Vào thập niên 1990, thời cực thịnh của chương trình Làn Sóng Xanh, có một bài hát của nhạc sĩ Trần Quang Lộc rất được khán giả yêu mến qua giọng hát của nhiều nữ ca sĩ nổi tiếng trong nước: Hồng Nhung, Thu Phương, Mỹ Linh, và Khánh Ly ở hải ngoại, đó là bài Có Phải Em Mùa Thu Nội.

Bài hát được sáng tác năm 1972 và được Thái Thanh hát lần đầu. Tuy nhiên, hầu như tất cả mọi người yêu nhạc đều lầm tưởng bài hát này được sáng tác vào thập niên 1990. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trần Quang Lộc nói về ca khúc này trên đài RFA như sau:

“Bài hát này tôi sáng tác năm 1972, tôi từ Sài Gòn về Đà Nẵng nghỉ hè thì gặp anh Tô Như Châu. Anh ấy cho xem bài thơ “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội”, bài thơ viết dài lắm năm sáu trang gì đấy tôi lấy ý bài thơ viết lại thành ca khúc. Bài này viết trước năm 1975, hồi đó được Thái Thanh hát nhưng sau đó ngưng không được phổ biến.

Mãi đến năm 1993 thì ca khúc này được nhiều ca sĩ hát, trong đó ca sĩ Thu Phương được giải thưởng bài hát này đứng đầu Top Ten trong chương trình nhạc Top Ten ở Sài Gòn được giải nhất mà kéo dài trong một năm. Bài này cũng được giải thưởng ca khúc viết hay nhất trong năm của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam trao giải cho tôi”.


Click để nghe Hồng Nhung hát

Điều đặc biệt là khi bài thơ, bài hát này được sáng tác khi cả nhà thơ Tô Như Châu lẫn nhạc sĩ Trần Quang Lộc chưa từng đặt chân đến Hà Nội. Nhà thơ Tô Như Châu (tên thật là Đặng Hữu Có, sinh năm 1934, mất năm 2002), sinh sống và làm thơ ở một xóm nhỏ cạnh bến đò An Hải, Sơn Trà, Đà Nẵng. Còn nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1945 tại Quảng Trị, có thời gian học tại Đà Nẵng. Họ là những người bạn văn nghệ với nhau tại vùng đất Đà Nẵng vào thập niên 1960.

Tháng tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ?
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm
Có phải em mùa thu xưa?

Hà Nội với phố cổ, với 5 cửa ô và bờ hồ ngập tràn lá rụng vào mùa thu đã luôn gợi một nét cổ phong, trầm mặc khi người ta nghĩ về. Phải chăng là nhà thơ đã thấy được một dáng kiều nào đó của đất Bắc ở giữa thị xã Đà Nẵng, thấy được trong đôi mắt nai đen một mùa thu xưa của Hà Nội, và nghe lòng ấm lại ở tuổi phong sương.

Tháng 8 là bắt đầu mùa thu, lá đã bắt đầu khởi vàng, chứ chưa rơi thành thảm lá. Tuy nhiên có nhiều ca sĩ (trong đó có bản thu âm của Thu Phương) lại hát thành “tháng 8 mùa thu lá RƠI vàng” làm sai ý nghĩa.

Có bóng mùa thu thức ta lòng sang mùa
Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay.

Thôi thì có em đời ta hy vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghe đâu đây lá ướt và mi xanh
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát.

Bên trời xa sương tóc bay là câu thơ, câu hát thật đẹp. Có lẽ lần đầu người ta được nghe thấy tóc được ví như sương, bay lãng đãng giữa trời thu ảo mộng, và hình ảnh người thiếu nữ mỏng manh đi giữa sương giăng mù đã bao lần chập chờn trong những giấc mơ phong kín của tác giả, đó là giấc mơ một ngày ghé lại Thăng Long buồn và được cùng sóng bước cùng người.

Trong bài thơ gốc của Tô Như Châu, ông đã viết:

Ngày anh đi. Nhất định phải có em
đường cỏ thơm rong ruổi
Sẽ ghé lại Thăng Long
thăm Hoàng Thành – Văn Miếu
chắc rêu phong đã in dấu bao ngày…

Trong bài thơ, bài hát cũng nhắc tới: Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát.

Nếu chỉ nghe thoáng qua bài hát, khán giả sẽ khó mà biết được vì sao lại có “Trưng Vương” và “sông Hát” trong 1 bài hát trữ tình như vậy.

“Sông Hát” dĩ nhiên không phải là “dòng sông biết ca hát”, mà là nhắc lại tích xưa của dòng sông mang tên Hát, khi Hai Bà Trưng thất trận, thua Mã Viện hồi năm 43 (trong Công Nguyên). Không cam tâm đầu hàng, hai bà đã nhảy xuống dòng Hát giang và vĩnh viễn nằm lại đó. Sông Hát ngày nay nằm ở đoạn Sông Đáy tiếp giáp với Sông Hồng.

Vậy sông Hát ở Sơn Tây thì có liên hệ gì đến mùa thu ở Hà Nội? Nếu đọc lại nguyên bài thơ của Tô Như Châu, có thể thấy bài mang âm hưởng hùng ca, như là một sử thi về hồn thiêng sông núi, của những Hùng Vương, Quang Trung, Hai Bà Trưng, và Núi Nùng sông Nhị còn vẳng tiếng những bậc quân vương.

Hai Bà Trưng đã trầm mình dưới dòng Hát giang, nơi có dòng nước là thượng lưu của sông Hồng sẽ chảy về đến Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây. Như vậy hồn thiêng của Hai Bà Trưng sẽ được xuôi dòng về Hà Nội, dọc theo dòng nước đã nhuộm đỏ dòng máu hùng anh của quá khứ:

Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về…
Ôi mùa thu của ước mơ.

Phải chăng là qua cái nhìn của tác giả, “em” chính là hiện thân của hồn Trưng Vương nghìn năm trước, và có điều gì ở người con gái này đã làm cho nhà thơ thấy được những hào khí cha ông vẫn còn vang vọng ở cố đô Thăng Long?

Gặp được người con gái mang hồn của thu xưa, con tim chàng thi sĩ trở nên xôn xao với niềm rung cảm mãnh mẽ, ví như ngàn phím dương cầm cùng lay động:

Hôm nay mùa thu
Gió về là lạ
Bỗng xôn xao con tim lời lá
Bỗng xôn xao rơi vàng tiếng gọi
Lệ mừng gặp nhau ngàn phím dương cầm (trích từ nguyên tác bài thơ)


Click để nghe Khánh Ly hát

Mời các bạn đọc trọn vẹn lời gốc của bài thơ sau đây:

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here