Trong dòng nhạc vàng trước năm 1975, ca khúc Hái Hoa Rừng Cho Em của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân có một vị trí không thể nhạt phai trong lòng người yêu nhạc.

Khoảng thập niên 1960, đây là ca khúc đầu tiên mà Chế Linh bắt đầu hát song ca với nữ ca sĩ Thanh Tuyền trong dĩa nhạc Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Lúc đó Thanh Tuyền chưa đến 20 tuổi, đang là học trò của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Vì muốn tạo sự mới lạ nên vị nhạc sĩ này đề nghị Chế Linh hát song ca với Thanh Tuyền, bắt đầu bằng bài hát đầu tiên là Hái Hoa Rừng Cho Em, rồi trở thành sự khởi đầu suôn sẻ cho đôi song ca nhạc vàng nổi tiếng nhất từ trước đến nay.


Hái Hoa Rừng Cho Em – Chế Linh Thanh Tuyền

Sau năm 1975, trung tâm Asia đã sử dụng lại ca khúc này vào năm 2003 trong chương trình Asia số 41, ca sĩ Chế Linh được mời hát ca khúc này một lần nữa, nhưng người hát song ca cùng không phải là Thanh Tuyền mà là Thiên Trang, và đôi song ca Chế Linh – Thiên Trang với ca khúc Hái Hoa Rừng Cho Em đã trở thành một trong những tiết mục song ca thành công nhất của Asia.


Click để nghe Hái Hoa Rừng Cho Em – Chế Linh Thiên Trang

Kể từ khi ra mắt lần đầu hơn 50 năm trước, cho đến nay thì bài hát Hái Hoa Rừng Cho Em được rất nhiều ca sĩ trẻ hát lại, hầu hết là hát song ca, và 2 bản thu của nam danh ca Chế Linh vẫn là những phiên bản thành công nhất.

Nội dung của ca khúc này là tâm tư của một anh lính nhớ về người yêu xưa. Vì tiếng gọi non sông mà chàng trai đành gác lại tình riêng, lỗi hẹn cùng người yêu để lên đường. Họ vẫn thư từ cho nhau hàng trăm lần, và một trong số đó là lá thư được ướp hoa từ nơi rừng núi gửi về. Đó chính là “Hái Hoa Rừng Cho Em”, với câu đầu tiên của bài hát là “hái trộm hoa rừng…”

Hái trộm hoa rừng về trao một người ngày xưa anh đã hứa
Màu hoa kỷ niệm tuy đã tàn úa, tâm tư vẫn dạt dào…

Sẽ có người thắc mắc rằng hoa ở nơi rừng núi, vì sao lại phải “hái trộm”? Chi tiết này được chính tác giả Trương Hoàng Xuân giải thích là vì khi đó ông đang thụ huấn ở quân trường rất khắc nghiệt, khi tuổi đời chỉ vừa mới đôi mươi, còn nhiều mộng mơ. Trong lúc tập luyện, ông thấy có nhiều cành hoa dại rất đẹp mọc ven các bãi tập quân trường. Với ý định sẽ ép hoa trong thư gửi về người yêu nên ông đã lén hái hoa nhân lúc sĩ quan huấn luyện không để ý. Nếu bị phát hiện không nghiêm túc tập luyện thì sẽ bị phạt, nên ông mới “hái trộm hoa rừng…”

Khi phát hành nhạc tờ của bài hát này vào khoảng năm 1967, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân ghi tên tác giả là Trương Hoàng Xuân – Hoàng Ngọc Quyên, đó chính là tên thật của ông cùng với người yêu bé nhỏ mà ông đã ép hoa rừng gửi tặng.

Tiền đồn heo hút,
Tinh tú quây quần nghe anh kể chuyện đời lính
Khi nao lỗi hẹn, em anh dỗi hờn lòng anh thêm xao xuyến…

Dù chỉ mới đi huấn luyện, chưa ra quân, nhưng trong bài hát, nhạc sĩ sử dụng chữ “tiền đồn heo hút” để tăng thêm phần cách xa và dài nỗi nhung nhớ người yêu.

Ngày đi anh chẳng được gặp em
Nhưng hứa sẽ tìm về tặng em đóa hoa yêu
Ðã bao lâu rồi cành hoa úa tàn mà ước mơ chưa tàn

Biết chuyện chúng mình,
Tình không nhạt nhòa mà xuôi cho ngăn cách
Chiều nay trở lại, trong tay mình nói: Ta yêu nhau trọn đời

Anh đi em chờ, gối mộng dệt đêm thâu
Cành xưa anh viết anh khắc tên em
Chiều nay kết nhụy cho thắm men tình những người còn đi xa…

Đẹp làm sao mối tình của thời chiến. Dù ngăn cách như thế nào thì ước mơ một ngày được sum họp sẽ không bao giờ úa tàn. Một người đi thì sẽ có một người giữ lời hẹn ước rằng sẽ chờ nhau, rồi từng đêm thâu sẽ dệt mộng uyên ương, vì họ đã trao nhau lời hứa yêu nhau trọn cuộc đời này.

Tác giả của Hái Hoa Rừng Cho Em là nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, sinh năm 1939, ông còn sáng tác 1 số ca khúc nhạc vàng khác như Bạc Trắng Lửa Hồng, Xé Thư Tình, Hẹn Nhau Chiều Chúa Nhật, Kẻ Đến Sau… hiện nay đang sống một mình trang căn phòng chỉ có vài mét vuông ở đường Trần Huy Liệu, Phú Nhuận với nhiều căn bệnh tuổi già nhiều năm qua.

Vyka (nhacvangbolero.com)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here