Nhắc đến sự nghiệp của nhạc sĩ Vinh Sử, ngoài những ca khúc nổi tiếng mà ông sáng tác dành cho giới bình dân và khán giả đại chúng, ông còn là một ông bầu và nhà sản xuất âm nhạc có nhiều đóng góp cho làng nhạc Miền Nam trước 1975.
Được biết mỗi sáng tác ăn khách của Vinh Sử hồi đầu thập niên 1970 có thể thu được số tiền lớn đủ để mua nhà lầu, xe hơi, và ông là 1 trong những nhạc sĩ hiếm hoi ngày xưa có thể sống được dư dả nhờ việc bán nhạc. Tuy nhiên đó không phải là thu nhập duy nhất của Vinh Sử. Ông còn mở lớp dạy nhạc, đào tạo ca sĩ và là bầu sô, mua nhạc của nhạc sĩ khác để kinh doanh. Một đóng góp quan trọng khác của ông đối với làng nhạc Miền Nam là chọn nhạc và tổ chức sản xuất các băng nhạc Kim Đằng mà cho đến nay vẫn còn nhiều người tìm nghe lại sau gần nửa thế kỷ.
Click để nghe băng Kim Đằng 1
Băng Kim Đằng đầu tiên phát hành vào tháng 8 năm 1973, và chỉ trong hơn 1 năm đã phát hành được 5 cuốn, cuốn nào cũng ăn khách và bán rất chạy. Nếu không có sự kiện tháng 4 năm 1975, thì số lượng băng nhạc Kim Đằng chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 5.
Click để nghe băng Kim Đằng 2
Những bài hát được chọn vào trong băng nhạc này đa số là của nhạc sĩ Vinh Sử cùng 1 số thân hữu khác chuyên sáng tác dòng nhạc bình dân đại chúng như nhạc sĩ Mộng Long, Giao Tiên, Ngọc Sơn… và nhiều nhạc sĩ tên tuổi khác nữa là Minh Kỳ, Hoài Linh, Trịnh Lâm Ngân… với nhiều bài hát thường được gọi là “thời trang nhạc tuyển”. Đó đều là những bài hát gần gũi với cuộc sống của giới lao động bình dân, nội dung nói về những thân phận không may mắn, những mối tình trắc trở hoặc là tình đơn phương, nói lên tâm trạng của chàng trai vì nghèo mà không dám tỏ tình, đành lặng lẽ yêu một mình, rồi âm thầm chuốc lấy khổ đau. Hầu hết những bản nhạc yêu đương dang dở hoặc than thân trách phận ấy lại đi sâu vào lòng người.
Click để nghe băng Kim Đằng 3
Không phải chỉ có hiện nay, mà ngay cả từ thập niên 1960, giới sáng tác đã chia làm 2 trường phái riêng biệt mà ngày nay người ta thường gọi là “nhạc sang” và “nhạc sến”. Một bên là loại nhạc mang tính hàn lâm, ca từ có nhiều ẩn dụ, còn một bên khác là loại nhạc bình dân đại chúng, ca từ mang ý nghĩa thẳng đuột, không có bóng gió sâu xa. Dĩ nhiên là loại nhạc hàn lâm sẽ được giới chuyên gia nhà nghề đánh giá cao, còn nhạc bình dân thì bị khinh rẻ. Nhưng có một sự thật ai cũng nhận thấy, đó là nhạc càng bình dân thì càng ăn khách, dễ bán, dễ ra tiền. Còn nhạc hàn lâm kén khán giả thì không bán được nhiều.
Click để nghe băng Kim Đằng 4
Có lẽ vì vậy mà đã có nhiều nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc hàn lâm với các bài tình ca có giai điệu sang cả cũng chuyển sang sáng tác nhạc đại chúng, điển hình là Tuấn Khanh với Quán Nửa Khuya, Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi, nhạc sĩ Văn Giảng với Có Thế Thôi, Tình Em Biển Rộng Sông Dài… Hay là bậc cây đa cây đề như Hoàng Trọng với Cánh Hoa Yêu, Phạm Duy cũng nhập cuộc với Ngày Em Hai Mươi Tuổi hoặc Anh Hỡi Anh Cứ Về.
Tuy nhiên, riêng trong dòng nhạc đại chúng cũng có thể phân ra nhiều cấp bậc. Nhạc vàng của các nhạc sĩ Anh Bằng, Lam Phương, Hoài Linh, Tuấn Khanh, Lê Dinh, Minh Kỳ… vẫn có cảm giác “sang” hơn nhạc “than thân trách phận” của Vinh Sử, Giao Tiên, Đài Phương Trang hay Mộng Long. Tùy theo đối tượng mà bài hát được yêu thích hay là không.
Click để nghe băng Kim Đằng 5
Nói thêm về tên gọi Thời Trang Nhạc Tuyển được dùng cho các bài hát trong băng nhạc Kim Đằng, là tên gọi của giới làm nhạc dành cho những bài nhạc chỉ mang tính thời trang, theo cách hiểu của người đương thời là nghe để rồi quên chứ sẽ không tồn tại cùng năm tháng như các bài hát có giá trị khác.
Tuy nhiên đã gần 50 năm trôi qua, rất nhiều bài hát trong các băng Kim Đằng này vẫn sống trong ký ức của khán giả, trở thành những bài hát bất tử, có thể kể đến là Xe Mo Ngày Cũ, Mùa Pensee Nở, Hoa Mười Giờ, Những Chuyện Tình Mong Manh, Vùng Lá Me Bay, Hoa Sứ Nhà Em, Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non, Một Chuyến Bay Đêm… Các băng nhạc Kim Đằng cũng được nhiều người hiện nay tìm nghe lại rất nhiều, nên cái tên gọi “thời trang nhạc tuyển” mà chính những người thực hiện băng nhạc này sử dụng đã không còn đúng nữa.
Bài: Đông Phương
Nguồn: nhacvangbolero.com