Nhạc vàng là những bài hát đã được sáng tác khoảng trên 50 năm, nên có những câu chữ, những nội dung được sử dụng vào thời điểm đó mà thế hệ sau không hiểu được. Bài viết này sẽ giải thích một số chữ và câu từ trong các bài nhạc vàng nổi tiếng. Khi hiểu được trọn vẹn nội dung bài hát, người nghe nhạc sẽ cảm thấy hay hơn, người hát cũng sẽ hát hay hơn.

người yêu tôi tôi mới quen mà thôi
lúc dừng quân trên vùng vừa tiếp thu…

Đó là câu hát trong bài hát nổi tiếng Biển Mặn của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, là người sinh trưởng ở vùng biển Phan Thiết. Với thế hệ trẻ sau này, ít người biết ý nghĩa của chữ “tiếp thu” trong câu này là gì. Việc “tiếp thu” trên chiến trường có hai trường hợp, đó là đơn vị A tiếp thu “vùng hành quân” từ đơn vị B vừa rời đi nơi khác. Hoặc là đơn bị quân đội chiếm lại vùng bị địch chiếm giữ trước đó. Theo ý nghĩa của bài hát Biển Mặn, anh lính đã quen với người yêu lúc dừng quân trên vùng tiếp thu, nên có thể là trường hợp 1: đơn vị A tiếp thu vùng từ đơn vị B. Còn trường hợp thứ 2 liên quan đến việc giao tranh ác liệt tranh giành lãnh thổ nên khó có thể “làm quen với người yêu” được.

Trong thời chiến, các đơn vị hành quân thường theo cấp đại đội hoặc tiểu đoàn, tùy vào mục đích hành quân như bình định, tái chiếm, truy quét hoặc các hoạt động an sinh, huấn luyện. Ở các vùng hành quân, ngoài quân cơ hữu thường trực thì luôn có những quân đến và đi tùy theo công việc của họ. Đơn vị nào mới đến thì “tiếp thu” vùng hành quân của đơn vị trước đó. Theo lời bài hát Biển Mặn, rất có thể người lính trong bài thuộc binh chủng bộ binh ở vùng biển Phan Thiết, thuộc sư đoàn 23 bộ binh.

Ba tháng – sáu tháng – chín tháng quân trường

Bộ ba bài hát quân trường, đó là Ba Tháng Quân Trường (Hoài Nam), Sáu Tháng Quân Trường (Khánh Băng) và Chín Tháng Quân Trường (Hoài Nam) rất quen thuộc với người yêu nhạc vàng. Tuy nhiên có thể sẽ có người không phân biệt được các cấp độ của 3,6,9 tháng huấn luyện trong quân trường. Đó là ba mốc thời gian phổ biến của huấn luyện quân đội: cấp cơ sở (3 tháng), hạ sĩ quan (6 tháng), sĩ quan trừ bị (9 tháng), ngoài ra còn có cấp độ huấn luyện sĩ quan cấp cao hơn thì có thời gian dài hơn. Quân trường huấn luyện tân binh lớn nhất với thời gian 3 tháng là Quân Trường Quang Trung, chuyên đào tạo và huấn luyện tới 80% các binh sĩ tình nguyện và tân binh quân dịch, cung cấp cho các quân, binh chủng. Trong bài hát Ba Tháng Quân Trường có câu hát: Hỡi Quang Trung đôi ta cùng nhau, nguyện dù đường đời mỗi đứa cách một nơi…

Trong bài hát Sáu Tháng Quân Trường có nhắc tới 2 quân trường nổi tiếng nhất thời đó là Quang Trung và Đồng Đế. Trường Đồng Đế chuyên đào tạo cấp bậc hạ sĩ quan, được nhắc đến trong 2 bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Khánh Băng là Giờ Này Anh Ở ĐâuSáu Tháng Quân Trường:

Đồng Đế nắng mưa thao trường…

Đồng Đế đêm ngày nghe sóng vỗ, dây tử thần không làm sờn chí nam nhi…

Bài hát Sáu Tháng Quân Trường cũng nhắc đến ba tháng quân trường Quang Trung, cộng thêm ba tháng huấn luyện tác chiến chuyên môn ở Đồng Đế, tổng cộng là sáu tháng quân trường như tựa đề bài hát.

