Vào thập niên 70, lần đầu nghe khúc mở đầu của bài hát Bao Giờ Biết Tương Tư: “Ngày nào cho tôi biết, biết yêu em rồi, tôi biết tương tư…”, tôi đã bị cuốn hút bởi giai đệu diết da của nhạc phẩm, sau này mới biết đây là ca khúc chung của hai nhạc sĩ Ngọc Chánh và Phạm Duy.
Theo nhạc sĩ Ngọc Chánh, nhạc phẩm Bao Giờ Biết Tương Tư ban đầu là bản nhạc nền của ông viết cho phim Điệu Ru Nước Mắt, cũng là tác phẩm của nhà văn Duyên Anh. Câu chuyện tình thơ mộng của một chàng trùm du đãng Đại Cathay đã là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ. Sau khi cuốn phim trình chiếu thành công, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã nhờ nhạc sĩ Phạm Duy soạn lời ca cho đoạn nhạc phim ông đã viết, và ca khúc Bao Giờ Biết Tương Tư từ đó ra đời.
Bài hát này được công chúng đón nhận nồng nhiệt ngay lập tức, nhất là giới sinh viên học sinh. Hồi đó tôi là chàng trai mới lớn, tâm hồn mở rộng đam mê đón những luồng gió lãng mạn đa chiều từ văn học và âm nhạc. Ca khúc Bao Giờ Biết Tương Tư là một làn gió mới với dòng ca từ mới chuyển tải niềm ưu tư trăn trở cho tình yêu cuộc sống, bằng những lời ca thiết tha, không ủy mị sầu bi.
Ngày nào cho tôi biết,
Biết yêu em rồi tôi biết tương tư
Ngày nào biết mong chờ,
Biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa…
Nỗi tương tư của chàng trai mới bước vào đường yêu, đẹp như những câu thơ của Huy Cận: “Một hôm trận gió tình yêu lại, đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư”. Mở đầu ca khúc là những lời ca đưa người nghe vào một chuyện tình đầy lãng mạn. Chàng trai ban đầu biết tương tư rồi mới biết mong chờ “rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa”.
Có thể sẽ có không ít người bắt gặp lại hình ảnh của mình vào một thời ngây dại qua câu hát: “buồn vui đợi em dưới mưa”. Đây phải chăng là hình ảnh thường gặp của các chàng trai Sài Gòn thời ấy, có khi là không hò không hẹn với ai cả, chỉ một mình vu vơ “buồn vui” đợi chờ, nhìn thấy dáng em tan học thấp thoáng đi về, cũng đủ làm cho “rộn rã” lòng người.
Ôi biết đem tin này,
Vắng như lòng giấy, tình yêu lấp đầy
Rồi biết quên câu cười,
Biết cho đôi dòng lệ rơi.
Khi biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa là khi biết đem tâm tình này vắng tanh như lòng giấy trắng, để chờ tình yêu đến lấp đầy trên tâm trạng mang đầy hoang vắng, tưởng như đời hoang vu nếu thiếu tiếng cười của em. “Biết quên câu cười” và “biết cho đôi dòng lệ rơi” là tâm trạng vui buồn của một kẻ đang ôm mối tương tư.
Tình yêu đã trở lại,
Đôi mắt đêm ngày vơi hết đọa đầy
Tà áo em phơi bày,
Ngón tay em dài, tiếng yêu không lời.
Tình yêu làm thăng hoa cho cuộc sống, đã đem đến cho chàng trai vơi đi nỗi phiền lụy của cuộc đời. Tình yêu là “đôi mắt đêm ngày” cứu rỗi cho chàng trai “vơi hết đọa đầy”.
Tà áo trong văn chương thường chỉ về tà áo dài Việt Nam: “Tà áo em phơi bầy” đem lại nhiều nghĩa tượng hình cho hình ảnh sang trọng, kín đáo của phụ nữ. Tà áo dài đã được đi vào các tác phẩm thi nhạc nhưng chưa có ai diễn tả là “tà áo em phơi bày” như trong nhạc phẩm này. Hình dáng em bước đi bên đời với tà áo phơi bày tinh khôi vẫn thấp thoáng trong từng giấc mơ anh ngỡ ngàng. “Ngón tay em dài, tiếng yêu không lời” như là câu thơ ẩn dụ về nét đẹp dịu dàng của người con gái, khiến cho tình yêu trở nên “vô ngôn”” không thốt nên lời, không lời nào bày tỏ được.
Ngày nào lòng tôi đã
Biết vui biết buồn, ôm mối tương tư
Ngày nào cánh thiên đường
Đã mở hé tình yêu là trái táo thơm.
Tình yêu nào cũng có vui và buồn, là tâm trạng của những người mang “bệnh tương tư” như thi sĩ Nguyễn Bính hóm hỉnh cho “tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. Tâm trạng ôm mối tương tư sẽ buồn ít hơn vui khi “Ngày nào cánh thiên đường đã mở hé tình yêu là trái táo thơm”. Khi tình yêu đã chắp cánh cho đôi lứa đến một nơi thần tiên hạnh phúc, để có thêm một định nghĩa cho tình yêu là trái táo thơm!
Tôi ghé răng cắn vào
Miệng môi ngọt đắng, tình yêu cuối đường
Là trối trăng cuối cùng,
Giấc mơ não nùng vợi tan…
Một lần ghé răng căn vào trái táo thơm tình yêu nhiều mê hoặc, để biết rằng tình yêu không chỉ là ngọt ngào mà còn pha lẫn vị đắng cay, có phải chàng trai đã dự cảm được tình yêu của mình sau này không được tròn đầy mong ước…
“Là trối trăng cuối cùng. Giấc mơ não nùng vợi tan…” – Những câu ẩn ý đượm buồn, đem đến cho người thưởng thức man mác ý nghĩa tương tự như câu “Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn” của nhạc sĩ Trúc Phương.
Khác với cách giải bày kể chuyện tình lê thê của nhiều nhạc phẩm đương thời, ca khúc Bao Giờ Biết Tương Tư có nhiều ca từ cô đọng ý nghĩa, đã được nhiều người yêu thích vì tựa đề cũng như những lời hát đẹp như lời thơ, ẩn chứa nhiều chân tình của chàng trai “rộn rã đợi em dưới mưa”. Những hình ảnh lãng mạn và ý tình ngợi ca tình yêu trong ca khúc, đã đem lại ý niệm về “Tình yêu là trái táo thơm” cho phần nhiều giới yêu nhạc thời bấy giờ.
Nhạc sĩ Ngọc Chánh cho biết ngay khi hoàn thành ca khúc này, ông nghĩ ngay đến Anh Khoa và đưa cho ca sĩ này hát trong băng Shotguns. Cho đến nay, khi nhắc đến Bao Giờ Biết Tương Tư, công chúng vẫn luôn nhớ đến giọng ca ngọt ngào và nhẹ nhàng của Anh Khoa:
Bài: TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN (nhacvangbolero.com)