Ca sĩ Khánh Ly được đánh giá là một trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Tên tuổi của cô thường được xếp bên cạnh 2 nữ danh ca khác là Thái Thanh và Lệ Thu.
Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, cô đã ghép tên của 2 nhân vật lừng lẫy trong Đông Chu Liệt Quốc là Khánh Kỵ và Yêu Ly để đặt nghệ danh cho mình và đi hát từ những năm 1960, gắn liền sự nghiệp với dòng nhạc Trịnh Công Sơn. Ngoài ra cô còn trình bày rất thành công nhạc của các nhạc sĩ khác như: Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Đình Toàn.
Khánh Ly sinh năm 1945 tại Hà Nội. Cha mất sớm, mẹ đi bước nữa, và năm 1955 thì gia đình cô di cư vào Sài Gòn. Lúc đó người cha thứ 2 làm cảnh sát, chỉ ở Sài Gòn chỉ được 1 năm thì gia đình lại chuyển lên Đà Lạt sống vì người cha chuyển công tác. Năm 11 tuổi, Khánh Ly trốn cha mẹ để đi nhờ một chuyến xe rau xuống Sài Gòn để thi hát, được giải Á quân cuộc thi tìm kiếm giọng hát hay trên đài Pháp Á với ca khúc Ngày Trở Về của nhạc sĩ Phạm Duy. Sau đó, cô lại theo xe chở rau trở về Đà Lạt, tiếp tục mơ ước trở thành ca sĩ.
Sau 1 năm ở Đà Lạt, một lần nữa người cha chuyển công tác về Sài Gòn, gia đình cô chuyển về sống ở gần Chợ Quán. Đến năm 17 tuổi (1962), Khánh Ly đã thực sự được đứng trên sân khấu khi hát cho phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện. Tuy nhiên thu nhập của một người mới đi hát chưa có tên tuổi như cô là rất bấp bênh.
Khánh Ly năm 17 tuổi
Cuối năm 1962, Khánh Ly lập gia đình khi tuổi còn rất trẻ, đành bỏ dở sự nghiệp mới chớm ở Sài Gòn để về nhà chồng ở Đà Lạt. Trong 5 năm gắn bó với thành phố xứ lạnh này, Khánh Ly đi hát cho vũ trường mang tên Night Club và trải qua một cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Cô tiết lộ rằng đó là hậu quả của những lỡ lầm tuổi trẻ nông nỗi và thiếu hiểu biết. Sau 5 năm chung sống và có 2 người con, Khánh Ly và chồng chia tay nhau.
Nơi mà Khánh Ly đi hát là vũ trường duy nhất của Đà Lạt, cô hát những bài tình ca tiền chiến và nhận thù lao khoảng 2500 đồng 1 tháng, bằng với lương của một trung úy khi đó, nên đời sống tương đối dư dả.
Khánh Ly tại Đà Lạt
Khánh Ly đã kể về cuộc sống của mình trong quãng thời gian này như sau:
“Đó là năm 1964, tôi và các con đang ở thành phố Dalat. Tôi vừa 19 tuổi, hai con, một gái, một trai. Ba mẹ con sống với nhau hồn nhiên như cây cỏ trong ngôi nhà hai từng rộng lớn vắng người, trên một ngôi đồi mà người ở đó gọi là đồi Miên – tên ông nội hai đứa nhỏ. Nhà không cổng ngõ, không hàng rào, đồi rộng thênh thang, từ hông nhà ngó xuống, là một thung lũng nhỏ xanh rì, nhìn mông ra xa thấp thoáng đâu đó mầu đỏ của ngói bên cạnh những vườn trồng rau quả xanh ngắt, tiệp với màu của lá cỏ. Nổi lên trên màu xanh mượt mà như tấm áo dạ hội bằng nhung, tôi có thể biết được đó là những vườn hoa”.
Khánh Ly năm 1968 cùng 2 người con
Khoảng năm 1964, Khánh Ly có gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Đà Lạt. Nhận thấy một giọng hát quá đặc biệt vẫn còn đang lận đận ở vùng cao nguyên, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mời cô về Sài Gòn biểu diễn. Tuy nhiên thời điểm đó Khánh Ly vẫn chưa muốn rời Đà Lạt nên đã từ chối.
Sau khi chia tay chồng và trở về Sài Gòn năm 1967, Khánh Ly tình cờ gặp lại Trịnh Công Sơn trên phố đông người. Họ kết hợp với nhau bắt đầu từ Quán Văn, là địa điểm sinh hoạt văn nghệ nằm trên bãi đất rộng đằng sau trường Đại Học Văn Khoa để hát cho sinh viên nghe những ca khúc Da Vàng, những bài hát tình yêu và thân phận, trong những đêm nhạc ngoài trời, không có thù lao, để rồi từ đó tên tuổi Khánh Ly bay vút cao trên vòm trời âm nhạc miền Nam.