Bài hát quân trường nổi tiếng nhất trong 3 bài là Chín Tháng Quân Trường với những câu hát như sau:

Cuộc liên hoan nửa khuya sắp tàn 
Mà sao tình mình thêm chứa chan 

Xiết tay nhau mến trao lần cuối 
Viết cho nhau những dòng lưu niệm 
Của những ngày trong quân trường mình sống yêu thương 
Qua chín tháng phong sương.

Bài hát cũng nhắc đến việc “gắn trên vai chiếc lon chuẩn úy”, tức là đào tạo 9 tháng trở thành sĩ quan. Có thể đó là trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, thời gian đào tạo 8-9 tháng, tốt nghiệp Chuẩn Úy Trừ Bị. Có hai khái niệm trong hàm sĩ quan là Trừ Bị và Hiện Dịch. Ngạch sĩ quan trừ bị trên lý thuyết là sĩ quan được động viên đi quân dịch trong một thời gian ấn định, mãn hạn động viên sẽ trở về dân sự. Khác với ngạch sĩ quan hiện dịch, là tình nguyện tham gia quân đội, lấy binh nghiệp là nghề nghiệp suốt đời. Tuy nhiên trong thực tế vẫn có nhiều người thi xong tú tài thì tình nguyện vào trường Trừ Bị Thủ Đức luôn, và từ đó cuộc đời của họ đã gắn liền với binh nghiệp. Các tướng lãnh nổi tiếng xuất thân từ trường Trù Bị là Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Khoa Nam, Nguyễn Ngọc Loan…

Từ Ca bê xê giá lạnh rừng sâu…

Bài hát Viết Từ KBC của nhóm Lê Minh Bằng nói về tâm trạng của một người lính thương nhớ người yêu, với những suy nghĩ về đời lính, về tương lai… Chữ KBC, theo nhiều người đã biết, đó là viết tắt của Khu Bưu Chính, là trạm trung chuyển thư từ trong quân đội miền Nam. Đó là địa chỉ để liên lạc thư từ giữa người nơi chiến trận và người ở hậu phương, nên chứa đựng tất cả tâm tình của cả một thế hệ.

Cuộc đời chinh chiến, quanh năm với bưng biền…

Bưng biền là một từ cũ, hiện ít được sử dụng nên sẽ có một số khán giả trẻ không biết ý nghĩa của chữ này có nghĩa là vùng lầy lội, ngập nước thường thấy ở các vùng Tây Nam Bộ. Trong bài hát Căn Nhà Màu Tím của nhạc sĩ Hoài Linh, hình ảnh người lính gian lao với bưng biền quanh năm, gợi nhớ lại một câu hát tương tự là: lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm… (Sương Trắng Miền Quê Ngoại)

Giày xô tôi đi…

Trong bài hát Thành Phố Sau Lưng của nhạc sĩ Hàn Châu có câu hát: Giày xô tôi đi, hằn trên lá cỏ…

Chắc chắn là giày không thể “xô” người lính rồi, “xô” thực chất là “sault”, ghi đầy đủ là giày Botte De Sault, là loại giày cao cổ được dùng trong quân đội mà người ta thường thấy ở binh sĩ miền Nam (bộ đội miền Bắc thường mang dép râu).

Pông xô buồn liệm kín hồn anh…

Poncho là một loại áo mưa nhà binh được dùng khi hành quân rất tiện dụng. Nó có thể che mưa, che nắng, mắc thành lều, làm chiếu, làm võng, làm phao di chuyển trên sông… và trở thành một loại áo quan phủ kín người lính nằm xuống, như trong bài hát Kỷ Vật Cho Em của nhạc sĩ Phạm Duy (phổ từ bài thơ Để Trả Lời Một Câu Hỏi của thi sĩ Linh Phương):

Anh trở về chiều hoang trốn nắng 
Poncho buồn liệm kín hồn anh…

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cũng có một bài hát rất hay về đời quân ngũ là Mưa Trên Poncho.

Rừng Lá Thấp

Từ trước đến nay, có nhiều cách giải thích cho tên gọi của bài hát Rừng Lá Thấp. Bài hát này viết về những người lính TQLC ở trận cầu Bình Lợi. Màu áo và màu nón của anh lính này vốn là màu xanh lá rừng để ngụy trang. Một đội quân như vậy khi xung trận sẽ nhìn giống như một cánh rừng, tác giả Trần Thiện Thanh đã gọi đội quân đó là rừng lá thấp, không phải là rừng có lá ở trên cao như bình thường.

Đông Kha
ngacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here