Chế Linh kể chuyện về 4 người vợ và 14 người con

Chế Linh là 1 trong số ít nam ca sĩ thế hệ trước 1975 được xem là một huyền thoại của dòng nhạc vàng. Ông cùng với các ca sĩ/nhạc sĩ Duy Khánh, Hùng Cường và Nhật Trường được xưng tụng là “tứ trụ nhạc vàng”, và trong bộ tứ này hiện nay chỉ còn lại duy nhất ca sĩ Chế Linh.

Năm 2020 này Chế Linh đã bước sang tuổi 78, ông vẫn có thể sinh hoạt âm nhạc thường xuyên, trở thành 1 trong những ca sĩ lớn tuổi nhất trên thế giới hiện nay vẫn còn hoạt động ca hát.

Danh ca Chế Linh là người dân tộc Chăm, tên thật là Jamlen (Chà Len), tên tiếng Việt là Lưu Văn Liên, sinh ngày 3/4 năm 1942 và lớn lên tại vùng đất nay là làng Hữu Đức, tỉnh Phan Rang.

Chế Linh được sinh ra trong gia đình có 3 anh em, cha mất sớm khi Chế Linh mới 4 tuổi, ông học hết bậc tiểu học chương trình Pháp ở trường làng và được các linh mục Pháp trong trường hướng dẫn về căn bản nhạc lý, Chế Linh theo học tiếp bậc trung học tại trường Bồ Đề Phan Rang.

Nhận thấy vùng đất khô cằn ở miền Trung không thể mang đến những tương lai rộng mở, Chế Linh quyết định vào Sài Gòn 1 mình năm 17 tuổi để tìm kiếm cơ hội và để mưu sinh, khi đó ông vẫn chưa nói rành ngôn ngữ của người Kinh.

Chế Linh đã kể về thời gian này như sau:

Tôi leo lên xe lửa chỉ với một chồng bánh tráng, một bộ đồ, phía đó không có một người quen biết nào cả, nhưng tôi đã nghĩ chỗ nào cũng là con người, rồi sẽ có tình thương, bao cậu bé đánh giày cũng sống được cơ mà. Khi ấy tôi thậm chí chưa nói thông thạo được tiếng Kinh, chưa biết chữ nên việc đầu tiên là tôi lo kiếm việc để sống chứ chưa có ý thức sẽ học nhạc.

Đến Sài Gòn, ba ngày đầu tôi chẳng có nơi ngủ, chẳng có gì ăn ngoài bánh tráng. Đến ngày thứ tư một ông xích lô đã chở tôi đến gặp gia đình người Tàu để nhận trông con giúp. Ban ngày trông trẻ, buổi tối tôi tự học nhưng không dám thắp đèn của chủ, mà tự mua đèn dầu để học. Thấy tôi như vậy, họ sợ cháy nhà và thương tôi nên đã mua bàn, mua đèn neon cho tôi học. Từ đó gia đình coi tôi như con, ông bà cho tôi đi học.

Tuy được đối xử tốt, nhưng việc ở nhờ và làm thuê không liên quan đến âm nhạc, không thể tiến thân không phải là điều mà Chế Linh mong muốn khi bỏ quê hương để đến Sài Gòn. Ông quyết định bỏ ra đi.

Thời điểm này Chế Linh chỉ biết tiếng Pháp và tiếng Chăm, thường hát nhạc Pháp và nghe cổ nhạc chứ không nghe tân nhạc Việt. Tuy nhiên vào năm 1960, khi được 18 tuổi, ông quyết tâm bước chân vào làng nhạc với suy nghĩ rằng chỉ có âm nhạc mới có thể giúp hoà đồng được với cuộc sống ở vùng đất mới.

Năm 1962, Chế Linh gặp lại vị linh mục người Pháp đã dạy Chế Linh trước đây, vị linh mục này nhận nuôi và khuyến khích Chế Linh theo học tiếp.

Cùng năm đó, Chế Linh tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đoàn văn nghệ Biệt Chính và giành được danh hiệu “Nam ca sĩ xuất sắc nhất”. Sau đó ông đi theo đoàn hát Biệt Chính cùng với các nhạc sĩ như Trúc Phương, Châu Kỳ, Bằng Giang,… Tuy nhiên đến lúc này, Chế Linh vẫn chưa tìm ra một hướng riêng nào cho sự nghiệp ca hát.

Chế Linh (đeo kiếng đen) trong đoàn biệt chính văn nghệ

Chế Linh theo hát cho đoàn văn nghệ Biệt Chính được 2 năm thì đoàn này tan rã, các nhạc sĩ trong đoàn như Trúc Phương, Châu Kỳ đều trở lại Sài Gòn, riêng Chế Linh và Bằng Giang thì ở lại Biên Hòa. Vì chưa có tên tuổi, nếu có trở lại Sài Gòn cũng khó để có thể cạnh tranh bằng những danh ca Sài Gòn khi đó, Chế Linh cùng Bằng Giang đến vùng núi Bửu Long để làm tài xế chở đá thuê và luyện thanh khi rảnh rỗi. Công việc chở đá tại đây chỉ là công việc tạm bợ để Chế Linh có thể chuẩn bị cho mình một hành trang âm nhạc đủ để có thể tái xuất trước khán giả.

