Có thể xem Sương Trắng Miền Quê Ngoại là 1 trong những ca khúc nổi tiếng và được yêu thích nhất của nhạc lính nói riêng và nhạc vàng nói chung. Tuy nhiên ca khúc này có một số phận đặc biệt, tác giả của bài hát này là Đinh Miên Vũ, và Đinh Miên Vũ thực ra là ai, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Trước năm 1975, nhạc sĩ Đinh Miên Vũ chỉ có một ca khúc duy nhất được phổ biến rộng rãi, đó chính là Sương Trắng Miền Quê Ngoại, và bài hát này trở thành một trong những bài tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng.

Sương Trắng Miền Quê Ngoại không chỉ được thế hệ khán giả lớn tuổi yêu thích với bản thu âm của Duy Khánh trước 1975, mà khán giả thế hệ sau cũng rất yêu thích bài này với tiếng hát Quang Lê vào khoảng đầu thập niên 2000.

Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm
Sương trắng rơi vai tôi ướt lạnh mềm
Chim muông buồn rủ nhau bay về đâu
Ngẩn ngơ lũ vượn gọi nhau…


Click để nghe Duy Khánh hát năm 1970

Trong cuốn Kỷ Niệm Sân Khấu, MC Nguyễn Ngọc Ngạn có nói chi tiết về những thông tin khá ly kỳ liên quan đến tác giả Đinh Miên Vũ như sau:

Bạn đọc hẳn còn nhớ, Quang Lê đến với sân khấu Paris By Night bằng bài Sương Trắng Miền Quê Ngoại của Đinh Miên Vũ và đã nhanh chóng thành công, nhờ chất giọng rất tốt của Quang Lê và dĩ nhiên cũng nhờ bản nhạc vốn rất hay, chất chứa nhiều kỷ niệm thời chinh chiến.


Click để nghe Quang Lê hát, bản thu 2003

Thông thường, khi đưa một bản nhạc lên Paris By Night, Thúy Nga liên lạc trước với tác giả để xin phép và để trả tiền tác quyền. Nhưng cũng có nhiều trường hợp không biết tác giả ở đâu thì Thúy Nga cứ cho hát trước rồi sau đó, tác giả sẽ tự ý liên lạc với trung tâm.

Bài Sương Trắng Miền Quê Ngoại sau khi phổ biến trên Paris By Night và đưa tên tuổi của Quang Lê lên, thì không thấy tác giả Đinh Miên Vũ điện thoại hoặc viết thư cho Thúy Nga, nên tôi đoán là chắc ông còn ở Việt Nam hoặc có thể ông không coi Paris By Night hoặc cũng có thể ông không còn trên đời này nữa.

Bỗng một ngày cuối tuần, Quang Lê đi hát ở San José thì có người đàn ông khoảng 60 tuổi, cầm hai bản nhạc viết tay, đến gặp và thân mật hỏi bằng giọng Huế, đồng hương của Quang Lê:

– Con hát bài Sương Trăng Miền Quê Ngoại, nhưng con có biết tác giả bài ấy sống chết ra sao không?

Quang Lê trả lời là “Không biết”. Người đó liền bảo Quang Lê:

– Chú là Đinh Miên Vũ, tác giả Sương Trắng Miền Quê Ngoại đây!

Quang Lê lễ phép thưa với ông là sẽ nhắc Trung Tâm Thúy Nga trả tiền tác quyền cho ông, nhưng ông gạt đi vì đối với ông, chuyện đó không quan trọng.

Dĩ nhiên, Quang Lê rất vui mừng và cảm động, vì luôn biết ơn người nhạc sĩ đã giúp mình tạo được tên tuổi buổi ban đầu.