Thời điểm đó Khánh Ly có biệt danh là “Nữ hoàng chân đất”. Giải thích cho tên gọi này, cô kể lại rằng thuở mới đi hát cùng Trịnh Công Sơn cũng là lần đầu cô xuất hiện trước đám đông cả ngàn khán giả. Cô bị khớp và không giữ được bĩnh tĩnh, đứng không vững, phải vị vào vai Trịnh Công Sơn đứng đàn ở bên cạnh. Trịnh Công Sơn nói: “Bỏ tay ra và đừng hát cho nghiêm chỉnh”. Để đứng vững, cô đành bỏ đôi giày cao gót ra và đứng bằng chân đất để hát, nhờ đó mà có được bình tĩnh hát hết trọn vẹn 30-40 bài hát trong 1 đêm nhạc.
Năm 1968, Khánh Ly mở Hội Quán Cây Tre ở Đakao, là nơi sinh hoạt của các văn nghệ sĩ và các sinh viên học sinh yêu tiếng hát Khánh Ly, và đây cũng là nơi tổng phát hành những cuốn băng nổi tiếng Trịnh Công Sơn – Khánh Ly Hát Cho Quê hương Việt Nam.
Trong hai năm 1969 và 1970, được sự tài trợ của chính phủ, Khánh Ly đã có nhiều cuộc trình diễn cho các sinh viên Việt Nam ở châu Âu, Mỹ và Canada. Năm 1970, nhận được lời mời của đài truyền hình NHK, Khánh Ly sang biểu diễn ở Nhật Bản, rồi ghi âm và trình diễn các ca khúc nhạc Trịnh bằng cả hai thứ tiếng Việt và Nhật.
Dĩa hát Khánh Ly phát hành ở Nhật
Mặc dù nổi tiếng khá muộn so với các nữ danh ca Sài Gòn khác, nhưng từ cuối thập niên 1960 cho đến 1975, Khánh Ly trở thành tên tuổi ăn khách tại các phòng trà và đã thu âm trong rất nhiều dĩa nhạc, băng cối của hầu hết các hãng dĩa ở Sài Gòn như hãng dĩa Việt Nam, Sóng Nhạc, Tình Ca Quê Hương, Dư Âm, Nhạc Ngày Xanh, Continental, Phạm Mạnh Cương, Trường Sơn, Sơn Ca, Họa Mi, Jo Marcel…
Thời gian này, Khánh Ly lập gia đình lần 2 với đại úy biệt cách dù là Mai Bá Trác, có 1 người con, nhưng họ cũng không sống chung với nhau được lâu.
Sau năm 1975, Khánh Ly tị nạn sang Mỹ. Những năm tháng đầu tiên của cô rất cực khổ, phải làm công việc lau chùi nhà vệ sinh ở trong một trường mẫu giáo. Một thời gian sau, cô được mời đi hát lại khi cuộc sống của cộng đồng người Việt ở hải ngoại dần đi vào ổn định. Trong những lần trở lại sân khấu đó, Khánh Ly gặp người chồng sau cùng là nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan.
Khánh Ly kể lại rằng cô đã gặp ông Đoan nhiều lần tại Sài Gòn nhưng chỉ là bạn bè. Khi gặp lại nhau nơi đất khách thì cũng như hai người bạn đồng hương. Được thời gian gặp gỡ nhau, ông Đoan đề nghị với Khánh Ly: “Ở đây anh không có gia đình, em cũng không có gia đình. Em nghĩ sao nếu chúng mình kết hợp với nhau thành một gia đình?”. Từ đó họ gắn bó với nhau cho đến khi ông Nguyễn Hoàng Đoan qua đời năm 2015.
Năm 2012, lần đầu tiên Khánh Ly được cấp phép hát trở lại trong nước kể từ sau năm 1975, nhưng đến năm 2014, Khánh Ly mới chính thức trở về để thực hiện một liveshow tại Hà Nội.
Có rất nhiều nhận định rằng nếu không có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì Khánh Ly sẽ không thành danh. Chính Khánh Ly cũng thừa nhận điều này nhiều lần, khi ví Trịnh Công Sơn là hình, còn Khánh Ly chỉ là bóng. Tuy nhiên có lẽ vì sự nghiệp của bà đã gắn liền với nhạc Trịnh quá nhiều nên sẽ có người quên đi rằng Khánh Ly đã hát rất thành công nhạc của nhiều nhạc sĩ khác. Khánh Ly đã thực hiện 1 CD nhạc Phạm Duy rất hay mang tên là Bên Ni Bên Nớ. Bà cũng có 1 trong những album hay nhất sự nghiệp tên là Kinh Khổ, gồm toàn những ca khúc của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Ngoài ra tên tuổi Khánh Ly cũng gắn liền với nhạc của Nguyễn Đình Toàn cùng CD mang tên Hiên Cúc Vàng, Mưa Trên Cây Hoàng Lan. Khánh Ly cũng trình bày rất thành công nhạc Trường Sa với các ca khúc Rồi Mai Tôi Đưa Em, Mùa Thu Trong Mưa, nhạc Ngô Thụy Miên với Niệm Khúc Cuối, nhạc Vũ Thành An với Em Đến Thăm Anh Đêm 30…
Mời các bạn nghe lại những album của Khánh Ly đã được nhắc đến:
CD Bên Ni Bên Nớ
CD Kinh Khổ
CD Hiên Cúc Vàng
Đông Kha (tổng hợp) – nhacvangbolero.com