Nhạc sĩ Khánh Băng – tác giả của những bài hát nổi tiếng: Vườn Tao Ngộ, Sầu Đông, Nếu Một Ngày… tên thật Phạm Văn Minh, sinh năm 1935 tại Thắng Tam, Vũng Tàu. Nghệ danh của ông được ghép từ tên 2 cô bạn thân, một tên Khanh, một tên Băng, thêm dấu sắc tên đầu, từ đó có tên Khánh Băng. Ngoài ra ông còn sử dụng tên con trai của mình là Nhật Hà để làm bút danh trong ca khúc Vườn Tao Ngộ.
Khánh Băng được xem như là một trong những nhạc sĩ chơi guitar điện đầu tiên trên những sân khấu Sài Gòn vào thập niên 60. Ông cũng là một trong những nhạc sĩ sáng tác nhiều thể loại nhạc nhất, và ở thể loại nào cũng để lại dấu ấn tiêu biểu.
Nghe Hùng Cường hát Sầu Đông trước 1975
“Chiều nay gió đông về
dừng chân trên bến xưa…”
Ca khúc được nhiều người biết đến nhất của nhạc sĩ Khánh Băng có lẽ là Sầu Đông, được viết theo điệu Twist rất thịnh hành ở Mỹ vào thập niên 1950-1960. Thể loại này được du nhập và phổ biến ở Sài Gòn vào thập niên 60, được gọi với cái tên là “nhạc kích động”. Một ca khúc nhạc sôi động nổi tiếng khác của ông là “Có Nhớ Đêm Nào”, có thể được hát theo điệu Swing hoặc Twist nổi tiếng với tiếng hát gằn giọng đặc biệt của “nữ hoàng kích động nhạc” Mai Lệ Huyền:
“Có nhớ đêm nào?
Về chung với nhau nơi này
Tìm đến hòa khúc sum vầy
Tình xuân ngất ngây ta cùng say…”
Mặc dù nổi tiếng với những ca khúc theo “phong cách Mỹ” như vậy, nhưng trước đó, vào năm 1956, bài hát đã làm nên tên tuổi của Khánh Băng lại mang phong cách êm đềm trữ tình của dòng nhạc tiền chiến, đó là Vọng Ngày Xanh. Bài hát này được nhà văn nữ nổi tiếng Françoise Sagan viết lời Pháp, và nhờ vậy Khánh Băng được Hội Tác quyền Thế giới mời gia nhập. Ca khúc bất hủ này có giai điệu day dứt chậm buồn, với âm vực trầm bổng, là một bài dành cho những giọng ca điêu luyện, điển hình là tiếng hát Thái Thanh hoặc Lệ Thu:
“Trời mưa gió lá cây tơi bời khắp nơi,
Tan nát bao cánh hoa tươi bên thềm gió chiều thét gào não nề
Ôi trời mưa gió điêu tàn gieo bao đau thương…”
Ngoài nhạc kích động, nhạc phong cách tiền chiến, nhạc sĩ Khánh Băng còn sáng tác nhạc tình với lời ca đẹp như thơ trong ca khúc Nếu Một Ngày, với một phong cách quen thuộc của dòng nhạc tình ca thập niên 1960-1970:
“Nếu một ngày không có em
Thì niềm cô đơn dài như năm tháng…”
Ngoài ra, không thể không nhắc đến một dòng nhạc khác mà Khánh Băng đóng góp 2 ca khúc rất tiêu biểu là Giờ Này Anh Ở Đâu và Vườn Tao Ngộ, đó là dòng nhạc vàng viết về người lính. Chỉ trong đoạn mở đầu này của Giờ Này Anh Ở Đâu, nhạc sĩ đã nhắc đến đầy đủ những quân trường khắc nghiệt nhất của một thời.
“Giờ này anh ở đâu?
Quang Trung nắng cháy da người
Giờ này anh ở đâu?
Dục Mỹ hay Lam Sơn?
Giờ này anh ở đâu?
Đồng Đế nắng mưa thao trường…”
Ngoài ra, ở thể loại nhạc quê hương, âm hưởng dân ca Nam Bộ, nhạc sĩ Khánh Băng còn đóng góp các bài hát hát nổi tiếng như Trên Nhịp Cầu Tre, Chiều Đồng Quê, và đặc biệt là Chờ Người (sáng tác sau năm 75):
“Một người con gái đứng nghiêng nghiêng vành nón lá
Đường chiều bờ đê lối xưa kỷ niệm thiết tha…”
Trong số những nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam, có rất ít nhạc sĩ viết nhạc với đề tài phong phú đến như vậy. Nói về sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Khánh Băng lúc sinh thời đã ước lượng rằng: “…500 thì quá ít mà 1000 lại hơi nhiều…”. Đó quả là một gia tài âm nhạc đồ sộ.
