Dư luận đang xôn xao về việc những bài học trong cuốn SGK Tiếng Việt hiện thời có những câu chuyện không thích hợp với tuổi lên 6, là những câu chuyện khó hiểu, hoặc dạy khôn lỏi, hoặc đôi khi là suồn sã.
Thực ra đó là những câu chuyện được trích lược từ truyện ngụ ngôn, và hình thức này đã có trong sách giáo khoa lớp 1 từ hơn 50 năm trước. Có thể sẽ có nhiều người tò mò muốn biết những câu chuyện ngụ ngôn thời đó sẽ như thế nào.
Bỏ qua những ồn ào và tranh cãi về SGK của hiện tại, mời các bạn xem lại các trang sách cũ, có các bài tập đọc với những câu chuyện ngắn, thường là trích nội dung từ câu chuyện ngụ ngôn của cả trong và ngoài nước, hoặc là những câu chuyện cười dân gian. Nhân vật của các câu chuyện thường là các con vật, từ gia súc gia cầm như chó, gà, vịt, bò, ngựa… đến chim chóc và thú rừng như cọp, voi, thỏ, cáo, quạ…
Bên dưới mỗi câu chuyện luôn có lời nhận xét của người soạn sách, đó có thể là bài học rút ra từ câu chuyện được kể, nhằm để khuyên răn học sinh hãy xa rời thói xấu, rèn luyện tính tốt. Đó thực là những lời khuyên bổ ích dành cho lứa tuổi vừa mới bước vào mái trường và bắt đầu làm quen với những bài học làm người rất ý nghĩa, từ những câu chuyện nhỏ như là bài học về giúp đỡ nhau giữa con lừa và con ngựa, đến những bài học lớn lao hơn, như là ý nghĩa của sự tự do như trong câu chuyện “chó nhà – chó rừng” được chép ở bên dưới.
Những trang sách này được trích từ cuốn SGK Em Tập Đọc lớp 1 của tác giả Nguyễn Tất Lâm do Nam Sơn xuất bản năm 1971, tròn nửa thể kỷ trước.
Lừa và ngựa cùng đi chờ hàng cho chủ.
Lừa phải chở nặng hơn ngựa.
Lừa năn nỉ ngựa chở bớt cho một ít, nhưng ngựa không chịu chở.
Mệt quá lừa ngã lăn ra chếƭ.
Chủ bắt ngựa chở hết cả chỗ hàng của lừa và cả cái da lừa nữa.
Nhận xét: Nếu con ngựa chịu chở bớt cho con lừa một ít hàng thì đâu có phải chở nặng như thế. Vậy ở đời chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau, không nên ích-kỷ như con ngựa.
Nhái thấy bò đang ăn cỏ.
Nó muốn được to bằng con bò.
Nó phình bụng lên rồi hỏi các bạn:
Này anh em ơi! Tôi đã to bằng bò chưa?
Làm sao mà bằng được, còn nhỏ lắm!
Nhái tức quá, cố phình bụng thêm, phình nữa, phình nữa.
Bụng nhái căng lớn quá, nổ tung.
Nhận xét: Vì nhái ngu ngốc không biết thân phận, đã làm một việc quá sức mình nhiều quá nên mới bị thê thảm như vậy.
Một con quạ đậu ở trên cành cây. Mỏ nó ngậm một chiếc bánh sữa.
Ngửi thấy mùi thơm của bánh sữa, một con cáo tìm đến chỗ quạ đậu. Cáo liền nịnh quạ:
Kìa chào bác quạ. Bác hót hay lắm, có phải không bác? Bác thử hót cho tôi nghe nào.
Quạ vừa há mỏ ra, chiếc bánh sữa liền rớt xuống gốc cây. Cáo vội tha chiếc bánh sữa đi chỗ khác.
Nhận xét: Con quạ mất chiếc bánh sữa chỉ vì đã trót nghe nịnh. Vậy ra chớ nên nghe lời những kẻ nịnh hót để khỏi bị lường gạt.
Voi và ngựa cùng rủ nhau chạy thi. Ngựa phi chạy nhanh như gió. Voi chạy chậm theo sau. Ngựa đang chạy nhanh thì có một con sông hiện ra. Tới bờ sông, ngựa dừng lại không dám qua vì không biết bơi. Voi tới sau, lội ngay xuống sống để bơi qua bờ bên kia. Voi tới đích trước và thắng cuộc.
