Nhìn lại dòng nhạc vàng Việt Nam, dễ thấy đa số bài hát nổi tiếng nhất và được yêu mến nhiều nhất đều là những bài hát buồn, thất tình, dang dở.

Điều này có lẽ cũng không có gì khó hiểu, vì khi bị buồn tình thì nhạc sĩ mới có tâm trạng để viết nhạc, rồi niềm đau tình đó thấu vào cả những bài tình ca, nên bài hát có được niềm xúc cảm dạt dào, được công chúng đón nhận.

Trong số các nhạc phẩm thất tình nổi tiếng đó, không thể không nhắc đến “Vùng Trời Xanh Kỷ Niệm” của nhạc sĩ Thục Chương (Sau này có nhiều người ghi sai tên bài hát thành Màu Xanh Kỷ Niệm). Trước năm 1975, bài hát được Chế Linh hát đầu tiên trong dĩa nhựa Dư Âm năm 1970, sau đó Giao Linh có hát lại trong băng Nguyên Thảo 3.

Chuyện ngày xưa có hai đứa mình
Anh với em đi trong lòng đời, buồn vui có đôi
Áo em xanh màu trời mật tình yêu thắm ngọt trên môi
Đường quen lối nhớ khôn nguôi

Rồi thời gian bước qua lối này
Ta bỏ đi
Trên vai lạnh đầy, hành trang trắng tay
Trắng tay xuôi ngại ngùng vì đời nên trả lại cho em
Tình yêu đó một thuở êm đềm

Đêm từng đêm, lửa tình yêu đốt cháy trong tim
Tuổi vào yêu biết nẻo đâu tìm
Vùng trời xanh mang niềm thương nỗi nhớ
Lối yêu xưa mòn gót chân quen

Giờ còn xanh kỷ niệm thuở nào
Nhưng lối quen chân nghe lạ lạ, còn ta với ta
Áo xanh xưa nhạt nhòa cuộc tình ta cũng đã đi qua
Còn chăng nữa mòn gót chân tìm.

Cái tên Thục Chương trong phần nhạc sĩ sáng tác bài này, hiện nay vẫn là một nghi vấn, không rõ là bút hiệu của ai. Nhiều nơi ghi đây là bút danh của nhạc sĩ Hàn Châu, Vinh Sử, tuy nhiên một số khác thì quả quyết đây là một bút danh khác của nhạc sĩ Trúc Phương.

Trong chương trình Vân Sơn số 26, chủ đề “Nắng Lạ” có bài hát “Vùng Trời Xanh Kỷ Niệm” do danh ca Chế Linh trình bày. Lúc giới thiệu tiết mục, người dẫn chương trình nói rõ là ca khúc này do nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác với bút danh Thục Chương. Nếu thật sự đúng là như vậy thì đây chính là bài hát duy nhất được ghi nhận khi nhạc sĩ Trúc Phương sử dụng một bút danh khác với cái tên quen thuộc của ông.

Ngoài ra, những người yêu thích dòng nhạc Trúc Phương dễ dàng nhận thấy nội dung bài hát này rất gần gũi với nhạc phẩm nổi tiếng “Con Đường Mang Tên Em”.

Mở đầu bài hát, người nghe đã thấy được một khung trời thơ mộng ngày xưa:

“Chuyện ngày xưa có hai đứa mình.
Anh với em, đi trong lòng đời, buồn vui có đôi,
áo em xanh màu trời mật tình yêu thắm ngọt trên môi,
đường quen lối nhớ khôn nguôi”.

Chỉ với 2 câu hát đầu tiên, người nghe đã thấy được sự hạnh phúc của buổi đầu mới yêu. Màu xanh của áo, của vùng trời, đó là một màu xanh ngập tràn hy vọng của đôi lứa yêu nhau.

Nhưng rồi cuộc vui nào cũng tàn, đường đời ở thời ly loạn không cho người ta được trọn vẹn như nguyện ước. Mối tình trong bài hát này cũng không ngoại lệ:

“Rồi thời gian bước qua lối này.
Ta bỏ đi
trên vai lạnh đầy, hành trang trắng tay,
trắng tay xui ngại ngùng vì đời nên trả lại cho em
tình yêu đó một thuở êm đềm”

Có thể thấy đoạn nhạc này có sự tương tự với lời trong bài hát “Con Đường Mang Tên Em”:

“Rồi thời gian qua lối này, khi tay trắng tay.
Buồn vác lên vai, hàn trang đường dài
vì đời nên giả mắt giai nhân cho đời”.

