Trong tân nhạc Việt Nam, có một số trường hợp nhạc sĩ có duy nhất 1 sáng tác được công chúng biết đến, là ca khúc để đời sống mãi trong nhiều thập niên. Có thể kể đến Tình Lỡ của Thanh Bình, Gợi Giấc Mơ Xưa của Lê Hoàng Long, Em Tôi của Lê Trạch Lựu, và Đường Chiều của Hồng Duyệt.

Ngoài thầy giáo – nhạc sĩ Lê Hoàng Long nổi tiếng với một tác phẩm duy nhất để đời là Gợi Giấc Mơ Xưa, trường trung học Ngô Quyền ở Biên Hoà còn một thầy giáo – nhạc sĩ khác, cũng nổi tiếng chỉ với một tác phẩm để đời duy nhất, đó là thầy Dương Hồng Duyệt (tức nhạc sĩ Hồng Duyệt) với bài hát Đường Chiều, nổi tiếng với giọng ca Duy Khánh.

Thầy Dương Hồng Duyệt từng là giáo sư môn Toán và Nhạc trường Ngô Quyền từ năm 1961 đến 1965.

BS Phạm Vận, Nhạc sĩ Dương Hồng Duyệt, Nhạc sĩ Cung Tiến (đánh guitar) và các học sinh Sài Gòn.

Xuất thân từ trường Luật, nhưng khi tốt nghiệp anh sinh viên Dương Hồng Duyệt lại không chọn lựa công việc liên quan đến ngành nghề đã học. Ông đi dạy học, rồi làm cố vấn, viết diễn văn cho chính trị gia… Nhưng tất cả những việc ông làm, đều man mác sắc màu nghệ sĩ nhiều hơn công việc mưu sinh. Ông đến với âm nhạc cũng vậy, cứ như là một cuộc dạo chơi, hơn là một nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Nhạc sĩ Hồng Duyệt cháu của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, ngoài ra còn là bạn thân và là anh vợ của ca sĩ – luật sư Khuất Duy Trác, nên thầy giáo – nhạc sĩ Dương Hồng Duyệt gần như là “người nhà” của giới văn nghệ sĩ. Vào thập niên 1955 – 1965, nhạc sĩ Dương Hồng Duyệt phụ trách chương trình phát thanh dành cho sinh viên học sinh đài phát thanh Quốc Gia. Hầu hết ca sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như: Đỗ Đình Tuân (Đỗ Tuấn), Phạm Vận, Duy Trác, Thể Tần, Hồng Hảo, Mai Hương, Bạch Tuyết, Mai Ngân, Mai Hân… đều đã hát trong chương trình này.

Bài hát Đường Chiều của nhạc sĩ Hồng Duyệt là một trong những bản nhạc Việt Blues độc đáo nhất thời bấy giờ. Bài hát đã khiến giới văn nghệ sĩ đương thời kinh ngạc, và làm say đắm lòng người mộ điệu ngay từ lúc khai sinh. Đã một thời, Đường Chiều của thầy giáo Dương Hồng Duyệt “làm mưa làm gió” trên đài phát thanh, và được một số lượng lớn khán thính giả – nhất là giới trẻ – hoan nghênh nồng nhiệt.

Rất nhiều ca sĩ hát Đường Chiều của nhạc sĩ Hồng Duyệt, nhưng theo ý kiến của một số người thì người hát Đường Chiều hay nhất, ra được nhiều chất Blues nhất lại là kịch sĩ Túy Phượng (con gái cặp nghệ sĩ Túy Hoa/ Anh Lân). Còn theo lời kể của Dương Nghiệp Dao và Dương Thu Diễm Trang – 2 người con của nhạc sĩ Hồng Duyệt – thì: “Mẹ tôi nói, ca sĩ Duy Khánh hát bài này của bố tôi là hay nhất…”

Chữ ký của nhạc sĩ Hồng Duyệt

Năm 1976 thầy Dương Hồng Duyệt và mấy người con, cùng một số thân nhân “ra khơi”. Chiếc tàu oan nghiệt đã đắm chìm trong lòng đại dương năm ấy, không kịp đưa thầy Dương Hồng Duyệt cùng thân nhân đến bến đỗ bình an. Hơn 40 năm, tác giả nhạc phẩm Đường Chiều đã rời xa trần thế. Thế nhưng, bản Việt Blues độc đáo và độc nhất của ông, vẫn sống mãi với thời gian.

Bia tưởng niệm thầy giáo – nhạc sĩ Dương Hồng Duyệt cùng thân nhân, được an vị tại khu tượng đài Thuyền Nhân thuộc thành phố Westminster (Nam California, Hoa Kỳ).

Mời các bạn cùng thưởng thức lại Đường Chiều qua giọng ca của 1 trong tứ trụ nhạc vàng: cố danh ca Duy Khánh.

Bài Đường Chiều cũng được danh ca Duy Trác – một người bạn thân của nhạc sĩ Hồng Duyệt – thu âm trước 75:

Bài Đường Chiều cũng được ca sĩ Duy Khánh thu âm ở hải ngoại:

Chiều xóa Thành đô, thế nhân bàng hoàng
Giọng hát lời ca ôi sao nhịp nhàng
Dừng trên hè phố
Lòng ta thầm nhớ những chiều lá rơi, lá rơi bên thềm nhà

Đường vắng chiều buông, bóng cây vài hàng
Đèn sáng ngoài mưa
Hết ca ngừng đàn
Mộng xưa tàn vỡ
Lòng ta còn nhớ những chiều sát vai, sát vai trong nhịp đàn

Ôi hắt hiu là nhớ, chiều nay sao hắt hiu là nhớ tới chiều nào
Ôi bóng hôn hoàng xuống, dừng đây nghe lá mưa từng cánh trong nghẹn ngào

Mộng ước về đâu, chút duyên tình đầu
Nhạc cũ chìm sâu lắng trong hồn sầu
Đèn khuya còn sáng
Nhạc khuya thầm nhắc bao lần lá rơi lá rơi trên đường chiều…

nhacxua.vn biên soạn

Sử dụng tư liệu của Điệp Hoàng Mai (t-van)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here