Nhạc sĩ Châu Kỳ là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng miền Nam với rất nhiều ca khúc nhạc vàng nổi tiếng khó có thể kể hết, tiêu biểu nhất là Con Đường Xưa Em Đi, Cố Đô Yêu Dấu, Đàn Không Tiếng Hát, Đừng Nói Xa Nhau, Được Tin Em Lấy Chồng, Giọt Lệ Đài Trang, Khuya Nay Anh Đi Rồi, Nén Hương Yêu, Sao Chưa Thấy Hồi Âm…
Nghe những ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Châu Kỳ (thu âm trước 75)
Nhạc sĩ Châu Kỳ sinh ngày 5 tháng 11 năm 1923 tại làng Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Cha của ông là Châu Huy Hà, một nghệ nhân ca Huế, cũng là một thầy đồ dạy chữ nho; chị của ông là Châu Thị Minh, được coi là một trong Ngũ nữ minh tinh của làng nghệ thuật Việt Nam (miền Nam có Phùng Há, Năm Phỉ; miền Bắc có Ái Liên, Bích Hợp và miền Trung có Châu Thị Minh).
Thuở nhỏ, nhạc sĩ Châu Kỳ học ở Trường Tiểu học Dưỡng Mong, sau ông lên Huế học ở trường Lycée Khải Định (nay là Quốc Học Huế). Ở đây, Châu Kỳ gặp được sư huynh Petrus Thiều, một tu sĩ vừa giỏi về nhạc lý và sáng tác vừa sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ phương Tây.
Sẵn dòng máu văn nghệ trong người, lại được thầy giỏi hướng dẫn, nên việc học nhạc và học hát của Châu Kỳ rất mau tiến bộ. Lúc mới biết hát, ông thường bắt chước ngân nga các bài hát bằng tiếng Pháp thịnh hành vào thời đó như là “J’ai deux amours, Tant qu’il y aura des etoiles” mà nam danh ca người Pháp Tino Rossi thường trình bày, nên ông được bạn bè gọi “là Deuxième Tino Rossi”.
Đến khi chị của ông là Châu Thị Minh lập đoàn ca kịch Huế mang tên Hồng Thu, ông đi hát trong đoàn của chị. Vừa được hát, lại vừa có tiền giúp cha mẹ, ông bỏ học luôn để đi theo nghiệp cầm ca.
Năm 1942, đoàn Hồng Thu lưu diễn ở Savanakhet rồi Thakhet (Lào). Ở Thakhet khi đang diễn vở kịch Hồn Lao Động thì Châu Kỳ bị mật thám Pháp bắt, đem lên giam ở Ba Vì. Rời nhà giam trở về Huế, Châu Kỳ bàng hoàng nghe tin mẹ mình bị qua đời trong một cơn lũ. Những buổi chiều bên dòng Hương giang ngổn ngang tâm sự, Châu Kỳ viết nhạc phẩm đầu tay Trở về (1943): “Về đây nhìn mây nước bơ vơ. Về đây nhìn cây lá xác xơ. Về đây tìm bóng chiều mơ. Mong tìm mái tranh chờ. Mong tìm thấy người xưa…”.
Năm 1947, nhạc sĩ vào Sài Gòn sinh sống sau một vài mối tình kết thúc trong đau buồn. Tại đây, Châu Kỳ đã khởi đầu một hiện tượng của làng ca nhạc thời đó với sự xuất hiện của cặp uyên ương Châu Kỳ – Mộc Lan. Chàng là ca sĩ – nhạc sĩ tài hoa, nàng là con họa mi giọng ca vang khắp Bắc – Trung – Nam.
Châu Kỳ là người gốc Huế, còn Mộc Lan là người đẹp Hải Phòng, họ gặp nhau ở Sài Gòn khi cả 2 cùng tá túc ở nhà đôi nghệ sĩ nổi tiếng là nhạc sĩ Mạnh Phát – danh ca Minh Diệu. Sau khi trở thành vợ chồng, Châu Kỳ đưa vợ về Huế ra mắt gia đình và sinh hoạt văn nghệ luôn tại đây.
