Cách đây đúng 20 năm, vào 1999, xảy ra một sự kiện văn nghệ đáng chú ý làm xôn xao làng báo, đó là thi sĩ A Khuê công khai chỉ trích nhạc sĩ Trần Quang Lộc về việc nhạc sĩ này phổ thơ của A Khuê để viết thành bài hát nổi tiếng “Về Đây Nghe Em”, nhưng “quên” đề tên A Khuê, và dĩ nhiên là cũng không chia sẻ tiền tác quyền ca khúc này.
Lúc đó, ca khúc Về Đây Nghe Em được nhiều ca sĩ trong nước hát và khán giả rất yêu thích, cho dù bài hát đã được sáng tác cách thời điểm đó gần 30 năm.
Khoảng năm 2001, 2002, thi sĩ A Khuê đến sinh sống và làm việc ở Bình Phước, rồi tình cờ ông hay lui tới ở gia đình tôi, câu chuyện về bài hát Về Đây Nghe Em được chính ông kể lại. A Khuê cũng phổ nhạc một bài thơ của ba tôi thành bài hát tên là Nhánh Hoa Xưa. Ông đã sáng tác hàng trăm ca khúc khác, trong đó có bài khá nổi tiếng là Tình Thiên Thu, được các ca sĩ Trần Thu Hà, Mỹ Lệ hát.
Nghe bài hát Tình Thiên Thu
Thời điểm đó internet bắt đầu nở rộ ở Việt Nam, và xuất hiện một trang web đăng lời bài hát nhạc Việt (lyric) đầu tiên và lớn nhất là dactrung.net mà dân mê nhạc thời đó ai cũng biết. Bài hát Về Đây Nghe Em được đăng lời trên trang này mà chỉ ghi tên Trần Quang Lộc, thiếu tên A Khuê.
Khi tôi tham gia diễn đàn ở trang web dactrung.net này và đã có đóng góp thêm khá nhiều lời bài hát cho web vào thuở internet còn ban sơ, đồng thời đã đề nghị ban quản trị website thêm tên A Khuê vào bài hát Về Đây Nghe Em. Từ đó, cái tên A Khuê bắt đầu xuất hiện trong bài hát Về Đây Nghe Em trên internet. Các website lời bài hát sau này đều copy dữ liệu từ dactrung.net nên có luôn tên A Khuê.
Giới văn nghệ sĩ sinh hoạt trước 1975 hầu như ai cũng biết tập thơ Vàng Bay của A Khuê được NXB Da Vàng Đà Nẵng ấn hành lúc ông mới 22 tuổi. Trong tập thơ có bài Về Đây Nghe Em nổi tiếng. A Khuê cùng với Phạm Phú Hải và Vũ Hữu Định (những bạn đồng ấu) lập nhóm tài tử tâm thi, dụng thơ như cuộc lãng du bụi cát của chính họ. Ba thi sĩ này từng được mệnh danh là “Tam nhân lãng tử đất sông Hàn” mà bạn bè hằng nhắc.
Đặc biệt, khi bài thơ “Về Đây Nghe Em” được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc đã gây ấn tượng mạnh cả trên thi đàn Việt và ca khúc Việt đương đại qua giọng hát của Elvis Phương trong băng Shotguns.
Về Đây Nghe Em – tiếng hát Elvis Phương trước 1975
“Về Đây Nghe Em” với lời ca nhân bản, vượt thoát những cố chấp và kéo gần những khác biệt về ý thức hệ của người Việt.
Nguyên tác bài thơ của A Khuê như sau:
Về đây nghe em!
Về đây mặc áo the đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Về đây gọi tiếng xưa…
Về đây nghe em!
Về đây thả ước mơ đi hát dạo
Để chào đời bằng hạt sương mai
Để bằng lòng ngọt ngào hấp hối
Hận thù người lắng xuống
Tìm nhau như tìm xót xa…
Này hồn ơi lên cao
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời
Cho ta tinh cầu yêu thương
Này thịt xương
Ta chưa mang theo
Khi ngã xuống mê man tủi hờn
Về đây nghe nhau thở dài trong đêm!
Về đây nghe em!
Cùng khóc trên sông nước buồn
Chờ lòng người trở về quê hương
Chờ hồn mình về dòng suối mát
Chờ thật thà vào lòng dối trá
Và nhạc hoa xin kiếp
Tạ ơn hoang phế gặp nhau…
Tuy nhiên ở các bài phỏng vấn sau này, cụ thể là trên đài RFA và SBS Úc Châu năm 2006, nhạc sĩ Trần Quang Lộc thường không nhắc đến tên A Khuê trong bài hát Về Đây Nghe Em. Trả lời đài RFA, nhạc sĩ Trần Quang Lộc nói về hoàn cảnh sáng tác bài hát như sau:
“Tôi viết Về Đây Nghe Em năm 1969-70, thời điểm đó ở Sài Gòn thì chiến tranh đang ở cao trào. Buổi tối ở Sài Gòn lúc đó thời tôi còn đi học tối thì đi đánh đàn ở các quán Bar. Thành phố Sài Gòn giới nghiêm, ban đêm chỉ còn lại những người lính viễn chinh ở Mỹ. Còn trong mấy quán bar chỉ còn lại những cô vũ nữ, cave… những cô sinh viên mặc mini jupe phục vụ trong những quán bar này…
Lúc ấy mình là con người Việt Nam nên có cái nhìn hình như có điều gì đó ray rức trong lòng… cảm nhận có cái gì đó mình không diễn đạt được. Mình cảm nhận có một sự mời gọi để quay về với quê hương, những day dứt đó mình viết thành ca khúc Về Đây Nghe Em.
