Từ thập niên 1950, trong những ca khúc âm hưởng dòng nhạc tiền chiến bắt đầu xuất hiện 2 chữ “cố nhân”, thí dụ như trong bài Hoài Cảm, nhạc sĩ Cung Tiến viết:

Buổi chiều chợt nhớ cố nhân.
Sương buồn lắng qua hoàng hôn

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng viết:

Có những đêm về sáng đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi (Lá Đổ Muôn Chiều)

Thật ra từ thời tiền chiến, có lẽ thi sĩ Nguyễn Bính là người đầu tiên đã sử dụng chữ Hán Việt này vào trong thi ca Việt Nam trong bài thơ Hương Cố Nhân năm 1941. Sau đó không lâu, nhạc sĩ Dzoãn Mẫn cũng có soạn 1 ca khúc cùng tên là Hương Cố Nhân.

Hai chữ cố nhân thật gợi buồn, thoáng nét cổ phong, nên sang đến thập niên 1960 đã được các nhạc sĩ nhạc vàng sử dụng phổ biến. Nhạc sĩ Lam Phương đã gọi: Hỡi cố nhân ơi chuyện thần tiên xa vời (Có Úa), nhạc sĩ Thanh Sơn thì buông lời thắc mắc: Cố nhân biền biệt có nhớ nhau không (Ba Tháng Tạ Từ), nhạc sĩ Duy Khánh cũng gọi bút nghiên thành cố nhân: Và bút nghiên là cố nhân thôi… (Mùa Chia Tay)… và nhiều bài hát khác nữa, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến là 2 ca khúc Xin Gọi Nhau Là Cố NhânGặp Lại Cố Nhân, cùng được nhạc sĩ Song Ngọc sáng tác với bút danh Hàn Sinh.

Tôi trở về đây với con đường xưa
Đâu bóng người thương cố nhân về đâu?


Click để nghe Thanh Thúy hát Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân

Cố nhân là tên gọi một cách văn chương của “người xưa”. Có thể hiểu là người yêu cũ, đã từng cùng nhau trải qua một thời yêu dấu nhưng rồi xa cách.

Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên
Giăng mắt trời mưa phố xưa buồn tênh
Gót mòn tìm dư hương ngày xưa
Bao nhiêu kỷ niệm êm ái
Một tình yêu thoát trên tầm tay

Tôi trở về đây với con đường xưa
Đâu bóng người thương cố nhân về đâu?
Tiếng buồn chợt đâu đây vọng đưa
Công viên lạnh lùng hoang vắng
Ngọn đèn đêm đứng im cúi đầu…

Bài hát là lời tâm tình của một người lữ khách trở về chốn cũ đường xưa, trong một đêm mưa giăng buồn hiu hắt. Đó là nỗi buồn khi nhớ lại dư hương ngày cũ và tưởng tiếc một cuộc tình đã vụt mất trong tầm tay.

Đứng giữa công viên hẹn hò thân quen ngày xưa, người trở về từ viễn xứ kia như vẫn còn nhìn thấy thấp thoáng đôi bóng tình nhân năm cũ. Nhưng rồi khi choàng tỉnh cơn mê, nhìn xung quanh chỉ còn lại sự lắng lạnh và cô đơn đến rợn người. Ngọn đèn đêm cũng đứng cúi đầu lặng im như nuối tiếc.

Thu đến thu đi cho lá vàng lại bay
Em theo bước về nhà ai
Ân tình xưa đã lỡ
Thời gian nào bôi xóa
Kỷ niệm đầu ai đành lòng quên.

Phố buồn mình tôi bước chân lẻ loi
ray rứt trời mưa bỗng nghe mặn môi
Nỗi niềm chuyện tâm tư người ơi
Xin ghi nhạc lòng thương nhớ
Mình gọi nhau cố nhân u sầu.

Thời gian qua đi, và người xưa cũng cất bước theo chồng trong một mùa thu rũ lá, buồn tê tái như là cõi lòng của người đứng ngẩng trông vời nhìn theo. Dù thời gian có qua bao lâu, có bôi xóa đi bao nhiêu chuyện cũ, thì kỷ niệm đầu với mối tình thơ ngây ngày nào cũng không đành lòng quên được.

Đêm nay, có một bóng người đi trong mưa và nhớ lại những kỷ niệm xưa nồng ấm. Nước mắt rơi tự khi nào, hòa vào mưa lạnh bỗng nghe mặn môi. Những chuyện cũ đẹp ngời xin ghi vào nhạc lòng một lần sau cuối, rồi chỉ xin được gọi nhau là cố nhân thôi.

Ca khúc này thuộc dòng nhạc phổ thông, có nội dung rất phù hợp với tâm trạng của những chuyện tình tan vỡ, với những chàng trai thất tình phải đành lòng nhìn người yêu cất bước ra đi về bến khác. Những chuyện như vậy hình như thời nào cũng có, và có rất nhiều, nên có thể Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân sẽ không bao giờ bị lỗi thời mà luôn được nhiều thế hệ khán giả tìm nghe.

Trước năm 1975, bài này có 2 bản thu của Thanh Thúy và Hương Lan, mời các bạn nghe lại:


Click để nghe Hương Lan hát

Gần đây, trung tâm Thúy Nga đã có sự kết hợp độc đáo với 3 giọng ca có 3 màu sắc khác nhau để hát bài này, mời các bạn nghe sau đây:


Click để nghe tam ca Bằng Kiều – Đan Nguyên – Quang Lê

Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

—-

Toàn bộ bài viết được đăng trên nhacvangbolero.com hoàn toàn thuộc bản quyền của nhacvangbolero.com, đề nghị ghi rõ nguồn khi copy để tránh những sự cố về khiếu nại bản quyền. Xin cám ơn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here