Từ đó, liên lạc chú cháu giữa hai người khá gắn bó. Ông Đinh Miên Vũ liền sáng tác một bài mới tựa đề là Hai Quê mà ông gọi là Sương Trắng Miền Quê Ngoại 2 và nhờ Quang Lê tiếp tục hát trên Paris By Night. Để trả ơn ông, Quang Lê đã làm điều này theo ý ông, giới thiệu bài Hai Quê trong cuốn Paris By Night thu hình tại Hàn Quốc. Cá nhân tôi cũng ủng họ bài này và mấy lần đề nghị cô Thủy cho Quang Lê hát. Bạn đọc hẳn còn nhớ, tôi đã phỏng vấn Quang Lê và long trọng nói về bài Hai Quê của Đinh Miên Vũ, với hy vọng khán giả sẽ đón nhận nó như đã đón nhận bài đầu tiên của Đinh Miên Vũ trước đây khi Duy Khánh hát ở Việt Nam và Quang Lê hát ở hải ngoại. Ngoài bài Hai Quê, Quang Lê còn hát thêm một bài nữa của ông là Xin Em Đừng Khóc Vu Quy trong CD.

Đầu năm 2008, tôi bỗng nhận được lá thư của một người ký tên là Võ Hữu Bình, từ Miami, Florida, gửi đến địa chỉ trung tâm Thuý Nga và nhờ chuyển cho tôi. Thư ông Bình viết từ ngày 16 tháng 10 năm 2007, nhưng mãi đến ngày 4 tháng 1 năm 2008 ông mới đem ra bưu điện vì ông nói ông muốn nhờ tôi một chuyện mà cứ đắn đo mãi, ngại làm phiền tôi. Ông định trực tiếp gặp tôi lúc tôi qua Miami trình diễn live show, nhưng không gặp được nên mới viết thư. Việc ông nhờ tôi, ông viết nguyên văn như sau:

“Thưa anh Ngạn. Tôi tên Võ Hữu Bình, hiện đang sống ở Miami, Florida. Tôi có hai người bạn thân là Đinh Trụ và Miên Thành, trước đây chúng tôi đi lính tại Đông Hà, Quảng Trị. Chúng tôi đã sống với nhau tại phi trường Đông Hà năm 1969 trước khi đi đánh trận hạ Lào Lam Sơn 719. Ba đứa chúng tôi sáng tác bài Sương Trắng Miền Quê Ngoại, ký tên Đinh Miên Vũ, tức là Đinh Trụ, Miên Thành, Vũ Hữu Bình. Chúng tôi đã mất liên lạc với nhau từ lúc lên đường hành quân. Vậy tôi nhờ anh nhắn tin giùm trên Paris By Night và ai biết tin (hai người bạn kia) thì liên lạc với Võ Hữu Bình, điện thoại cell (305) 905…..

Tái bút: À, quên, tôi xin nói rõ: Bản nhạc chúng tôi gửi anh Duy Khánh phổ biến và khi anh Duy Khánh nhận được thì có gửi cho chúng tôi báo Đôi Mươi từ cuốn số 10 đến số 15. Chúc anh Ngạn mạnh khỏe, sống lâu để giúp khán giả ngưỡng mộ anh mãi mãi.

Ký tên: Võ Hữu Bình.”

Sau khi ký tên rồi, ông Bình lại viết thêm vài chi tiết nữa ngay trên cùng một trang giấy:

“Chào anh Ngạn, chúng tôi ở tiểu đoàn 5, trung đoàn 2 Bến Hải.

Trụ và Thành đã đóng thùng để gửi bản nhạc đi cho anh Duy Khánh. Bản nhạc lúc đầu tên là Thương Về Quê Ngoại. Nhưng sáng hôm đó, Bình ngủ dậy, nhìn về làng Điêu Ngao thấy sương phủ trắng làng Điêu Ngao. Bình kêu Thành và Trụ dậy, và đề nghị đổi tên bài hát là Sương Trắng Miền Quê Ngoại. Bình muốn nhắc lại chi tiết này để cho Trụ và Thành nhớ.”

Như vậy thì tác giả Sương Trắng Miền Quê Ngoại không phải là một người mà tác phẩm chung của 3 người bạn đồng hành trên đường ra chiến trường.

