Phạm Đình Chương là nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc Việt từ sau năm 1950. Ngoài vai trò là một nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975, ông còn là một ca sĩ của ban hợp ca Thăng Long với nghệ danh là Hoài Bắc.
Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cả hai thân sinh ra ông đều chơi nhạc cổ truyền. Tất cả anh chị em của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đều có nhiều đóng góp cho tân nhạc, tiêu biểu nhất là chị Thái Hằng và người em gái là danh ca Thái Thanh.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, với tác phẩm đầu tay là ca khúc Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng. Năm 1951 ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Ông cùng với các anh chị em là Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng thành lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Trong thập niên 50, ông đã viết những tác phẩm để đời như Ly Rượu Mừng, Xuân Tha Hương, Thuở Ban Đầu, Tiếng Dân Chài... Đáng kể nhất là trường ca bất hủ Hội Trùng Dương mà ông viết về đất nước Việt Nam hoa gấm qua ba bài ca nói về con sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. Theo như lời ông đã nói với gia đình, trường ca này đã phải tốn mất 4 năm để hoàn tất.
Với ca khúc Ly Rượu Mừng, một trong những bài nhạc xuân được yêu thích nhất của nhạc Việt, cố thi sĩ Du Tử Lê từng gọi “Ly Rượu Mừng là xuân khúc kinh điển nhất của nền tân nhạc Việt Nam”. Điều này quả thực vô cùng xác đáng bởi giá trị bao hàm rộng lớn của lời hát đã nâng tầm vị thế cho ca khúc, không chỉ là một khúc xuân ca giản dị, thuần chất hoan ca mà còn là khúc xuân ca đại diện cho tâm tư, tấm lòng và văn hoá truyền thống tốt đẹp dân tộc. Bởi vậy nên, dù 70 năm đã trôi qua kể từ ngày được ra mắt và sau 40 năm bị cấm đoán, sức sống bền bỉ trường tồn của nhạc phẩm Ly Rượu Mừng vẫn còn đó mãi ghi dấu trong lòng bao thế hệ yêu nhạc và vẫn được cất lên đầy hào sảng mỗi dịp Xuân về.
Click để nghe Ban Thăng Long hát Ly Rượu Mừng trước 1975
Một sáng tác lãng mạn và để đời thứ hai trong thập niên 1950 đã gắn liền vào tên tuổi Phạm Đình Chương, đó là ca khúc bất hủ phổ thơ Đinh Hùng nhan đề Mộng Dưới Hoa. Riêng nói về Mộng Dưới Hoa, ca khúc này đã theo năm tháng để trở thành một trong những bài tình ca được ưa chuộng và hát nhiều nhất của nhạc Việt.
Click để nghe Elvis Phương hát Mộng Dưới Hoa trước 1975
Nhạc sĩ Vũ Thành đã viết về ca khúc này như sau: ”Tác phẩm thành công nhất của Phạm Đình Chương, theo tôi, là Mộng Dưới Hoa, thơ Đinh Hùng phổ nhạc. Nét đặc thù của tác phẩm này là hơi nhạc tuy rất Việt Nam, mà lại được viết theo âm giai tây phương, chứ không cần đến ngũ cung như hầu hết các sáng tác có âm hưởng thuần túy Việt Nam khác. Ngoài ra, Mộng Dưới Hoa còn đặc biệt ở điểm rất cân đối và được cấu tạo như cung cách một bản nhạc “mẫu” trong các sách giáo khoa về sáng tác. Mộng Dưới Hoa còn đáng được coi là một kỳ công vì phổ nhạc vào thơ Việt Nam là một việc cực khó. Người phổ nhạc chẳng những phải lệ thuộc vào số chữ mà còn phải lựa cung bậc cho đúng luật bằng trắc của bài thơ, không như trường hợp phổ nhạc thơ Pháp hay thơ Anh, chỉ cần theo đúng số chữ mà thôi. Vì vậy, thường thường các bài thơ Việt Nam được phổ nhạc đều viết theo thể tự do, không gò bó, thì mới theo sát được âm bằng trắc của từng chữ. Làm theo thể mẫu hết sức cân đối mà vẫn giữ đúng được bằng trắc của từng chữ, ta phải ngả nón trước Phạm Đình Chương.”
