Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1925 tại Vinh, Nghệ An, xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cha của ông là “trùm một phường bát âm của miền quê Vĩnh Phú thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào”, sau vào làm thợ máy nhà máy xe lửa Trường Thi ở Nghệ An. Thuở bé, Nguyễn Văn Tý học ở trường Quốc học Vinh và được một giáo viên người Pháp dạy cho những bài hát của Tino Rossi đang thịnh hành thời đó. Trong thời gian tham gia hoạt động hướng đạo, ông được một cha cố người Tây Ban Nha cho vào dàn nhạc nhà thờ hát thánh ca. Ở đó ông được học nhạc lý cơ bản và nhất là nâng cao trình độ hòa thanh, hát bè. Nguyễn Văn Tý còn được một thầy giáo nhạc sĩ người Hoa tên Mạnh Hinh dạy chơi đàn guitar Hawaii.
Từ năm 1944, ông đi hát trong phòng trà ở Vinh kiếm sống. Năm 1945, Nguyễn Văn Tý tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Theo lời của Nguyễn Văn Tý, ông bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương, nhưng ông coi tác phẩm đầu tay của mình là bài Ai Xây Chiến Lũy được viết 1949.
Năm 1948, Nguyễn Văn Tý ở đoàn văn hóa tiền tuyến thuộc Quân huấn cục. Sau đó, từ năm 1950, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn Văn công của Sư đoàn 304 và làm trưởng đoàn. Bản Dư Âm nổi tiếng được ông sáng tác khoảng 1950 sau một lần về chơi nhà bạn ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, Dư âm viết về cô em gái của người bạn đó. Cũng vì bản nhạc này ông bị đơn vị đưa ra kiểm điểm vì đã sáng tác một bài hát quá ủy mị, không hợp với thời kỳ đó. Tuy nhiên, bài hát Dư Âm sau này lại rất nổi tiếng và được hát nhiều tại miền Nam.
Cuối năm 1957, Nguyễn Văn Tý cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao được chỉ định thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sau đó, khi đang là ủy viên chấp hành khóa đầu tiên của hội thì báo Nhân Văn ra đời, xảy ra vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, theo lời khuyên của Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Tý đi tránh và nghiên cứu dân ca. Đầu 1961, ông được biệt phái về Hưng Yên. Thời gian này, Nguyễn Văn Tý đã viết một số ca khúc như Chim hót trên đồng đay (1963), Dòng nước quê hương (1963), Tiễn anh lên đường (1964), Múa hát mừng chiến công (1966)…
Nguyễn Văn Tý sáng tác được khá nhiều bài hát, những sáng tác của ông lại được đông đảo công chúng mến mộ như Dư Âm, Mẹ Yêu Con, Dáng Đứng Bến Tre, Bài Ca Năm Tấn, Tấm Áo Chiến Sĩ Mẹ Vá Năm Xưa, Cô Nuôi Dạy Trẻ…
Dư Âm có thể coi là ca khúc tiền chiến duy nhất của ông. Ca khúc tuy không được phổ biến ở miền Bắc trong những năm chiến tranh nhưng lại được biểu diễn nhiều ở miền Nam trước năm 1975. Về sau ca khúc được lưu hành rộng rãi, trở thành một trong những bản tình ca được nhiều công chúng yêu thích. Sau này ông có viết thêm bài “Dư âm 2” mang tên Một ánh sao trời (1988).
Cuộc sống gia đình
Năm 1946, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kết hôn với bà Mai Thị Cúc. Theo Nông nghiệp Việt Nam, bà Mai Thị Cúc là một người phụ nữ bán muối ở bến cảng Hộ Độ – Hà Tĩnh và bị bệnh tim. Vào năm 1947, sau 3 tháng sinh con gái Như Mỹ, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời.
Trong những năm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đi sáng tác phục vụ cách mạng, con gái của ông – Như Mỹ được học tập tại Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà Như Mỹ dạy môn Hóa ở trường Trần Phú – Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu.
Năm 1953, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tái hôn. Vợ của ông là nghệ sĩ Bạch Lê – em gái của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Cả hai cùng công tác trong Đoàn văn công Liên khu 4. Trước khi đến với tác giả “Dư âm”, nghệ sĩ Bạch Lê từng qua một lần đò và có bốn đứa con riêng.
Theo Pháp luật TP.HCM, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể kỷ niệm ông nhớ nhất thời yêu nghệ sĩ Bạch Lê là khi bà đi phục vụ dân công hỏa tuyến. Có hôm đoàn của ông đóng ở bên này sông, ông được phân công sang sông làm một việc quan trọng.
Như linh tính gì đó, nghệ sĩ Bạch Lê đưa ông ra tận bến đò. Đò sắp cập bến thì máy bay địch ập tới thả bom napal. Ông may mắn lao được xuống hào. Khi về lại lán, cảnh tượng tang thương diễn ra trước mắt. Ông đau xót thì nghe tiếng gọi của nghệ sĩ Bạch Lê. Hóa ra bà dõi theo ông từng bước khi qua đò.
Đám cưới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và nghệ sĩ Bạch Lê do nhà thơ Lưu Trọng Lư làm chủ hôn. Theo Giáo dục thời đại, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý dành cho người vợ thứ hai các ca khúc “Sương khuya”, “Con sáo sang sông” và “Là tình yêu mãi mãi”.
Một năm sau khi kết hôn, nghệ sĩ Bạch Lê hạ sinh con gái Thái Linh. Khi con gái chào đời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác bài “Mẹ yêu con”. Nghệ sĩ Thái Linh từng học nhạc 11 năm ở Liên Xô rồi theo chồng sang định cư ở Đức. Nhiều năm sau, nghệ sĩ Thái Linh giảng dạy piano tại Nhạc viện TP.HCM cho đến ngày nghỉ hưu.
Khi nghệ sĩ Thái Linh lấy chồng, sang Đức định cư, nghệ sĩ Bạch Lê sang nước ngoài chăm con và cháu. Trong nhiều năm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sống một mình. Sau khi về Việt Nam được vài năm, người vợ thứ hai của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời.
Tổng hợp