Về vấn đề sách giáo khoa bậc tiểu học hiện nay đang gây chú ý và có nhiều tranh cãi, tranh luận gay gắt về mặt nội dung.

Trong hoàn cảnh đó, có thể sẽ có nhiều người thắc mắc về việc biên soạn sách giáo khoa tiểu học ở miền Nam trước năm 1975 là như thế nào. Vấn đề này đã được nhắc tới một cách chi tiết trong cuốn Giáo Dục Phổ Thông Miền Nam (1954-1975) của các tác giả Ngô Minh Oanh – Hồ Sỹ Anh – Nguyễn Ngọc Tài – Nguyễn Thị Phú biên soạn, xin trích lại một số điểm đáng lưu ý về sách giáo khoa tiểu học thời kỳ 1955-1975 như sau:

Đối với giáo dục tiểu học ở miền Nam từ sau năm 1955, dù chương trình giáo dục là thống nhất, nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, không chỉ do nhà nước ấn hành (thông qua Bộ Quốc gia Giáo dục) mà còn do nhiều nhà xuất bản tư nhân thực hiện và ấn hành. Tất cả các nhà soạn sách đều phải tuân theo các nguyên tắc căn bản của nền giáo dục là nhân bản, dân tộc và khai phóng, tuân theo các đặc tính cơ bản của giáo dục tiểu học, được in ở đầu chương trình.

Sách giáo khoa được biên soạn theo chủ đề, mỗi chủ đề có những nội dung bài học cụ thể và qua mỗi bài học giáo viên cần rèn luyện để học sinh tiếp xúc với kiến thức thực tế nhiều hơn là những câu chữ từ chương trong sách.

Sách giáo khoa được xem là bộ học liệu để giáo viên phát triển bài dạy theo hướng mở rộng liên hệ các bài học thực tế, từ đó giúp học sinh hiểu bài sâu và vận dụng linh hoạt trong cuộc sống hằng ngày.

Nội dung của các bài học cho mỗi chủ điểm đều hướng tới sự thể hiện 3 nguyên tắc căn bản của nền giáo dục. Không chỉ ở các bài học của các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Quốc sử… mà các bài học của môn Việt ngữ từ nội dung bài học đến hệ thống từ ngữ, câu hỏi, bài tập đều hướng tới nguyên tác mà chương trình đã nêu. Không ít bài trực tiếp giáo dục niềm tự hào dân tộc, về tình yêu quê hương, khơi nguồn khát vọng vươn tới ngày mai tươi sáng, khơi gợi tình yêu thương chia sẻ.

Ví dụ một bài tập đọc trong sách Việt ngữ: Thương kẻ khó, của tác giả Cao Văn Thái như sau:

Con ơi, chớ có thái-độ lạnh-lùng trước sự nghèo khó, nhất là trước một người mẹ ngửa tay xin miếng cơm cho con. Đứa trẻ đang đói lòng, người mẹ ấy đang xót-xa, sự thờ-ơ của con làm cho họ tủi- nhục nhường nào!

Con hãy bớt ra vài đồng ăn quà để đặt vào tay người già lão không nơi nương-tựa, vào tay người mẹ đói cơm hay vào tay đứa nhỏ bơ-vơ. Kẻ khó thích được trẻ em bố-thí, vì của bố-thí ấy không làm họ tủi-lòng. Của bố-thí của người lớn chỉ là bởi lòng nhân-đạo, nhưng của trẻ mới thật là do lòng thương yêu kẻ khó mà ra. Cho nên đồng tiền của đứa nhỏ đưa ra, tưởng như kèm theo một bàn tay mơn-trớn.

Con nên nghĩ rằng: Con nhờ ơn cha mẹ, chẳng thiếu thứ gì, nhưng họ, họ thiếu-thốn đủ điều. Trong khi con còn có những ước-vọng cao xa, thì họ chỉ mong được bữa no lòng.

[…] Tại sao ta không nên có thái-độ lạnh-lùng trước một người ngửa tay xin miếng cơm cho con? Ta nên bớt vài đồng ăn quà để làm gì? Tại sao kẻ khó thích sự bố-thí của con trẻ? Ta nên cho tiền những người nào? Tìm những từ ngữ có tiếng “nhân” như “nhân đạo”.

Những câu chuyện về những tấm gương anh hùng, như kể chuyện về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản…; những tấm gương hiếu học, hiếu thảo… đều có tính giáo dục cao và đều hướng tới triết lý nhân bản, dân tộc, khai phóng.

Giao đoạn 1955-1975, việc xuất bản sách giáo khoc tiểu học bắt đầu phát triển mạnh, do cả Bộ Quốc gia Giáo dục lẫn tư nhân song hành xuất bản.

