Trong số những ca khúc viết thời đi kháng chiến của nhạc sĩ Phạm Duy, hầu hết là những ca khúc rất giàu tình cảm, viết về những người dân quê chân chất, những bà mẹ già chờ con, người vợ trông chồng và những người hùng nông dân bỏ lại gia đình để đi chống thực dân: Bà Mẹ Gio Linh, Nhớ Người Thương Binh, Nhớ Người Ra Đi, Chiến Sĩ Vô Danh, Vợ Chồng Quê, Gánh Lúa

Trong những bài hát của Phạm Duy thời kỳ trước năm 1954, luôn có thấp thoáng hình dáng người mẹ hiền, và đều nhắc về nỗi buồn, khắc khổ đau thương vì chiến chinh ly loạn. Có người mẹ đã lòa vì chờ đợi con (bài Ngày Trở Về), hoặc đau đớn hơn là phải tự tay gói đầu con đã không còn được vẹn nguyên (bài Bà Mẹ Gio Linh). Không đến nổi bi thảm như vậy, nhưng người mẹ trong ca khúc Nhớ Người Ra Đi cũng thật buồn:

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già
Chờ con lúc đêm khuya
Người con đã ra đi, vì nước

Con bước đi khi trống làng dồn xa
Mẹ đưa mắt trông về ngọn cờ
Cầu cho đứa con trai
Ở đâu đó con ơi, được vui

Nhớ thương con oán thù loài tàn hung
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh.

Trong hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy phát hành năm 1989, ông kể lại một câu chuyện có thật xảy ra vào năm 1950, vì vài năm sau khi bài hát được ra đời, và lúc đó ông vẫn chưa bỏ kháng chiến:

“Trong đợt lưu diễn ở miền Cao-Bắc-Lạng, một buổi nọ, sau ít màn trình diễn ca-vũ-kịch cho đồng bào thưởng thức, một ‘bà mẹ quê’ bước ra xin được hát tặng anh chị em trong đoàn văn nghệ một bài hát cổ truyền. Chúng tôi vỗ tay hoan nghênh. Bà mẹ đằng hắng, lấy giọng, rồi hát:

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
mà không nhớ thương người mẹ già…

Tôi đứng lặng người. Đấy là bài “Nhớ Người Ra Đi” của tôi. Nhưng bây giờ nó không còn là… của tôi nữa. Nó đã là của quần chúng mất rồi! Tôi cảm động quá, muốn khóc òa lên…”

Năm 2002, hơn 50 năm sau khi xảy ra sự kiện đó, trong một chuyến về thăm quê hương vào năm 2002, nhạc sĩ Phạm Duy được sử gia nổi tiếng trong nước là Lê Văn Lan tặng cho món quà nhỏ, nhưng có giá trị rất lớn đối với ông: một video tape ghi lại phóng sự về một bà cụ vừa tròn 100 tuổi tên là Nguyễn Thị Ngoan, ở một làng quê hẻo lánh ở miền Bắc. Bà cụ có hai người con trai đã ra đi trong hai cuộc chiến.

Trong đoạn phóng sự ngắn đó, bà cất tiếng hát gần như trọn bài “Nhớ Người Ra Đi” của nhạc sĩ Phạm Duy với lời nguyên bản, chính xác đến từng câu, từng chữ. Hát xong, bà còn đọc lại với giọng ngân nga một câu hát trong bài:

“Cầu cho đứa con trai, ở đâu đó con ơi, được vui…”

Rồi nói với giọng run run: “Cứ mỗi lần nhớ thương con là tôi lại hát cái bài ấy, lòng thấy nguôi ngoai, cũng được an ủi phần nào.”

Vẫn là bài nhạc kháng chiến đó, nhưng đã có một khoảng cách thật là dài về thời gian. Nhạc sĩ sáng tác bài hát này đã rời vùng kháng chiến để vào Nam, nhưng bài hát sau hơn 50 năm vẫn còn ở lại mãi với những bà mẹ có con phải ra đi vì chiến cuộc, như là một niềm an ủi kỳ diệu cho nỗi đau mất mát khó nguôi.