Tại đây Chế Linh cùng với bạn là nhạc sĩ Bằng Giang đã viết những ca khúc đầu tiên được ký tên Bằng Giang – Tú Nhi là Đêm Buồn Tỉnh Lẻ, Bài Ca Kỷ Niệm. Những bài hát này được Chế Linh viết riêng cho giọng hát của chính mình, ông lấy bút danh Tú Nhi, nghĩa là một đứa bé khôi ngô tuấn tú.

Được một thời gian, nhạc sĩ Bằng Giang nhận thấy Chế Linh đã đủ sức để “xuống núi” nên đã khuyên Chế Linh về lại Sài Gòn hoạt động ca hát. Chính nhà sư trụ trì trên núi Bửu Long cũng khuyên như vậy sau khi chứng kiến được quá trình luyện giọng của Chế Linh.

Khi đó Chế Linh vẫn chưa quyết định dứt khoát, nhưng một hôm hai người bạn cũ trong Biệt Chính Đoàn là nhạc sĩ Châu Kỳ và Trúc Phương tìm đến nơi ở của ông và kéo trở về Sài Gòn. Khi đó Chế Linh nhờ Châu Kỳ và Trúc Phương sáng tác thêm những ca khúc mang hơi thở bình dân, đại chúng, dễ nghe và dễ tiếp cận với phần đông khán giả. Từ yêu cầu này của Chế Linh, 2 vị nhạc sĩ Sài Gòn đã đã sáng tác một số ca khúc dành riêng cho tiếng hát Chế Linh.

Vào cuối năm 1964, hãng đĩa Việt Nam ký hợp đồng với Chế Linh trong nhiều năm. Từ đó ông chính thức tham gia vào làng nhạc miền Nam và từng bước trở thành ca sĩ được yêu thích nhất của dòng nhạc vàng. Nững năm tháng luyện giọng ở trên núi Bửu Long đã giúp Chế Linh khai phá ra một trường phái riêng trong cách hát nỉ non như lời tâm sự, lời kể chuyện hoặc than trách… rất thích hợp với các ca khúc buồn. Cách hát này của Chế linh cũng đã có nhiều ảnh hưởng đến các giọng ca nam thế hệ sau này.

Khoảng năm 1967, Chế Linh bắt đầu kết hợp cùng Thanh Tuyền để trở thành đôi song ca nhạc vàng được yêu thích nhất từ trước năm 1975 cho đến nay. Người tác hợp cho đôi song ca này là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông – thầy của ca sĩ Thanh Tuyền, cũng là giám đốc hãng dĩa Continental, nơi Chế Linh đang hợp tác.

Khi đó, vì muốn có sự thay đổi, tránh sự nhàm chán với những nhạc phẩm đơn ca nên nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã có sáng kiến để Thanh Tuyền song ca với Chế Linh trong những ca khúc có nội dung viết về tình yêu đôi lứa. Đĩa hát đầu tiên trong đó có nhạc phẩm Hái Hoa Rừng Cho Em của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân được tung ra thị trường và trở nên ăn khách một cách không ngờ. Những hãng đĩa khác sau đó đã tiếp tục khai thác cặp đôi song ca này. Thanh Tuyền có giọng hát thanh và vút cao, kết hợp rất ăn ý với giọng nam trầm của Chế Linh nên đôi song ca này có sự hài hoà, đồng điệu với nhau.

Năm 1972, Chế Linh đoạt giải Kim Khánh – Huy chương vàng đệ nhất hạng nam ca, do nhật báo Trắng Đen tổ chức. Tuy nhiên cũng trong cùng năm đó, vào mùa hè đỏ lửa 1972, Chế Linh bị Chính phủ hạn chế cấp phép hát, ít được xuất hiện trên làn sóng phát thanh và truyền hình vì cho rằng giọng hát không phù hợp với tâm thế của ngưòi lính.


Sự thật về việc Chế Linh bị VNCH cấm hát

Nhiều người cho rằng loại nhạc Chế Linh hát quá bình dân và bị gọi là sến. Phản hồi lại, ông nói rằng “Âm nhạc là văn hóa, văn học nghệ thuật. Thì ở trong văn học nghệ thuật, ở trong văn hóa không thể phân biệt sến và sang”.