Sách Việt ngữ lớp 5 do tư nhân xuất bản

Năm 1958, Chính phủ VNCH cho lập Ban Tu thư thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục để biên soạn và in sách giáo khoa, đến năm 1965 đổi thành Sở Học liệu dự trù in ra 14 triệu bản sách từ lớp Năm (lớp 1 ngày nay) đến lớp Nhứt (lớp 5 ngày nay), đến năm 1966 đã in được 7 triệu cuốn. Sở Học liệu sau đổi thành Trung tâm Học liệu, có 1 giám đốc và 1 phó giám đốc phụ tá. Đến năm 1974, Trung tâm được chính phủ chấp thuận cho trở thành một cơ sở hoạt động theo cơ chế tự chủ nhằm dễ dàng hợp tác với các cơ sở ấn hành sách báo Anh, Pháp, Mỹ để có thể xuất bản được các sách giáo khoa có chất lượng và giá rẻ, dễ dàng phổ cập đến mọi tầng lớp.

Tính đến năm 1972, Trung tâm đã ấn hành được 40 đầu sách tiểu học, chưa kể khoảng 50 đầu sách khác (phần lớn là loại học vần dành cho học sinh dân tộc thiểu số).

Có thể liệt kê sách các môn học do Ban Tu thư, Sở Học liệu và Trung tâm Học liệu thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục đã xuất bản như sau:

  • Việt ngữ: Em học vần lớp Một, Em học Việt ngữ lớp Hai, Tập đọc từ lớp Ba đến lớp Năm.
  • Đức dục và Công dân giao dục: Em tập tính tốt từ lớp Một đến lớp Năm
  • Khoa học thường thức: Em tìm hiểu khoa học từ lớp Một đến lớp Năm.
  • Toán: Em học Toán từ lớp Một đến lớp Bốn, Toán pháp lớp Năm.
  • Sử ký: Quốc sử từ lớp Hai đến lớp Năm.
  • Địa lý: Em học Địa lý lớp Hai và lớp Ba, Địa lý lớp Bốn và lớp Năm.
  • Vệ sinh: Giữ gìn sức khỏe lớp Một, Tập thói quen tốt lớp Hai, Sống vui, sống mạnh lớp Ba, Tăng cường sức khỏe lớp Bốn và Phòng ngừa bệnh tật lớp Năm.

Ngoài các sách chính nêu trên, còn có hàng chục sách khác dành cho các môn như Thủ công, Thể dục, Dưỡng nhi, Trò chơi.

Trong hầu hết những quyển sách giáo khoa do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành, ở những trang đầu lúc nào cũng có ghi lời dặn quen thuộc như sau:

“Các em học sinh thân mến,

Chắc các em thấy quyển sách này được in đẹp đẽ, tranh vẽ và bài soạn công phu, khiến các em vui thích ham học. Các em hãy giữ gìn nâng niu nó:

– Tay các em có sạch sẽ, các trang sách mới không bị các vết bẩn của mực, bụi bẩn hoặc mồ hôi.

– Nên lật mở các trang cho thong thả, đừng để sách bị giằng co làm rách nát hoặc cuốn góc. Nếu cần đánh dấu trang thì dùng một miếng giấy cứng nhỏ hoặc một cái tăm sạch, đừng gập nát trang giấy.

Dân mạng thi nhau chia sẻ một trang trong cuốn sách giáo khoa của thế hệ trước, nội dung mở đầu khiến ai nấy bất ngờ – Ảnh 1.
Lời nhắn nhủ của Giám đốc Nha tiểu học và Giáo dục cộng đồng.

– Sách này còn dùng cho các niên học sau, cho các em đến sau mượn, vậy các em đừng để ai vẽ gạch bậy bạ. Các em đừng ghi chú gì vào sách. Nếu cần lắm thì chỉ ghi rất nhẹ tay bằng bút chì để sau dễ tẩy đi (ví dụ như trong sách Toán).

– Trong nhà các em nên có chỗ để sách cho ngăn nắp, đừng vứt bừa bãi, cũng đừng ấn nhét bừa đầy cặp khi đi học mà phải để cho ngay ngắn, tươm tất, như thế sách mới lâu hỏng.

Giữa sách được sạch sẽ, nguyên lành, các em sẽ tự hào là học sinh ngoan, làm vui lòng thầy cô và nhất là tránh cho các em dùng sau khỏi bực mình vì sách bẩn hoặc hư, rách”.

Sách toán do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành

Về phía tư nhân, các nhà xuất bản “trăm hoa đua nở” đã xuất bản vài chục bộ sách giáo khoa ở tất cả các môn.

