Ca khúc nhạc vàng nổi tiếng Quán Nửa Khuya được 2 nhạc sĩ Tuấn Khanh và Hoài Linh hợp soạn vào khoảng đầu thập niên 1960. Đây là sự hợp tác thú vị, vì trước đó nhạc sĩ Tuấn Khanh nổi tiếng với dòng nhạc âm hưởng tiền chiến mà ông gọi là kiểu nhạc thính phòng, như trong các bài hát Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Chiếc Lá Cuối Cùng… còn nhạc sĩ Hoài Linh là một tên tuổi nổi bật của dòng nhạc vàng đại chúng.

Thời điểm đó, dòng nhạc vàng rất ăn khách, nhiều nhạc sĩ đã tạo dựng được cả tên tuổi lẫn tài chính nhờ sáng tác nhạc vàng, nên nhạc sĩ Tuấn Khanh đã chuyển sang sáng tác một số bài hát thuộc dòng nhạc này. Nghe danh nhạc sĩ Hoài Linh có tài đặt lời rất hay cho các khúc, từng hợp tác thành công với nhiều nhạc sĩ khác nên nhạc sĩ Tuấn Khanh đã chọn Hoài Linh để viết lời chung, khởi đầu là Quán Nửa Khuya, sau đó là Hai kỷ Niệm Một Chuyến Đi, Nẻo Đường Kỷ Niệm…

Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói
Trút tâm tư vào đêm vắng canh dài
Quãng đời tôi tàu đêm vắng không người, vẫn lặng trôi

Tôi là người tha hương đi bốn phương
Anh là người quân nhân vui gió sương
Câu chuyện tâm tình vui theo khói bay, tay cầm tay

Nói bạn nghe từ khi say viễn xứ
Gót chân in ngàn muôn lối sông hồ
áo sờn vai tìm đôi mắt u hoài bóng hình ai?

Hoa nào mà không phôi pha sắc hương,
ân tình nào mà không gây vấn vương?
Lê đôi gót trên khắp chốn ngàn phương để tìm thương.

Dĩ vãng tìm đâu thấy, như bóng mây chiều đang lững lờ theo gió bay
Cốt xóa tình xưa ấy
Ngân tiếng tơ chùng để tìm quên hương đắng cay

Muốn nhắn nhủ thời gian
Ai mãi phong trần để đi tìm hương cố nhân
áo trắng màu sương gió
Ngưng gót xuôi ngược để tìm về nơi bến mơ.

Quán nửa khuya bạn tôi chia tay nhé
Nhớ nhau chăng là mỗi lúc đêm về
Siết chặt tay để ghi phút phân kỳ tiễn người đi.

Sa trường anh lại đi vui gió sương
Sông hồ gợi trong tôi bao luyến thương
Tôi ghi nhớ giây phút ấy nào nguôi bạn đường ơi…


Click để nghe ca sĩ Thanh Thúy hát Quán Nửa Khuya trước 1975

Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết bài hát này được ông viết những câu đầu tiên, sau đó nhờ nhạc sĩ Hoài Linh viết tiếp lời, với cảm hứng dựa theo một hoàn cảnh có thật mà ông đã trải qua trong quá khứ, khi còn ở Bắc Việt mười năm trước đó.

Quán nửa khuya trong bài hát này là một quán cà phê nhỏ ở chợ Ô Mễ, nay thuộc tỉnh Thái Bình mà nhạc sĩ Tuấn Khanh thường lui tới hồi đi tản cư đầu thập niên 1950. Quán này mở cửa đến tận 2 giờ sáng, khách quan là nhiều người ở các chiến khu về thăm nhau, kéo nhau ra quán nửa khuya ngồi trò chuyện. Thời điểm đó nếu nói chuyện về tản cư, hồi cư… đều phải giữ kẽ vì sợ tai mách. Ở quán nhỏ giữa khuya này, mọi người được nói năng tự do, không sợ ai nghe lén cả.

10 năm sau đó, khi đã ở Sài Gòn, nhạc sĩ Tuấn Khanh nhớ về kỷ niệm quán nửa khuya, nhớ về quãng thời gian ngày nào cũng đến tận 2 giờ sáng, phải băng qua một cánh đồng đề trở về nhà từ quán nhỏ chợ Ô Mễ, ông viết những câu đầu tiên của bài hát: Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói… Sau đó ông mô tả lại câu chuyện năm xưa để nhạc sĩ Hoài Linh viết tiếp lời cho bài hát.

Nội dung bài hát là hình ảnh hai người bạn gặp mặt ở trong quán lúc nửa khuya để cùng trò chuyện. Ở thời chiến, khói lửa binh đao ngợp trời, những giây phút được thư thả nói chuyện giữa 2 người bạn tâm giao như vậy thật quý biết dường nào. Tình bằng hữu của họ rất thân thiết, đến mức “tay cầm tay”, thể hiện trong câu hát: Câu chuyện tâm tình vui theo khói bay, tay cầm tay… Làm cho nhiều người nghe nhạc tưởng rằng 2 nhân vật chính ở đây là 1 nam và 1 nữ. Tuy nhiên nếu để ý cụ thể lời bài hát, thì nhân vật “anh” là một “quân nhân vui gió sương”, còn nhân vật “tôi” là “người tha hương đi bốn phương” và “sông hồ gợi trong tôi bao luyến thương”. Nếu nhân vật “tôi” là nữ thì không thể là người tha hương bốn phương khắp sông hồ được.

Hơn nữa, trong cả hai hình bìa nhạc bài này phát hành trước năm 1975 đều để hình 2 người con trai:

Gần đây, khi trò chuyện với nhạc sĩ Tuấn Khanh qua viber, ông hỏi tôi rằng có thấy câu đầu bài hát này giống 1 bài hát nhạc đỏ nào không? rồi ông hát luôn: “Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa”… Khi đó tôi mới chợt nhận ra giai điệu của câu đầu tiên bài này rất giống với câu đầu trong bài nhạc đỏ Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo được sáng tác sau này. Không rõ là nhạc sĩ Xuân Hồng có bị ảnh hưởng chút nào từ bài hát Quán Nửa Khuya khi sáng tác Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo hay không.

Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here