Phải chia xa trong lúc đang yêu thương vô bờ thì mấy ai mà không đau khổ. Trong những lúc đó, có lẽ nỗi nhớ dâng ngập đến tràn đầy, nhạc sĩ viết tiếp:

“Đêm từng đêm, lửa tình yêu ngút cháy trong tim.
Tuổi vào yêu biết nẻo đâu tìm.
Vùng trời xanh mang niềm thương nỗi nhớ,
lối yêu đương hằn vết chân qua”.

Nỗi nhớ này cũng da diết không khác gì nỗi nhớ trong “Con Đường Mang Tên Em”: “Nghe buốt giá lúc nửa đêm nhớ đêm lửa ngun ngút lúc gọi yêu về tim”.

Thời gian cũng trôi qua, những kỷ niệm ngày xưa trờ thành quá vãng. Nhưng có lẽ đúng như lời thi sĩ Hồ Dzếnh mô tả trong câu thơ bất hủ: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Những dở dang ấy làm cho người ta có nỗi nhớ không nguôi về những kỷ niệm đẹp ở lưng chừng của ngày xưa.

“Giờ còn xanh kỷ niệm thuở nào,
nhưng lối quen chân nghe là lạ, còn ta với ta.
Áo xanh xưa nhạt nhòa, cuộc tình xưa cũng đã đi qua,
còn chăng nữa mòn gót chân tìm”.

Mọi việc đã trôi vào quá khứ nhưng có lẽ vùng trời kỷ niệm vẫn còn đó vì đâu dễ dàng gì quên được người xưa. Đành là vậy nhưng giờ có đi tìm đến mòn gót thì cũng chẳng biết tìm đâu.

Đoạn cuối này người nghe cũng có thể thấy nét gần giống với phiên khúc cuối của “Con Đường Mang Tên Em”:

“Đường chẳng riêng hai chúng mình,
nên khi vắng anh đường đã thay tên,
còn chăng kỷ niệm lạnh đầy theo tiếng bước ưu tư đi tìm”.

Từng lời ca của bài hát đều rất tha thiết, dễ đi vào lòng người, làm cho người nghe như trở lại vùng trời thơ mộng ngày cũ. Dù là chia ly, không trọn vẹn, nhưng có lẽ cũng vì vậy mà suốt đời mang theo.

Sự giống nhau một cách kỳ lạ giữa Con Đường Mang Tên Em Vùng Trời Xanh Kỷ Niệm, giống đến từng từ ngữ (sẽ được liệt kê ở bên dưới) làm cho nhiều người quả quyết rằng Thục Chương là Trúc Phương. Về thời điểm sáng tác, có thể chắc chắn rằng bài Con Đường Mang Tên Em được viết trước (vào thập niên 1960, nhạc tờ bài này được phát hành năm 1964), còn Vùng Trời Xanh Kỷ Niệm viết sau, được ca sĩ Chế Linh thu âm lần đầu vào đĩa nhựa 45 vòng của hãng đĩa Dư Âm năm 1970. Nhạc tờ của bài hát cũng được phát hành trong cùng năm 1970. Trong đĩa nhạc Dư Âm này còn có một bài hát khác do Phương Hồng Quế trình bày được ký tên Thục Chương, đó là bài Vùng Lạ Mặt.

Tuy nhiên nếu suy xét theo một góc nhìn khác, thì ít nhạc sĩ nào lại tự viết một bài hát giống với bài hát trước đó của chính mình như vậy. Cũng có thể Thục Chương là một nhạc sĩ nào đó vì mến mộ Trúc Phương nên đã “họa” lại bài hát Con Đường Mang Tên Em bằng nhạc phẩm Vùng Trời Xanh Kỷ Niệm?

Dù sao đó cũng là những suy đoán, trước khi có bằng chứng khẳng định nhạc sĩ Thục Chương thật sự là ai.

Trần Tuệ Minh Hiếu – Đông Kha (ghi rõ nguồn nhacxua.vn khi copy bài viết)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here