Sau năm 1975, Chế Linh bị chính quyền mới cấm hát. Đến năm 1978, ông bị bắt tại Sông Mao, Bình Thuận vì tội “phản động”. Sau 28 tháng bị biệt giam, Chế Linh vượt biên thành công sang Malaysia và định cư tại Canada. Tại đây ông mở một phòng thu thanh và một vài cơ sở kinh doanh, nay đã ngưng hoạt động. Thêm vào đó, Chế Linh vẫn thường được mời trình diễn đều đặn tại nhiều nơi tại Mỹ, Canada cùng một số thành phố có người Việt cư ngụ tại Nga, Ba Lan…

Từ năm 1984, Chế Linh thực hiện một dự án về văn hóa với trường đại học Sorbonne ở Pháp. Dự án này nằm trong công trình nghiên cứu về nền văn hóa Á Đông, trong đó có dự án về văn hóa Chàm. Chế Linh đã từng qua Pháp trong hai năm để nghiên cứu về nhạc Chàm.

Năm 2007, lần đầu tiên ông theo một đoàn văn hóa của UNESCO về thăm lại và biểu diễn tại Việt Nam. Tuy nhiên ông chỉ biểu diễn trong cộng đồng người Chăm chứ chưa chính thức được cấp phép hát ở trong nước.

Đến năm 2011, Chế Linh mới được cấp phép tổ chức liveshow ở trong nước. Trong những năm sau đó, ông nhiều lần trở lại Việt Nam để du lịch và biểu diễn.

Về cuộc sống gia đình, Chế Linh là ca sĩ nhạc vàng có nhiều vợ (chính thức) và nhiều con nhất với 4 người vợ và 14 người con.

Năm 21 tuổi, Chế Linh lấy người vợ đầu tiên. Họ sống với nhau trong 4 năm và có 5 người con. Khi đứa con thứ 5 vừa biết đi chập chững thì Chế Linh ly dị người vợ đầu để cưới người vợ thứ hai, cũng là em gái của vợ đầu.

Chế Linh sống với vợ thứ hai được 4 năm và sinh tiếp 4 người con. Điều đặc biệt là 2 người vợ này là 2 chị em ruột, thương yêu và đùm bọc lẫn nhau.

Khi sáng tác ca khúc nổi tiếng Mai Lỡ Mình Xa Nhau, Chế Linh đã lấy bút danh Lưu Trần Lê, trong đó Lưu là họ trong tiếng Việt của ông, còn Lê là họ của người vợ đầu, Trần là họ của người vợ 2 (là chị em ruột nhưng 1 người mang họ cha, 1 người mang họ mẹ).

Năm 1971, chàng ca sĩ Chế Linh lại độc thân, sau hai cuộc hôn nhân với hai chị em kéo dài 8 năm. Chỉ 1 năm sau, Chế Linh cưới người vợ thứ ba là Thúy Hằng mới 17 tuổi. Mặc gia đình ngăn cấm, Thúy Hằng vẫn làm vợ Chế Linh và sinh liên tục 2 đứa con.

Năm 20 tuổi, người vợ thứ ba này của Chế Linh đã tự vẫn, để lại dòng thư tuyệt mệnh: “Em ra đi để anh còn mãi mãi trong tim em và em cũng còn mãi trong tim anh!”.

Cuối năm 1975, Chế Linh tổ chức đám cưới với Vương Nga và có thêm 3 đứa con. Bà Vương Nga vẫn gắn bó với Chế Linh cho đến ngày nay.

Chế Linh và vợ Vương Nga, họ đã gắn bó với nhau 45 năm qua

Trong số 14 người con của Chế Linh, có 7 nam, 7 nữ, nhiều người có theo nghiệp ca hát như Chế Phương, Chế Phi, Chế Kha, Chế Phong, nhưng không ai đạt được thành công với nghiệp hát.

Để giữ được giọng ca ở độ tuổi gần 80, Chế Linh đã tự đặt ra những nguyên tắc khắt khe cho chính mình trong gần 60 năm hoạt động ca hát, đó là ông không bao giờ nói chuyện với ai trước mỗi đêm diễn, thậm chí không nói chuyện cả với vợ.

Ngoài ra, Chế Linh cũng là người khá nghiêm túc và có bản lĩnh trong nghệ thuật. Ông là ca sĩ hiếm hoi nói không với hát nhép trong suốt sự nghiệp của mình, trừ một số chương trình buộc phải diễn để thu DVD và công khai cho khán giả biết ca sĩ hát nhép (Như trên Paris By Night hay Asia..)


Click vào hình để nghe tuyển tập nhạc Chế Linh

Chế Linh chia sẻ: “Tôi không thích hát nhép, chương trình nào có Chế Linh tham gia, tôi cũng bảo ban tổ chức là: Cho Chế Linh hát live, bởi nhiều khán giả chờ đợi mình cả năm trời để nghe nghệ sĩ hát mà nhép thì tội lắm.

Đông Kha (tổng hợp)
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here