Trong dòng nhạc vàng miền nam phát triển cực thịnh từ thập niên 1960 đã ghi nhận rất nhiều ca khúc nổi tiếng ở nhiều chủ đề khác nhau: nhạc tình yêu, nhạc quê hương, nhạc lính… Một trong số những chủ đề có nhiều ca khúc được yêu thích đó là chủ đề về tình người và tình đời.
Trong chủ đề bài hát này, có thể nhắc đến “Thói Đời” và “Chắp Tay Lạy Người” của nhạc sĩ Trúc Phương, “Vầng Trán Suy Tư” của nhạc sĩ Thanh Sơn và đặc biệt là ca khúc “Những Chuyến Xe Trong Cuộc Đời” của nhạc sĩ Hoài Linh.
Nhạc sĩ Hoài Linh đã nổi tiếng với tài đặt lời cho các ca khúc bất tử theo thời gian như “Chuyến Tàu Hoàng Hôn”, “Nỗi Buồn Gác Trọ” hay “Quán Nửa Khuya”. Những ca từ trong bài hát được nhạc sĩ Hoài Linh chọn lọc có thể xem là những từ rất đắt giá, thể hiện nội dung bài hát bao gồm cả nhân sinh quan của tác giả. Nhạc phẩm “Những Chuyến Xe Trong Cuộc Đời” được sáng tác vào năm 1972 và được tiếng hát Giáng Thu thể hiện trước năm 1975.
Chuyến xe đầu đưa người từ lòng nôi vào dương thế chơi vơi
Tay không hành lý ngước nhìn về tương lai
Ngỡ ngàng lên tiếng khóc cười,
Thay cho lời đầu tiên người nói
Tháng năm dài, vui buồn tuổi chồng thêm ngọt cay cũng mau quen,
Xe loan nhiều chuyến cát bụi mòn chân đen
Sang giàu may mắn phút đầu hay nghiêng đổ gẫy đôi ba cầu.
Xe hoa đưa người êm ấm tình nồng
Em anh nên đôi vợ chồng
Se tơ hồng một duyên hai bóng
Duyên ưa có người chỉ một xe đầu
Có người vài lần thương đau
Có người chẳng bao giờ đâu.
Sáng trưa chiều khi tuổi đời nặng gieo
Vòng tay cũng xuôi theo
Công danh ngày ấy giấc mộng tình hôm nay
Cũng về như chiếc lá gầy
Xe đơn lạnh tiễn ai trong này.
Bài hát “Những Chuyến Xe Trong Cuộc Đời” là ẩn dụ về “những chuyến xe” mà ai cũng phải đi qua trong cuộc đời, cụ thể đó là chuyến xe từ lòng nôi, xe hoa và xe tang. Với bài hát này, người nhạc sĩ cũng nhận ra rằng cuộc đời là vô chừng, khó biết được chuyện tương lai mai sau.
Mở đầu bài hát là:
Chuyến xe đầu đưa người từ lòng nôi
Vào dương thế chơi vơi
Tay không hành lý ngước nhìn về tương lai
Ngỡ ngàng lên tiếng khóc cười,
Thay cho lời đầu tiên người nói…
Buổi đầu cuộc đời, người ta chỉ biết khóc với cười để bày tỏ suy nghĩ mà thôi. Và rồi “Tháng năm dài, vui buồn tuổi chồng thêm, ngọt cay cũng mau quen”, sau đó chuyến xe cuộc đời đã “lăn nhiều chuyến” làm cho “cát bụi mòn chân đen” theo thời gian. Đặc biệt đối với nhạc sĩ Hoài Linh thì có lẽ cuộc đời không có gì là chắc chắn, làm sao biết được “sang giàu may mắn phút đầu hay nghiêng đổ gãy đôi ba cầu”.
Trong phần điệp khúc của bài hát, nhạc sĩ Hoài Linh đã thể hiện suy nghĩ của ông đối với chuyện tình duyên trên đời. Có nhiều người may mắn được “xe hoa đưa người êm ấm tình nồng” và được “nên đôi vợ chồng”. Tuy nhiên, không phải ai rồi cũng có được tình duyên êm đềm không trắc trở, vì “có người chỉ một xe đầu, có người vài lần thương đau, có người chẳng bao giờ đâu”. Người may mắn thì chỉ ngồi một chuyến xe hoa duy nhất trong đời, người trắc trở thì phải qua nhiều chuyến, hoặc là không bao giờ có chuyến xe nào.
