Các ca khúc bị cấm lưu hành tại Việt Nam thường mang tâm sự của những người lính ở thời điểm bài hát hoài thai, trước 1975.

Tuy nhiên, có những bài ca chỉ là tâm sự của một người bạn, khóc một người bạn đã mất vì chiến sự, song cũng bị liệt vào danh sách cấm như “Hát Cho Một Người Nằm Xuống” của Trịnh Công Sơn. Người nghe chỉ nghe và cảm, hiểu đến đấy, chứ mấy ai cần biết bài hát đó viết cho ai, vì ai.

Những thân phận lạc loài vì chiến tranh, kêu đòi hòa bình, kêu gọi chấm dứt chiến tranh là điểm nhấn của cả một thời kỳ người đô thị miền Nam hát vì yêu nước, đến nay cũng vẫn không được phổ biến một cách oan uổng; như ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn, dù nhạc sĩ sau ngày Thống nhất cho đến tận khi mất vẫn cống hiến rất nhiều cho âm nhạc nước nhà. Nếu nghe thật kỹ ca từ “Một mai giã từ vũ khí” của Trịnh Lâm Ngân, chỉ thấy khắc khoải mơ ước hòa bình để xây dựng lại một xã hội người người thương yêu nhau, vậy mà nó luôn nằm đầu bảng danh sách các ca khúc bị cấm biểu diễn.

Nghịch lý ở chỗ, một bài hát khác về người lính “Xuân Này Con Không Về” (Trịnh Lâm Ngân) sau khi được một ca sĩ trẻ thuộc dòng nhạc không chính thống hát lại, nghe nhẹ nhàng và “rất ổn” đã vô tình được nới lỏng lệnh cấm, cho biểu diễn, dù hát đúng những gì nhạc sĩ viết ra từ hơn 40 năm trước.

Khúc mắc về ca khúc “Tôi Đưa Em Sang Sông” của Y Vũ và Nhật Ngân luôn bị vướng vì câu “rồi đời tôi là chiến binh” dù tác giả sau ngày hòa bình, lên sân khấu luôn sửa lại thành “rồi đời tôi là cánh chim”, vừa hợp ngữ cảnh vừa đẹp. Khúc mắc này cho đến tận tháng 8 vừa qua vẫn được đem ra bàn luận khi chúng tôi xin phép phát hành ca khúc ở định dạng CD và bị Sở Văn hóa Thông tin và Truyền thông TP HCM từ chối cấp phép. Nút thắt chỉ được tháo khi Cục Nghệ thuật biểu diễn có công văn xác nhận “bài hát vẫn được lưu hành bình thường”. Song lúc đó thì hồ sơ xin cấp phép chúng tôi nộp trước đó đã bị cán bộ văn hóa cho vào sọt rác, đành phải làm lại từ đầu.

Nhiều người trong chúng tôi – vốn sống và làm việc với âm nhạc – từ lâu nhận thấy việc cấp phép ca khúc phụ thuộc vào góc nhìn của cán bộ xét duyệt, không có mẫu số chung hay thước đo nào. Đây chính là lỗ hổng về mặt quản lý không đáng có, được tạo ra trên những quan điểm đã cũ, không còn hợp thời và cần được xem xét lại.

Xã hội là một guồng máy mà ở đó, mỗi quy định pháp luật phải được tạo ra để cỗ máy vận hành trơn tru, không lệch hướng. Để có như thế, luật pháp cần dựa trên nguyên tắc: hoặc thuận theo tự nhiên, hoặc thuận theo lòng người.

Ta từng có một xã hội giậm chân tại chỗ, nghèo đói, cho đến khi được cởi trói và có hôm nay. Đó là nhờ tư duy cởi mở, chấp nhận sự khác biệt, xem sự không đồng nhất về nhân sinh quan hiện hữu ngay trong lòng xã hội như điều tất yếu.

Nhưng ngoại lệ vô lý trong quản lý và cấp phép các ca khúc tiếng Việt vẫn đó. Bài hát là sự ghi lại bằng giai điệu và ca từ những tâm tư, tình cảm và cả âu lo của con người sống trong thời đại nó được viết ra. Cho dẫu thời cuộc đó là gì thì âm nhạc, với bản chất duy mỹ của nó, chỉ đơn giản là nơi con người gửi vào đó nỗi niềm của thế hệ mình, hát lên thành lời những mong mỏi của mình về tương lai tốt đẹp hơn.

Việc không cấp phép, cấm lưu hành các ca khúc như vẫn làm lâu nay gần như chỉ mang tính hình thức, không có hiệu quả xã hội thực tế, khi mà người ta vẫn vô tư “vi phạm pháp luật”, hát cho nhau nghe những bài hát ấy ở mọi nơi, kể cả ở nơi trước đây chúng không hề được biết đến. Lính ngày nay chính là những người hát nhiều nhất “nhạc lính” ngày xưa. Việc cấp phép nhỏ giọt, vài năm lại “xì ra” một, hai bài cho thấy phương thức quản lý ấy không tối ưu. Vô hình trung ai cũng hiểu, sẽ có lúc tất cả các ca khúc sẽ được phép hát, và vì thế họ cứ vô tư làm sai khi có thể. Thái độ này hẳn nhiên là tiền lệ không hay.

Quan trọng hơn, một thực tế không thể chối cãi, đó là rất nhiều trong những bài hát bị cấm phổ biến vẫn được mọi người yêu mến. Dù được viết đã rất lâu, bằng cách nào đó, chúng đang và còn nói được tiếng lòng đại chúng ở hiện thời. Việc cấm sử dụng các ca khúc được nhiều người yêu mến là đi ngược quy luật xã hội, vô ích trong quản lý và tốn thêm các chi phí khác cho việc giám sát.

Thêm vào đó, trong tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, việc những bài hát về tình yêu con người, tình cảm làng quê, đất nước, nỗi lòng mong mỏi cho một quê hương hòa bình, yên vui thì dẫu có được viết ở miền Nam Việt Nam trước ngày Thống nhất, âu cũng là mong mỏi của con dân nước Việt. Tư duy cấm đoán đang vô hình trung xây một bức tường chia cắt ngay trong chính lòng một đất nước đã hòa bình hơn 40 năm. Việc ấy nên chăng?

Đơn giản hóa vấn đề, xem bài hát như một sản phẩm nghệ thuật sẽ khác rất nhiều việc coi nó như sản phẩm tuyên truyền cho một hình thái xã hội không còn tồn tại nữa. Đó có lẽ là điều cần làm của các cấp quản lý văn hóa trong hành trình đi tìm một lộ trình phát triển bền vững, bớt thủ tục hành chính cứng nhắc, xóa tan sự phân biệt vùng miền.

Còn nếu cần thiết, cơ quan quản lý có thể lên danh sách những bài hát không được phép phổ biến kèm theo lý do rõ ràng, công khai minh bạch. Việc chỉ quy định chung chung cho tất cả các bài hát trong suốt gần 20 năm với những lý do không hợp thời, không quy chuẩn, để rồi lâu lâu lại tái cấp phép một bài; vừa tủn mủn, vừa không mang tính nghiêm cẩn cần có của một nền âm nhạc được quản trị bằng pháp luật.

Nguồn: Nguyễn Hoài Nam (VnExpress.net)

https://vnexpress.net/goc-nhin/nhung-bai-hat-bi-cam-3987828.html

1 COMMENT

  1. Một bài hát ,dầu có bị cấm đoán đến thế nào,khi vẫn có người hát sẽ luôn luôn bất tử !

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here