Sách giáo khoa nói chung và sách giáo khoa Tiểu học mói riêng là thị trường cạnh tranh sôi động. Ở miền Nam có 20% là học sinh các trường tư, do đó đây là mảnh đất cho các nhà xuất bản tư nhân nhắm đến để xuất bản, ngoài ra họ còn chú trọng đến các trường công lập. Cả nhà nước và tư nhân đều cạnh tranh nhau để có thể tạo ra những sản phẩm sách giáo khoa tốt nhất. Trong thời kỳ những năm 1970, riêng về sách giáo khoa tiểu học, ngoài sách do Trung tâm Học liệu – Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành, còn có các sách do các nhà xuất bản tư nhân như Sống Mới, Việt Hương, Nam Sơn, Yến Sơn, Thanh Đạm, Thái Dương, Cành Hồng…

Những cuốn Việt Sử do nhà xuất bản tư nhân ấn hành

Về nội dung các sách giáo khoa của nhà nước cũng như tư nhân đều được biên soạn theo chương trình do Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành. Tuy nhiên, về ngữ liệu các bài học cũng như nội dung, cách trình bày bên trong có thể khác nhau tùy theo ý tưởng, phương pháp biên soạn sách của tác giả hoặc nhóm tác giả. Đa số các soạn giả sách giáo khoa tiểu học đều tuân theo những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục và các đặc tính của chương trình Tiểu học được ghi ở đầu chương trình.

Vì có sự cạnh tranh nên nhiều khi nhà xuất bản tư nhân đã mời các nhà giáo, các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học… biên soạn những bộ sách giáo khoa có chất lượng về nội dung, phương pháp và đẹp về hình thức. Mặt khác, các nhà xuất bản và những người biên soạn tổ chức tiếp thị đến các nhà quản lý giáo dục địa phương, các trường học và giáo chức, chi tiền hoa hồng cho những nhà quản lý và giáo chức sử dụng sách. Cả hai yếu tố trên đã tạo ra một hạn chế không tránh khỏi là làm cho giá sách tư nhân có khi tăng lên cao hơn so với giá sách nhà nước.

Những đánh giá về chương trình tiểu học miền Nam 1955-1975, điểm mạnh và hạn chế:

Chương trình môn học được biên soạn chi tiết, cụ thể từng tiết học theo từng chủ đề, có yêu cầu về nội dung giảng dạy, phương pháp phải sử dụng đối với mỗi môn học, và nhất là mục tiêu cần đạt của mỗi môn học phải đáp ứng mục tiêu chung của giáo dục Tiểu học. Tùy theo mỗi chủ đề trong sách giáo khoa của từng môn học và giáo viên lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp để học sinh tiếp thu một cách tốt nhất, đảm bảo tôn trọng nhân cách trẻm phát triển tinh thần quốc gia dân tộc và nhất là rèn luyện tinh thần dân chủ và khoa học. Các chủ điểm trong chương trình được biên soạn theo hướng tích hợp đa môn, chẳng hạn trong môn Việt ngữ học về chủ điểm gia đình thì ở môn Học thuộc lòng, yêu cầu học sinh học một bài thơ về gia đình, môn Đạo đức dạy về tình cảm với ông bà, cha mẹ…

Chương trình hướng tới triết lý nhân bản, dân tộc, khai phóng, không chỉ ở môn xã hội mà cả những môn Khoa học thường thức, Vệ sinh, Thủ công… Về con đường hình thành các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt và các kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi học sinh Tiểu học như: trật tự, ngăn nắp, công việc gia đình, việc học tập, sinh hoạt ở nhà trường…

Tuy nhiên, theo nhiều nhà giáo dục đương thời thì nội dung Chương trình Tiểu học còn nặng nề về lý thuyết, thiếu thực tế, chưa sát với hoàn cảnh và nhu cầu địa phương, nhất là đối với các vùng dân tộc thiểu số, không thiết thực với hiện trạng nước nhà. Nội dung chương trình khá nặng nề, còn rờm rà phức tạp, vượt quá trình độ về trí năng và tâm lý trẻ, như dạy địa lý cho một em học sinh lớp 5 mà muốn các em phải “hiểu biết những khả năng mới về kinh tế, chính trị và văn hoa của nước nhà, của các nước lân cận và của các cường quốc năm châu, để rồi so sánh và suy nghĩ đặng tìm cách theo kịp người hoặc vượt hơn người.

(Biên soạn theo cuốn Giáo Dục Phổ Thông Miền nam 1954-1975 của tác giả Ngô Minh Oanh chủ biên)

Những cuốn sách giáo khoa tiểu học xưa:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here