân Đầu Tiên), “Tình ta lên hương ngát như hương hoa soan vàng bên thềm” (Hoa Soan Bên Thềm Cũ).

Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói rằng có thể nhờ những niềm lạc quan trong bài hát đó mà cuộc đời của ông luôn được suôn sẻ cho đến hiện nay, khi ở tuổi 87 ông vẫn khỏe mạnh, tự lái xe được hàng ngày, đi đến được những nơi ông muốn.

Tuấn Khanh nói thêm, nhạc sĩ Lam Phương viết nhạc rất hay, nhưng những bài hát của Lam Phương thường là kết thúc buồn, giống như kết cuộc “Một Mình” của chính tác giả vào những năm tháng sau này.

Tương tự là nhạc sĩ Trúc Phương, người đã sáng tác một “bi thảm khúc” với đầy những bi quan về cuộc sống là Thói Đời, trở thành một tác phẩm bất tử, để rồi những gì mà trong bài hát nhắc đến đều đúng với cuộc sống Trúc Phương sau này.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói: Cuộc đời của nhạc sĩ sẽ rất dễ bị buồn bã giống như những gì họ đã viết ra.

Có lẽ nhạc sĩ Trúc Phương là một điển hình như vậy (?)

Bài hát “Thói Đời” được ca sĩ Hương Lan thu âm đầu tiên trong dĩa nhựa của Dĩa hát Việt Nam, sau đó là tiếng hát Chế Linh trong băng nhạc Chế Linh 1, Giang Tử trong chương trình nhạc Anh Việt Thu và Phương Hồng Quế trong băng nhạc Tuấn Khanh 2, đều vào thời gian trước năm 1975.

Đến nay, bài hát Thói Đời vẫn được rất nhiều người yêu thích, có lẽ ca khúc này chính là sự soi rọi trung thực nhất của tình đời và tình người trong xã hội cả xưa và nay. Thời nào thì cũng đều có: “giàu sang quên kẻ tâm giao…”

Đường thương đau đày ải nhân gian
Ai chưa qua chưa phải là người

Trông thói đời cười ra nước mắt:
Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu
Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao,
còn gian dối cho nhau.

Người yêu ta rồi cũng xa ta
Nên chung thân ta giận cuộc đời

Đôi mắt nào từng đêm buốt giá
Bên chiếu chăn tình xa nhịp thở
Tiền đổi thay khi rũ cơn mê
Để chua xót trên bước về.

Rượu trần ai gội niềm cay đắng
Những suy tư in đậm đường hằn
Mình còn ai đâu để vui
Khi trót sa vũng lầy nhân thế
Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi.

Bạn quên ta tình cũng quên ta
Nên chân đêm thui thủi một mình
Soi bóng đời bằng gương vỡ nát
Nghe xót xa ngùi lên tròng mắt

Đoạn buồn xa ta đã đi qua
Ngày vui tới, ta vẫn chờ.

Theo một bài viết chưa được xác tín trên mạng thì nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác bài “Thói Đời” sau khi ông chia tay vợ của ông. Lúc đó, người ta thường thấy ông ở trong quán rượu trên đường Tô Hiến Thành gần nhà của ông. Trong hoàn cảnh buồn như vậy nên nhạc sĩ Trúc Phương đã mượn rượu để giải sầu. Không ngờ bài hát được sáng tác trong thời điểm chán nản, bi quan này đã trở thành lời tiên tri cho suốt cuộc đời đau khổ của nhạc sĩ Trúc Phương vào thời gian sau đó.

Trong bài hát này có 1 cụm từ Trúc Phương sử dụng tương đối lạ, khiến cho nhiều ca sĩ trẻ không hiểu và hát sai, đó là “Cỏ ưu tư”.

Thực ra phải nói là “cỏ tương tư”, tức “tương tư thảo”, là tên gọi văn hoa của thuốc lá. Khi những người đang yêu nhau, nhớ nhau và hẹn hò thì châm điếu thuốc thả khói mơ màng, nhìn rất thơ mộng và nghệ sĩ. Nhưng đối với Trúc Phương trong “Thói Đời” thì điếu thuốc lá “cỏ tương tư” lại biến thành ra “cỏ ưu tư”, làm cho đôi môi trở nên màu xám xịt qua những nỗi đau thương ngập tràn. Những giọt rượu nồng của cõi “trần ai” này lại càng gợi thêm “niềm cay đắng” để cho nỗi ưu tư “in đậm đường hằn” và ông đã than thở “mình còn ai đâu để vui? khi trót sa vũng lầy nhân thế”.

Trong 2 phiên khúc đầu của bài hát “Thói Đời”, nhạc sĩ Trúc Phương nói về chân lý cuộc sống:

“Đường thương đau đày ải nhân gian,
ai chưa qua chưa phải là người”.