Đọc lá thư viết nguệch ngoạc vội vã, tôi cảm động điện thoại ngay cho ông Võ Hữu Bình ở Miami. Thư ông đã nhắc tôi nhiều kỷ niệm của gần 40 năm trước, bởi vậy lúc ấy tôi cũng vừa từ giã trường học vào quân đội và ở lại quân đội gần 5 năm mới được biệt phái về lại Bộ Văn Hóa Giáo Dục để tiếp tục nghề cũ là làm thầy giáo.

Thời còn sinh viên và rồi đi dạy học ở Sài Gòn, tôi chỉ quen nghe loại nhạc thính phòng. Khi vào quân đội, về vùng nông thôn, va chạm với cuộc đời thực tế trong thời chiến, những bài ca viết về đời lính của Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Châu Kỳ, Song Ngọc, Trúc Phương, Lê Minh Bằng, Tú Nhi, Trịnh Lâm Ngân mới thực sự đi vào trái tim tôi.

Tôi đoán chắc ông Đinh Miên Vũ ở San José mà Quang Lê đã gặp, phải là một trong hai người bạn mà ông Bình đang mong mỏi gặp lại, nên tôi vui mừng xin số phone của ông và báo cho ông Bình biết ngay. Bạn bè chia tay nhau trên chiến trường từ lúc tuổi mới ngoài 20, giờ này ai cũng xấp xỉ 60, có dịp tái ngộ hẳn phải là một niềm vui rất lớn là khi có chung kỷ niệm là cùng viết một bài hát. Nói chuyện với ông Bình, tôi hiểu thêm về ước muốn của ông. Ông cứ nhắc đi nhắc lại cái ý chính là, ông không quan tâm đến tên tuổi hay tiền tác quyền. Ông chỉ tha thiết mong gặp lại hai người bạn cũ xem họ sống chất ra sao mà thôi. Ông kể: Ông không giỏi nhạc, ông Đinh Trụ mới là người giỏi và đi đâu cũng mang theo cây guitar. Chính ông Đinh Trụ đã viết nhạc, ông Miên Thành chỉ góp ý và đặt lời mà thôi.

Tôi cho ông số phone của nhạc sĩ Đinh Miên Vũ tại Bắc Cali và chúc mừng ông gặp lại bạn cũ.

Nhưng khi nói chuyện với ông Đinh Miên Vũ, ông Bình mới khám phá ra ông này không hề là một trong hai người bạn cùng với ông tại Đông Hà. Nghĩa là không phải là một trong 3 tác giả của bài Sương Trắng Miền Quê Ngoại. Có nghĩa là, hoặc ông Đinh Miên Vũ ở Bắc Cali là tác giả thật, hoặc nhóm 3 người của ông Võ Hữu Bình, chứ không thể là cả hai! Ông Đinh Miên Vũ giải thích: Tên thật ông là Đinh Miên. Ông có người em là Đinh Vũ. Cho nên khi viết nhạc, ông lấy tên ông ghép thêm tên người em vào thành Đinh Miên Vũ.

Sau khi hai bên trò chuyện với nhau, tôi lại cẩn thận liên lạc với cả hai phía để xem phía nào là tác giả đích thực của Sương Trắng Miền Quê Ngoại. Phía ông Võ Hữu Bình thì không có gì thay đổi, minh xác tác giả Sương Trắng Miền Quê Ngoại gồm 3 người lính, lấy tên họ của 3 người ghép lại thành bút hiệu. Còn phía ông Đinh Miên ở Bắc Cali thì cũng minh xác ông là tác giả duy nhất của bài hát này!

Muốn cho chắc ăn, tôi hỏi ông Võ Hữu Bình:

– Anh đã nói chuyện với ông Đinh Miên Vũ ở Oakland. Ông ấy đã xác nhận ông ấy là tác giả bài Sương Trắng Miền Quê Ngoại chứ không phải nhóm 3 người các anh. Như vậy, bây giờ anh có còn muốn tôi nhắn tin trên Paris By Night tìm 2 người bạn của anh nữa không?

