Trước năm 1975, xe lam là một trong những phương tiện đi lại phổ biến nhất đối với giới bình dân, học sinh, sinh viên ở miền Nam. Những chuyến xe lam cũng trở thành nơi gặp gỡ và bén duyên của biết bao cuộc tình, nhưng không phải mối tình nào nên duyên tốt đẹp.
“Trên chuyến xe Lam đông người chiều nao
Xui mình không quen mà ngồi bên nhau
Trời mang nhiều trớ trêu chi,
người chưa hề biết quen gì,
sao ngồi gần như tình nhân si.”
Đó là những lời hát quen thuộc mà hầu như ai cũng đã từng nghe trong bài nhạc vàng Chuyến Xe Lam Chiều, viết về một cuộc tình trên những chuyến xe lam, nhưng tình yêu dang dở vì sự “tham phú phụ bần”, là một chủ đề quen thuộc trong loại nhạc đại chúng của nhạc sĩ Vinh Sử.
Phiên khúc đầu tiên của Chuyến Xe Lam Chiều kể về hoàn cảnh mà đôi trai gái đã bén duyên. Chuyến xe lam đông người, chật chội, và sự vô tình gần gũi nhau trên một hành trình không ngắn đã giúp đôi người kịp thoáng có những cảm nhận ngọt ngào về nhau.
Hai người chưa từng quen biết, nhưng trởi xui đất khiến cho ngồi sát cạnh nhau, như là cái duyên đã khéo sắp đặt để “ngồi gần như tình nhân si”. Câu hát “Xui mình không quen mà ngồi bên nhau” với chữ “xui” nghĩa là xui khiến, không phải là “xui xẻo”, càng không phải chữ “xuôi” như trong lời nhạc in sai.
Thuở đó có lẽ những cô gái mới lớn vẫn thấm nhuần câu dạy của cha mẹ là “nam nữ thụ thụ bất thân”, nên nàng cũng e thẹn khi vội xuống xe về nhà, làm cho chàng phải lật đật chạy theo làm quen:
“Em xuống xe Lam đi vào hẻm sâu
Anh vội theo chân ngõ hồn xuyến xao
Làm quen chuyện vãn dăm câu,
niềm vui gặp gỡ ban đầu,
trong đã rồi mặt ngoài còn e.”
Mới gặp nhau và nói chỉ đôi lời, mà ân tình thì như là đã trao nhau rồi, nên tác giả mươn câu Kiều để diễn tả “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Dù sao nàng cũng là phận gái, dù đã phải lòng anh chàng thư sinh mới quen nhưng cũng giả đò e lệ để chàng phải thất điên bát đảo trong lòng.
Tưởng như mối tình “xe lam” này sẽ thành tựu mỹ mãn, nhưng ngờ đâu tình yêu trắc trở, những cô gái mới lớn ngây thơ chưa trải sự đời thường không lường được lòng người:
“Ngờ đâu yêu đương như đám lục bình
trôi theo con nước vô tình
Anh lấy vợ, người ta giàu có.
Tình em xe cát dã tràng biển đông,
em muốn tìm chồng cho xong
nhưng ngại thêm gặp kẻ bạc lòng.”
Nhạc của Vinh Sử thường có nội dung đơn giản, trực diện, dành cho giới bình dân nên câu từ thường không hoa mỹ. Chàng trai lấy vợ với một lý do đơn giản nhưng cũng đau đớn, đó là “người ta” giàu có. Trong bản nhạc tờ phát hành, phần lời này ghi là: Anh lấy vợ, vợ anh giàu có… Nhưng hầu hết ca sĩ, kể cả Giao Linh trong bản thu đầu tiên trước năm 1975 đều hát: Anh lấy vợ, người ta giàu có.
Uổng công cho cô gái đã dành hết cuộc tình ngây thơ của mình cho một người dễ thay lòng vì phú quý giàu sang, và tình yêu của cô gái đâu khác gì câu chuyện Dã tràng xe cát Biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì…bao nhiêu mơ ước trong tình yêu của nàng đã tan thành mây khói. Đau đớn, thất vọng và buồn bã, nàng cũng muốn tìm đại một người chồng cho xong, khỏi bẽ bàng phận má hồng. Nhưng như con chim sợ cành cong, nàng sợ gặp thêm những kẻ bạc lòng giống như vậy rồi lại thêm một lần đau thương nữa.
Phiên khúc cuối cùng của bài hát trở lại hình ảnh của một chuyến xe lam chiều gợi bao kỷ niệm, nhưng chuyến xe bây giờ không còn niềm mến thương như ngày xưa nữa.
“Trên chuyến xe lam đông người chiều nay
Nghe nhiều bơ vơ nỗi niềm chua cay
Còn đâu một chuyến xe Lam,
ngày nao mộng ước vô vàn,
bao kỷ niệm giờ mình em mang.”
Tình duyên đã rời xa rồi, giờ đây trên chuyến xe lam chiều chỉ còn lại một mình cô gái “bơ vơ” với “nỗi niềm chua cay”. Trong nỗi cô đơn, trào dâng trong cô gái tội nghiệp là cảm giác luyến tiếc chuyến xe ngày xưa với “mộng ước vô vàn”, đến nay thì “bao kỷ niệm” chỉ còn một mình vương vấn, sầu thương.
Dù đã qua rất nhiều năm, nhưng Chuyến Xe Lam Chiều vẫn là một trong những bài hát nổi tiếng nhất của Nhạc Vàng. Bài hát có ca từ đơn giản, nội dung nhắc về hình ảnh những chuyến xe lam đã từng là một phương tiện quen thuộc nhất của tầng lớp bình dân lao động ngày xưa, những chuyến xe đã đi vào ký ức không thể nào phai của nhiều người. Mời bạn xem lại một số hình ảnh xe lam ngày xưa, và cùng nghe nhạc để hồi tưởng lại một quá khứ chỉ còn trong tâm tưởng.
Click để nghe Giao Linh hát trước 1975
Bài: Trần Tuệ Minh Hiếu – Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com