Trên bước đường yêu đương, bao nhiêu yêu dấu đã trải qua trong cuộc tình cũng là bấy nhiêu lần người ta nhận lại những vết thương đau đớn. Nhưng có hề gì, cũng như cả triệu người khác vẫn bất chấp để lao vào nhau như những con thiêu thân, rồi chỉ khi nhận được một vết thương cuối cùng, ta ngửa mặt mỉm cười như ngây dại, niềm tin yêu vụn vỡ thành mây khói.
Người vừa tặng ta vết thương đau ngọt ngào,
Chẳng nợ gì nhau, hãy để hồn ta bay cao.
Từ vào cuộc vui đã chớm nghe lừa dối
Che giấu trên nụ môi những lời yêu đã tả tơi.
Từ mới vào cuộc vui, ta chấp nhận níu kéo những tả tơi niềm yêu, ở trên nụ môi mà ta đã sớm biết rằng đang mang đầy lừa dối. Bàn tay làm sao níu giữ hoài những yêu thương không thuộc về mình, bàn tay chỉ có thể ôm vào một vết thương cuối cùng, vĩnh viễn, rồi xa nhau ngàn đời:
Thà một lần đi khuất xa nhau ngàn đời,
Cho lệ này ngừng rơi, tiếng cười còn vương trên môi.
Người vội vàng lên, nhan sắc chưa tàn úa,
Mai mốt sang cuộc vui, chẳng còn mong những ngọt bùi.
Này người tình hỡi, hãy vội vàng lên, khi mà nhan sắc hãy còn, tiếng cười chưa lịm tắt, người hãy nhanh bước sang cuộc vui mới. Hãy để lại hết sau lưng những đêm dài vàng võ, đường về còn một bóng lẻ loi. Cho dù xác thân này có rã rời vì đường tình vừa qua có nhiều gập ghềnh sóng gió, ta xin riêng mình nhận lấy những hoang tàn còn sót lại.
Từ đây xa rồi đôi cánh tay ma,
Từ đây giã từ lời nói điêu ngoa,
Từ đây chỉ còn lại mình ta
Già thêm tuổi chia xa, tiếc cho ngày đã qua.
Đường tình vừa xa, xác thân đau rã rời,
Nhưng một lần này thôi, để rồi từ đây yên vui.
Cuộc đời buồn tênh nên lẻ loi tìm đến.
Ta cám ơn tình nhân đã dìu ta đến mộ phần.
Từ đây xin giã từ đôi cánh tay ma mị đã từng làm ta mê hoặc, giã từ cả những lời nói điêu ngoa gian dối. Xin cám ơn người đã tặng lại vết thương ngọt ngào sau cùng trước khi rời bến. Những tháng ngày đằng đẵng trong mộ phần đang giam hãm con tim đã mệt nhoài, ta đã quen với những buồn tênh của cuộc đời.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Để sáng tác khúc Vết Thương Cuối Cùng với bút danh Diên An, ông đã kể lại hoàn cảnh sáng tác như sau:
“Tôi sáng tác ca khúc này bằng đàn guitar thùng, điệu slow rock, ca từ dựa vào 4 câu thơ do tôi sáng tác:
Em muốn sang thuyền em cứ sang
Ngại gì sóng cả nước tràng giang
Áo hồng nâng nhẹ lên rồi bước
Vội vã lên em kẻo lỡ làng.
Ai trong đời cũng trải qua ít nhất một cuộc tình, có mối tình lãng mạn nhưng cũng không ít người đến với nhau bằng sự dối lừa. Tôi đã mượn âm nhạc làm phương tiện giãi bày về một cuộc tình – một vết thương”.
Không biết là có phải nhạc sĩ viết về cuộc tình của chính ông hay không, vì không thấy ông nhắc đến, nhưng chuyện tình dối lừa này có lẽ là thời nào cũng có, bài hát đã đồng cảm với tâm trạng của rất nhiều người.
Đôi nét về nhạc sĩ Nguyễn Văn Để, ông vốn là một người làm trong lĩnh vực điện ảnh, từng đóng vai trò quay phim chính trong nhiều phim của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Viết nhạc đối với Nguyễn Văn Để là một cuộc dạo chơi, nên ông cũng không ngờ rằng ca khúc Vết Thương Cuối Cùng lại sống được lâu đến như vậy trong lòng người yêu nhạc.
Trước năm 1975, bài hát này được Carol Kim, Hoàng Oanh, Lệ Thu hát và ghi tên tác giả là Diên An. Đó là một bút danh được nhạc sĩ đặt lấy cảm hứng từ địa danh bên Trung Quốc (thành phố Diên An thuộc tỉnh Thiểm Tây). Sau năm 1975 tại hải ngoại có rất nhiều ca sĩ hát lại Vết Thương Cuối Cùng, nổi tiếng nhất là Ngọc Lan, Elvis Phương, Vũ Khanh, Tuấn Vũ, Khánh Ly, Kim Anh, Don Hồ… Ở trong nước, ca sĩ Hồng Ngọc rất thành công với ca khúc này.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Để kể lại:
“Năm 1980, tại nhà một người bạn, tôi đã nghe Elvis Phương, Vũ Khanh hát Vết Thương Cuối Cùng qua băng cassette, cũng lưu ý về vài ca từ lâu nay thường bị hát sai:
Từ đây xa rồi đôi cánh tay ma (không phải “tay mơ” hay “tay ngoan”)
Từ đây chỉ còn lại mình ta (không có từ “một” trước chữ “mình”)
Từ vào cuộc vui (hát “vừa vào cuộc vui” là không đúng)”
Đông Kha (nhacvangbolero.com)