Mời các bạn xem lại các hình ảnh gốc từ xưa, hơn 1 thế kỷ trước, và hình ảnh được tô màu, cùng những thông tin liên quan đến bức ảnh, để hiểu rõ hơn thành phố Sài Gòn 100 năm trước.
Nổi bật giữa trung tâm Sài Gòn là Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn, người ta quen gọi tắt là Nhà thờ Đức Bà. Tên chính thức, đầy đủ là Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.
Từ góc ảnh này, chúng ta có thể thấy công viên ở mặt trước thánh đường, nơi này hiện nay gọi là Công trường Công xã Paris. Thời điểm chụp ảnh, khu này có tên tiếng Pháp là Place de la Cathédrale, có nghĩa là Quảng trường Nhà Thờ Lớn. Chính giữa quảng trường là bức tượng đồng của giám mục Bá Đa Lộc dẫn tay vương tôn Nguyễn Phúc Cảnh (tức hoàng tử Cảnh – con của vua Gia Long sau này). Người Việt gọi vị giám mục này là Cha Cả, tên tiếng Pháp là Pigneau de Behaine, là đặc sứ của chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long) tại Pháp, người đã dẫn hoàng tử Cảnh sang yết kiến vua Pháp. Bức tượng này tồn tại đến năm 1945 thì bị phá đi, sau đó đến năm 1959 thì dựng lại bức tượng khác vẫn còn cho đến ngày nay.
Phía bên phải Nhà Thờ trong tấm hình là Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn được hoàn thành năm 1891 với kiến trúc Châu Âu, hiện nay vẫn còn như nguyên thuỷ.
Ngay trước mặt Nhà Thờ là đường Catinat trứ danh của Hòn Ngọc Viễn Đông, là một trong những con đường đẹp nhất Sài Gòn hơn 100 năm qua. Sau 1955, con đường này mang tên Tự Do, từ 1976 mang tên Đồng Khởi.
Trong tấm hình này, ngay đầu đường Catinat, góc ngã tư với đường Taberd (nay là Nguyễn Du) có 2 tòa nhà đối xứng nhau. Tòa nhà mái chóp màu đỏ ở bên phải có địa chỉ số 164 Catinat. Tại thời điểm chụp hình, đây là bót Catinat nổi tiếng khắp Đông Dương, là nơi giam giữ, tra khảo những người chống Pháp. Nhạc sĩ Phạm Duy, Lê Thương hay quái kiệt Trần Văn Trạch đều đã từng bị giam tại đây một thời gian. Do nằm kế bên nhà thờ Ðức Bà nên người dân Sài Gòn gọi châm biếm: “Kế bên thiên đàng có địa ngục”.
Trước đó, khu nhà này có chức năng khác, là Ngân Khố của Sài Gòn, trụ sở của Sở Thu Thuế từ năm 1905. Từ năm 1917, kho bạc mới được xây ở đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ), nên số 164 Catinat trở thành trụ sở của sở Mật thám Nam Kỳ và Sở cảnh sát.
Sau năm 1955, tòa nhà trở thành trụ sở bộ Nội Vụ, từ năm 1975 đến nay là trụ sở của Sở VH-TT&DL.
Tòa nhà đối diện bên kia đường của nhà mái màu đỏ nói ở bên trên có địa chỉ số 225 đường Catinat, là nơi ở của nhân viên quản lý kho bạc trong thời gian 1905-1917, sau đó cũng trở thành 1 phần của bót Catinat.
Hai tòa nhà đầu đường Catinat này hiện nay chỉ còn lại 1 tòa ở số 164, còn số 225 từ lâu đã không còn, thay vào đó là tòa nhà Saigon Metropolitan. Tòa nhà số 164 cũng đã có quy hoạch phá bỏ để xây cao ốc.
Hình gốc trắng đen:
—
Tiếp theo là bức ảnh nhìn thấy một phần những công trình kiến trúc trở thành biểu tượng của Sài Gòn và vẫn còn cho đến ngày nay, là nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm và dinh Xã Tây:
Thời điểm chụp hình, tòa nhà có tên là Hôtel de ville, người Việt gọi Dinh xã Tây tại đường d’Espagne. Thời VNCH gọi là Tòa Đô Chánh ở đường Lê Thánh Tôn, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô. Sau 1975, tòa nhà là trụ sở UBND Thành Phố.
