Cuộc tình hơn 10 năm của nhạc sĩ Phạm Duy cùng người đẹp Alice – Lệ Lan, bắt đầu từ năm 1957 cho đến khi nàng đi lấy chồng năm 1968, đã mang lại cho người nhạc sĩ tài ba niềm xúc cảm to lớn để viết thành nhiều tình khúc nổi tiếng nhất của cả một thời, và vẫn được yêu thích cho đến ngày nay sau hơn nửa thế kỷ.

Bắt đầu cuộc tình là các ca khúc Tìm Nhau, Cho Nhau, tình cảm trở nên nồng nàn với Cỏ Hồng, Thương Tình Ca, Con Đường Tình Ta Đi, nhưng tình yêu cũng trở thành nỗi băn khoăn, trăn trở và níu kéo nhau với Đừng Xa Nhau, Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, rồi kết thúc bằng bài hát Nghìn Trùng Xa Cách để tiễn người đi về “đường dài hạnh phúc”.

Đây là một cuộc tình mà theo nhạc sĩ Phạm Duy là trong sáng và không có “xác thịt”. Ông nói trong hồi ký:

“Vì vấn đề chênh lệch tuổi tác cũng như vì tôi không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ lúc đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để bước chân lên xe hoa về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt ai cả, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Giữa chúng tôi, không có ràng buộc, trói chặt nhau. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ”.

Tấm hình hiếm hoi chụp nhạc sĩ Phạm Duy và cô Lệ Lan

Sau khi chia tay, nhạc sĩ Phạm Duy vẫn còn tưởng tiếc chuyện tình đẹp với “chỉ chừng một năm trôi, là quên lời trăng trối…” trong bài hát Chỉ Chừng Đó Thôi. Ca khúc này cùng với bài Nha Trang Ngày Về được nhạc sĩ sáng tác sau khi chia tay cuộc tình, được ông xếp vào chùm ca khúc “tình ca một mình”, với lời tâm sự như sau:

“Tình ca một mình là những bài hát của kỷ niệm. Kỷ niệm trên bãi cát bên bờ trùng dương như bài “Nha Trang Ngày Về”:

Mình tôi trên bãi khuya
Tôi đi vào thương nhớ
Tôi xây lại mộng mơ năm nào
Bờ biển sâu, hai chúng tôi gần nhau…

Ngồi trên bãi biển để nhớ tới lớp sóng mơn man thịt mềm, da ngát hương, nào ngờ sóng cuốn trôi đi lầu vàng trên bãi hoang… Bài hát soạn ra khi tôi trở lại Nha Trang sau mấy năm xa cách người thơ, ngồi trên bãi biển đông người cho tới khi chỉ còn tôi trên bãi đêm khóc người tình…”

Trước đó, ca khúc Cỏ Hồng cũng được nhạc sĩ Phạm Duy viết cho Alice, là một buổi hẹn hò của đôi tình nhân trên mảnh đồi Đà Lạt đẹp như thơ với ngôn từ vừa lãng mạn, vừa đắm đuối, trìu mến và say mê. Không chỉ hẹn hò ở Đà Lạt, họ đã cùng nhau nhiều lần dạo bước trên biển Nha Trang.

Biển Nha Trang thập niên 1960

Hôm nay có một người về lại trên bãi xưa, bao nhiêu kỷ niệm kéo nhau về lại:

Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya
Tôi đi vào thương nhớ,
Tôi đi tìm cơn gió
Tôi xây lại mộng mơ năm nào
Bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau.

Đêm xưa biển này, người yêu trong cánh tay
Đêm nay còn cát trắng, đêm nay còn tiếng sóng
Đêm nay còn trăng soi, nhưng rồi chỉ còn tôi
Trên bãi đêm khóc người tình.

Bãi biển về đêm thường vắng lặng và yên tĩnh, chỉ có ánh trăng soi sáng cho một vài đôi tình nhân còn ngồi tâm tình bên nhau cùng với tiếng sóng biển xô dạt bờ cát. Không gian lãng mạn và nên thơ đó năm xưa vẫn còn nguyên ở chốn này, nhưng điều đó càng làm cho lòng người thêm đau đớn vì đã không còn người tình ở cạnh bên.

Cát trắng thơm tho, lùa vào trong nắm tay
Nào ngờ cát úa tuôn ra dần dà chẳng có hay
Ân tình trong lúc đôi mươi
Bao giờ cũng vẫn mau phai
Cho ngàn thông réo tên ai từ đó.

Lớp sóng mơn man thịt mềm, da ngát hương
Nào ngờ sóng cuốn trôi đi lầu vàng trên bãi hoang
Khi tình tơ chít khăn tang
Ai gào ai giữa đêm trăng
Cho từng lớp sóng kêu than.

Những ân tình thuở đôi mươi mau chóng phôi phai, như nắm cát dễ vuột khỏi tay người khi không xiết chặt, như là lâu đài xây trên cát, dù có lộng lẫy đến đâu cũng sẽ nhanh chóng trôi theo cùng bọt nước. Cuộc tình chỉ mới còn “tơ” nhưng đã phải chít khăn tang và để lại nhiều nuối tiếc. “Ai gào ai giữa đêm trăng” là tiếng kêu thê lương, buồn thảm cho một cuộc tình.

Nha Trang ngày về, ngồi đây tôi lắng nghe
Đê mê lòng tôi khóc, như oan hồn trách móc
Ôi trăng vàng lẻ loi
Ôi đời!
Trời biển ơi không cố nuôi tình tôi.

Nha Trang biển đầy, tình yêu không có đây
Tôi như là con ốc, bơ vơ nằm trên cát
Chui sâu vào thân xác lưu đầy
Dã tràng ơi
Sao lấp cho vơi sầu này?

Kết thúc bài hát là một nỗi buồn được ghi lại rất đau đớn, buồn như là không còn gì có thể buồn hơn, như là khi mất đi cuộc tình thì cuộc đời đã trở thành hoàn toàn vô nghĩa. Với người tình thì có thể những kỷ niệm đã qua chỉ là ân tình đôi mươi chóng phai mau. Nhưng với ta, nó đã trở thành mãi mãi và không thể nào lấp cho vơi được sầu, như là loài dã tràng lấp hoài cũng không tìm được lối về rạng ngời năm cũ.

Bài hát này nổi tiếng qua giọng hát của Khánh Ly cả trước và sau năm 1975. Mời các bạn nghe lại:


Click để nghe Khánh Ly hát trước 1975


Click để nghe Khánh Ly hát sau 1975


Click để nghe Lệ Thu hát trước 1975

Tuy nhiên, riêng tôi vẫn ấn tượng hơn cả với giọng hát khắc khoải, nghẹn ngào và có phần quằn quại trong đau đớn của ca sĩ Ý Lan:


Click để nghe Ý Lan hát

 

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

—-

Toàn bộ bài viết được đăng trên nhacvangbolero.com hoàn toàn thuộc bản quyền của nhacvangbolero.com, đề nghị ghi rõ nguồn khi copy để tránh những sự cố về khiếu nại bản quyền. Xin cám ơn

3 COMMENTS

  1. Còn ai nhớ bài hát có lời như sau: Tôi lại về Nha Trang, giàn hoa tím nhà em vẫn còn, và chiều nay hoa nghiêng bóng nắng, như vẫn còn in sắc tím áo em…
    Bài hát hay quá mà thất lạc đâu mất, tôi nghe được hồi còn nhỏ.

  2. Nha Trang ơi, Nha Trang, thành phố biền, thành phố có hàng me ta đi. Có những chiều mưa anh đưa em ra phố

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here