Trong một bài viết của nhà báo Trần Quốc Bảo, nhạc sĩ Khánh Băng đã tự kể về đời mình như sau:
“Từ thuở nhỏ tôi đã yêu thích âm nhạc nên tự luyện đàn Mandolin, đã từng hợp tác với anh Đoàn Kỳ Quận dàn dựng, tập luyện và trình diễn với các em học sinh trong những buổi cắm trại và những buổi lễ bãi trường. Từ năm 1948, lúc 14 tuổi, tôi đã tập sáng tác. Sau khi hoàn thành bản nhạc nào, tôi liền gửi lên Saigon cho anh Võ Đức Thu. Tôi quen anh Võ Đức Thu qua sự giới thiệu của người bạn tôi và cũng là em của anh Võ Đức Thu là Võ Đức Hảo. Sau khi sửa chữa những chỗ sai sót, anh Võ Đức Thu còn ghi chú thêm những luật lệ về sáng tác. Sau đó, ông mới gửi trả về Vũng Tàu cho tôi bằng những bao thư có dán tem sẵn. Nói về mặt sáng tác, đây là lối học hàm thụ mà tôi đã được ông Võ Đức Thu chỉ dẫn và khuyến khích rất nhiều.
Sau mùa Hè năm 1949, tôi phải lên Saigon học trường Huỳnh Khương Ninh (Đa Kao) vì lúc đó ở Vũng Tàu không có bậc Trung học. Năm 1954, vì có sự khuyến khích của bạn bè, tôi tham dự trong cuộc tuyển lựa Tài Tử ở Saigon tổ chức tại rạp Nam Việt. Sau đó tôi được tuyển chọn làm nhạc công ở Đài phát thanh Saigon với cây đàn Mandolin. Vì tôi sáng tác rất nhiều nên không thể nhớ được bản nhạc nào là bản nhạc đầu tiên, nhưng có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên, đó là chiều ngày thứ ba 15 tháng 3 năm 1955 trong chương trình thường trực của Đài phát thanh Saigon, nhạc phẩm đầu tiên của tôi được trình diễn, đó là bài Nụ Cười Thơ Ngây với hai giọng hát Minh Trang và Anh Ngọc. Vì nhận thấy với cây đàn Mandolin không thể phát huy tối đa bằng cây đàn guitar nên tôi bắt đầu tập khổ luyện thêm đàn guitar từ năm 1953-1954 theo phương pháp methos Caroly.
Năm 1955, tôi gia nhập ban Sầm Giang của anh Trần Văn Trạch và ban kịch Dân Nam của Anh Lân và chị Túy Hoa với sự giới thiệu của Tùng Lâm. Từ năm 1955-1959 tôi thường xuất hiện trên các sân khấu Đại Nhạc Hội và phụ diễn ca nhạc với tiết mục độc tấu guitar thùng. Năm 1960 tôi chuyển qua guitar điện và biểu diễn hàng đêm tại các phòng trà ca nhạc do tôi làm chủ trong khu giải trường Thị Nghè.
Năm 1962, nhờ sự giới thiệu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với hãng dĩa Sóng Nhạc, dĩa nhạc đầu tiên của tôi ra đời với những ca khúc do tôi sáng tác như Sầu Đông, Có Nhớ Đêm Nào, Lưu luyến, Đêm Cô Đơn… Thành phần ban nhạc lúc bấy giờ gồm có Khánh Băng, Phùng Trọng, Dương Quang Định và Dương Quang Lê Minh.
Ban nhạc của Khánh Băng
Vào năm 1964, ban nhạc của tôi là ban nhạc trình diễn trước tiên trong dịp lễ khai trương của Đài Truyền Hình Việt Nam. Năm 1966, ban nhạc với thành phần Khánh Băng, Phùng Trọng, Nguyễn Ánh 9, Duy Khiêm cùng với 2 nữ ca sĩ Mary Linh và Phước Vân được trao tặng Huy Chương Vàng do Hội ký giả tổ chức tạp rạp Quốc Thanh.
Khánh Băng (guitar) – Duy Khiêm (bass), Phùng Trọng (trống), Nguyễn Ánh 9 (Piano)
Năm 1967, vì là ban nhạc thường trực của Đài Truyền Hình nên ban nhạc tôi có sự thay đổi: Khánh Băng, Phùng Trọng, Nguyễn Thành (saxo, Tenor), Thôi Phước (trumpet), Sầm Sơn (guitar bass). Từ tháng 3 năm 1973, tôi sang lại nhà hàng kiêm vũ trường Hawaii lầu 4 số 6 đường Bùi Viện để tự khai thác biểu diễn hàng đêm cho đến ngày 20 tháng 3 năm 1975 thì bị đình chỉ hoạt động vì tình hình an ninh chung.