Chóp tròn của tòa nhà bên trái, phía dưới hình là tháp đồng hồ của Thương Xá TAX, thời điểm này còn mang tên là SGMC (Grands Magasins Charner de Saigon), có 3 tầng. Đến năm 1942 thì tháp đồng hồ này bị đập để xây thêm tầng thứ 4.
Tòa nhà đối diện là nơi trưng bày và bán xe hơi nhãn hiệu Citroen và các dòng xe Châu Âu khác. Đến năm 1959 thì nơi này thành khách sạn REX nổi tiếng với 100 phòng và 3 rạp chiếu bóng, cùng nhà hàng, thư viện, vũ trường.
Phía đối diện bên kia là khu sẽ xây thành Thương xá EDEN vào năm 1955, còn khi này vẫn là những khu nhà thương mại của người Pháp.
Ở phía dưới, giao giữa 2 đại lộ Charner và Bonard (nay là Nguyễn Huệ là Lê Lợi), là bùng binh Bồn Kèn. Tại ngã 4 này, như trong hình là có một bệ cao hình bát giác ở giữa. Theo học giả Vương Hồng Sển, kể từ thập niên 1920, cứ mỗi chiều thứ Bảy, tại bệ này có mấy chú lính san đá thổi kèn, trỗi nhạc Tây cho người dân thưởng thức.
Xuất phát của chữ Bùng Binh có lẽ cũng từ ngã 4 nổi tiếng này. Tên đúng của nó là cái Bồn Binh, tức là cái bồn nơi lính (binh) tới đứng thổi kèn. Dần dần chữ Bồn Binh đổi thành Bùng binh, và nơi này được gọi thành tên Bùng binh Bồn Kèn.
Thời VNCH, nơi này có một hồ nước, có cây liễu rũ xuống xung quanh rất đẹp, nên sau này được gọi là Bùng binh Cây Liễu.
Ở giữa Bồn Binh và Dinh Xã Tây là một khuôn viên, sau này là công viên Đống Đa, nơi tổ chức nhiều buổi triển lãm ngoài trời từ thời VNCH.
Hình gốc trắng đen:
—
Tiếp theo mà một toà dinh nổi tiếng của Sài Gòn:
Dinh Norodom được xây xong vào năm 1887, là nơi ở và làm việc của các thống đốc người Pháp ở Nam Kỳ nên được gọi là Dinh Thống Đốc. Từ năm 1887 đến 1945, nhiều đời toàn quyền Pháp đã sử dụng dinh thự này trong suốt thời kỳ xâm lược Ðông Dương. Đây cũng là cơ quan biểu thị cho bộ máy cai trị Pháp trên toàn cõi Ðông Dương.
Ngày 7/9/1954, người Pháp rút khỏi Việt Nam và bàn giao dinh Norodom lại cho chính quyền Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại, với thủ tướng là Ngô Đình Diệm.
Năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và lên làm Tổng thống. Ông quyết định đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập.
Đến năm 1962, Dinh Độc Lập lúc này bị phe đảo chính làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của dinh. Do không thể khôi phục, Tổng thống Ngô Ðình Diệm đã cho san bằng dinh Norodom cũ và xây dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, từ đó dinh này có hình dáng như ngày nay.
Hình gốc trắng đen:
—
Toàn cảnh khu chợ Bến Thành và vùng lân cận. Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3 năm 1914 thì hoàn tất.
Toà nhà hình chữ V ngay bên trái nhìn về cổng chợ (tiếp giáp giữa 2 đường Bonard và De La Somme – Nay là Lê Lợi – Hàm Nghi) là toà nhà Hỏa Xa của Pháp, cho đến nay vẫn còn. Toà nhà này được khánh thành cùng một lúc với chợ Bến Thành năm 1914, ban đầu mang tên là Bureau du Chemin de fer, thuộc quản lý của công ty Hỏa Xa Đông Dương, được xây theo kiến trúc Pháp với hai lầu mái ngói đỏ.
Sau năm 1955, đây là trụ sở Bộ Giao thông – Bưu điện của VNCH, mang tên là Sở Hoả Xa. Từ sau năm 1975, toà nhà là nơi làm việc của Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn – Tổng công ty đường sắt Việt Nam.
Góc bên trái hình là nhà ga xe lửa Sài Gòn với các đường rày, ngay bên cạnh bùng binh chợ Bến Thành.
