Nhạc sĩ Trần Trịnh nổi tiếng với ca khúc Lệ Đá và nhiều bài hát viết chung trong nhóm Trịnh Lâm Ngân như Xuân Này Con Không Về, Qua Cơn Mê, Yêu Một Mình… Số lượng sáng tác của ông tuy khiêm tốn những tất cả đều nổi tiếng và để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng yêu nhạc hơn nửa thế kỷ qua.

Nhạc sĩ Trần Trịnh tên thật là Trần Văn Lượng, sinh năm 1937 tại Thái Lan nhưng lớn lên ở Hà Nội. Cha của ông là một nhân viên của tòa đại sứ Pháp và mẹ là một người phụ nữ người Lào. Ông theo gia đình vào Sài Gòn năm lên 9 tuổi, theo học Trường Trung học Lasan Taberd. Thuở nhỏ ông rất ngưỡng mộ thầy dạy nhạc Rémi Trịnh Văn Phước nên ghép họ của mình với họ của thầy để tạo thành nghệ danh Trần Trịnh.

Có niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ, nhưng niềm đam mê này của ông đã gặp trở ngại lớn vì cha mẹ không chấp thuận cho theo ngành âm nhạc, nên ông chỉ được học nhạc trong chương trình của trường.

Ý tưởng sáng tác đầu tiên của ông (xuất hiện năm 14 tuổi nhưng chỉ viết nhạc và 3 năm sau mới hoàn tất phần lời) là bài “Cung Đàn Muôn Điệu” được nhiều ca sĩ hát, và nhà xuất bản An Phú phát hành. Sau đó, bài hát này còn được sử dụng làm nhạc chuyển mục trong một chương trình tân nhạc cùng với một sáng tác nữa của Trần Trịnh năm 1955 là bài “Chuyến Xe Về Nam”. Sang năm 1956, ông lại cho ra đời thêm một nhạc phẩm khác là Viết Trên Đường Nở Hoa.

Sau khi đậu bằng Bacc 2 vào năm 1955, Trần Trịnh được gia đình gửi lên vừa học vừa làm tại Nha Kiến Trúc Đà Lạt. Sang năm 1957, ông thi hành nghĩa vụ quân dịch khóa đầu tiên là khoá Ngô Đình Diệm tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Đánh dấu cho dịp này, ông đã viết bài Đôi Mươi, được ca sĩ Anh Ngọc trình bày lần đầu tiên.

Trần Trịnh đã phục vụ 2 tháng ở liên đoàn A và 2 tháng ở liên đoàn B và sau đó vào phục vụ trong ban văn nghệ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung cho đến khi về. Trong thời gian đó, ông đã phổ nhạc cho bài thơ Hai Sắc Hoa Ti-Gôn.

Năm 1958, sau khi giã từ quân ngũ, nhạc sĩ Trần Trịnh trở lại Sài Gòn, theo học hoàn toàn về nhạc với thầy Rémi. Buổi tối, ông đi biểu diễn piano tại các phòng trà và vũ trường. Ông cũng tình nguyện tham gia ban Văn Nghệ của Trung tâm Huấn luyện Quang Trung để có dịp ủy lạo binh sĩ. Tại đây, Trần Trịnh gặp nhạc sĩ Nhật Ngân tại ban Văn nghệ của Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Từ đó hai nhạc sĩ này – dưới cái tên ghép lại là Trịnh Lâm Ngân – đã sáng tác nhiều bài hát mang âm hưởng quê hương và đã có nhiều bài trở nên nổi tiếng. Cũng trong năm này, Trần Trịnh trở thành nhạc trưởng ban đại hòa tấu và hợp xướng Đống Đa trên đài truyền hình THVN.

Năm 1968, Trần Trịnh được gặp nhà thơ Hà Huyền Chi. Hà Huyền Chi đã nhận viết lời cho một nhạc phẩm của Trần Trịnh: “Lệ Đá”. Ngay lập tức bài hát này được mọi người yêu thích, và có số bản nhạc in phá kỷ lục. Đến năm 1971 thì đạo diễn Võ Doãn Châu lấy tên “Lệ Đá” đặt cho cuốn phim ông thực hiện, trong đó nhạc nền là bài “Lệ Đá” do Khánh Ly hát.


Lệ Thu hát Lệ Đá

Trong một lần tham gia công tác văn nghệ tại Bình Long vào năm 1964, nhạc sĩ Trần Trịnh quen với Mai Lệ Huyền, lúc đó là thành viên trong ban văn nghệ của tỉnh do nhạc sĩ Bắc Sơn làm trưởng ban.

Thời kỳ này Mai Lệ Huyền theo thân phụ sống ở Bình Long vì gia đình cô sở hữu một số đồn điền ở đây ngoài ngôi nhà ở Sài Gòn. Sau khi trở về, hai người thư từ qua lại với nhau và dần dần có tình cảm với nhau.

Trần Trịnh đã đề nghị Mai Lệ Huyền về Sài Gòn sống để được gần gũi nhau hơn. Mai Lệ Huyền nhận lời. Trong cùng năm 1964, họ kết hôn sau một thời gian ngắn quen nhau, khi đó Mai Lệ Huyền mới 18 tuổi. Họ có với nhau một con gái tên Lệ Trinh sinh năm 1965.

