Nhạc sĩ Trúc Phương là 1 trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng. Chủ đề chính trong âm nhạc của ông thường là những ca khúc viết về tình yêu, và viết về những tâm tư của người lính nơi đầu tuyến: Kẻ Ở Miền Xa, Một Người Đi Xa, Người Nhập Cuộc, 24 Giờ Phép, và nổi tiếng nhất là ca khúc Trên Bốn Vùng Chiến Thuật.
Click để nghe Chế Linh hát Trên 4 Vùng Chiến Thuật
Bốn vùng chiến thuật mà nhạc sĩ Trúc Phương đã nhắc đến trong bài hát là những vùng nào? Chắc chắn là đã có nhiều người đã biết, nhưng xin nêu một số cảm nhận riêng về ca khúc này sau đây.
Từ năm 1961, chính quyền VNCH đã thành lập ra các vùng chiến thuật, được cải tổ từ các quân khu đã được thành lập từ đầu thập niên 1950 của Quân đội Quốc Gia Việt Nam. Ban đầu chỉ có 3 vùng chiến thuật, đến năm 1964 thì tách làm 4 vùng. Các tên vùng chiến thuật này chỉ tồn tại chính thức đến năm 1970, sau đó đổi tên trở lại thành Quân Khu. Tuy nhiên sau đó người ta vẫn gọi là Vùng 1,2,3,4, có thể là vì theo thói quen, hoặc có thể là vì như thế sẽ ngắn gọn hơn.
Như vậy, có thể suy đoán rằng ca khúc Trên Bốn Vùng Chiến Thuật được nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác trong khoảng thời gian 1964 đến 1970.
Click để nghe Duy Khánh hát Trên 4 Vùng Chiến Thuật
Bài hát của nhạc sĩ Trúc Phương nói về tâm sự của một người lính đã có mặt ở trên khắp 4 vùng chiến thuật, ở hầu hết những điểm nóng của chiến cuộc, với 4 địa danh được nhắc tới trong bài hát là Gio Linh, Pleime, Tây Ninh, Đồng Tháp, đại diện cho 4 vùng chiến thuật khác nhau.
Thông thường, những người lính chỉ đóng quân ở một vùng nhất định dựa theo đơn vị mình phục vụ, ít trường hợp có đơn vị quân đội tham gia ở cả 4 vùng như vậy.
Có thể người lính trong ca khúc này chỉ là nhân vật mang tính biểu tượng, đại diện cho tất cả những người lính của miền Nam. Tuy nhiên, nếu đặt giả thuyết rằng thực sự có một người lính đã tham gia ở cả 4 vùng chiến thuật như vậy, rất có thể là thuộc lực lượng Tổng trừ bị, hoạt động trên mọi địa hình, di chuyển trên cả 4 vùng chiến thuật.
Lực lượng Tổng Trừ Bị khác với các sư đoàn bộ binh, đó là luôn luôn hành quân khắp mọi miền để đáp ứng với đòi hỏi khẩn cấp của những mặt trận mà những đơn vị bộ binh hay Địa Phương Quân không giải quyết được.
Trong lực lượng Tổng trừ bị này có nhiều binh chủng như Nhảy Dù, Biệt Động Quân, TQLC, và có thể người lính trong bài hát này thuộc binh chủng Nhảy Dù, vì chỉ có lính dù thì mới được chứng kiến quang cảnh tuyệt đẹp của “mây mù trên núi cao, rừng sương che lối vào…” như trong lời của bài hát, và những người lính nhảy dù thì mới “gặp gỡ trong cơn lốc”, khi những cánh thực thăng quay tít mù như những cơn lốc giữa vùng chiến địa.
Ngoài ra trong Tổng trừ bị thì chỉ có binh chủng nhảy dù mới tham gia đầy đủ ở tất cả những nơi khốc liệt nhất là Pleime, vùng Đồng Tháp Mười, Tây Ninh, đặc biệt là Gio Linh.
Xin nói rõ hơn về các địa danh của 4 vùng chiến thuật kể từ sau năm 1964:
Vùng I chiến thuật, Bộ chỉ huy ở Đà Nẵng, gồm 5 tỉnh:
- Khu 11 chiến thuật, gồm 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên
Khu - 12 chiến thuật, gồm 2 tỉnh Quảng Tín, Quảng Ngãi
- Đặc khu Quảng Nam, gồm tỉnh Quảng Nam và thị xã Đà Nẵng
Vùng II chiến thuật, Bộ tư lệnh vùng 2 chiến thuật ở Nha Trang, nhưng Bộ tư lệnh quân đoàn 2 (kiểm soát địa bàn vùng 2) đặt ở Pleiku (từ giữa tháng 3 năm 1975 phải chuyển về Nha Trang), gồm 12 tỉnh:
- Khu 22 chiến thuật, gồm 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn
- Khu 23 chiến thuật, gồm 7 tỉnh Darlac, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuyên Đức, Quảng Đức, Lâm Đồng và thị xã Cam Ranh
- Biệt khu 24, gồm 2 tỉnh Kon Tum, Pleiku
Vùng III chiến thuật, Bộ chỉ huy ở Biên Hòa, gồm 10 tỉnh:
- Khu 31 chiến thuật, gồm 3 tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An
- Khu 32 chiến thuật, gồm 3 tỉnh Phước Long, Bình Long, Bình Dương
- Khu 33 chiến thuật, gồm 4 tỉnh Bình Tuy, Phước Tuy, Long Khánh, Biên Hòa và thị xã Vũng Tàu
Vùng IV chiến thuật, Bộ chỉ huy ở Cần Thơ, gồm 16 tỉnh:
- Khu chiến thuật Định Tường, gồm 4 tỉnh Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, Kiến Hòa
- Khu 41 chiến thuật, gồm 7 tỉnh Kiến Phong, Châu Đốc, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, An Giang, Kiên Giang, Sa Đéc
- Khu 42 chiến thuật, gồm 5 tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, An Xuyên
Bài hát Trên Bốn Vùng Chiến Thuật nhắc tới những địa danh và trận đánh nổi tiếng nhất ở cả 4 vùng chiến thuật như sau:
- Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá: Gio Linh thuộc tỉnh Quảng Trị, ở vùng I chiến thuật.
- Pleime gió mưa mùa: Pleime thuộc tỉnh Pleiku, vùng II chiến thuật.
- Tây Ninh nắng nung người thuộc vùng III chiến thuật
- Đồng Tháp vắng bóng hồng, tôi yêu ai? Đồng Tháp thuộc vùng IV chiến thuật, bao gồm các tỉnh ở miền Tây ngày nay.
Click để nghe Thanh Phong & Phương Đại hát
Giống như hầu hết các ca khúc nhạc lính khác, bài “Trên Bốn Vùng Chiến Thuật” không có lời lẽ hận thù, mà đơn thuần là lời tâm sự người lính xa nhà trong hoàn cảnh cô đơn và gian khổ, nhưng vì phận trai nợ nước và thương quê hương nên “ân tình theo gót chân, bọn đi xa đánh trận…”
Đông Kha (nhacvangbolero.com)