Góc ảnh này còn thể hiện được 1 phần của toà nhà sau này trở thành đài phát thanh Pháp Á danh tiếng. Bạn có thể xem góc dưới, bên phải, có một chóp nhỏ. Đó là toà nhà có nóc hình củ hành, nàm ở góc đường Hàm Nghi, Công Lý (tên thời Pháp là đường De La Somme và Maréchal De Lattre de Tassigny). Từ thập niên 1950, nơi này là trụ sở của đài Phát thanh Pháp Á, có đóng góp rất lớn trong việc duy trì và phát huy tân nhạc Việt Nam thời đó.
Hình gốc trắng đen:
—
Tiếp theo là khu Chợ Lớn với ngã 3 Kênh tàu Hủ và Rạch Ụ Cây.
Ngày nay, ngay ngã 3 kênh này có cầu Nguyễn Tri Phương bắc từ Quận 8 qua Quận 5. Con đường dọc bên phải kênh sau này là đường Bến Hàm Tử, nay là Võ Văn Kiệt.
Hình gốc trắng đen:
—
Toàn cảnh sống Sài Gòn, khúc Bến Bạch Đằng và đoạn đầu kênh tàu Hủ. Bên trái của hình là 2 cây cầu Khánh Hội và Cầu Mống.
Cầu Khánh Hội được xây năm 1904, là cây cầu quay độc đáo, có thể quay ở khúc giữa để mở đường cho tàu thuyền qua lại vào 1 khung giờ nhất định. Thời đó kênh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé có hoạt động giao thương rất nhộn nhịp nên tàu bé thường qua lại mỗi ngày.
Đến năm 1940, khi có tuyến đường sắt đi ngang đây, cầu Khánh Hội trở thành cầu cố định, đến năm 2009 thì xây lại cầu như hiện nay.
Song song với cầu Khánh Hội là cây cầu Mống như trong hình, là cầu cổ xưa nhất của Sài Gòn.
Cầu Mống được Công ty vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes của Pháp bỏ vốn xây dựng vào năm 1893-1894, dài 128 mét, rộng 5,2 mét, lề bộ hành rộng 0,5 mét, xây bằng thép kiên cố. Cầu làm theo kiểu vòng mống cho nên dân gian gọi là cầu Mống. Hiện nay cây cầu này vẫn còn, chỉ dành cho người dân đi bộ.
Đoạn đường dọc sông Sài Gòn ở giữa hình, chúng ta thường gọi là Bến Bạch Đằng, ngày nay mang tên Tôn Đức Thắng. Thời điểm chụp hình này, đoan đường này mang tên Quai le Myre de Vilers. Sau năm 1955, chính quyền VNCH nối đoạn này với đường Quai d’Argonne (là đoạn từ công trường Mê Linh đến Ba Son) và đổi thành tên Bến Bạch Đằng. Sau 1976, chính quyền mới nối đoạn đường Bạch Đằng với Cường Để để đổi thành tên Tôn Đức Thắng như ngày nay.
Hình gốc trắng đen:
Nhiều người thán phục trước sự tô màu công phu của nhóm Saigon Views đã làm cho những bức hình 100 tuổi nhìn sống động hơn. Với những người trẻ, họ cũng ngạc nhiên vì trước đó không hề biết rằng Sài Gòn từ 100 năm trước đã đẹp như vậy. Câu bình luận phổ biến nhất là: “Sao Sài Gòn ngày xưa đẹp vậy?”
Rất nhiều người thán phục quy hoạch của thành phố Sài Gòn năm xưa, và ngạc nhiên trước mảng xanh tươi mát của nội thành Sài Gòn đã từng có. Một bạn bình luận: “Công nhận quy hoạch nhà cửa cây cối đỉnh thật. Cây cối, trong đô thị mà còn giữ được như lúc ấy là một thế mạnh du lịch”.
Một người khác nhận xét: “Nhìn quy hoạch này mới thấy lõi ở giữa là ko có nhà dân, chỉ công trình hành chính, tôn giáo, dịch vụ ít. Mật độ xây dựng thấp, cây xanh nhiều, sẽ thích hợp cho việc đi bộ. Trong khi qua hình tiếp theo là khu dân cư sẽ khác. Bây giờ, qui hoạch hiện đại lại đi theo hướng ngược lại”.
Các bức không ảnh đen trắng được cho là thuộc về Léon Ropion, một quan chức công trình công cộng người Pháp tại Sài Gòn trong thế kỷ 20. Còn những bức ảnh phục chế, tô màu này là Nguyễn Quang Bảo, chỉ mới 20 tuổi.
Bài viết: Đông Kha – nhacvangbolero.com