Sau khi thành vợ chồng, Trần Trịnh đã giới thiệu Mai Lệ Huyền đi hát ở tất cả những phòng trà và vũ trường ông cộng tác, cũng khởi đầu với phòng trà Lệ Liễu. Nhận thấy giọng hát của Mai Lệ Huyền thích hợp với thể loại nhạc tươi vui nên sau đó ông đã cùng với nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác một thể loại nhạc kích động để vợ mình trình bày cùng với Hùng Cường như Gặp Nhau Trên Phố, Vòng Hoa Yêu Thương, Hai Trái Tim Vàng,…

Chính nhờ ở những nhạc phẩm này, cặp song ca kích động nhạc Hùng Cường – Mai Lệ Huyền đã gặt hái được những thành công rực rỡ để được mệnh danh là “Cặp Sóng Thần” của Kích động nhạc, một thời làm mưa làm gió trên các sân khấu đại nhạc hội ở Sài Gòn.

Sau hơn 10 năm sống bên nhau, Mai Lệ Huyền đã từ giã chồng con để ra đi vào tháng 4 năm 75, Trần Trịnh không thể đi cùng vì còn lại song thân đã cao tuổi. Hai người xa nhau cách một đại dương từ đó.

Hai năm sau khi rời khỏi Việt Nam, Mai Lệ Huyền viết thư về cho con gái, đại ý khuyên Trần Trịnh bước thêm một bước nữa.

(Có thông tin khác nói rằng Trần Trịnh và Mai Lệ Huyền chia tay nhau từ năm 1971).

Vào năm 1977, Trần Trịnh lập gia đình lần thứ hai. Người vợ sau của ông sinh được 3 người con trai. Người con đầu bị thiệt mạng trong một lần đi tắm sông với bạn bè khi mới được 17 tuổi.

Người con trai thứ nhì của Trần Trịnh phục vụ trong binh chủng hải quân Hoa Kỳ, có khả năng sử dụng kèn trumpet.

Sau năm 75, Trần Trịnh không còn mấy quan tâm đến công việc sáng tác. Ông chỉ chú trọng đến việc cộng tác với hết đoàn hát này đến đoàn cải lương hay gánh xiệc khác để mưu sinh.

Khởi đầu, ông cộng tác với đoàn cải lương Cửu Long cùng với tay trống Phùng Trọng và vài nhạc sĩ khác. Liên tiếp nhiều năm sau, ông đã đàn piano cho rất nhiều đoàn khác trong những chuyến lưu diễn liên miên tại khắp các tỉnh ở Việt Nam.

Mãi đến năm 1982, khi các phòng trà được phép hoạt động trở lại, ông mới quay về Sài Gòn làm nhạc trưởng tại phòng trà Đệ Nhất Khách Sạn, là nơi ông đã từng cộng tác từ khi mới khai trương vào đầu thập niên 70. Đây có thể coi như một ban nhạc có một thành phần đông đảo nhất với 11 nhạc sĩ.

Liên tục đóng đô tại phòng trà (sau là vũ trường) Đệ Nhất Khách Sạn suốt gần 10 năm, Trần Trịnh sang cộng tác với vũ trường Maxim’s vào năm 1991.

Nhưng sau hơn 3 năm, ông đã xin nghỉ khi bị tai nạn xe máy và bị thương nặng ở chân. Vì tai nạn này và kể từ đó cho đến cuối đời, ông phải dùng gậy khi đi đứng.

Sau khi tĩnh dưỡng 6 tháng, vợ chồng Trần Trịnh cùng 2 con lên đường sang Mỹ theo diện ODP vào tháng 10 năm 1995 với sự bảo lãnh của người chị ruột ông, là vợ của cố giáo sư Nguyễn Đình Hòa, được biết đến như một phụ nữ Việt Nam đầu tiên sinh con trên đất Mỹ vào năm 1952, từng được báo chí Mỹ thời đó đề cập tới.

Chỉ sau 3 tháng ở với gia đình người chị ở San Francisco, gia đình Trần Trịnh quyết định dời xuống Orange County. Ông không muốn là một gánh nặng cho vợ chồng người chị, lúc đó đã lớn tuổi và sức khỏe đã yếu.

Mặt khác, môi trường hoạt động âm nhạc của Trần Trịnh sẽ có cơ hội phát triển hơn ở Cali, nơi được coi là thủ đô của ca nhạc Việt Nam hải ngoại.

Nhưng tại đây, hoạt động của ông chỉ duy trì được một tầm mức trung bình trong thời gian đầu, khi mà ông còn kiếm được lợi nhuận nhờ làm hoà âm cho một số trung tâm nhạc ở nam California.

Chỉ một thời gian sau, khi tình trạng băng đĩa từ Việt Nam càng ngày càng đổ qua ào ạt khiến nhiều trung tâm nhạc cũng như nghệ sĩ độc lập phải chùn bước trước trước sự cạnh tranh mạnh mẽ này. Bởi vậy, khả năng âm nhạc của ông cũng đã không còn đất dụng võ.

Ông được trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 66 giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng của ông, cùng với Nhật Ngân và Ngô Thụy Miên.

Về sau, Trần Trịnh chỉ tham gia “The Stars band” là ban nhạc do Bác sĩ Phạm Gia Cổn thành lập và làm trưởng ban, trình diễn trong những sinh hoạt có tính cách cộng đồng.

Trần Trịnh qua đời tại California vào ngày 10 tháng 10 năm 2012, hưởng họ 75 tuổi.

Nguồn: wiki, TV Tuần San (nhà báo Trường Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here