Thời gian thập niên 1940-1950, nhạc sĩ Phạm Đình Chương thường chỉ sáng tác nhạc mang tính chất hân hoan, tươi trẻ, hoặc là hào hùng, ít khi viết tình ca, và một bài tình ca hiếm hoi của ông sáng tác trước năm 1954 là Thuở Ban Đầu.
Bài hát rất nhẹ nhàng êm đềm và tràn đầy tình cảm này ra đời vào năm 1953, cũng là năm nhạc sĩ Phạm Đình Chương kết hôn với người đẹp Khánh Ngọc. Đúng như tên gọi của bài hát, Thuở Ban Đầu mang giai điệu và ca từ trong trẻo, tươi sáng của mối tình vừa chớm nở:
Sao không thấy em lại
Để cùng anh thẩn thơ
Trước sân trăng vòi vọi
Để rồi cùng ước mơ
Một sáng tác tiêu biểu khác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương thời gian thập niên 1950 là Tiếng Dân Chài, với lời hát như là tiếng ca reo vui hân hoan của người cần lao miền biển, với những dân chài luôn hăng say lao động hàng đêm dưới ánh trăng để mang về khoang cá đầy vào mỗi buổi sớm mai. Giai điệu của bài hát lúc thì dặt dìu khoan thai như nhịp chèo thuyền, lúc thì dồn dập như tiếng sóng biển xô bờ:
Đêm dâng với ngọn triều
Dô à dô kéo thuyền nhổ neo
Vi vu buồm lên cao
Dô à dô sóng reo dạt dào.
Tân nhạc Việt Nam thời kỳ thập niên 1940-1950, dù chưa phát triển nhiều về số lượng như thời gian sau này, nhưng đã có rất nhiều ca khúc viết về người cần lao – những người góp tay góp sức lao động để xây dựng quê hương. Trong đó, nhiều nhất là nhạc sĩ Phạm Duy, với những ca khúc về em bé quê, bà mẹ quê, vợ chồng quê, nhắc đến từ những kẻ nông phu cho đến người thương binh, và cả những người dân nhập cư nghèo chốn thành thị. Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc đến nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác nhạc để ca ngợi những cánh đồng lúa vàng rực khắp thôn trang (bài Được Mùa), xưng tụng vẻ đẹp miền sơn cước (bài Sáng Rừng), nhắc tới mọi tầng lớp người đồng vai sát cánh nhau (bài Ly Rượu Mừng), và đặc biệt là ca khúc Tiếng Dân Chài dành cho người miền biển. Cho đến nay, đây có thể là bài tân nhạc hay nhất, và có lẽ cũng là duy nhất nói về cuộc sống của người dân chài.
Click để nghe Hùng Cường hát Tiếng Dân Chài trước 1975. Phần hát bè của Ban Sao Băng và tốp nữ
Bài hát là một bức tranh tuyệt đẹp, vẽ cảnh những người ngư dân nhổ neo và giăng buồm lên cao để thả thuyền ra khơi lúc triều dâng. Giữa đêm thanh, người phá tan sự tĩnh lạnh của biển khuya và cùng nhau hò reo khích lệ tinh thần của nhau. Bên dưới nghe có sóng reo dạt dào, bên trên nhìn thấy trăng nhô cao, dân chài nhanh tay chèo thuyền lướt trôi dưới trời bao la, trên con sông sâu đã nhiều đời nuôi sống dân chài nghèo.
Trước khi di cư vào Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Đình Chương có thời gian dài đi qua nhiều vùng ở phía Bắc, và trong một lần dừng chân nhiều ngày bên sông Mã, ông đã được nhìn thấy cảnh ngư dân hồ hởi thả thuyền dập dềnh ra khơi và trở về với khoang thuyền đầy ắp cá. Có tận mắt chứng kiến, ông mới thấu hiểu được cuộc đời “nhọc nhằn mà vui” của những cư dân miền biển, và lưu lại hình ảnh thật đẹp đó để thời gian sau này sáng tác thành bài hát:
Tôi nhớ một chiều ánh lửa hồng soi thân yêu
Đâu bóng tre xanh,
Đâu mắt mẹ hiền
Giọt lệ rưng rưng chờ mong bóng con
Ơ này anh em ơi…
Hương khói gia đình bát ngát trong câu mong chờ
Đêm khuya mơ hồ chan hòa bao tiếng ta hò:
Ô hò, hò dô ta
Lẳng lặng mà nghe ới hò dô ta
Đêm nay thuyền ngược trường giang.
