Nhạc sĩ Thu Hồ, tên thật là Hồ Thu, sinh năm 1919 tại làng Tân Mỹ, gần cửa biển Thuận An thuộc tỉnh Thừa Thiên. Ông là tác giả của ca khúc Quê Mẹ nổi tiếng, cũng là thân phụ của nữ ca sĩ Mỹ Huyền nổi tiếng thập niên 1990 tại hải ngoại.
Vào buổi bình minh của Tân nhạc Việt Nam cuối thập niên 1930, Thu Hồ cũng là một trong những ca sĩ đầu tiên tham gia trong phong trào phổ biến và phát triển tân nhạc khi mới 17 tuổi.
Thuở đó, những nghệ sĩ tiên phong như Tư Chơi, Kim Thoa, Thanh Tùng chuyên hát nhạc Pháp lời Việt, còn Thu Hồ là một trong những ca sĩ đầu tiên hát nhạc hoàn toàn của người Việt, cùng với ông còn có Phạm Duy, Mạnh Phát, Châu Kỳ…
Nhạc sĩ Thu Hồ bộc lộ năng khiếu về nhạc và thơ khi mới 12 tuổi. Ông theo học trung học tại trường dòng Pellerin thuộc giáo hội Thiên Chúa La Mã tại ngã 3 sông Hương và sông An Cựu. Đây cũng là ngôi trường thuở thiếu thời của nhiều người nổi tiếng là tổng thống thống Ngô Đình Diệm, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, thi sĩ Hàn Mặc Tử, Bích Khê, nhà văn Thanh Tịnh (tác giả Tôi Đi Học)… Ngày nay ngôi trường này là Học Viện Âm Nhạc Huế.
Thời đi học, Thu Hồ ở trọ nhà của ông bác họ, là thân phụ của nhạc sĩ Trần Văn Lý, là nhạc sĩ nổi tiếng người Huế, cũng là trưởng ban nhạc hoàng gia từ thời vua Khải Định, trưởng ban nhạc Trần Văn Lý với những tên tuổi sau này trở thành huyền thoại là ca nhạc sĩ Mạnh Phát, Châu Kỳ, danh ca Minh Diệu, Thanh Trang…
Nhờ có dịp ở chung với Trần Văn Lý, nhạc sĩ Thu Hồ được hướng dẫn nhạc lý trong những bước đầu.
Năm 1938, khi mới 19 tuổi, Thu Hồ phải tha phương cầu thực ở miền Nam, trở thành trưởng ga hỏa xa luân phiên rồi làm thư ký bút toán ngân hàng Đông Dương.
Click để nghe Hoàng Oanh hát Quê Mẹ trước 1975
Trong những bước đường tha phương đó, ông đã có cảm xúc và viết ca khúc đầu tay Quê Mẹ, cũng là bài nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông. Những người yêu nhạc có thể sẽ không bao giờ quên những lời ca tha thiết của 1 trong những bài hát hay nhất viết về mẹ này:
Đêm khuya trăng mơ mắt trông về trong cõi xa mờ
Nơi xa xăm kia tôi say nhìn quê cũ dấu yêu
Ôi tình quê hương nơi chốn xưa có người mẹ hiền
Tóc màu hoa bạc chiều chiều mắt ngấn lệ vì con…
Đó là năm 1943, khi ông làm trường ga xe lửa ở ga Dầu Giây, trong nỗi nhung nhớ vì xa nhà và nhớ mẹ, cảm tác từ câu ca dao nổi tiếng là “chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về QUÊ MẸ ruột đau chín chiều”, ông đã sáng tác thành ca khúc có sức sống bền bỉ suốt gần 80 năm qua.
Ra đi con dâng đời cho gió mưa
Quê người ngồi nhớ đến ngày vui qua
Gió chiều thường nhắc khúc ca biệt ly
Cố nhìn quê cũ lẩn trong sương mờ
Mẹ ơi ra đi đời con sá chi
Mơ ngày ngồi dưới ánh đèn lâm ly
Bên mẹ thường hát khúc ca ngày đi
Ai ngờ rồi cũng đến khúc phân ly
Những người con khi đã trưởng thành đều phải rời xa vòng tay mẹ, như những cánh chim trời tung cánh bay đi bốn phương xây đời mới. Ở phương trời xa, điều làm họ đau đáu nhất là hình dáng người mẹ già vàng võ trông chờ nơi quê cũ. Tình mẫu tử như là sợi dây kết nối vô hình để tâm trí người mẹ luôn luôn hướng về con ở nơi xa ngàn dặm, và ngược lại.
