Cho đến nay, trong ký ức những người đã từng sống ở miền Trung vào thập niên 1960 không thể nào quên bão lụt kinh hoàng của năm Giáp Thìn 1964.

Trận lũ lụt này gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh duyên hải miền Trung từ Huế đến Bình Định, trong đó địa phương thiệt hại lớn nhất là Quảng Nam, nơi có phố cổ Hội An. Thiệt hại về nhân mạng, nhà cửa và tài sản được thống kê là rất lớn không thể nào kể xiết. Theo thống kê, lũ đã cuốn trôi hơn 6000 người, nhà cửa hư hại 50%, hoa màu mất 80%, hơn 53.000 bị chìm trong biển lũ mênh mông.

Bắt đầu là những trận mưa liên tục từ ngày 4 đến ngày 10-11-1964, trong đó ngày 7-11-1964 là nhật thực toàn phần diễn ra. Mưa kéo dài không ngớt và nước lũ kéo về chảy xiết, đổ xuống từ núi ầm ầm như thác, tàn phá những nơi nó đi qua. Nước mạnh đến nỗi xé toạc từng cụm, từng mảng núi, cuốn theo những tảng đá to như cái nhà. Cây cổ thụ nhiều người ôm cũng bị bật gốc trôi theo dòng nước lũ. Lũ dữ làm vùng hạ lưu mở thêm hai cửa biển và làm đổi cả dòng chảy của sông.

Trước thảm cảnh lịch sử này, chính phủ của thủ tướng Trần Văn Hương dồn mọi nỗ lực để cứu trợ đồng bào bị nạn lụt miền Trung, ra lời kêu gọi quốc dân có tinh thần tương thân tương ái. Rất nhiều hội đoàn dân sự và chính phủ đã đứng ra kêu gọi quyên góp giúp đỡ miền Trung. Sau đây mời bạn xem đoạn phim tài liệu của VABC về nạn lụt này:


Click để xem

Trước nỗi đau chung của đồng bào miền Trung, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu đã lên tiếng kêu gọi toàn quốc hãy cứu trợ nạn nhân tại các vùng bị bão lụt như sau:

“Quốc dân đồng bào!

Ảnh hưởng tai hại của nạn bão lụt càng ngày càng gia tăng khốc liệt. Đây là một quốc nạn đã gây nên điêu linh cho hàng triệu đồng bào ta tại các tỉnh miền Trung. Cho đến ngày hôm nay, nạn nhân được biết mỗi lúc một nhiều. Tài sản, hoa màu của dân chúng bị tàn phá đến không sao kể xiết. Rồi đây bao nhiêu gia đình phải chịu tang tóc, sống không nơi nương tựa, mong chờ từng manh áo bát cơm. Bao nhiêu trẻ mồ côi đói lạnh ngóng trông từng mảnh chăn giọt sữa. Nhìn cảnh tượng ấy, động mối từ tâm, ai cũng phải đau buồn xót thương rơi lệ.

Trước thảm trạng này, tôi thiết tha kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức xã hội và từ thiện hãy tích cực tham gia công cuộc cứu trợ để tỏ mối thân tình đoàn kết, và cùng nhau ta chia sớt nỗi thống khổ của đồng bào trong cơn hoạn nạn”.

Bên dưới đây là hình ảnh Hội An chìm trong biển nước năm 1964:

Dưới đây là những hình ảnh cứu trợ của các sinh viên Dược Khoa Sài Gòn tổ chức:

Trước khi thiên tai xảy ra, đã có những cảnh báo như:

– Suốt từ mùa hè năm 1963 đến mùa hè năm 1964, cả tỉnh Quảng Nam không có một giọt mưa khiến người dân rơi vào cảnh khốn khổ, giếng khô cạn trơ đáy. Nước sông xuống thấp nhất chưa từng thấy. Cây cối hoa màu héo rũ. Ở Trung Phước (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) bàu sen chưa bao giờ bị cạn nước, nhưng mùa hè năm 1964, bàu cạn trơ đáy chỉ còn lại một vũng nước nhỏ, sen trong hồ chết khô vì thiếu nước. Nhiều người nói “sen tàn, làng mạt”. Hồ sen đó bây giờ vẫn còn nằm sát cạnh trụ sở UBND huyện Nông Sơn. Từ hạn hán năm 1963-1964 đến nay thì sen ở đó không mọc được nữa. Hồ sen cũng chưa bị cạn đáy thêm lần nào.

Ngoài hạn hán vùng này còn xuất hiện nhiều điềm báo mà các cụ cao niên đã bàn tán là sẽ có lụt lớn. Những hiện tượng lạ xảy ra như:

  • Loài ong vò vẽ có thói quen làm tổ ở những đám cỏ dại chưa quá bụng người. Nhưng vào năm đó thì chúng làm tổ cao quá đầu người mấy tấc.
  • Trên núi Cà Tang, mang, nai đi lạc xuống làng phải tính đến hàng chục, bị dân làng vây bắt.
  • Tháng 8 Âm lịch, măng vẫn còn mọc giữa bụi tre.

Nhà nào cũng chằng chống nhà cửa, đưa súc vật, của cải lên cao để tránh lụt. Vậy nhưng, chẳng ai ngờ trận lụt năm Thìn lại vượt quá xa sức tưởng tượng của con người.

Nhà thơ Tường Linh (tác giả của bài Năm Cụm Núi Quê Hương được nhạc sĩ Minh Kỳ phổ nhạc) đã sáng tác bài thơ mang tên Thảm Nạn Quê Hương để nói về trận thiên tai thảm khốc này:

Đông Kha (biên soạn)
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here