Ban nhạc Khánh Băng với Lê Duyên, Phùng Trọng, Khánh Băng, Duy Mỹ
Cuối năm 1991, tôi bắt đầu sáng tác trở lại cho đến nay (là thời điểm khoảng năm 1995) đã được 156 bài. Trong số này, có nhiều bài đã được phổ biến tại thị trường Việt Nam khoảng 70 bài và một số ít ở thị trường hải ngoại. Hơn 50 năm phục vụ văn nghệ trong lĩnh vực sáng tác, tôi không nhớ chính xác là mình đã viết bao nhiêu bài, “nói 500 thì quá ít, mà 1000 lại hơi nhiều”.
Năm 2002, nhạc sĩ Khánh Băng có lần hiếm hoi trả lời báo chí ở trong nước, trên tờ Thanh Niên:
- Ông chính thức bước vào lĩnh vực ca nhạc từ lúc nào?
– Tôi có được chút tiếng tăm kể từ lúc lên Sài Gòn học trung học ở trường Huỳnh Khương Ninh – Đa Kao (năm 1949). Ở khu vực Tân Định này, chúng tôi thành lập một nhóm thanh thiếu niên yêu thích văn nghệ, trong đó có Vân Hùng, Tùng Lâm… thường xuyên tập dượt với nhau để phục vụ đám cưới miễn phí. Tôi chuyên biểu diễn mandolin. Cũng nhờ cây đàn 8 dây này mà năm 1954, tôi thi đậu vào làm nhạc công trong Đài Phát thanh Sài Gòn. Sau đó chính Tùng Lâm tiến cử tôi với nhạc sĩ Trần Văn Trạch cho được chơi đàn ở đoàn Sầm Giang và vào đàn ở Đài Pháp – Á. Khánh Băng khởi nghiệp từ đó. Tôi là người Việt Nam đầu tiên sử dụng guitar điện trên sân khấu.
- Trong lĩnh vực sáng tác, ông có bao nhiêu tác phẩm?
– Khó nhớ hết những bản nhạc tôi đã sáng tác. 500 thì quá ít mà 1.000 lại hơi nhiều. Tôi sáng tác từ thời còn mặc quần cộc nên cũng chẳng nhớ nhạc phẩm đầu tay là bài nào. Có điều tôi không bao giờ quên là vào ngày thứ ba 15/3/1955, Đài Phát thanh Sài Gòn lần đầu tiên phát bài hát của tôi, bài Nụ Cười Thơ Ngây do Minh Trang và Anh Ngọc song ca. Còn thành danh nhờ bài Vọng ngày xanh (1956), được nữ văn sĩ Francoise Sagan viết lời Pháp. Nhờ bài hát này, tôi được Hội Tác quyền Thế giới mời gia nhập.
- Thời đó, người ta gọi thể loại nhạc mà ông sáng tác là kích động nhạc. Ông giải thích cụm từ này như thế nào?
– Thật ra chẳng có gì ghê gớm cả. Chẳng qua là một cách gọi để chỉ các bản nhạc có tiết tấu nhanh, sôi động. Trước tôi đã có nhiều nhạc sĩ sáng tác thể loại này như Lê Yên (Ngựa Phi Đường Xa), Y Vân (Sài Gòn)… Tuy nhiên, những bài hát Sầu Đông, Có Nhớ Đêm Nào, Tiếng Mưa Rơi do tôi sáng tác vào khoảng năm 1962 vẫn được coi là những bài nhạc trẻ đầu tiên ở Việt Nam.
Mà tôi đâu chỉ viết nhạc kích động, tôi cũng viết nhạc trữ tình dưới các bút danh khác như Anh Minh, Nhật Hà… Từ năm 1991 đến năm 1996, trước khi mắt bị mờ tôi vẫn còn sáng tác được hơn 100 bài, trong đó có những bài hát phổ biến như Trên Nhịp Cầu Tre, Chờ Người, Chiều Đồng Quê… mang phong cách nhạc đồng quê Nam Bộ.
- Ông có thể tiết lộ về cô Khanh và cô Băng mà ông đã mượn tên làm nghệ danh cho mình?
– Khanh và Băng chỉ là những ấn tượng đẹp đầu đời. Thuở ấy chúng tôi còn tí xíu. Cô Băng giờ cũng đang dưỡng lão ở Vũng Tàu, cô Khanh thì biệt tích từ lâu. Mới đó mà mùa đông đã về với chúng tôi rồi. Chiều nay gió đông về, dừng chân trên bến xưa…
Đông Kha