Hầu hết những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Hoài Linh là viết về tình yêu. Với sở trường đặt lời ca lãng mạn, trau chuốt, nên những bài hát viết về đôi lứa yêu nhau của ông rất được công chúng ưa chuộng. Cũng như hầu hết các nhạc sĩ nhạc vàng cùng thời khác, Hoài Linh cũng viết về người lính: Biệt Kinh Kỳ (viết chung với Minh Kỳ), Chúng Mình 3 Đứa, Một Chuyến Bay Đêm, Nó Và Tôi, Chiều Thương Đô Thị (viết chung với Song Ngọc), đặc biệt là ca khúc rất được người lính yêu thích vào thập niên 1960: Lính Nghĩ Gì?
Bài nhạc lính này không phải là một “anh hùng ca” về người lính, không xuất hiện hình ảnh người lính hiên ngang và quả cảm, mà nói về tâm sự của người lính, về nỗi cô đơn và những mơ ước rất đơn sơ và thành thật. Trong một bài viết của nhạc sĩ Phạm Duy cách đây đã lâu, ông đã nói rằng Lính Nghĩ Gì là bài hát chân thật nhất nói về tâm trạng người lính trong cuộc chiến điêu tàn.
Trước năm 1975, nhạc sĩ Hoài Linh là trung úy của nha cảnh sát đô thành, có thể chưa từng thực sự xa nhà để đi trấn sơn khê bao giờ, nhưng ông đã viết bài hát này như 1 lời tâm sự nói thay cho biết bao nhiều người lính xa nhà, phải chịu nhiều gian lao từng giờ ở nơi vùng chiến địa:
Tôi là lính xa nhà đi trấn sơn khê
Hai mùa mưa mây mù che nẻo đường về
Đêm rừng núi lạnh buốt mái poncho
Súng cầm canh nhịp từng giờ
Trái châu chiếu xuyên cành lá…
Mở đầu bài hát cho chúng ta biết rằng người lính này đã 2 năm chưa được về thăm nhà bởi vì chiến cuộc đang thời kỳ đỉnh điểm. Đêm rừng núi lạnh giá, phủ trên người tấm poncho (áo mưa đa dụng của nhà binh), người lính nhìn trái châu sáng tỏ xuyên qua mành lá và ngẫm nghĩ về đời lính:
Tay ghì súng nghe mùi tang tóc đâu đây
Tâm hồn se vơi chẳng vơi đầy chẳng đầy
Khi vào lính nhận nếp sống đơn sơ
Rơi đằng sau nhiều hẹn hò
Hai màu áo một niềm mơ…
Giữa vùng tử địa nghe mùi tang tóc, lằn ranh tử sinh của người nơi hỏa tuyến chỉ cách nhau trong khoảnh khắc, nếu như sớm mai còn thức dậy để thấy được ánh mặt trời cũng đã là niềm vui, vì vậy mà người lính không nghĩ đến những tương lai xa vời nào.
Từ khi vào quân ngũ với nếp sống đơn sơ, anh chàng thư sinh năm xưa đã bỏ lại sau lưng những hẹn hò đôi lứa để khoác vào chiếc áo chinh nhân, rồi thấy cõi lòng mình như trôi giữa lưng chừng, vơi chẳng vơi, mà đầy cũng không đầy.
Hai năm trên đường chiến đấu mọi miền
Đồi vàng non xanh mây tím
Ánh sáng kinh đô tôi chưa lần đến
Ai mơ giấc mộng xa hoa trong đời
Lính chỉ đơn sơ yêu lời thành thật nói tha thiết thôi…
Là người lính, anh chấp nhận những thiệt thòi mà cuộc đời mang đến, không một lời nào oán than. Hai năm chân bước hành quân qua những miền giang sơn chỉ toàn là đồi vàng và non xanh, chưa từng được nhìn lại ánh sáng của kinh đô. Đời lính chỉ là chuỗi những ngày lặp đi lặp lại của hành quân và chiến đấu, chênh vênh ở lằn ranh giữa sinh và tử, nên người lính không có mơ ước xa hoa như người đời, chỉ mong nhận được những lời đơn sơ thành thật, tha thiết và không hoa mỹ.
Tôi chỉ nghĩ quê mẹ không phải riêng ai
Không của anh không của em mà của mọi người
Xin gửi đến bằng tiếng nói tim tôi
Không bị rơi ngoài bầu trời
Cho đời lính một niềm vui.
Tôi là lính âm thầm tôi nghĩ thế thôi
Trăm lần không bao giờ tôi giận cuộc đời
Xin đừng oán và hãy mến thương tôi
trong tình yêu người và người
cho đời lính một niềm vui
Suy nghĩ của người lính là đất mẹ không phải của riêng ai, khi quê hương này lầm than thì phận làm trai phải lên đường để gìn giữ và bảo vệ. Đó là trách nhiệm hiển nhiên không thể chối bỏ, nên người chinh nhân không than van hay oán giận cuộc đời đã đẩy anh vào vòng quay của cuộc tử sinh này. Đó là tâm sự từ sâu thẳm trái tim chân thành của lính, anh mong được người đời thấu hiểu, và cũng là xin được đáp lại bằng một tình yêu chân thành, để lính không còn cảm thấy cô độc khi hàng ngày, hàng giờ phải đối diện với những hãi hùng nơi chiến tuyến.
Là một bài nhạc lính với tâm sự man mác nỗi buồn thời cuộc, nhưng trong từng ca từ vẫn mang đậm chất thơ, có vần có điệu đúng với phong cách nhạc của nhạc sĩ Hoài Linh. Có thể là bài hát này mô tả được chân thật nhất những suy nghĩ giản đơn và mộc mạc, không hoa mỹ của người lính, nên rất được người lính thời đó yêu thích.
Mời các bạn nghe lại ca khúc này với tiếng hát Duy Khánh và Elvis Phương trước năm 1975 sau đây:
Click để nghe Duy Khánh hát
Click để nghe Elvis Phương hát
Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com