Cho mai sớm được vui khoang cá đầy
Ô hò, hò dô ta
Lẳng lặng mà nghe ới hò dô ta
Lưới vung chụp ánh trăng vàng
Mồ hôi tôi đổ xuống hàng bờ lau
Ô hò, hò dô ta
Lẳng lặng mà nghe ới hò dô ta
Ới ai đời sống dân chài,
Đêm đêm soi bóng sông dài mà ca
Ô hò, hò dô ta
Lẳng lặng mà nghe ới hò dô ta
Sóng ru đợt vỗ lênh đênh
Tiếng reo cơn gió bập bềnh thuyền ta.
Ô hò…
Hò dô ta ới hò dô ta
Hò dô ta ới hò dô ta
Sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong thời gian tiếp theo (khoảng thập niên 1960-1970) có thể không nhiều bằng các nhạc sĩ miền Nam khác, nhưng hầu như đều nổi tiếng và được yêu thích trong nhiều năm qua, như Xóm Đêm, Đón Xuân, Đêm Cuối Cùng…
Thời gian này, có 3 ca khúc nói về tầng lớp lao động bình dân, thực tả được bức tranh màu xám của vùng ven Sài Gòn với những cảnh đời nghèo khó tồn tại bên cạnh sự phồn hoa rực rỡ của anh đèn đô thị, đó là Kiếp Nghèo (nhạc sĩ Lam Phương), Phố Buồn (nhạc sĩ Phạm Duy), và Xóm Đêm (nhạc sĩ Phạm Đình Chương).
Click để nghe Thái Thanh và Ban Thăng Long hát Xóm Đêm
Ca khúc Đêm Cuối Cùng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác vào đầu thập niên 1960, khởi đầu cho giai đoạn sáng tác toàn những bài bi ca của ông trong giai đoạn có thể xem là buồn nhất cuộc đời.
Trước thời gian đó, nhạc sĩ Phạm Đình Chương có khoảng hơn 10 năm sáng tác toàn những ca khúc vui tươi, hân hoan, yêu đời, như là Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng, Sáng Rừng, Mười Thương, Ly Rượu Mừng, Đón Xuân, Được Mùa, và bài tình ca nồng nàn mang tên Thuở Ban Đầu. Đó là ca khúc được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác khi đang được đắm chìm trong hạnh phúc cùng người vợ tài sắc vừa mới cưới.
Nhưng bi kịch là ở chỗ, có khởi đầu thì cũng có cả sự kết thúc, nên bên cạnh bài hát Thuở Ban Đầu viết cho hạnh phúc chớm nở, sau này nhạc sĩ Phạm Đình Chương có thêm ca khúc Đêm Cuối Cùng viết cho hạnh phúc vỡ tan:
Đêm nay đêm cuối cùng gần nhau.
Lệ buồn rưng rưng, lời hát thương đau.
Nhịp bước bâng khuâng ngoài phố lạnh.
Giọt sầu rơi ướt hồn phiêu linh.
Nắm tay không rời
Cố hé run run môi cười.
Lúc chia phôi bên trời tiếc thương.
Đêm nay đôi mái đầu còn xanh
Ngậm ngùi thầm trao nhau giấc mộng chưa thành
Click để nghe Thái Thanh hát Đêm Cuối Cùng trước 1975
Khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương chia tay vợ vào đầu thập niên 1960, đã có rất nhiều lời đồn đại và bàn tán, những câu chuyện được phóng tác rằng chàng nhạc sĩ tội nghiệp đó sẽ mang đầy niềm sầu hận sau cuộc hôn nhân buồn. Tuy nhiên, trái lại, qua ca khúc này thì nhạc sĩ Phạm Đình Chương thể hiện rằng ông vẫn rất trân trọng người xưa, chia tay trong niềm tiếc thương vô cùng.
Không những vậy, họ còn thật sự quyến luyến nhau qua hình ảnh tay nắm tay không rời, trong đêm gặp nhau có thể là sau cùng. Đôi người bước đi bên nhau bâng khuâng ngoài phố lạnh, nước mắt rơi trên đôi môi cố gượng cười, cùng tiếc cho giấc mộng chưa thành, nhớ tới lời hẹn ngày xưa, rằng sẽ ở bên nhau đến ngày bạc đầu, vậy mà nay đôi mái đầu xanh đã đành xa cách.
