Nếu có một danh hiệu dành cho nhạc sĩ nhạc vàng viết nhiều ca khúc dành cho lính nhất, có lẽ sẽ thuộc về nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, một nhạc sĩ đồng thời cũng là một người lính.
Những ca khúc lính trong nhạc Trần Thiện Thanh rất đa dạng, nhưng nhiều nhất vẫn là các bài hát dùng đại từ ngôi thứ nhất để kể về tâm sự của người lính ở nơi tiền đồn xa xôi. Đó là những ca khúc nổi tiếng như Biển Mặn, Mùa Xuân Lá Khô, Đồn Vắng Chiều Xuân, Tình Thư Của Lính, Hoa Trinh Nữ…
Riêng bài hát Tâm Sự Người Lính Trẻ, nhạc sĩ xưng là “anh” để viết lời tâm tình gửi về người yêu bé nhỏ nơi hậu phương, là những dòng tâm sự về đời lính mới:
Từ khi anh thôi học
Từ khi đôi đứa đôi đời
Từ sông ngăn núi trở
Tạ từ không nói nên lời.
Nghe những lời hát này, thật cảm thương cho những cuộc tình mong manh thời ly loạn. Một khi người trai đã lên đường theo tiếng gọi của non sông, thì chuyện tình yêu cũng giống như cuộc đời chia thành đôi ngả, như cách sông cách núi, không thể nào hẹn được ngày sum họp. Khi đó cho dù tình có thắm sâu và thiết tha bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng đành để xuôi theo những hy vọng mong manh.
Từ khi gót sông hồ ngược xuôi
Ôi những đêm thật dài hồn nghe thương nhớ ai
Một năm tìm vui nơi quan tái
Chưa về một lần, dù chỉ một lần thôi
Làm kiếp chinh nhân đi mòn gót trên đường dài quê hương, ngày thì đối diện với hiểm nguy, đêm về nghe thật dài vì nỗi trăn trở và niềm thương nhớ người nơi xa. Đêm và ngày cứ xoay nhau vần như vậy trong suốt cả năm trường mà người lính trẻ vẫn chưa thể trở về thăm lại thành đô.
Chữ “Quan Tái” trong câu hát này thường ít được xài nên có thể sẽ có người không hiểu rõ. “Quan” là cửa, cổng, Tái là biên giới. Vậy quan tái là nơi đầu tuyến với nhiều hiểm nguy. Trong thơ Nguyễn Bính cũng từng có bài thơ mang tên Một Trời Quan Tái.
Cạn đêm anh chưa ngủ,
Lều sương in bóng trăng gầy
Đời trai chưa biết mỏi
ngại gì sương gió trong đời
Người ơi nếu hay rằng vì yêu
Vai áo tôi bạc màu để yên vui lối xưa.
Tình kia vừa nhen tim đôi lứa
xin hẹn một lời, dù chỉ một lời thôi
Đời lính giữa biên cương chỉ có được một mảnh lều dựng tạm để che sương gió, dù có nhiều gian nguy nhưng đời lính trẻ chưa biết mỏi vẫn nhìn thấy sự thi vị đằng sau bóng trăng gầy in dấu. Anh không ngại gì sương gió phủ xuống cuộc đời, miễn là người yêu nhỏ hậu phương biết được một điều rằng cuộc đời chinh nhân này với vai áo bạc màu phủ bụi đường xa, cũng là vì mong cho bình yên nơi quê mẹ, để mong đợi một ngày về chúng mình nối lại tình xưa chỉ mới vừa nhen lên năm cũ.
Đầu xuân mình yêu nhau,
Cuối hè mình giã từ.
Mùa thu xuôi quân về biên khu
Cho tới đông tàn chỉ nhận một lần thư.
Mong sao em anh hiểu
đời lính dẫu phong trần
Nhưng yêu như yêu nhân tình và đậm đà như chúng mình.
Những đêm hẹn hò, giận hờn rồi yêu nhau hơn…
Ngoại trừ mùa xuân ngắn ngủi trôi qua trong niềm hạnh phúc của tình yêu đầu, những mùa còn lại trôi qua trong lê thê của một kiếp quân hành. Xa nhau dài ngày làm cho người yêu tủi hờn và giận dỗi, làm lòng trai tan nát, anh chỉ mong người yêu hiểu đời lính dẫu phong trần nhưng chỉ yêu với niềm yêu chung thủy và đậm đà, hy vọng những giận hờn trong ngày tháng qua sẽ làm tình yêu sau này thêm đậm sâu.
Mong người yêu hiểu rằng từ khi cách trở nhau, những kỷ niệm yêu đầu vẫn được anh ghi mãi trong lòng, và mong rằng mai sau khi anh được trở về, thì má em còn hồng, môi em vẫn nồng và chỉ thuộc riêng mình anh mà thôi.
Từ khi anh thôi học,
lòng thương biết mấy cho vừa
Từ khi ta cách trở,
kỷ niệm chưa xóa bao giờ
Cầu xin tóc em còn màu xanh
Xin má em còn hồng,
và môi em vẫn nồng
Đại đương tình thương dâng cao sóng
Xin về ngập tràn lòng chúng mình chờ mong.
…
Tình kia vừa nhen tin đôi lứa
Xin hẹn một lời dù chỉ một lời thôi!
Ca khúc này được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh ký tên là Anh Chương (tên người con trai đầu của ông) và được chính tác giả thu âm trước 1975 sau đây:
Click để nghe Nhật Trường hát
Sau năm 1975, “ca sĩ bí ẩn” của trung tâm Asia là Bảo Tuấn cũng rất được yêu thích với ca khúc này. Tiếc một chút là anh hát sai một số câu so với lời mà Nhật Trường hát. Mời bạn xem sau đây:
Click để nghe Bảo Tuấn hát
Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com