Nhạc phẩm Qua cơn mê được 2 nhạc sĩ Nhật Ngân và Trần Trịnh viết năm 1971 khi hòa đàm Paris đang xảy ra. Cũng như bao sáng tác của các nhạc sĩ ngày đó viết về ước mơ ngày hòa bình đang đến gần.

Nhạc sĩ Nhật Ngân chia sẻ về cảm tác như sau:

 “Tôi cũng như mọi người ở Việt Nam, tôi nghĩ là khi mà hòa bình đến thì mình coi như qua một cơn mê, mình trở về đi học lại, mình làm mọi thứ của tuổi trẻ mình không làm được vì phải nhập ngũ”.

Ca khúc là mơ ước cũng là khát vọng chung của mọi người về một ngày mai đất nước yên bình tươi đẹp không còn chiến tranh, nên đã được sự đồng cảm, đón nhận nồng nhiệt của hầu hết thính giả khi ca khúc vừa mới phát hành:

Một mai qua cơn mê, xa cuộc đời bềnh bồng, tôi lại về bên em
Ngày gió mưa không còn nên đường dài thật dài
Ta mặc tình rong chơi

Cùng nhau ta sẽ đi, sẽ thăm bao nơi xưa, xui một thuở lênh đênh
Ta sẽ thăm từng người, sẽ đi thăm từng đường, sẽ vô thăm từng nhà 

Khát vọng hòa bình từ muôn triệu trái tim được cất lên tiếng hát cho ước mơ một mai qua cơn mê. “Cơn mê” là ngày tháng đau thương hiện tại, những chinh chiến điêu tàn đổ nát kia chỉ là cơn mê, là chuỗi ngày tăm tối trong niềm khao khát vô bờ hướng đến một ngày mai đất nước thanh bình trở lại, tôi sẽ lại về bên em khi xa rời đời bềnh bồng, sương gió nay đây mai đó. Về bên em để rong chơi trên đường dài quê hương thống nhất một dải non sông, cùng nhau mình sẽ thăm lại bao nơi xưa tôi đã từng biết đến trong những ngày lênh đênh xa cách quê nhà. Về bên em để cùng nhau đi thăm khắp nơi quê hương mình xinh đẹp và: “Ta sẽ thăm từng người, sẽ đi thăm từng đường, sẽ vô thăm từng nhà”.

Ôi hạnh phúc vô bờ trong ước mơ giản dị mà chan chứa đầy ắp tình người bao la, ngày quê hương không còn gió mưa, giông bão.

Tình người sau cơn mê vẫn xanh
Dù bao tháng năm đau thương dập vùi
Trường quen vắng bóng mai ta lại về
Cùng theo lũ em học hành như xưa. 

Tình yêu quê hương, tình nghĩa đồng bào vẫn xanh thắm sau cơn mê, dù “cơn mê” đã làm cho đồng khô cỏ cháy qua bao tháng năm đau thương vùi dập. Tình người vẫn xanh như lúa đương thì trên ruộng đồng cò bay thẳng cánh, êm như tiếng sáo diều ngân nga dìu dặt lời tình tự từng chiều thơ mộng trên quê hương mến yêu.

“Mai ta lại về” thăm lại trường xưa, mái trường thân quen đã từ lâu ta không còn được vui đùa với bạn bè chung lớp, không còn được nghe tiếng cô thầy giảng bài vọng vang bên cửa sổ chan hòa với ánh bình minh rực hồng mỗi sớm mai… Ngày ấy, ta sẽ về cùng “với lũ em học hành như xưa”. Ước mơ đơn sơ mà tuyệt đẹp ăm ắp chân tình của cậu trò xưa không còn cắp sách đến trường, xa bạn xa thầy mà lòng vẫn không nguôi nhớ tiếc về tháng năm yên bình dưới mái trường thân yêu.

Rồi đây qua cơn mê, sông cạn lại thành giòng xuôi về ngọt quê hương
Ngày đó tay em dài vun cuộc tình thật đầy, mơ toàn truyện trên mây
Còn tôi như cánh chim sẽ bay đi muôn phương mang về mầm xanh tươi
Khi lá hoa thật nhiều, trái yêu thương đầy cành hái đem cho mọi người 

Rồi đây qua cơn mê, sông cạn lại thành giòng. Tại sao lại là “sông cạn”? Có phải là trong “cơn mê” điêu tàn khủng khiếp, núi kia cũng mòn và sông kia cũng cạn? “Cơn mê” như cơn hạn hán làm khô héo cây cối và cạn sạch nước sông ngòi. Khi qua “cơn mê” là qua cơn đại hạn, sông lại thành giòng xanh xưa đem phù sa về ngọt ngào bồi đắp quê hương.

Ngày đó khi qua cơn mê “tay em dài vun cuộc tình thật đầy”. Tay em không còn là “vòng tay chờ đợi” nữa mà dài thêm nghĩa yêu thương để vun đắp cho cuộc tình từ lâu đã quạnh hiu bởi tháng ngày dài xa cách. Bao truyện thương đau bao ngày qua xếp lại, dành cho những ước mơ đẹp đẽ thần tiên về tương lai tươi sáng huy hoàng.

“Còn tôi như cánh chim sẽ bay đi muôn phương mang về mầm xanh tươi”: Ước mơ đẹp quá, nhân văn quá! Như mơ ước của nghệ sĩ luôn đem lại mầm xanh tươi cho đời. Đây là hy vọng đầy tin yêu của nhạc sĩ về một ngày mai tươi sáng, lời ca tiếng nhạc tự trái tim yêu đời yêu người thiết tha sẽ cất lên bản tình ca muôn thuở để ngợi ca quê hương.

Khi ấy ở trên đời thật nhiều “mầm xanh tươi” đơm hoa kết lá trổ ra đầy “trái yêu thương” để tôi đem cho hết mọi người. Ý chính của ca khúc như gói hết vào câu kết của bài, mở ra một thông điệp đầy tính nhân văn của nhạc sĩ đã gửi lại cho đời trong ca khúc Qua Cơn Mê.

Nhắc đến nhạc của Trịnh Lâm Ngân, người ta thường nhắc đến ca nhạc sĩ Duy Khánh. Và bài Qua Cơn Mê cũng được ông hát rất thành công cả trước và sau năm 1975.

&
Click để nghe Duy Khánh hát Qua Cơn Mê

Nhạc sĩ Nhật Ngân và Duy Khánh

Mời bạn nghe một phiên bản khác qua tiếng hát Khánh Ly trước 1975:


Click để nghe Khánh Ly hát Qua Cơn Mê trước 1975

Một phiên bản trước 1975 khác của ca sĩ Băng Châu:


Click để nghe Băng Châu hát Qua Cơn Mê trước 1975

Bài: Trương Đình Tuấn
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here