Nhắc đến nhạc của Anh Việt Thu, bất kỳ người yêu nhạc vàng nào cũng có thể kể ra tên những ca khúc phổ thông nổi tiếng và được yêu thích nhất của ông: Người Ngoài Phố, Hai Vì Sao Lạc, Nhớ Nhau Hoài… Đặc biệt là Tám Điệp Khúc và Đa Tạ, 2 bài hát được viết với giai điệu ngũ cung.
Về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Tám Điệp Khúc, nhiều người nhầm tưởng rằng bài hát được sáng tác vào năm 1974, dựa theo câu hát nổi tiếng có trong bài là:
“Mẹ Việt Nam ơi, hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về”
Với lập luận 20 năm trong câu hát này là mốc thời gian 1954-1974. Tuy nhiên nếu nhìn lại 1 phiên bản nhạc tờ đã được phát hành trong hình bên dưới, ghi ngày cấp phép là 05 tháng 12 năm 1965, vậy chắc chắn là Tám Điệp Khúc phải được sáng tác vào năm 1965 hoặc trước đó.
Có một tư liệu cho biết nhạc sĩ Anh Việt Thu đến Tây Ninh năm 1964 để dạy nhạc tại trường trung học và đã sáng tác Tám Điệp Khúc trong thời gian này. Ngoài ra thì cái mốc 20 năm chinh chiến cũng được nhắc đến nhiều lần trong nhạc vàng: Hơn 20 năm lửa binh tàn phá vùng ngoại ô lắm khổ đau (Ngoại Ô Buồn – Anh Bằng 1968), hoặc: Hơn 20 năm chinh chiến điêu tàn, đau xót vô vàn… (Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê – Duy Khánh 1966) để nhắc đến khoảng thời gian 20 năm kể từ năm 1945-1965.
Vì vậy rất có thể Tám Điệp Khúc được sáng tác vào năm 1965 và “20 năm ngăn lối rẽ đường về” của nhạc sĩ Anh Việt Thu chính là mốc thời gian 1945-1965 như những bài hát khác.
Về tựa đề bài hát tên là Tám Điệp Khúc có nghĩa là gì? Nếu nhìn lại bản nhạc tờ, chúng ta có thể thấy bài hát có 8 đoạn, nhạc sĩ còn chu đáo đánh số từ 1 đến 8 rất chi tiết như sau:
1. Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu.
Bàn tay năm ngón mưa sa.
Dìu anh trong tiếng thở.
Đưa tiễn anh đi vào đời.
Mẹ Việt Nam ơi, Hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về.
2. Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu.
Bàn tay đón gió muôn phương.
Bàn tay đan gối mộng
Đưa tiễn anh đi vào đời
Mẹ Việt Nam ơi, Hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về.
3. Tiếng hát hát trên môi.
Giấc ngủ ngủ trong nôi.
Một đàn, đàn chim nhỏ bay khắp trời Việt Nam mến yêu.
Ôi tiếng chim muông gọi đàn.
Mẹ Việt Nam ơi, con xin dâng xin hiến trọn cả đời.
4. Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu.
Nằm nghe tiếng hát đu đưa.
Dìu anh trong giấc ngủ.
Ôi tiếng ru ru ngọt ngào.
Mẹ Việt Nam ơi! Ai chia ly tan tác cả ngàn đời.
5. Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu.
Từng đêm ấp ủ trong tim.
Từng đêm khe khẽ gọi.
Anh nhớ thương em từng giờ.
Mẹ Việt Nam ơi! Ai chia ly tan tác cả ngàn đời.
6. Tiếng hát hát trên môi.
Giấc ngủ ngủ trong nôi.
Một đàn, đàn chim nhỏ bay khắp trời Việt Nam mến yêu.
Ôi tiếng chim muông gọi đàn.
Mẹ Việt Nam ơi, con xin dâng xin hiến trọn cả đời.
7. Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu.
Trùng dương sóng nước bao la.
Trùng dương vang tiếng gọi.
Ôi sóng thiêng em về Trời.
Mẹ Việt Nam ơi, con xin ghi xin khắc nguyện lời thề.
8. Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu.
Rừng thiêng lá đổ âm u.
Rừng thiêng vang tiếng gọi.
Ôi núi thiêng em về nguồn.
Mẹ Việt Nam ơi, con xin ghi xin khắc nguyện lời thề.
Như vậy Tám Điệp Khúc nghĩa là 8 đoạn nhạc trong ca khúc này được lặp lại về phần giai điệu, trong đó đoạn thứ 3 và đoạn thứ 6 được lặp lại giống nhau cả về phần lời như là một điệp khúc thông thường ở các bài hát khác.