Click để nghe Thái Thanh hát

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người vợ hiền
Chồng ra lính biên cương
Ngồi may áo cho con, còn nhớ

Em tiễn anh ra mãi tận đầu thôn
Một hôm lúc trâu bò về chuồng
Rồi em nhớ em mong
Chờ chiến sĩ xa xăm lập công.

Nhớ thương anh oán thù loài tàn hung
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh.

Nếu như trong các ca khúc sáng tác cùng thời gian là Chiến Sĩ Vô Danh, Nhớ Người Thương Binh, nhạc sĩ Phạm Duy nhắc đến những người lính nơi trận tiền, thì trong ca khúc này ông chỉ nhắc về những người thân yêu của họ. Đoạn 1 nói về người mẹ già, đoạn 2 là người vợ, là lời cảm thương cho những người phụ nữ thời chiến, vừa phải quán xuyến mọi việc ở quê nhà để người trai an tâm ra đi vì nước, vừa đêm ngày mong nhớ người ở xa. Hôm tiễn nhau đi ở tận đầu thôn, bóng dáng người thiếu phụ nhỏ bé chơ vơ giữa trời chiều, ngóng theo người cho đến khi khuất bóng, là hình ảnh biểu tượng cho những cuộc chia ly thật buồn.

Nhưng dù có buồn hay tủi thì những người ở hậu phương này luôn vững một lòng tin về một ngày mai chiến thắng và đón người anh hùng trở về.

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương đàn trẻ nhỏ
Đùa trong nắng ngây thơ
Cùng nhau hát líu lo, ngoài ngõ

Nhưng mỗi khi dưới mái nhà mênh mang
Ngừng chơi nắm tay mẹ, hỏi rằng
Rằng: Cha chúng con đâu?
Về mua bánh cho cho con, mẹ ơi

Nhớ thương cha oán thù loài tàn hung
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh…

Sau khi nhắc đến người mẹ, người vợ, cuối bài là tác giả nhắc đến bầy trẻ ngây thơ. Thiếu bóng người cha, căn nhà trở nên mênh mang và trống vắng, và người mẹ biết trả lời sao trước những câu hỏi ngây ngô tuổi nhỏ: Cha chúng con đâu?

Cả 3 đoạn nhạc đều được khởi đầu bằng câu hát: Ai có nghe tiếng hát hành quân xa… Dù chỉ là một câu khởi đầu để giới thiệu vào nội dung chính, nhưng câu hát đầu tiên này lại thổi vào một không khí man mác buồn cho xuyên suốt cả bài hát. Tiếng hát hành quân xa trên đường vạn dặm kia bay theo ngọn gió nào để thổi về xuyên thế kỷ, để những thính giả của thế hệ hôm nay vẫn có thể nghe được, cảm được nỗi buồn thương năm cũ như vẫn còn văng vẳng quanh đây.

Bài hát này nổi tiếng qua giọng hát Thái Thanh, ngoài ra còn có một phiên bản được yêu thích khác của Duy Khánh – Thanh Tuyền và Bạch Quyên, đã mang lại cảm xúc trọn vẹn, đặc biệt là đoạn cuối của “bé” Bạch Quyên thể hiện tâm sự của người con. Tiếng hát phảng phất nét trẻ con, vừa ngây thơ vừa tội nghiệp của giọng ca mới chỉ hơn 10 tuổi vào lúc đó, làm người nghe cảm thấy nghẹn ngào:


Click để nghe Duy Khánh – Thanh Tuyền – Bạch Quyên hát

Vài năm sau khi bài hát này ra đời, đến năm 1954, khi nghe tin một hiệp định khôi phục hòa bình sắp được ký kết, nhạc sĩ Phạm Duy đã cho người lính trận trong bài hát này được trở về cùng với mẹ già, với mẹ hiền và người con thơ, bằng ca khúc Người Về:

Me có hay chăng con về
Chiều nay thời gian đứng im để nghe…

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here