Trong gia tài đồ sộ của sự nghiệp âm nhạc đầy vinh quanh của nhạc sĩ Lam Phương, chúng ta có thể thấy được tính đa dạng, đa sắc màu trong đó. Từ ca khúc đầu tay là Chiều Thu Ấy mang đẫm tinh thần lãng mạn của nhạc thời kỳ tiền chιến, đến sau đó là những bài hát ngợi ca quê hương như Khúc Ca Ngày Mùa, Trăng Thanh Bình, Nắng Đẹp Miền Nam, những ca khúc viết về thân phận như Kiếp Nghèo, Đèn Khuya, cho đến hằng hà sa số những bài tình ca cả vui lẫn buồn, chúng ta có thể tìm thấy những ca khúc hùng tráng có thể được xếp vào thể loại hùng ca của nhạc sĩ Lam Phương, đó là Nhạc Rừng Khuya (sáng tác năm 1955) và Đoàn Người Lữ Thứ (sáng tác năm 1957). Những ca khúc này đều được nhạc sĩ sáng tác khi tuổi chưa tròn đôi mươi, nhưng được đánh giá rất cao cả về giai điệu lẫn ca từ, đã trở thành những bài hát bất tử cùng thời gian.
Ca khúc Đoàn Người Lữ Thứ được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác khi đang đi trên một chuyến xe lửa dự trại hè liên trường từ Sài Gòn ra đến Nha Trang. Đi dọc theo những nẻo đường đất nước, ông xúc động nhìn cảnh núi rừng hùng vĩ, vừa thơ mộng, và khi đoàn tàu đến ga Nha Trang, ca khúc Đoàn Người Lữ Thứ cũng được hoàn thành.
Click để nghe hợp ca hát Đoàn Người Lữ Thứ trước 1975
Nhà văn Võ Hiếu Nghĩa cùng đi với nhạc sĩ Lam Phương trên chuyến xe lửa này, đã kể lại trong hồi ký như sau
“Xe lửa bắt đầu khởi hành từ 7h30 tối đến khoảng 9h30 – 10h khuya, hai anh em ra ngồi ngoài hành lang giữa hai toa xe, chỗ đó là nơi rộng rãi nhất (xe lửa bây giờ thì đã bị ngăn chặn lại và đóng lại bằng các cửa ngang để tránh việc đeo bám xe trốn phí và cũng tránh hiểm nghèo cho hành khánh, có thể bị té xuống đường). Anh Lam Phương có đem theo cây đàn guitar vừa nhìn phong cảnh rừng cây hai bên đường vừa hát lên theo hứng một khúc nhạc, về sau anh mới đặt tên cho nó là Đoàn Người Lữ Thứ”.
Click để nghe hợp ca Paris By Night hát Đoàn Người Lữ Thứ
Còn đối với ca khúc Nhạc Rừng Khuya, được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác lúc mới 18 tuổi. Ở cái tuổi còn rất trẻ như vậy, với cảm nhận tinh tường về hoàn cảnh đất nước, và với nhạc cảm của một thiên tài, Nhạc Rừng Khuya với nhịp điệu hùng tráng như là lời kêu gọi thức tỉnh cho tinh thần của dân tộc trong thời nguy biến:
Lửa cháy hăng lửa giục lòng dân đoàn kết
Lửa reo vang lửa gào lòng ta nguồn sống
Lửa Tự Do muôn năm vẫn reo rừng ơi…
Click để nghe Trúc Mai hát Nhạc Rừng Khuya trước 1975
Sau đây, xin trích lại bài viết của tác giả Mạc Kim Sa đăng trên một tờ báo năm 1955, chỉ vài tháng sau khi ca khúc này ra đời, phân tích tinh thần của bài hát Nhạc Rừng Khuya vào thời điểm đó:
Lam Phương phụ diễn tinh thần tranh đấu của Việt Nam trong bản Nhạc Rừng Khuya mô tả sự lạnh lẽo về đêm của núi rừng và đoàn người chiến sĩ vượt qua đấy. Lời ca hùng tráng, họ chống với rét, với mệt nhọc, lúc nào cũng nung nấu tình yêu nước.
“Rừng căm hờn ngày nào thù lan tràn khắp
Rừng oán thù ngày nào giặc sang tàn phá”
Nói tới rừng khuya, Lam Phương không quên đống “lửa hùng” tượng trưng niềm hy vọng ca cả và mãnh liệt của một dân tộc khát tự do và lúc nào cũng tin tưởng nơi sự làm việc và cố sức chiến đấu gan lỳ và dẻo dai.
“Lửa cháy hăng lửa giục lòng dân đoàn kết
Lửa reo vang lửa gào lòng ta nguồn sống”
Và không quên, Lam Phương tán dương tinh thần đoàn kết của loài người đối với núi rừng.
Click để nghe Hợp ca Asia hát Nhạc Rừng Khuya
Giữa một đêm sương lạnh lẽo với núi rừng, các chiến sĩ dũng cảm thấy ấm cúng một phần nào khi liên tưởng đến gia đình, nghĩa gia tộc, hay người cô phụ lúc đêm trường.
Lam Phương lại lặp đi lặp lại hai chữ “nhạc rừng” để nhấn mạnh sự hùng vĩ, to rộng bao la của nó cũng như lòng chiến đấu mãnh liệt của dân tộc Việt Nam khi ôm một hoài bão rửa thù cho quê hương.
Đông Kha (nhacvangbolero.com)