Cố đại tá Nguyễn Đình Bảo nguyên là Trung tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù (được mệnh danh là Song Kiếm Trấn Ải). Ông đã nằm yên trên đỉnh đồi Charlie thuộc tỉnh Kontum vùng II chiến thuật trong trận Mùa Hè Ðỏ Lửa vào ngày 12 tháng 4 năm 1972, khi vừa đúng 35 tuổi. Trung tá Nguyễn Đình Bảo được vinh thăng cấp cố Đại tá sau khi hy sinh và vĩnh viễn nằm lại đồi Charlie.
Sau khi nghe tin Trung tá Nguyễn Đình Bảo hy sinh, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết ca khúc Người Ở Lại Charlie này để tiếc thương. Mời bạn nghe lại ở bên dưới.
Click để nghe
Ngay trên đầu bản nhạc “Người Ở Lại Charlie” Trần Thiện Thanh đã viết trang trọng như sau: “Tiếc thương ca cho Nguyễn Đình Bảo, người ở lại Charlie”.
Sau đây, xin nhắc lại 1 số lời hát trong bài nhạc lính nổi tiếng này:
Bài hát viết theo điệu Slow Rock (tiếc nhớ) mở đầu bằng một khúc dạo nhạc không lời, như tiếng kêu thương ray rức:
Anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie
Anh! Anh! Hỡi anh giã từ vũ khí
Vâng, chính anh là ngôi sao mới
Một lần này chợt sáng trưng,
Là cánh dù đan bằng tiếc thương vô cùng
Trần Thiện Thanh đã ví Trung Tá Nguyễn Đình Bảo là một ngôi sao sáng trên trời chợt bừng lên rồi vụt tắt, ví như là một cánh dù được đan bằng nỗi tiếc thương…
Anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie
Anh! Vâng, chính anh là loài chim quí
Ôi, cánh chim trùng khơi vạn lý…
Tác giả Trần Thiện Thanh ví Nguyễn Đình Bảo như là một cánh chim quý, được ví với loài Đại bàng sải cánh bay vút trùng khơi, và Đại Bàng cũng chính là là bí danh của vị chỉ huy trưởng Nguyễn Đình Bảo khi ông dùng để nói chuyện qua hệ thống đìện đài truyền tin.
Cố đại tá Nguyễn Đình Bảo rời Hà Nội vào Nam năm 18 tuổi. Ba năm sau, ông thi đậu Tú tài và tình nguyện gia nhập binh chủng Nhảy Dù sau khi tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Trong 14 năm ở lính, ông đã từng tham gia rất nhiều trận lớn nhỏ từ khắp “4 vùng chiến thuật” từ trận Ấp Bắc, giải vây đồn Bổ Túc ở những năm 1960.
Từ trung đội trưởng Tiểu đoàn 8, ông qua tiểu đoàn 3, rồi làm Đại đội trưởng Tiểu đoàn 1, rồi tiểu đoàn 9. Tên tuổi ông đã gắn liền với nhiều trận khốc liệt như: năm 1965 giải vây Đức Cơ, năm 1966 ở Cheo reo, Bồng Sơn. Năm 1967 hành quân khắp vùng Thừa Thiên, Quảng Trị, từ sông Hương ra tới Phá Tam Giang, đèo Ba Giốc. Sau Tết mậu Thân 1968 thì về vùng đồng Ông Cộ, Hóc Môn, Bà Điểm. Sau đó là Tống Lê Chân, Kà Tum, sông Vàm Cỏ, Khe Sanh, Hạ Lào. Từ tháng 5 năm 1971 ông về nắm chức Tiểu Đoàn trưởng 11 của binh chủng Dù cho đến lúc cuối ở Charlie.
Là một người dày dạn trận mạc như vậy, nên bài hát có câu: “địa danh nào thiếu dấu chân anh”:
Ngày anh đi, anh đi, anh đi từ tổ ấm
Anh ơi, địa danh nào thiếu dấu chân anh?
Đợi anh về chỉ còn trên vầng trán đứa bé thơ tấm khăn sô
Bơ vơ người goá phụ cầu được sống trong mơ.
Tuy nhiên khi người hùng sa cơ, để lại người thân, chính là người vợ góa phụ cùng 3 người con, và đứa bé thơ với tấm khăn sô là người con út của ông là Nguyễn Bảo Tuấn chỉ mới được vài tháng tuổi.
Toumorong, Dakto, Krek, Snoul
Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu
Anh! Cũng anh vừa ở lại một mình
Vừa ở lại một mình
Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành.
Thời điểm đó, địa danh Charlie chỉ là một cái tên xa lạ, một địa danh nhỏ xíu ở vùng 2 chiến thuật vẫn chưa quen trong ký ức người dân thị thành…
“Anh! nhớ anh trời làm cơn “bão”
Anh, tiếc anh chiều rừng thay áo”…
Tên ông là Bảo, nhớ thương người nên trời cũng làm “cơn bão”, đó là cách chơi chữ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Ôi, vết đau nào đưa anh đến,
ngàn đời của nhớ thương
Hỡi “Bức chân dung trên công viên buồn”?
Những người sinh từ thập niên 1960 trở về trước tại Sài Gòn có lẽ không lạ gì “bức chân dung trên công viên buồn” của cố đại tá Nguyễn Đình Bảo, được dựng trong công viên Đống Đa trước tòa đô chánh từ năm 1972. Để vinh danh những người hùng, những công viên, quảng trường ở thành đô thường để hình những vị anh hùng đã hy sinh. Ngoài Nguyễn Đình Bảo, còn có Trần Thế Vinh, Phạm Phú Quốc, Trương Hữu Đức…
Đông Kha
Xin cám ơn đã viết về bàn hát ca ngợi lòng dũng cảm của một trong những anh hùng của quân đội VNCH. Có lẽ rất ít những trẻ lớn lên ở Mỹ, ngay cả những trẻ lớn lên ở Việt Nam để ý đến những anh hùng của quân lực VNCH, nhưng cũng có một số người lớn tuổi rất cảm tạ những chiến sĩ vị quốc vong thân, những anh hùng đáng được vinh danh của miền Nam VN. Bây giờ miền Bắc đã thống nhất lãnh thổ, nhưng họ đã xâm lược miền Nam, họ được trợ giúp nhiều hơn thành ra dành được thắng lợi. Miền Nam chỉ bảo vệ mảnh đất tự do. Những chiến sĩ còn sống hay mất đi cũng là những người cho chúng ta hưởng tự do trước khi chúng ta mất nước (So với Ukraine được Mỹ bỏ ra 8 tỷ Mỹ Kim từ khi Biden làm tổng thống (chỉ có 20 tháng) chưa kể đến sư giúp đỡ của các quốc gia khác. Đáng thương cho nước Việt chúng ta Quốc Hội Mỹ 1974 bỏ phiếu giảm từ 1 tỷ đến 700 triệu để giúp đỡ cho miền Nam trong năm 1975)