Năm 1968, khi người yêu lên xe hoa về nhà chồng, nhạc sĩ Phạm Duy đã tiễn nàng lên xe bằng ca khúc Nghìn Trùng Xa Cách.
Cô gái đó tên là Alice, tên tiếng Việt là Lệ Lan, là người nữ có vinh hạnh được nhạc sĩ Phạm Duy viết nhiều ca khúc dành cho nhất, đó đều là những tình ca nổi tiếng của ông: Cỏ Hồng, Ngày Đó Chúng Mình, Tìm Nhau, Cho Nhau, Thương Tình Ca, Chỉ Chừng Đó Thôi, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Nha Trang Ngày Về… và đặc biệt là Nghìn Trùng Xa Cách.
Nghe Thái Thanh hát Nghìn Trùng Xa Cách
Alice – Lệ Lan cũng là một nhà thơ, trong đó bài thơ Năn Nỉ của cô đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài, là bài thơ, bài hát khắc ghi những kỷ niệm của hai người.
Trong cuộc sống tình ái đầy phóng túng của mình, ngoài người vợ thương yêu Thái Hằng, nhạc sĩ Phạm Duy đã có không biết bao nhiêu nhân tình trên khắp các nẻo đường mà ông đã đi qua, và ông cũng không ngần ngại kể rất chi tiết điều đó trong hồi ký của mình. Tuy nhiên với cô Alice, nhạc sĩ Phạm Duy gọi đó là mối tình thơ nhạc, là một mối tình trong sáng.
Alice là con gái của một cố nhân cũ của nhạc sĩ Phạm Duy tên là Helene. Khi gặp nhạc sĩ Phạm Duy, Alice chỉ mới là cô gái 16 tuổi, còn Phạm Duy đã là một nhạc sĩ thành danh 35 tuổi. Mối tình của họ trải dài qua hơn 10 năm. Trong thời gian đó, đôi tình nhân đã cùng nhau đi qua nhiều đoạn đường tình yêu, đó có thể là những giây phút ngọt ngào được mô tả trong các ca khúc lãng mạn Thương Tình Ca, Cỏ Hồng. Họ như là đã Tìm Nhau một đời, cùng Cho Nhau những yêu thương. Nhưng cuộc tình biết rằng sẽ không thể giữ mãi ở trên tay, nên có nhiều ca khúc mang niềm nuối tiếc ra đời: Chỉ Chừng Đó Thôi, Nha Trang Ngày Về, họ đã níu kéo nhau như trong ca khúc Đừng Xa Nhau… Sau cùng, đành phải chấp nhận “kiếp nào có yêu nhau, thì xin hẹn đến mai sau…” và kết thúc bằng Nghìn Trùng Xa Cách.
Hình Alice khoảng thập niên 1970
Nhạc sĩ Phạm Duy kể về cuộc tình này trong hồi ký:
Một chiều mùa thu 1957, tôi tỏ tình với Alice và được nàng ban cho một cái ừ lặng lẽ.
Lúc đó tôi có ngay quyết định là mối tình này cũng phải cao thượng như mối tình giữa tôi và Helene (mẹ của Alice). Đã gần 10 năm vì quá mê mải soạn nhạc tình tự quê hương, tôi không soạn một bản nhạc tình nào cả. Tôi không ngờ trong một thời gian ngắn, tôi lại gặp được tình yêu. Tôi không lẩn tránh, dù biết không giữ được nó suốt đời.
Cuộc tình khởi sự bằng bài Thương Tình Ca (1956). Vì chênh lệch tuổi tác và vì không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để lên xe hoa về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ… Trong hơn 10 năm (1956-1968), nhạc tình của tôi là đều là những bài viết cho nàng (Ngày Đó Chúng Mình, Đừng Xa Nhau, Cỏ Hồng, Nha Trang Ngày Về…).
Như cả 2 người đã biết trước rằng sẽ không thể giữ được cuộc tình suốt đời, nên một ngày năm 1968, cô Alice lên xe hoa đi lấy chồng khi đã bước sang tuổi 28.
