Nhạc sĩ Lê Thương thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam thập niên 1930-1940, là nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc tiền chiến. Nhắc đến Lê Thương, người ta nhớ đến trường ca Hòn Vọng Phu và nhiều bài truyện ca bất hủ khác như Nàng Hà Tiên, Thằng Cuội… Có một bài truyện ca khác rất đặc biệt, nhưng là ca khúc lạ ít người hát, ít người biết. bài hát mang tên Hoa Thuỷ Tiên.
Lần đầu được nghe Khánh Ly hát bài này trong một bản thu âm trước 1975, tôi đã cảm thấy ngạc nhiên và thú vị, bởi vì có một ca khúc hay như vậy nhưng đã bị lãng quên. Xin nhắc lại đến với bạn đọc qua bài viết này.
Trước hết mời bạn nghe Khánh Ly hát Hoa Thủy Tiên, đây dường như là bản thu âm duy nhất của ca khúc này.
Click để nghe Khánh Ly hát
Nghe lại lời bài hát này, có thể thấy nhạc sĩ Lê Thương muốn kể lại sự tích của loài hoa thuỷ tiên theo cách của riêng ông.
Câu chuyện về sự tích hoa thuỷ tiên đều đã có ở cả phương Đông lẫn phương Tây được lưu truyền nhiều thế hệ. Nếu như ở phương Tây, trong thần thoại Hy Lạp, loài hoa thuỷ tiên biểu trưng cho một vẻ đẹp mang tính cách cá nhân, vị kỷ, không thể toả hương được với đời. Chàng Narciss dù có vẻ đẹp toàn bích khiến người người mê đắm, nhưng tiếc thay chỉ là một thứ huyễn ảnh, và khi chết đi đã mang thân của loài hoa thuỷ tiên suốt đời soi bóng mình dưới hồ nước.
Lê Thương kể một câu chuyện khác, mang màu sắc phương Đông, là sự hoà hợp giữa vạn vật với nhau, và sự xuất hiện của hoa thuỷ tiên có thể giúp ích được cho đời, ít nhất là làm cho nàng công chúa mù có thể sáng mắt, và cũng giúp cho loài hoa mẫu đơn nguôi ngoai nỗi mất con trong cơn giông tố:
Một nghìn năm trước
Trong đời Trần – Nam quốc
Có cô công chúa lòa
Cả đời nuôi nấng hoa
Đầu bài hát, tác giả cho biết câu chuyện xảy ra vào 1000 năm trước, thuộc đời Trần của nước Nam. Mốc thời gian này cũng chỉ là án chừng, vì nếu đúng 1000 năm trước (so với thời điểm bài hát ra đời) thì không phải là đời Trần, mà là đời Ngô Quyền. Vì vậy chính xác phải là gần 1000 năm trước, có một công chúa không may bị mù, ngày ngày tìm vui bên các loài hoa đẹp mà nàng trồng trên gác lầu.
Trời làm nắng gió
Sau một chiều giông tố
Các hoa trên gác lầu
Phải một cơn đớn đau
1000 năm trước, rất nhiều cơn biến động thời cuộc đã gây nhiều ly loạn trong lịch sử dân tộc Việt. Và trong bài hát, ở một quy mô nhỏ hơn, những cơn giông tố cũng đã làm tan tác những cánh hoa hiền của nàng công chúa tội nghiệp.
Nàng bạch mẫu đơn
Trôi lạc mất con
Khấn xin công chúa lòa
Tạ đền nụ hoa cho bà
Trong các loài hoa vượt qua cơn sóng gió, có nàng hoa bạch mẫu đơn đã bị lạc mất con trong dòng nước lũ trôi nhanh, nên đã đến xin công chúa tìm giúp. Nàng công chúa mù không thể làm gì khác ngoài việc cầu nguyện đến ông Trời.
Lòng nàng công chúa
Thương người và hoa quá
Đến đêm xin khấn trời
Xin đền nụ hoa đã rơi
Nàng bày trên gác
Ước chừng mười tô nước
Khấn xin ba tháng ròng
Nhưng trời chỉ cho nước trong
Nàng đã bày ở trên gác khoảng 10 tô nước, rồi khấn nguyện suốt 3 tháng ròng rã, nhưng dường như ông Trời không nghe thấy.
Ngày tháng chóng qua
Thu hè đã xa
Cuối đông năm đó trời
Cho nàng thủy tiên xuống đời
Ngày tháng trôi qua nhanh, chẳng mấy chốc đến cuối đông thì lời khấn nguyện của nàng công chúa đã được đáp lại, ông trời mủi lòng thương đã phái một nàng thuỷ tiên xuống đời.
Không những vậy, hoa thuỷ tiên còn chữa được cho mắt của nàng công chúa sáng trong trở lại:
Nằm chìm trong nước
Đang chờ thời gian lướt
Thấy cô công chúa lòa
Cô nàng Thủy Tiên tiến ra
Trình bày trên bát
Ba lòng vàng thơm ngát
Khiến cho đôi mắt loà
Của nàng công chúa sáng ra
Nàng mở mắt xong
Trông vào tô nước trong
Thấy xuân năm đó trời
Cho nàng Thủy Tiên xuống đời
Câu chuyện sự tích hoa thuỷ tiên được nhạc sĩ Lê Thương kể lại duyên dáng, có hậu, giống như một câu chuyện sự tích khác được lưu truyền trong dân gian Việt Nam. Đó là ngày xưa có 1 phú hộ có 4 người con trai, khi qua đời để lại gia tài 4 phần bằng nhau, nhưng 3 người con đầu giành lấy phần nhiều, chỉ chia cho người con Út một mảnh đất nhỏ khô cằn. Không ngờ cũng chính mảnh đất này mọc lên loài hoa thuỷ tiên quý hiếm, người con này nhân giống trồng nhiều và trở nên khá giả.
Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com
—-
Toàn bộ bài viết được đăng trên nhacvangbolero.com hoàn toàn thuộc bản quyền của nhacvangbolero.com, đề nghị ghi rõ nguồn khi copy để tránh những sự cố về khiếu nại bản quyền. Xin cám ơn