Bài hát này sau đó cũng được nhiều ca sĩ hát. Bài hát này thuận lợi cách nào đó cho nên thành công. Cho mãi đến bây giờ tuy đã nhiều năm nhưng cũng còn nhiều ca sĩ chọn để hát. Trong những cuộc thi Tiếng hát truyền hình Việt Nam người ta cũng chọn nó”.
Nhà thơ A Khuê tên thật là Hoàng Văn Phúc. Năm 15 tuổi, ông yêu một cô gái tên Khuê. Tình yêu đầu đời đề lại nhiều thương tiếc nên ông lấy tên đó để đặt bút danh cho mình. Thời điểm mới lập nghiệp ở Bình Phước, cuộc sống của ông rất khốn khó.
Nhà thơ Trương Đình Tuấn, bạn văn nghệ của A Khuê ở Bình Phước kể lại về cuộc sống khó khăn của A Khuê như sau:
A Khuê dắt díu vợ con lên sinh sống ở Bình Phước, nhờ hoàn toàn vào sự giúp đỡ của anh em bạn bè văn nghệ. Miếng đất nhỏ nằm trên đồi cạnh Quốc lộ 14 được một người bạn cho, căn nhà nhỏ được xây sơ sài cũng do mọi người đậu tiền góp lại làm nên cho ông.
Đường hẻm vào nhà ông nhỏ hẹp và độ dốc cao nên bị nước mưa làm xói mòn khó đi, vất vả lắm xe máy mới leo lên được nhà của ông nằm khuất trong vườn điều trên đồi.
Ngoài việc sáng tác nhạc, ông chẳng biết làm gì ra tiền. Mọi việc mưu sinh nhờ vào tay của vợ ông nấu rượu rồi đem ra hàng quán bỏ mối. Nghề nấu rượu do bạn của A Khuê là nhà thơ Nguyễn Quang Tấn từ Định Quán – Đồng Nai qua truyền lại nghề, nhờ vậy gia đình của ông đắp đổi qua ngày qua một thời gian.
Cuộc sống của đời nghệ sĩ túng thiếu khó khăn vì phải nuôi một bầy con nheo nhóc 7 đứa. Ông thường nói với bạn bè là ông có 7 đứa con đầy đủ 7 nốt nhạc. Tập thơ thứ nhất Vàng Bay xuất bản năm 1970, ông đã bán chiếc xe gắn máy để in thơ. Tập thơ thứ 2 – Lùa Bò Trong Sương của A Khuê nhờ bạn bè góp tiền lại để in cho ông. A Khuê cho biết là tiêu đề của tập thơ này ông đặt ra là do ông đã có thời gian đi chăn bò thuê ở Đồng Nai.
Cuộc đời của A Khuê được “đổi đời” từ khi bạn bè văn nghệ làm trong đài phát thanh truyền hình tỉnh Bình Phước đưa ông vào làm biên tập chương trình văn nghệ của đài. Từ đây ông được có lương tiền hằng tháng để được phần nào yên tâm sáng tác nhạc. Ông thức dậy từ 4 giờ sáng mỗi ngày, ông nói là khoảng thời gian này yên tịnh cho việc soạn nhạc.
A Khuê bị bệnh tim từ trước năm 1975 và qua đời vì căn bệnh này năm 2009 lúc 61 tuổi, để lại sự bất ngờ và thương tiếc của những người bạn văn nghệ sĩ.
Theo lời kể của nhà báo Văn Bảy, trong triễn lãm Người Ở Biển của Lê Kiệt diễn ra ở hành lang Bích Câu, Cung Văn hóa Lao động Saigon năm 2001, trong tiệc rượu buổi chiều, ngồi chung bàn với A Khuê là nhà văn Sơn Nam (1926-2008) và một vài người khác, Sơn Nam đã nói một câu mà sau này nghiệm lại thấy thật trùng hợp. Đại ý rằng: Tôi tưởng cậu chết rồi chứ, nghe tin bệnh tim của cậu tái phát và đã qua đời trên Long Khánh. Vừa rồi đọc chuyên đề về chuyện Trần Quang Lộc “đạo thơ” A Khuê trên báo, tôi mới hay cậu còn sống, thiệt là vui. Tuy nhiên, nói thì nói vậy, chứ hình như cậu đợi tôi cùng chết cho có đôi phải không?
Lời nói nhiều phần đùa của Sơn Nam vài lần được A Khuê nhắc lại ở đây đó, rồi đã ứng nghiệm, khi mà hôm kỷ niệm 1 năm ngày mất của Sơn Nam (13/8/2009) ở Saigon cũng là ngày thi sĩ A Khuê bất ngờ ra đi ở Bình Phước. Hồi năm 2008, trong đám tang của Sơn Nam, A Khuê cũng đã từng đùa kiểu văn nghệ rằng: Tôi với anh nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm, vậy mà anh đi trước, còn tôi thì phải ở lại.
Nay thì cả hai đã được đi cùng ngày cùng tháng, quả là có những lời nói đùa nhưng trở thành hiện thực.
Đông Kha
(Ghi rõ nguồn nhacxua.vn khi copy bài viết)