Ý tôi muốn nói với ông Bình rằng, nếu ông lỡ mạo nhận ông là 2 người bạn ông là tác giả Sương Trắng Miền Quê Ngoại, thì giờ đây, sau khi gặp tác giả thật rồi, chắc ông sẽ phải đổi ý mà rút lui. Nhưng ông Bình vẫn tha thiết muốn nhờ tôi nói trên Paris By Night câu chuyện của ông. Ông bảo: một bài hát mà tôi chỉ góp phần đặt lời, không làm nên tên tuổi của tôi. Tôi chỉ nhờ anh thông tin để may ra tìm lại hai người bạn cũ mà thôi!

Riêng ông Đinh Miên Vũ ở Bắc Cali thì lại gửi cho tôi một lá thư, xin tôi một bản cọp lá thư của ông Võ Hữu Bình, lá thư mà tôi đã đăng nguyên văn ở bên trên. Nhưng dĩ nhiên, tôi không thể gửi thư của ông Bình cho ông được.

Tôi chưa đem câu chuyện này lên Paris By Night, nhưng thật lòng tôi rất hoang mang. Đối với cả hai ông, Đinh Miên Vũ ở Bắc Cali cũng như Võ Hữu Bình ở Florida, tôi đều chưa có cơ hội quen biết, nghĩa là không có chút thành kiến nào trong đầu để thiên vị. Tôi chỉ nghĩ một cách đơn giản rằng: Ông Bình dù có óc tưởng tượng phong phú đến đâu thì cũng khó có thể phịa ra câu chuyện ba người bạn nằm ở phi trường Đồng Hới chờ lên đường hành quân, viết chung nhau một bản nhạc. Ông Bình lại không thể chế ra câu chuyện sương phủ trắng làng Điêu Ngao và nhất là các chi tiết ca sĩ Duy Khánh gửi tặng 3 người tờ tạp chí Đôi Mươi từ số 10 đến số 15. Đọc thư ông, tôi vẫn tin rằng những điều ông viết là sự thật, chứ không phải thêu dệt. Bởi vì nếu muốn mạo nhận là tác giả, thì ông Bình sẽ một mình mạo nhận, chứ không ai ngớ ngẩn kéo thêm hai người nữa vào chung với mình để được cái gì khi tiền bạc không có! Hơn thế nữa, không ai làm điều khuất tất mà lại nhờ tôi đưa số phone cầm tay lên Paris By Night để hàng chục triệu người trong và ngoài nước cùng biết mà kiểm chứng!

Về phía ông Đinh Miên Vũ ở Oakland, cũng chẳng có bằng chứng gì để kết luận chắc chắn rằng ông không phải là tác giả Sương Trắng Miền Quê Ngoại. Và ngược lại, cũng không đủ yếu tố để chứng minh ông đích thực là tác giả bản nhạc đó! Thưở trước, các tác giả in nhạc ở Sài Gòn, thường có đăng hình mình ở bìa sau, nhất là bản nhạc đầu tiên. Ông Đinh Miên Vũ không có bản nhạc original, hoặc có mà không có hình ông trên bản nhạc đó, thì rất khó thuyết phục mọi người tin ông. Trừ trường hợp ông còn giữ được biên nhận cũ khi nhà xuất bản trả tác quyền cho ông lúc in bản nhạc này ở Sài Gòn. Nhân chứng duy nhất của vụ này là anh Duy Khánh thì đã qua đời rồi, mọi chuyện kể như đành khép lại mà thôi!

Dù sao đi nữa, ông Đinh Miên Vũ Bắc Cali cũng đã được chút lợi cụ thể là Quang lê hát thêm bài hát Hai Quê của ông trên Paris By Night. Giả như ông không phải là tác giả Sương Trắng Miền Quê Ngoại như ông nói, thì chưa chắc Thúy Nga và Quang Lê đã chú ý đến bản nhạc thứ hai của ông để đưa lên Paris By Night!