Ở Huế, danh tiếng của đôi song ca – đôi uyên ương Châu Kỳ – Mộc Lan nhanh chóng nổi tiếng, mặc dù ở đất Thần Kinh lúc đó cũng có một đôi vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng không kém, đó là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết và ca sĩ Ngọc Cẩm (song thân của ca sĩ Hồng Hạnh bây giờ). Có thể nói đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhưng cũng thật ngắn ngủi – một kỷ niệm đẹp nhưng đau thương của nhạc sĩ Châu Kỳ, vì sau đó không lâu, cuộc hôn nhân tan vỡ, kết thúc một cuộc tình nghệ sĩ giữa tài tử và giai nhân.
Đây là giai đoạn đầy những đau thương, u uất chất chứa trong nhiều ca khúc của Châu Kỳ: Từ Giã Kinh Thành, Khúc Ly Ca, Đàn Không Tiếng Hát, Biệt Kinh Kỳ, Khuya Nay Anh Đi Rồi, Tìm Nhau Trong Kỷ Niệm, Hương Giang Còn Tôi Chờ, Đừng Nói Xa Nhau, Tiếng Ca Đó Về Đâu…
Ba năm sau tan vỡ cuộc hôn nhân đầu, năm 1955, nhạc sĩ Châu Kỳ lập gia đình với bà Kha Thị Đàng, người nhỏ hơn đến 15 tuổi, và chung sống cho đến lúc ông qua đời năm 2008.
Ca sĩ Phương Dung từng nói về cuộc hôn nhân của họ như sau:
Phía sau sự thành công của Châu Kỳ chính là Kha Thị Đàng. Có với nhau 4 người con, người phụ nữ này bằng lòng sống “chung cái nghèo” với người chồng nhạc sĩ đến tận cùng cuộc đời. Cô ấy cũng chính là người khán giả theo suốt cuộc đời người nhạc sĩ.
Nói về sự đào hoa và tính nghệ sĩ của chồng, bà Kha Thị Đàng từng cho biết:
“Những chuyện tình của Châu Kỳ đau khổ, trắc trở nhưng mối tình của Châu Kỳ cùng những sáng tác của ông sẽ sống mãi trong lòng khán giả. Cuộc đời ông có nhiều bóng hồng, tôi làm vợ phải thông cảm cho chồng vì nhờ đó mới có nhiều ca khúc hay tặng đời”.
Nhạc của ông đã được nhiều thế hệ ca sĩ từ trước 1975 đến nay thể hiện ở Việt Nam và hải ngoại. Năm 2005, trung tâm Thúy Nga thực hiện Paris By Night 78: Đường Xưa, vinh danh ông cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng và Tùng Giang.
Lúc 1 giờ 10 phút rạng sáng ngày 6 tháng 1 năm 2008 tại Thủ Đức, nhạc sĩ Châu Kỳ đã qua đời ở tuổi 85 sau gần hai tháng nằm liệt trên giường vì bệnh. Ông được đưa về quê hương Huế và an táng vào ngày 11 tháng 1 năm 2008 tại đồi Nam Giao.
Những năm cuối đời, nhạc sĩ Châu Kỳ phải nằm một chỗ mất gần 4 tháng. Vợ của ông là bà Kha Thị Đàng kể lại, ông không có bệnh gì nhưng do cơ thể đã lão hóa nên mọi thứ ngưng hoạt động hết. Mỗi ngày phải truyền 3 chai nước biển, một chai muối, một chai đường, một chai đạm để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Khi ấy, bà khóc và nói với ông rằng: “Anh ơi, em hết tiền rồi. Khi nào anh trăm tuổi thì anh nằm lại Sài Gòn nhé”. Nhạc sĩ Châu Kỳ đáp: “Em phải đưa anh về Huế. Em đừng có lo, bạn anh lo hết”.
Đông Kha