Nhận xét: Ngựa không coi thường voi, ra sức chạy nhanh ngay từ lúc đầu mà vẫn thua cuộc vì ngựa không may đã gặp phải một sự khó khăn mà nó không vượt qua được: đó là con sống.
Voi chạy chậm mà thắng cuộc là vì nó biết bơi, nên qua sông được dễ dàng.
Bài học: Không gặp may cũng thất bại.
Thấy chó rừng gầy hơn mình, chó nhà bèn rủ về nhà ở chung. Bỗng chó rừng hỏi: Ủa, sao cổ bác lại đeo vòng da thế kia?
Chó nhà trả lời: Ban ngày tôi bị chủ cột lại, đến tối lại thả tôi ra để giữ nhà.
Chó rừng nói: Được ăn no mà bị cột thì còn tự do sung sướng gì nữa. Thôi tôi xin chào bác, tôi không dám ở chung với bác đâu!
Nhận xét: Chó rừng không chịu về ở chung với chó nhà vì nó đã quen sống tự do ở trong rừng. Tự do là lẽ sống của loài người cũng như của loài vật.
Hai con cáo rủ nhau đi kiếm mồi. Chúng vào một nhà kia, bắt trộm được một con gà.
Về gần tới hang, con nào cũng nhận là mình đã có công bắt được gà.
Cãi nhau chán, hai con đánh nhau, la hét om sòm. Lúc đó một con quạ bay tới, cắp luôn gà bay đi.
Nhận xét: Hai con cáo tham lam, không biết nhường nhau mới bị quạ cắp mất gà. Thế là hai con không được ăn, mà còn bị đau nữa.
Một người gù đang ngồi câu cá ở bờ sông. Có một bọn trẻ chạy tới chọc ghẹo. Người gù chẳng nói năng gì cả.
Một lát sau có một đứa trẻ té xuống sông. Các bạn nó kêu ầm lên. Người gù vội lội xuống sông vớt đứa bé lên bờ.
Bọn trẻ hối hận rủ nhau đến xin lỗi và cám ơn người gù.
Nhận xét: Bọn trẻ tinh nghịch đã chọc ghẹo một người tàn tật. Cảm động vì cử chỉ cao đẹp của người này, bọn trẻ đã tỏ vẻ hối hận vì lỗi lầm của chúng.
Thỏ bị cáo vồ. Sẻ bay ngang qua bảo thỏ: Bác thỏ ơi! Bác chạy lẹ lắm cơ mà! Sao bác lại để cáo bắt?
Bỗng có con diều hâu bay tới, quắp ngay được sẻ. Thỏ nói: Kìa bác sẻ! Sao bác không bay lẹ đi mà lại để diều hâu bắt thế?
Nhận xét: Sẻ vừa chê thỏ xong thì bị diều hâu bắt. Sẻ liền bị thỏ chê lại liền. Vậy ở đời ta chớ vội chê người.
Một hôm Quỳ chạy ra đường kêu ầm lên: Cháy nhà, cháy nhà!
Mọi người tưởng thật vội chạy lại. Nhưng chẳng thấy đám cháy nào cả.
Cách ít lâu sau, Quỳ lại kêu: Cháy nhà!
Lần này chẳng có ai ra cả, vì đã bị nó đánh lừa một lần rồi. Sau thấy ngọn lửa bốc lên cao, mọi người chạy tới thì nhà của thằng Quỳ đã cháy gần hết rồi.
Nhận xét: Thằng Quỳ không nói dối đánh lừa người trong xóm thì chưa chắc nhà nó đã bị cháy.
Bác Khuếch nói chuyện với bác Tư: tôi đã được trông thấy một củ khoai to bằng cái lu nước.
Bác Tư liền nói: Tôi đã từng trông thấy một cái nồi to bằng cái nhà.
Bác Khuếch hỏi lại: Nồi đó để làm gì mà to thế hở bác? Bác Tư vừa cười vừa nói: Để luộc củ khoai của bác chứ để làm gì nữa!
Biết bác Tư nói xỏ mình, bác Khuếch không dám nói nữa.
Nhận xét: Vì bác Khuếch nói khoác quá nên mới bị bác Tư chế nhạo lại.
Vy Hoàng (nhacvangbolero.com)