Cuộc tình bắt đầu bằng ca khúc Thương Tình Ca (1956), kết thúc bằng Nghìn Trùng Xa Cách (1968), ở giữa là biết bao nhiêu kỷ niệm được ghi thành nhiều tình khúc. Dẫu ai cũng biết rằng đây chỉ là một tình yêu ngoài luồng, nhưng cũng có hàng triệu người yêu nhạc Phạm Duy đã biết ơn cuộc tình này, vì đó là khởi nguồn cảm hứng cho hầu hết bài tình ca nổi tiếng nhất của Phạm Duy, để lại một gia tài quý báu cho âm nhạc Miền Nam.
Như nhạc sĩ Phạm Duy đã giải thích trong hồi ký: Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ…
Phạm Duy và Alice
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu
Sẽ có chẳng nhiều đớn đau
Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu
Có lũ kỷ niệm trước sau…
Đó là những câu hát đầu tiên của bài hát tiễn đưa người yêu: Nghìn Trùng Xa Cách. Muôn đời nay, những cuộc tình dở dang thường rất đẹp và đáng nhớ. Những miền quá khứ, lũ kỷ niệm trước sau, những dĩ vãng nhiệm màu được nhạc sĩ nhắc lại như là những khoảnh khoắc đẹp nhất của cuộc tình sẽ còn lưu dấu nhiều năm sau nữa.
Thời gian yêu nhau, có lần cô Alice đã tặng cho nhạc sĩ những kỷ vật tình yêu rất đáng nhớ, đó là xác lá khô được ép trong thơ, hay là một vạt tóc màu nâu rất Tây (Alice mang trong mình 3 dòng máu Anh – Hoa – Việt). Khi chia tay nhau, những kỷ vật đó như tan đi mịt mù, vì đã nghìn trùng xa cách, còn gì đâu nữa mà giữ cho người?
Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ
Rồi sẽ tan đi mịt mù
Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho
Thả gió bay đi mịt mù
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà giữ cho người…
Tuy nhiên theo nhà báo Hà Đình Nguyên, những kỷ vật này không hề “tan như bụi mờ” hoặc bị “thả gió bay đi mịt mù” mà nằm trang trọng trong một hộp kính được nhạc sĩ Phạm Duy lưu giữ rất kỹ.
Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời
Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui
Lời nói, lời cười
Chuyện ngắn chuyện dài
Trả hết cho người, cho người đi
Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi
Đường em đi trời đất yên vui
Rừng vắng ban mai, đường phố trăng soi…
Cuộc tình dẫu kết thúc buồn, nhưng khi nhìn lại những “lũ kỷ niệm trước sau” thì chợt nhận ra rằng dù có buồn nhưng quá khứ đã từng tràn ngập niềm vui. Nay xin trả lại hết những “chuyện cũ đẹp ngời” để cho người đi. Những ngày tháng êm trôi ngày cũ như là hành trang để người bước đi trên con đường tương lai có trời đất yên vui.
Trả hết cho người, cho người đi
Trả hết cho ai cả những chua cay
Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi
Một tiếng thương ôi, gửi đến cho người
Trả nốt đôi môi gượng cười.
Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi
Còn lời trăn trối gửi đến cho người…
Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người…
Với ca khúc Nghìn Trùng Xa Cách, có thể nói không có giọng ca nào sánh được bằng Thái Thanh. Giọng hát của bà khi thì ngân nga, lúc tựa như tâm tình, kể chuyện. Trong đêm nhạc tại Hà Nội năm 2011, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết: “Trước đây hát bài này, Thái Thanh lần nào cũng khóc”.
Vì sao Thái Thanh lại khóc khi hát Nghìn Trùng Xa Cách? Phải chăng là người ca sĩ đã hoàn toàn nhập tâm vào ca khúc, rồi hát cho nỗi xa cách thật sự đã từng xảy ra trong cuộc tình của mình.
Vào một ngày giữa tháng 3 năm 2020, danh ca Thái Thanh đã thật sự nghìn trùng xa cách với tất cả chúng ta, hàng triệu người đã tỏ lòng thương nhớ đến bà. Xin cám ơn danh ca Thái Thanh, người đã sống một cuộc đời thật toàn vẹn và đáng ngưỡng mộ.
Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com