Nằm ngay tại khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, chợ Tân Định được xây dựng vào năm 1926, là một trong những ngôi chợ có lịch sử lâu đời nhất Sài Gòn, với kiến trúc không thay đổi sau gần 100 năm qua.

Bên trái là chợ Tân Định, bên phải là nhà thờ Tân Định

Tiền thân của chợ Tân Định là chợ Phú Hòa, theo các ghi chép của người Pháp từ những năm 1870, 1880 thì từ lúc đó, chợ Phú Hòa đã là một trong những chợ quan trọng nhất ở phía Bắc Sài Gòn, tuy nhiên không có hình ảnh nào của chợ Phú Hòa được ghi lại.

Đầu năm 1926, chính quyền thuộc địa đã bỏ ra ngân sách 110.000 đồng tiền Đông Dương để xây lại chợ, một phần là để nâng cao tiêu chuẩn cho ngôi chợ quan trọng này, phần khác là tạo thêm nguồn thu ngân sách từ việc bán quyền sử dụng mặt bằng mới của chợ cho các tiểu thương. Từ lúc này, chợ mang tên là Tân Định cho đến nay.

Công ty xây dựng của Pháp là Société Indochinoise d’Études et de Constructions (SIDEC) đã trúng thầu thiết kế và xây dựng chợ Tân Định. Công ty này cũng xây dựng bệnh viện Saint Paul, vẫn còn đến ngày nay (Bệnh Viện Mắt).

Chợ Tân Định có sự khác biệt so với các ngôi chợ trước đó, nó có không gian mở rộng lớn và không phân khu. Điểm nổi bật của chợ là mặt trước được thiết kế ba tháp chuông, một tháp nằm giữa, hai tháp hai bên. Tháp chuông ở giữa vẫn còn giữ được quả chuông xưa và đồng hồ cổ ở trên cổng chợ.

Ngày khánh thành chợ là 26/7/1927, được tổ chức rất long trọng và tưng bừng không kém chợ Bến Thành trước đó 13 năm, với sự tham dự của các quan chức hàng đầu của chính quyền thuộc địa là Thống đốc Nam kỳ, Chủ tịch hội đồng quản hạt, thị trưởng Sài Gòn.

Tờ Công Luận báo đã đưa tin về sự kiện quan trọng này như sau, xin trích nguyên văn:

“Lễ khai thị chợ mới Tân Định

Sớm mai ngày 26 Juillet vừa rồi lối 9 giờ sở đốc lý thành phố Sài Gòn có bày cuộc lễ khai thị ở Tân Định. Thiên hạ đến coi đông như kiến, lính tráng khó bề dẹp được.

Giữa chợ treo cờ xí đủ màu coi đẹp lắm.

Các quan và sở đốc lý phải đến bày cuộc lễ nầy, đứng nơi trong đợi quan nguyên soái Nam kỳ, chính giữa để một cái bàn có để rượu sâm banh, mấy người nấu ăn đứng xung quanh coi ngộ lắm. Bước vô bên tay mặt một tấm vải giăng ra và một giàn máy chớp bóng.

Tám giờ đúng, một cái xe hơi đưa quan Nguyên soái Nam kỳ đến đậu trước chợ, gần hàng rào.

Quan Nguyên soái Nam kỳ bước xuống bắt tay quan Đốc lý (thị trưởng) thành phố Sài Gòn, Lefebvre và ông Héraud hội trưởng hội đồng quản hạt, rồi bước thẳng vô chợ.

Kế quan đốc lý đọc một bài diễn văn tỏ ý cho trước là quan nguyên soái Nam kỳ sau các chức việc biết rằng cái chợ nầy mà cất thành đây là nhờ sở đốc lý ham muốn mở mang hầu cho thành phố Sài Gòn nầy có nhiều nơi tốt đẹp.

Bởi vậy sở đốc lý không dụ dự chút nào mà xuất tiền cất chợ và cũng là nhờ quan Nguyên soái Nam kỳ dự vào nữa. Ông hội trưởng hội đồng quản hạt đã ở Sài Gòn lâu rồi có thể biết những điều cần ích, nên muốn Sài Gòn này đứng hàng ngũ cho xứng đáng ở cõi viễn đông này vậy.

Rốt hết quan đốc lý mời quan Nguyên soái Nam kỳ dùng rượu và chúc cho thành Sài Gòn nầy sung thạnh.

Kế quan Nguyên soái Nam kỳ trả lời lại rất đại khái”.

Ngày nay, ngành nghề kinh doanh chính của chợ Tân Định là vải vóc, thực phẩm tươi sống, quần áo, ăn uống, thực phẩm khô, giày dép, trái cây… Xưa đến nay chợ có tiếng là chợ nhà giàu, với nhiều món hàng giá cao hơn các chợ khác một chút. Bù lại, hàng về chợ gì cũng tươi ngon và chất lượng.

Dù các mặt hàng đều giá cao hơn bình thường, nhưng có một loại hàng bày bán nhiều ở nơi này được người dân và du khách biết đến như là nơi bán rẻ nhất Sài Gòn, đó là vải vụn, được bày bán rất nhiều.

Dãy hàng quán gần trước chợ Tân Định

Phía sau của chợ Tân Định, ngày nay vẫn còn một con đường tên Mã Lộ: là đường (dành cho) ngựa, một trong những con đường ngắn nhất Sài Gòn.

Cách đây 50, 60 năm, đường Mã Lộ còn là bến xe ngựa chở khách đi chợ Tân Định hoặc chở hoa tết từ Gò Vấp lên bán ở chợ. Lúc đó có hàng chục chiếc xe ngựa chờ khách trên đường Mã Lộ; mỗi xe có thể chở tối đa 6 người ngồi co chân đối mặt nhau.

Cách đường Mã Lộ khoảng 500m, khu vực bờ kênh Nhiêu Lộc, phía trước đình Xuân Hòa xưa là bến Tắm Ngựa. Cứ giữa trưa, khi vắng khách, các chủ xe ngựa thường chạy xe từ đường Mã Lộ sang đây, dẫn ngựa xuống bến tắm…

Chợ Tân Định ngày nay. Ảnh: saigoneer.com

Đông Kha

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here