Thời gian sau đó, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã sáng tác một loạt ca khúc phổ thơ rất thành công như Nửa Hồn Thương Đau, Ngợi Ca Tình Yêu và Đêm Màu Hồng (thơ Thanh Tâm Tuyền), Khi Cuộc Tình Đã Chết (thơ Du Tử Lê), Người Đi Qua Đời Tôi (thơ Trần Dạ Từ) và nổi bật nhất là ca khúc Đôi Mắt Người Sơn Tây (thơ Quang Dũng).
Click để nghe Thái Thanh hát Đôi Mắt Người Sơn Tây trước năm 1975
Ca khúc Đôi Mắt Người Sơn Tây được nhạc sĩ phổ từ bài thơ mang tên Mắt Người Sơn Tây của thi sĩ Quang Dũng, ngoài ra 4 câu đầu tiên của bài hát này được lấy từ một bài thơ khác nữa cũng của cùng tác giả, mang tên Đôi Bờ:
Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt em, ơi mắt em xưa có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về khi chớm thu về một sớm mai.
Cả 2 bài thơ của Quang Dũng: Đôi Bờ và Mắt Người Sơn Tây đều được viết vào khoảng thời gian 1948-1949, cùng dành cho một bóng hồng.
Thuở nhỏ, thi sĩ Quang Dũng là bạn học cùng lớp với nhạc sĩ Phạm Duy tại trường Thăng Long. Sau này cả 2 cùng vào hàng ngũ của Việt Minh, trong khi Phạm Duy tham gia văn nghệ kháng chiến thì Quang Dũng trở thành một đại đội trưởng trong Trung đoàn Tây Tiến. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết ông và Quang Dũng có nhiều điểm rất giống nhau. Thời trẻ họ đều bỏ nhà đi theo gánh hát, nếu như Phạm Duy trở thành kẻ du ca thì Quang Dũng là nhạc công chơi đàn cò. Một điểm nữa là họ “đều có một mối tình cùng người vũ nữ rất đậm đà, mãnh liệt” (nguyên văn lời nói của Phạm Duy). Chính mối tình đó đã để lại cảm xúc khôn quây để Quang Dũng viết thành 2 bài thơ Đôi Bờ và Đôi Mắt Người Sơn Tây, và được Phạm Đình Chương đưa trọn vẹn vào ca khúc như sau:
Đôi mắt Người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Buồn viễn xứ khôn khuây
Em hãy cùng ta mơ
Mơ một ngày đất mẹ
Ngày bóng dáng quê hương
Đường hoa khô ráo lệ…
Ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp nhạc sĩ Phạm Đình Chương có lẽ là Nửa Hồn Thương Đau, được ông sáng tác vào đầu thập niên 1970 và rất được yêu thích qua giọng hát thượng thặng của danh ca Thái Thanh:
Click để nghe Thái Thanh hát Nửa Hồn Thương Đau trước 1975
Lâu nay, ca khúc này vẫn được ghi là nhạc phổ thơ của Thanh Tâm Tuyền, nhưng thực ra nhạc sĩ Phạm Đình Chương chỉ mượn ý của 2 câu thơ trong bài thơ rất dài mang tên Lệ Đá Xanh của Thanh Tâm Tuyền để phổ nhạc, đó là:
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình…
Nửa Hồn Thương Đau là một ca khúc rất buồn, buồn cũng như cuộc đời của tác giả đã trải qua những đau thương khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc bị tan vỡ. Nhân vật trong bài hát mang một nỗi buồn sâu thẳm như là bị ᴄhết lịm cả tâm hồn, muốn nhắm mắt để cố hình dung lại, để tìm được những thoáng hương xưa, mong gặp lại người thương yêu năm cũ.
Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ
Hay chỉ là giấc mơ thôi
Nghe tình đang ᴄhết trong tôi
Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời
Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào
Anh ở đâu? Em ở đâu?
Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu…
Tuy nhiên càng muốn tìm lại những ngày tươi đẹp ở trong giấc mơ thì trái tim của người lại càng bị tổn thương, bởi vì khi tỉnh giấc, lòng càng thấy thêm trống vắng. Khi đó thì nhắm mắt lại chỉ thấy cả một cả một chân trời thương đau và nhớ nhung chất ngất không thể nào nguôi.
Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất
Và tiếng hát và nước mắt
Đôi khi em muốn tin
Đôi khi em muốn tin
Ôi những người
Ôi những người khóc lẻ loi một mình…
Có lẽ vì nội dung bài hát khá tương đồng với một quãng đời buồn của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nên đã có một bài viết tưởng tượng ra hoàn cảnh sáng tác Nửa Hồn Thương Đau rất lâm ly và bi lụy như là tiểu thuyết ngôn tình. Theo bài viết này, thì sau khi chia tay vợ ít lâu, có một lần nhạc sĩ Phạm Đình Chương tình cờ gặp lại vợ cũ đang hát trên 1 sân khấu. Cuối buổi diễn ông có nhã ý muốn được tiễn vợ về vì trời đang mưa nhưng lại bị từ chối. Ông đành lặng lẽ trở về căn nhà kỷ niệm, nhìn qua màn mưa nhớ về những ngày hạnh phúc đã trôi theo dòng nước, tan vỡ như những bong bóng mưa. Chịu đựng không nổi nỗi đau giằng xé, ông dự định từ bỏ cuộc đời, nhưng đúng lúc ấy tiếng khóc con trẻ đòi mẹ trong đêm làm ông phải vụt ôm con vào lòng dỗ dành mà nước mắt tuôn trào…
Câu chuyện tưởng tượng này sau đó bị chính người con được nhắc tới trong bài viết là Phạm Thành phủ nhận. Sau khi ly hôn khoảng năm 1960, vợ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương gần như giải nghệ và không đi hát nữa. Ngoài ra, ca khúc Nửa Hồn Thương Đau được sáng tác vào năm 1970, tức là sau đó tròn 10 năm, và được sử dụng trong phim Chân Trời Tím (với 2 diễn viên chính là Hùng Cường và Kim Vui).
Sau năm 1975, Phạm Đình Chương sang định cư tại California, Hoa Kỳ vào năm 1979. Tại đây, ông đã viết một số ca khúc cuối cùng, gồm những tác phẩm phổ thơ như Quê Hương Là Người Đó, Khi Tôi Chết, Hãy Đem Tôi Ra Biển, và đặc biệt là Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn, cùng được phổ từ thơ Du Tử Lê.
Bài thơ – bài hát Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn nói về nỗi cô đơn, hiu quạnh của một người bị đẩy đi rời xa khỏi cố xứ, đếm thời gian chầm chậm trôi qua trong nỗi nhớ vô cùng với quê hương ở bên kia bờ đại dương.
Năm 1978, sau ba năm lưu lạc nơi xứ người, nhà thơ Du Tử Lê sáng tác “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn” trong một tâm trạng như vậy.
Trong bối cảnh sau giờ tan sở ca hai (vào buổi tối muộn), ông lái chiếc xe cà rịch cà tàng trên đường về nhà giữa đêm trăng thanh gió mát, cùng với nỗi buồn thê lương nơi đất lạ quê người. Nhìn trước, sau, chỉ có duy nhất vầng trăng là đang dõi theo lộ trình hiu quạnh đó.
Nguyên tác bài thơ như sau:
đêm về theo vết xe, lăn
tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên, vàng
tìm tôi đèn thắp hai hàng
lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
ngỡ hồn tu xứ mưa bay
tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
đêm về theo bánh xe, qua
nhớ tôi Xa Lộ, nhớ nhà Hàng Xanh
nhớ em kim chỉ khíu tình
trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
nắng Trương Minh Giảng. Lá hè Tự Do
nhớ nghĩa trang: quê bạn bè
nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
đêm về theo vết xe, lăn
tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào?
Click để nghe danh ca Thái Thanh hát Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn
Năm 1981, nhạc sĩ Phạm Đình Chương định cư tại Hoa Kỳ. Tình cờ bắt gặp bài thơ Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn trên trang báo, ông biến ngôn ngữ trong thi ca thành ca khúc tuyệt vời mang cùng tựa đề.
Mặc dù toàn bộ các sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đều được sáng tác sau năm 1945, nhưng nhiều người vẫn gọi nhạc của ông là “nhạc tiền chiến”, có lẽ là vì những ca khúc như Mộng Dưới Hoa, Nửa Hồn Thương Đau, Thuở Ban Đầu… đều có giai điệu mượt mà, ca từ lãng mạn đúng như tính chất thường thấy của dòng nhạc tiền chiến, vốn là tên gọi của những ca khúc sáng tác trong thập niên 1930-1940.
Đông Kha – nhacvangbolero.com