Nhạc sĩ Tô Hải tên thật là Tô Đình Hải, là tác giả của ca khúc nhạc tiền chiến tiêu biểu “Nụ Cười Sơn Cước”, sáng tác vào hơn 70 năm trước và được nhiều thế hệ yêu thích.

Thời tiểu học, nhạc sĩ Tô Hải học hát và tham gia ban đồng ca Saint Joseph, từng đoạt giải thưởng âm nhạc Chim Sơn Ca của Hướng đạo sinh toàn Đông Dương. Đang học dở tú tài 2 thì nhạc sĩ Tô Hải nhập ngũ đúng vào ngày cách mạng tháng 8 (19/8/1945), tham gia vệ quốc đoàn. Ông đã viết ca khúc đầu tay “Trở Về Đô Thành” (1946) rồi “Nụ Cười Sơn Cước” (1947), đều do bản năng và mê nhạc mà viết thành, lúc đó ông chưa học nhạc một cách bài bản.

Riêng bản nhạc Nụ Cười Sơn Cước, cho đến nay vẫn được xếp vào danh sách những ca khúc nhạc tiền chiến hay nhất.

Trong bài hát này có câu: Ai về sau dãy núi Kim Bôi…

Kim Bôi là dãy núi thuộc tỉnh Hòa Bình. Trong một bài phỏng vấn, nhạc sĩ Tô Hải cho biết dạo đó đơn vị của ông ở nhờ một làng dân tộc Mường. Ông được ở trong một gia đình có cô con gái rất đẹp tên là Đinh Thị Phẩm. Cô Phẩm lúc đó 24 tuổi, còn Tô Hải mới tròn 20. Nhạc sĩ đã để ý thầm cô sơn nữ này, là mối tình đơn phương thoáng qua chứ chưa phải là một tình yêu thề non hẹn biển.

Núi Kim Bôi

Khi đơn vị chuyển quân, với tình cảm lưu luyến chân thành, nhạc sĩ Tô Hải đã “hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trăng, một chiếc vòng sáng lóng lánh với nụ cười nàng quá xinh” và chuyển những tình cảm này thành ca khúc, ca ngợi chung “những bông hoa rừng” mà ông đã từng gặp trên những bước đường hành quân.

Sau đó khoảng gần 30 năm, nhạc sĩ Tô Hải có lên Hòa Bình tìm lại “người xưa” dù biết rằng cô đã có chồng con. Ở sau dãy núi Kim Bôi đã biến thành vùng công nghiệp khai thác suối nước nóng, đường sá mở rộng, người miền xuôi lên ở nhiều. Cô Phẩm ngày xưa giờ đã là một thiếu phụ ngoài 50 tuổi, ăn mặc theo kiểu người Kinh và… chẳng biết Tô Hải là ai cả.

Ông nói thêm rằng lẽ ra ông không nên trở lại để gặp, mà cứ hãy sống với kỷ niệm đẹp ngày xưa.

Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi, 
mây mờ buông xuống núi đồi 
và trong lòng mờ hơn ở ngoài trời. 
Cỏ cây hoa lá, thương nhớ mãi người đi 
và dâng sầu lên mi mắt người về.

Thơ thẩn đàn chim ngừng tiếng hót, 
mưa Xuân đây tươi luống u sầu, 
buồn cho dòng nước mờ xóa bóng chim uyên 
mà gió chiều còn khóc thương mãi mối tình còn vấn vương.

Ai về sau dãy núi Kim Bôi, nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ, 
hình dung một chiếc thắt lưng xanh, 
một chiếc khăn màu trắng trăng, 
một chiếc vòng sáng lóng lánh, 
với nụ cười nàng quá xinh.

Nàng ơi, tôi đã rút tơ lòng, 
dệt mấy cung yêu thương 
gởi lòng trong trắng của mấy bông hoa rừng 
đời đời không tàn với khúc nhạc lòng tôi.

Giai điệu và ca từ của bài hát này nhẹ nhàng, mươt mà và bay bổng, mang đặc trưng của dòng nhạc tiền chiến trong thập niên 1940.

Sau bài hát này đúng một năm (1948), nhạc sĩ Trần Hoàn, cũng trên đường hành quân qua miền sơn cước ở chiến khu Quảng Bình, có lẽ đã nhìn thấy thấp thoáng bóng cô sơn nữ ở đầu ghềnh nên đã sáng tác thành bài ca bất hủ Sơn Nữ Ca. Một sự trùng hợp là nhạc sĩ Trần Hoàn viết Sơn Nữ Ca khi vừa tròn 20 tuổi, cùng độ tuổi với Tô Hải với Nụ Cười Sơn Cước.

Ngoài ra, gần như cùng thời điểm với 2 ca khúc Nụ Cười Sơn CướcSơn Nữ Ca, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã nhắc tới những cô gái miền sơn cước trong ca khúc Nương Chiều: “Cô nàng về để suối tương tư…”. Bài hát được nhạc sĩ sáng tác năm 1947, trên hành trình đi kháng chiến ở vùng núi Tây Bắc.

Nói về bài hát này, Phạm Duy viết trong hồi ký: “Trong kỳ lưu diễn ở miền Cao Bắc Lạng, tôi soạn thêm được nhiều bài dân ca khác trong đó có bài Nương Chiều. Đây là một bài dân ca loại mới và có sự tiến bộ về phần nhạc thuật vì nó không còn đơn sơ như những bài đã soạn ra trước đây, chẳng hạn Ru Con hay Dặn Dò”.

Trong ca khúc này, Phạm Duy xác định không gian đã cho ông cảm hứng để sáng tác bài hát qua câu “Áo chàm về quảy lúa trên vai”. Màu chàm lấy từ cây chàm, loại cây nhỏ, lá cho một hoá chất nhuộm quần áo không phai, màu xanh dương đậm. “Áo chàm” là một đặc điểm của một sắc tộc thiểu số của vùng trung du miền Bắc.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân là một trong những người gần gũi nhạc sĩ Phạm Duy những năm cuối đời – có kể lại: Một lần 2 người trở về vùng Tây Bắc, từ ngọn đèo cao nhìn xuống thung sâu, buổi chiều êm đềm, mái nhà sàn ở sườn núi lên làn khói lam, con suối nhỏ dưới thung thấp thoáng bóng áo chàm, váy sống của các cô Tày, Thái, vác mai, cuốc từ nương rẫy nào đó ra suối vén váy rửa chân tay, nông cụ…

Bất chợt cụ Phạm hỏi Đỗ Trung Quân:

– Anh có biết vì sao tôi viết “chiều ơi, mái nhà sàn thở khói âm u, cô nàng về để suối tương tư…” trong bài Nương Chiều không?

– Lúc đó cháu chưa sinh ra, có ở chiến khu tây bắc đâu mà biết ạ!

– Đấy! anh cứ nhìn xem, các cô kéo váy rửa chân, đùi trắng thế kia mà chỉ có con suối nhìn ngược lên nó mới được thấy tất tần tật, tương tư là cái chắc!

Khóe miệng cụ Phạm thoáng một nét cười tinh quái!

Nét đẹp tự nhiên, mộc mạc và thuần khiết như những bông hoa núi rừng của các cô gái miền sơn cước thường dấy lên những xúc cảm dạt dào của người nhạc sĩ, rồi đi vào thi ca, trở thành bất tử với thời gian.

Tại Sài Gòn trước năm 1975, bài hát Nụ Cười Sơn Cước rất được yêu mến qua tiếng hát của danh ca Sĩ Phú.

Đông Kha (Ghi rõ nguồn nhacxua.vn khi copy bài viết này)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here