Ca khúc Kẻ Ở Miền Xa là bài nhạc vàng, nhạc lính nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Phương. Nhạc của Trúc Phương thường mang giai điệu đặc trưng, buồn và ray rứt, chứa đựng ưu tư trước thời cuộc và buồn phiền trước mối tình dang dở trái ngang trong đời. Trong đó, ca khúc Kẻ Ở Miền Xa có nội dung đặc biệt, lột tả sự “trần trụi” trong đời sống của những người lính trận ở miền xa. Khi đó, người lính rũ bỏ lớp áo kiêu hùng thể hiện phần “người” một cách rõ nét nhất so các ca khúc nhạc lính khác. Dường như đây là khía cạnh mà các nhạc sĩ ít nhắc đến, hoặc không muốn nói ra:
Tôi ở miền xa,
Trời quen đất lạ
Nhiều đông lắm hạ,
Nối tiếp đi qua
Thiếu bóng đàn bà
Đời không dám tới
Đành viết cho tôi,
nhạc tình sao lắm lời…
Trời thì ở đâu cũng vậy, nhưng ở miền xa này thì đất là khác, và “nhiều Đông lắm Hạ” đi qua thể hiện nỗi gian khổ nhọc nhằn nơi đầu tuyến. Mùa Xuân là mùa của hy vọng, mùa Thu là mùa của sự lãng mạn, chỉ có Hạ thì khô cằn, Đông thì lạnh lẽo nối tiếp đi qua nơi vùng đất luôn luôn nồng nặc mùi tử khí, đặc biệt là thiếu bóng dáng nữ nhân.
Ca khúc này mang nội dung có phần tương đồng với Rừng Lá Thấp của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Dường như tác giả thể hiện sự ngao ngán trước những bài nhạc tình “lắm lời” chỉ mang những lời yêu thương phù phiếm, trùm vào người lính những sáo ngữ không đúng với thực chất: Đời không dám tới, đành viết cho tôi nhạc tình sao lắm lời…
Click vào hình để nghe Duy Khánh hát (trước 75)
Đơn vị thường khi nằm trên đất giặc
Thèm trong hãi hùng tiếng hát môi em
Tiếng hát ngọt mềm
Người nâng lính khổ
Viết bởi câu ca
Vì tiền hay thiết tha…
Những gian khổ có thật, rất hãi hùng, được thể hiện chỉ bằng một câu hát mang ý nhẹ nhàng, ngắn gọn: đơn vị đóng trên đất của giặc chiếm. Người lính luôn trong nỗi lo lắng tột cùng, chợt thèm một tiếng hát ngọt mềm bên tai, có thể đó là từ những người ca sĩ chấp nhận băng mình ra nơi trận địa để hát trực tiếp cho chiến sĩ nghe. Đó là tiếng hát thực sự thiết tha, chứ không cần những lời hát được cất lên vì danh lợi. Cũng giống như Trần Thiện Thanh, nhạc sĩ Trúc Phương lên án những lời hát vì đồng tiền chứ không phải thực sự “yêu anh lính khổ xa nhà”.
Hãy yêu lính bằng hình hài đối diện, chứ không phải là bằng lời chót lưỡi đầu môi:
Xin đối diện một lần bên tôi
Cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi
Đến với tôi, hãy đến với tôi
Đừng yêu lính bằng lời…
Click vào hình để nghe Chế Linh hát (sau năm 75)
Hình tượng người lính trong nhạc Trúc Phương không cao cả, lung linh như nhiều bài nhạc lính khác, nhưng lại nhận được rất nhiều sự yêu thích của chính những người lính trận. Đó là vì người lính thực sự không cần những phù phiếm tô vẽ đời mình, mà người lính thích những ca khúc nói được thay lời tâm sự của họ. Qua đó, người đời – là những công chúng yêu nhạc – có thể thêm yêu và thêm hiểu những gian khổ của người lính, thêm cảm kích những hy sinh của người nơi đầu tuyến bảo vệ sự an nguy của dân lành.
Yên Linh
Nguồn: nhacvangbolero.com