Sống trên đời thì bất kỳ ai cũng đều sẽ gặp những khó khăn trắc trở, nếu chưa vượt qua được những thương đau đó thì chưa thể trưởng thành. Thêm vào đó, những gian dối, lọc lừa và phản bội của con người là những chướng ngại thường tình của con người trên hành trình cuộc sống, được nhạc sĩ Trúc Phương nhắc đến:

“Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu,
giờ giàu sang quên kẻ tâm giao.
Còn gian dối cho nhau”.

Đó là những sự thật chua chát về “tình đời”, còn “tình người” thì cũng buồn không kém:

“Người yêu ta rồi cũng xa ta,
nên chung thân ta giận cuộc đời.
Đôi mắt nào từng đêm buốt giá,
bên chiếu chăn tình xa nhịp thở.

Tiền đổi tay khi rủ cơn mê,
để chua xót trên bước về”.

Trong đoạn phiên khúc cuối cùng, người nghe như thấy được cả một sự đau thương cho cuộc đời của tác giả:

“Bạn quên ta tình cũng quên ta,
nên chân đêm thui thủi một mình”

“soi bóng đời bằng gương vỡ nát”.

Trong một bài hát đầy những lời ca thán, bi quan về cuộc đời nhiều cay đắng như vậy, nhưng ở đoạn cuối, nhạc sĩ vẫn giữ lại một chút lạc quan về tương lai:

Đoạn buồn xa ta đã đi qua
Ngày vui tới, ta vẫn chờ…

Sự lạc quan hy vọng nhỏ nhoi đó cũng từng được ông giãi bày trong một lần được trung tâm Asia phỏng vấn sau những tháng ngày cực khổ đã trải qua:

“Tôi sống những ngày bi đát. Lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn. Tôi nghĩ là thôi, còn sống cho tới bây giờ thì đó cũng là chất liệu để tôi viết bài sau này nếu tôi còn viết được nữa”.

Đặc biệt hơn, đối với nhạc sĩ Trúc Phương thì niềm hạnh phúc duy nhất của ông là từ khán thính giả, những người yêu thương ông và dòng nhạc của ông. Ông bày tỏ như sau:

“Tôi không có hạnh phúc nào của riêng tôi. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là từ khán thính giả và những người hâm mộ, cho tôi hạnh phúc rất lớn và khích lệ tôi để tôi viết tiếp.”

“Tôi rất trân trọng, cảm ơn tất cả mọi người, những người yêu mến tôi, tác phẩm của tôi đã khích lệ tôi có sự nghiệp như bây giờ”.

Nhạc sĩ Trúc Phương đã một lần xuất hiện, trở thành một tên tuổi sáng chói của dòng nhạc vàng với một gia tài đồ sộ các ca khúc bolero để lại cho đời. Trong đó “Thói Đời” là một trong những bài hát nổi tiếng nhất của ông. Đây không phải là một bài hát đơn thuần chỉ là sự bi quan yếm thế như nhiều người nhận xét, nếu nhìn từ một góc nhìn khác, đây là sự nhận diện về tình đời, tình người. Xét cho cùng thì cuộc đời thật ngắn ngủi, bài hát khuyên người ta sống chân tình với nhau hơn, để đường đời không còn là “đường thương đau”.

Bài hát Thói Đời được hát rất nhiều sau năm 75 cả ở trong nước lẫn hải ngoại, tuy nhiên các ca sĩ trẻ hát sai lời rất nhiều so với lời gốc:

Hát sai: TRONG thói đời cười ra nước mắt
Lời gốc: TRÔNG thói đời cười ra nước mắt

Hát sai: TÌNH đổi THAY khi rũ cơn mê
Lời gốc: TIỀN đổi TAY khi rũ cơn mê

Hát sai: Những suy tư in đậm đường TRẦN
Lời gốc: Những suy tư in đậm đường HẰN

Hát sai: Nên TRẮNG đêm thui thủi một mình
Lời gốc: Nên CHÂN đêm thui thủi một mình

Hát sai: soi bóng MÌNH bằng gương vỡ nát
Lời gốc: soi bóng ĐỜI bằng gương vỡ nát

Hát sai: Nghe xót xa NGỜI lên tròng mắt
Hát sai: Nghe xót xa NGÙI lên tròng mắt

Sau khi nghe lại tất cả các bản thu âm sau năm 1975, người viết nhận thấy chỉ có số ít ca sĩ hát đúng 100% lời gốc. Nhiều ca sĩ trẻ đã hát sai câu TIỀN đổi TAYkhi rũ cơn mê, khi đổi thành: TÌNH đổi THAY khi rũ cơn mê.

Bài: Trần Tuệ Minh Hiếu – Đông Kha 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here