Đoạn cuối, tác giả nói về chuyến xe cuối cùng của đời người – xe tang: “Sáng trưa chiều, khi tuổi đời nặng gieo, vòng tay cũng xuôi theo”. Đến lúc nào đó rồi cuộc đời cũng khép lại và mọi thứ sẽ trở lại với hư vô: “Công danh ngày ấy, giấc mộng tình hôm nay cũng về như chiếc lá vàng, xe đơn lạnh tiễn đưa hai hàng”.
Khi nghe lại bản thu âm của ca sĩ Giáng Thu hát trước năm 1975, ngay ở phần đầu, phần hòa âm là tiếng chuông gõ và những âm thanh như là một lời cầu kinh. Tiếng chuông não lòng như réo gọi hồn người, làm cho người nghe chợt rùng mình. Rồi Giáng Thu bắt đầu cất tiếng với giọng hát sắc lẹm trên nền nhạc u uẩn đó:
Chuyến xe đầu đưa người từ lòng nôi
Vào dương thế chơi vơi…
Khi nghe lại các phiên bản sau 75, nhiều ca sĩ lại hát thành: “vào hư thế chơi vơi…” làm người biết rất băn khoăn không biết “hư thế” là gì. Bài hát còn có rất nhiều chỗ bị các ca sĩ sau này hát sai, thí dụ như:
Tháng năm dài, vui buồn tuổi chồng thêm
Ngọt cay cũng mau quen…
Thì ca sĩ lại hát thành “mau quên”, làm mất đi cái ý nghĩa của bài hát là tác giả muốn nói về việc rồi con người sẽ nhanh chóng trưởng thành và quen với những vui buồn trong cuộc sống.
Sáng trưa chiều khi tuổi đời nặng gieo
Vòng tay cũng xuôi theo…
Ở đoạn này có ý nghĩa là khi ở tuổi về chiều, tuổi đời chồng chất cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Nhưng có rất nhiều ca sĩ hát sai thành một câu rất khó hiểu và không ăn nhập gì với nghĩa của đoạn cuối: Sáng trưa chiều khi tuổi đời MĂNG NON…
Trong lời gốc in trong tờ nhạc được nhà xuất bản Minh Phát phát hành, đoạn cuối của bài hát được chép là:
Công danh ngày ấy
giấc mộng tình hôm nay
cũng về như chiếc lá vàng
xe đơn lạnh tiễn đưa hai hàng…
Đoạn nhạc mô tả cái lạnh lùng, ma mị của một chuyến xe tang hai hàng, đưa người rụng xuống như một chiếc lá vàng. Nào là công danh, tình ái, nào còn có nghĩa gì đâu.
Tuy nhiên trong tất cả các bản thu âm bài hát này, kể cả Giáng Thu hát trước 1975, lời mà ca sĩ hát đều có sự sai khác một chút so với lời được in trong tờ nhạc:
Công danh ngày ấy
giấc mộng tình hôm nay
cũng về như chiếc lá GẦY
xe đơn lạnh tiễn AI TRONG NÀY…
Có thể nói, ca từ nhạc sĩ Hoài Linh sử dụng đều có những tầng nghĩa rất đặc sắc và thú vị. Đó là tài năng đã làm nên dòng nhạc của nhạc sĩ Hoài Linh mà đến bây giờ các nhạc phẩm của ông vẫn mãi là vô giá.
Đây là một bài hát buồn, phần hòa âm của bản thu trước 75 càng làm cho bài hát buồn thêm. Tuy nhiên đằng sau cái buồn đó là lời nhắc nhở của tác giả đến mọi người, biết trân trọng cuộc sống hiện tại và cố gắng sống tốt hơn. Những Chuyến Xe Trong Cuộc Đời không chỉ đơn thuần là một bài nhạc nghe để giải trí, mà còn thể hiện nhân sinh quan của tác giả về cuộc sống, là những giá trị nhân văn mà tác giả để lại cho đời.
Bài: Trần Tuệ Minh Hiếu & Đông Kha (ghi rõ nguồn nhacxua.vn nếu copy bài viết)