Cũng trên tờ nhạc, tác giả ghi đề tựa cho bài hát là: “bài hát của chàng dành ru khi nàng buồn ngủ”. Ghi là “Chàng ru nàng”, nhưng xem lại lời hát thì có thể dễ dàng nhận thấy nửa đầu của bài là các hình ảnh của “nàng ru chàng” với những câu hát nhẹ nhàng, dìu dặt như ru hồn người:
Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu.
Bàn tay năm ngón mưa sa.
Dìu anh trong tiếng thở.
Đưa tiễn anh đi vào đời.
Mẹ Việt Nam ơi, Hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về.
Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu.
Bàn tay đón gió muôn phương.
Bàn tay đan gối mộng
Đưa tiễn anh đi vào đời
Mẹ Việt Nam ơi, Hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về.
Xuyên suốt trong bài là câu hát được lặp đi lặp lại hình ảnh mưa bay giăng giăng, gợi buồn man mác, từng cụm mây tím trong buổi chiều chập choạng đang dệt thành nỗi sầu đan kín tâm tư.
Đây bàn tay năm ngón nhỏ xin nhẹ nhàng dìu anh đi như tiếng thở, mong manh như là sương khói. Bàn tay người thiếu nữ này cũng sẽ đón gió muôn phương, đón những mưa sa và gánh nhiều nỗi nhọc nhằn, mong được san sẻ những gian lao với người trai đang bước chân đi vào đời. Bởi vì mẹ Việt Nam đang lầm than, bởi đã 20 năm rồi đường đi nẻo về vẫn còn chia cách.
Tiếng hát hát trên môi.
Giấc ngủ ngủ trong nôi.
Một đàn, đàn chim nhỏ bay khắp trời Việt Nam mến yêu.
Ôi tiếng chim muông gọi đàn.
Mẹ Việt Nam ơi, con xin dâng xin hiến trọn cả đời.
Có giấc ngủ nào bình yên hơn giấc ngủ ở trong nôi, cô gái đã hát những lời ca này để đưa chàng về lại những vùng ký ức êm đẹp nhất của đời người. Ở đó sẽ có đàn chim trắng bay khắp chốn, rồi cất tiếng gọi nhau giữa đất trời thanh bình. Nhưng ru người cũng là ru chính mình mà thôi, vì nàng biết rằng chàng trai đã ra đi hiến dâng trọn cuộc đời vì giấc mơ thanh bình đó.
Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu.
Nằm nghe tiếng hát đu đưa.
Dìu anh trong giấc ngủ.
Ôi tiếng ru ru ngọt ngào.
Mẹ Việt Nam ơi! Ai chia ly tan tác cả ngàn đời.
Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu.
Từng đêm ấp ủ trong tim.
Từng đêm khe khẽ gọi.
Anh nhớ thương em từng giờ.
Mẹ Việt Nam ơi! Ai chia ly tan tác cả ngàn đời.
Trong từng đêm xa cách và vàng võ mong chờ, nàng vẫn luôn nhìn thấy hình bóng người yêu “dìu trong giấc ngủ”. Thời của loạn ly, của chia xa và tan tác, đôi người vẫn khẽ gọi tên nhau, ấp ủ niềm mong nhớ ở trong tim, nhưng làm sao để có thể nguôi ngoai được những nhớ thương nhau từng giờ, từng phút.
Mẹ Việt Nam ơi, ai đã gây nên niềm chia ly tan tác cả ngàn đời? Cuối cùng, đôi tình nhân kia có phải là đã cách biệt nhau ngàn đời thực sự, ở cuối bài hát đã nói lên điều đó:
Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu.
Trùng dương sóng nước bao la.
Trùng dương vang tiếng gọi.
Ôi sóng thiêng em về Trời.
Mẹ Việt Nam ơi, con xin ghi xin khắc nguyện lời thề.
Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu.
Rừng thiêng lá đổ âm u.
Rừng thiêng vang tiếng gọi.
Ôi núi thiêng em về nguồn.
Mẹ Việt Nam ơi, con xin ghi xin khắc nguyện lời thề.
Trùng dương sóng nước bao la dâng lên những đợt sóng thiêng dữ dội để giang tay đón em về trời? Vì sao cô gái chết? Ca khúc này không nói rõ điều đó, nhưng ở cái thời loạn ly này thì sinh ly tử biệt có thể diễn ra như một giây phút tình cờ, không định trước. Chợt nhớ nhà văn Nguyễn Mạnh Côn có lần nói rằng ông rất thích bài hát Tám Điệp Khúc này, mặc dầu nghe cả bài trong một lúc thì khó nắm bắt tác giả nói gì, nhưng nghe từng đoạn tách rời, âm điệu day dứt của nó làm cho rất buồn…
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacvangbolero.com
Phần điệp khúc tác giả có mượn giai điệu ru con dân ca Nam bộ cho bài hát càng da diết
Bài phân tích hay quá, giúp người nghe hiểu thêm về tuyệt tác âm nhạc này. Rất cảm ơn