Một chi tiết nhỏ nữa cũng làm tôi phân vân là: Thông thường, khi một nhạc sĩ sáng tác bản nhạc đầu tay mà thành công, thì thể nào cũng hứng khởi viết tiếp. Tôi nhớ lúc đi lính ở vùng 4 những năm đầu thập niên 70, buổi tối khi đóng quân, tình cờ nghe được bài Sương Trắng Miền Quê Ngoại do Duy Khánh hát, cả đơn vị đều nao nao xúc cảm, cúi đầu thưởng thức mà gửi niềm thương về quê mẹ. Phải nói bản nhạc rất thành công mà tác giả lại im luôn không viết tiếp nữa thì kể cũng là trường hợp bất thường! Huống chi ra hải ngoại, ông ở ngay Bắc Cali mà không hề liên lạc với Trung tâm Thúy Nga như nhiều nhạc sĩ khác dù chỉ có một hai tác phẩm.

Về phía ông Võ Hữu Bình thì điều này rất dễ hiểu. Ông cho biết, khi sắp lên đường hành quân qua Lào, ông được giao nhiệm vụ ở Ban Truyền Tin theo Bộ Chỉ Huy. Còn 2 ông bạn kia thì ra đơn vị chiến đấu, rồi từ ngày ấy không còn gặp lại nhau lần nào nữa để viết chung bản nhạc thứ hai. Có thể hai người bạn kia đã mất. Nhưng ông vẫn hy vọng họ còn sống và vì vậy ông muốn nhờ diễn đàn Paris By Night để tìm lại.

Câu chuyện Sương Trắng Miền Quê Ngoại xin dừng lại ở đây. Tôi không dám đưa ra kết luận nào dứt khoát. Cái ý chính của tôi lúc nào cũng chỉ là sự công bằng và tôn trọng sự thật, theo nguyên tắc “của Caesar trả về cho Caesar!” Hãy thử tưởng tượng hai người bạn của ông Võ Hữu Bình là Đinh Trụ và Miên Thành, tuổi mới ngoài 20, chung nhau làm được một bản nhạc kỷ niệm rồi chẳng may mất trên chiến trường. Vậy mà chúng ta lại phủ nhận công sức của họ thì quả thật là quá tội nghiệp cho người đã nằm xuống!

Nhưng nếu bản nhạc này quả thực là của ông Đinh Miên Vũ ở Bắc Cali mà có người khác nhảy ra nhận làm của mình thì cũng là điều bất công, thiếu đạo đức mà chúng tôi phải phản đối! Nó cũng giống như lúc này (2008), tờ Sài Gòn nhỏ đang ồn ào đặt nghi vấn ông Nguyễn Chí Thiện có phải là tác giả tập thơ không để mà chúng ta hết lòng trân trọng gần 30 năm qua hay không? Nêu ra câu hỏi ấy thật sự chỉ là vấn đề nguyên tắc, vấn đề tôn trọng sự thật mà thôi. Bởi nếu không minh bạch thì chúng ta sẽ ca ngợi lầm người khác, mà quên đi cái người thực sự đáng ca ngợi!

Sau khi nghe câu chuyện khúc mắc này, Quang Lê ưu tư lắm, bởi giao tình giữa Quang Lê và ông Đinh Miên ở Oakland khá thân thiết. Quang Lê bảo tôi:

– Chú ơi! Thôi mình chỉ cần biết Sương Trắng Miền Quê Ngoại là của Đinh Miên Vũ. Còn Đinh Miên Vũ là ai thì chẳng cần phải bận tâm! Phải không chú?

Nói như Quang Lê tức là mình chấp nhận bỏ lửng câu chuyện nghĩa là tôi đang kể một câu chuyện mà không có đoạn kết! Đành vậy! Vì chính tôi cũng chẳng biết kết luận thế nào bởi tôi không có giờ tham khảo với các nhạc sĩ khác! Tôi nghĩ: Ông Đinh Miên Vũ khi tung ra một bản nhạc nổi đình nổi đám như vậy ở Sài Gòn thì làm gì mà không có bạn bè trong giới ca nhạc hiện nay đang sống ở Hoa Kỳ!

Như tôi đã thưa ở trên, một bài hát chẳng có gì quan trọng xét về mặt tài chánh trên thị trường Việt Nam. Nhưng đây là vấn đề nguyên tắc mà chúng ta nên tôn trọng, tránh những tì vết quanh co để lại cho thế hệ mai sau mà thôi!

Nguyễn Ngọc Ngạn – Kỷ Niệm Sân Khấu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here