Nhạc sĩ Song Ngọc được sinh ra ở Long Xuyên – An Giang năm 1943, đến tuổi đôi mươi thì nhập ngũ. Từ đó ông vừa sáng tác vừa phục vụ ngành tâm lý chiến cho đến năm 1975 sang tị nạn ở Hoa Kỳ. Như vậy, từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời năm 2018, nhạc sĩ Song Ngọc chưa từng một lần nào đặt chân đến quá vĩ tuyến 17, không biết đến Hà Nội như thế nào, nhưng ông vẫn sáng tác được ca khúc Hà Nội Ngày Tháng Cũ làm xúc động hàng triệu con tim, đặc biệt là những người đã từng gắn bó với Hà Nội vào những ngày tháng cũ, và những người đã rời xa Hà Nội từ giữa thập niên 1950.
Hà Nội ngày tháng cũ
Có bóng trăng thơ in trên mặt hồ
Hà Nội ngày tháng cũ
Có tiếng oanh ca bên bờ tường vi
Hà Nội ngày tháng cũ
Có dáng em tôi áo trắng nghiêng nghiêng đường chiều
Tiếng guốc lưa thưa lao xao khua trên vỉa hè
Mùa thu theo gió heo may…
Cho dù thời gian có qua đi bao nhiêu lâu, thì với riêng Hà Nội, hình như là những gì tinh túy nhất đều nằm lại ở những ngày tháng cũ. Ở đó có một Hà Nội cổ kính mang hơi thở nghìn năm của các bậc quân vương, có những con người thanh lịch và nhã nhặn, những phố phường thoáng đãng bao quanh mặt hồ thơ mộng với bóng trăng soi trong những canh khuya yên bình.
Hà Nội ngày tháng cũ còn có bóng dáng những cô tiểu thơ Hà thành duyên dáng. Nhớ sao là nhớ tiếng guốc của người yêu lao xao giữa những chiều chung đôi trong thoảng gió heo may, là âm vang kỷ niệm đã khua động hoài giấc mơ của người đi viễn xứ, cho dù đã bao nhiêu tháng ngày đã trôi xa.
Hà Nội, người có nhớ
Tháp Bút chơ vơ liễu xanh vật vờ
Hà Nội, người có nhớ
Hương lan vương vương bên hồ Thuyền Quang
Dù chưa bao giờ đến Hà Nội, hoặc chỉ được dạo quanh Hà Nội qua tranh ảnh hoặc qua lời kể của bạn bè, mà nhạc sĩ Song Ngọc đã mô tả được hình ảnh tuyệt đẹp của Tháp Bút chơ vơ bên hồ Gươm với những liễu xanh rũ bóng, hay là mùi hương của ngọc lan vương vương bên hồ Thuyền Quang. Nhiều người cũng ngạc nhiên khi nhạc sĩ đã dùng chữ Thuyền Quang, chứ không gọi tên chính thức Thiền Quang (ánh đạo sáng), vì chỉ có những người Hà Nội xa xưa mới gọi tên là “Thuyền Quang” như vậy.
Hà Nội, người có nhớ
Chiếc áo xanh lam thơ ngây cô em học trò
Áo trắng Tây Sơn, Trưng Vương, em tan trường về
Đường qua nẻo phố hẹn hò…
Ở Hà Nội xưa có nhưng tên trường quen thuộc mà nay không còn, là Tây Sơn, Trưng Vương, Tân Trào, mỗi lúc tan trường sẽ thấy rợp trời áo trắng tung bay làm nao lòng người.
Ai ra đi mà không nhớ về Trường Thi ngày ấy ta bên nhau
Ai ra đi mà không nhớ về Hồ Gươm mù bóng gương xưa
Nhớ Hàng Bạc, nhớ qua Hàng Đào
Nhớ cơn mưa phùn bay ngang thành phố
Bên em cùng đội mưa mà đi
Đội mưa mà đi, mà đi…
Nhắc đến Hà Nội ngày tháng cũ, làm sao có thể không nhắc đến phố cổ với những Trường Thi, Hàng Bạc, Hàng Đào… Một nhà nghiên cứu nước ngoài từng nói rằng: “Nếu bạn đang đi tìm cái cốt lõi, tinh túy, trái tim của Hà Nội, bạn sẽ tìm thấy nó ở khu phố cổ”.
Trải qua bao thời gian, những ngôi nhà nhỏ lô nhô với mái ngói âm dương đã thổn thức trong ký ức của biết bao thế hệ người Hà Nội. Ở đó là những nếp nhà, những cốt cách riêng, những phố Hàng luôn ở trong tâm tưởng của những người Hà Nội dù nhiều năm xa cách. Đó là Hàng Bạc, Hàng Đào…, nhớ cả những cơn mưa phùn đặc trưng ở Hà Nội giăng ngang thành phố, nhớ bóng dáng đôi tình nhân năm xưa đội dưới mưa phùn để đi bên nhau mà lòng thấy ấm áp và rạo rực của yêu đương thuở ban đầu.
Cách mà nhạc sĩ Song Ngọc dùng chữ “Trường Thi” cũng làm nhiều người cảm thấy thú vị, vì đó là tên gọi chính gốc, nguyên thủy. Đó là con phố dài chưa đếm 1 cây số nằm trong trục chính của Hà Nội, nơi ngày xưa đã tổ chức những cuộc thi Hương cho các tử sĩ đến từ các tỉnh từ Thanh Hóa trở lên, nên được gọi là Trường Thi. Tuy nhiên sau này lại bị gọi trại đi thành Tràng Thi, có lẽ là do cách phát âm.
Hà Nội ngày tháng cũ
Mãi mãi theo tôi trôi trên biển đời
Hà Nội ngày tháng cũ
Như mây như mưa trong cuộc tình tôi
Hà Nội còn sống mãi
Chiếc áo xanh lam, áo trắng nghiêng nghiêng mặt hồ
Chiếc lá cô đơn lang thang trôi trên vỉa hè
Dù đường xưa vắng ai chờ.
Dù thời gian có qua bao lâu, dù có phải lênh đênh trên biển đời nhiều giông bão, thì người Hà Nội vẫn luôn mang theo bóng hình của một Hà Nội những ngày tháng cũ, những kỷ niệm xưa trong nhiều giấc mơ êm đềm nhớ về cố xứ. Sẽ còn sống mãi những hình ảnh của người yêu áo trắng, áo lam nghiêng bên mặt hồ, nhớ những chiếc lá lang thang trôi trên vỉa hè trong từng chiều hẹn hò, cho dù giờ đây đường xưa đã không còn bóng ai đứng chờ nữa…
Ca khúc Hà Nội Ngày Tháng Cũ đã được nhiều ca sĩ hát, nhưng có lẽ thành công nhất là Sĩ Phú, là một người Hà Nội xưa, người đã gắn bó 10 năm với Hà Nội một thời tinh hoa, trước khi phải “trôi trên biển đời” năm 1954 vào Nam. Chính vì vậy, cảm xúc mà danh ca Sĩ Phú đưa vào bài hát này, chắc chắn là cảm xúc thật. Mời các bạn nghe lại:
Click để nghe Sĩ Phú hát
Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com