Ca khúc là nỗi lòng tha thiết của người con gửi về quê mẹ, nói thay nỗi lòng của biết bao nhiêu người ly hương, đặc biệt là vào khoảng gần 10 năm sau đó (giữa thập niên 1950), thời điểm hàng triệu gia đình người Việt phải ly tán, bài “Quê Mẹ” lại càng đi sâu được vào lòng người, trở thành một trong những ca khúc viết về mẹ được yêu thích nhất và sống mãi cùng thời gian.
Click để nghe Hoàng Oanh hát Quê Mẹ sau năm 1975
Viết tiếp về tiểu sử nhạc sĩ Thu Hồ, vào năm 1947, ông là ca sĩ và gia nhập ban Thần Kinh Nhạc Đoàn khi ban này vừa mới ra đời với sự cộng tác của ban nhạc Trần Văn Lý và các ca sĩ Minh Diệu, Minh Tần, Mộc Lan, Thu Thu, Kim Nguyên, Mạnh Phát, Vĩnh Lợi, Châu Kỳ…
Năm 1948, Đài Phát Thanh Pháp Á ở góc đường De Lattre de Tassigny – La Somme (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Hàm Nghi) mở thêm mục Tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Thu Hồ được đài mời cộng tác. Từ đó tên tuổi ca sĩ – nhạc sĩ Thu Hồ được nhiều người biết đến. Năm 1949, cũng từ Đài Phát Thanh Pháp Á này, Thu Hồ là người đầu tiên hát ca khúc Trăng Mở Bên Suối của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên.
Từ năm 1956, Đài Phát Thanh Pháp Á được chuyển giao lại cho chính quyền VNCH để trở thành Đài Phát Thanh Saigon, nhạc sĩ Thu Hồ vẫn tiếp tục hợp tác với đài phát thanh này, sau đó cũng cộng tác với Đài Quân Đội.
Thu Hồ gia nhập Quân đội năm 1954 và giữ chức vụ Trưởng ban Tuyên truyền lưu động Đệ I Quân khu, đã đi nhiều nơi để ủy lạo binh sĩ. Trong một dịp đi về vùng Tây Nam Bộ, ông viết bài Khúc Ca Đồng Tháp với phần lời ca của Trọng Danh. Năm 1957, ông gia nhập ban văn nghệ Vì Dân của Tổng Nha Cảnh Sát Quốc gia do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông làm trưởng đoàn.
Từ năm 1959 đến năm 1970, nhạc sĩ Thu Hồ là giáo sư Âm nhạc các trường Trung học tư thục nổi tiếng ở Saigon như Nguyễn Bá Tòng, Thánh Thomas, Thiên Phước, Nguyễn Trường Tộ…
Thời gian này, Thu Hồ còn là diễn viên kịch, đồng thời cũng là nhà soạn kịch nổi tiếng, đóng vai chính trong nhiều vở kịch do chính ông soạn. Ban kịch nói Thẩm Thúy Hằng cũng mua bản quyền nhiều kịch bản của Thu Hồ để diễn trên đài truyền hình.
Nhạc sĩ Thu Hồ là một con chiên ngoan đạo, lớn lên học trường dòng, sau đó ông soạn nhiều bài thơ mang sắc thái Công giáo và xuất bản thành tập thơ mang tên Ánh Bình Minh năm 1965. Ông cũng là thành viên trong ủy ban sáng lập Nhà thờ Fatima Bình Triệu.
Nhạc sĩ Thu Hồ có 2 người con gái nổi tiếng là ca sĩ Mỹ Huyền và xướng ngôn viên Mỹ Hà, từng làm việc ở Đài Phát Thanh Sài Gòn ban Anh ngữ. Chồng của Mỹ Hà là tải tử nổi tiếng Trần Quang.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Thu Hồ bị kẹt lại Việt Nam, đến năm 1990 thì được Mỹ Hà bảo lãnh sang San Diego, Hoa Kỳ, Năm 1992 ông dời về Santa Ana để sống cùng Mỹ Huyền cho đến khi qua đời năm 2000.
Đông Kha – nhacvangbolero.com