“Về Đây Nghe Em” là ca khúc trước 1975 nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, được ông phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của thi sĩ A Khuê, in trong tập Vàng Bay năm 1970. Trần Quang Lộc và A Khuê là những người bạn văn nghệ đã rong chơi cùng với nhau rất thân thiết từ những năm cuối thập niên 1960 ở Đà Nẵng.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc từng tiết lộ về hoàn cảnh sáng tác bài hát như sau:

“Ngày ấy, tôi mưu sinh ở Sài Gòn, mỗi tối thường đệm đàn ở phòng trà, quán bar giữa giai đoạn cao trào của cuộc chiến. Một chàng trai quê mùa tuổi đôi mươi, nhìn những cô nữ sinh ngày đi học, tối mặc váy ngắn bước vào bar, tim mình nhói lên điều gì đó vừa day dứt, vừa ám ảnh. Trong cảm xúc ấy, tôi phổ nhạc bài thơ của A Khuê thành ca khúc như mời gọi một sự trở về, nhắn nhủ con người hãy giữ gìn vẻ đẹp quê hương”.

Có lẽ là khi thấy “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” từ những cô gái quán bar, ông đã tiếc về một thời áo the, guốc mộc rất duyên dáng của người con gái Việt Nam, nên đã đồng cảm cùng những lời thơ của A Khuê, rồi kết tinh thành những giai điệu rất đẹp:

Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc

Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Và về đây nghe gọi tiếng xưa
để nhớ trong tiếng vỡ bờ…

Bài hát Về Đây Nghe Em, nguyên tác vốn là một bài thơ nên có lời ca đẹp lấp lánh những ngôn từ mới, hiện đại nhưng gợi lại được những hoài niệm thiết tha về một miền quê hương mộc mạc chân tình mà chúng ta ai cũng đã từng có.

Trước những đổi thay của thời cuộc, khi mà những giá trị xã hội đang dần mất, ảnh hưởng đến nếp sống, sinh hoạt, trang phục của một lớp trẻ, tác giả Trần Quang Lộc – A Khuê kêu gọi tìm về những giá trị nguyên thủy: áo the, guốc mộc, và những “lời ca dao”, “hạt lúa mới”, “nồi ngô khoai”, đều là những hình ảnh đã thuộc về những kỷ niệm ngày xưa.

Hãy về đây nghe em, về lại để kể chuyện tình bằng sợi khói lam chiều lờ lững trên chái bếp tranh nghèo, bằng hạt lúa mới gặt lên từ cánh đồng thơm nắng, hay bằng ánh lửa bập bùng từ nồi ngô khoai trong buổi chiều giá lạnh mùa đông. Tất cả hình ảnh ấy sẽ được nghe lại trong tiếng xưa, để nhớ trong tiếng vỡ bờ.

Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây thả ước mơ đi hát dạo
Để chào đời bằng hạt sương mai
Để bằng lòng ngọt ngào hấp hối
Và hận thù người người lắng xuống

Rồi tìm nhau như tìm xót xa
Trong lúc lệ đã đầy vơi…

Hiếm có bài hát nào lại có lời ca đẹp đến như vậy: “thả ước mơ đi hát dạo”, như đàn em bé thả những ước mơ trên cánh đồng bình yên xưa cũ, rồi như là hạt sương mai tinh khôi đầu ngày, vẫy chào cuộc đời bằng một tấm lòng mới lớn, hồn nhiên, không hề có hơn thua, như là chưa từng có hận thù nào về trên quê hương hoa gấm này.

Bài hát có một ước mơ nhân văn và đẹp đẽ, đó là “hận thù người lắng xuống”, để tình người mãi yêu thương nhân ái với nhau. Về đây nghe em, để “tìm nhau như tìm xót xa trong lúc lệ đã đầy vơi”, khi thân phận của con người trong cuộc đời này vốn dĩ buồn nhiều hơn vui.

Hơn nửa thế kỷ qua, kể từ lúc bài thơ, bài hát này ra đời, những lời hát này vẫn còn nguyên giá trị, khi mà người người vẫn đang còn tìm nhau trong hận thù, và người ta vẫy chào cuộc đời bằng những lợi danh và toan tính hơn thua hèn kém.

Này hồn ơi lên cao lên cao
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương

Này thịt xương ta chưa mang theo
Khi ngã xuống mê man tủi hờn
Và về đây nghe nhau thở dài trong đêm…

“Hồn ơi lên cao lên cao…” là thông điệp gởi đến những toan tính lợi danh đó. Thịt xương này khi ngã xuống thì cũng chỉ là một mớ cát bụi mê man tủi hờn, không thể mang theo khi xa rời chốn trần gian này được. Chỉ có tâm hồn đẹp, tràn ngập yêu thương mới soi rọi được ánh sáng hân hoan khắp tinh cầu, và đó là điều duy nhất ý nghĩa còn lại sau cùng. Tình yêu thương mới là sự vĩnh cữu.

“Về đây nghe nhau thở dài trong đêm” có lẽ là nỗi niềm riêng trước những thực tại đau lòng, những giá trị đẹp đang dần bị đánh mất.

Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây cùng khóc trên sông nước buồn
Chở lòng người trở về quê hương
Chở hồn mình vào dòng suối mát
Chở thật thà vào lòng dối trá

Và nhạc hoa xin tạ chút ơn
Hoang phế khi đã gặp nhau

Về đây nghe em, để cùng khóc với dòng sông quê hương qua bao tang thương dâu bể. Về đây để cùng tắm mát dòng suối yêu thương của non nước ngàn năm còn vẳng tiếng ru xa vắng trưa hè thôn dã. Và người quê bao giờ cũng thật thà như củ khoai hạt lúa, nhưng tình tình người thì đậm đà chơn chất trường miên.

“Và nhạc hoa xin kiếp, tạ ơn hoang phế gặp nhau…” có lẽ là chút lòng riêng cảm tạ của tác giả khi cuộc đời đã ban cho anh thành nhà thơ và nhạc sĩ, thầm lặng sáng tác dâng hiến cho đời những tác phẩm để đời. Và chắc là khi A Khuê sáng tác ra bài thơ này, không nghĩ là sau này, bài thơ đã trở thành “nhạc hoa” cho bao người mến mộ.

Thi sĩ A Khuê

Sau này, nhạc sĩ Trần Quang Lộc viết thêm lời 2 cho bài hát, sửa lại 1 vài chỗ để bài hát được tươi sáng hơn chứ không còn những câu chữ u uất nữa. Đó là “Hoang phế khi đã gặp nhau”, đã trở thành “Hạnh phúc khi đã gặp nhau”.

Và:

Này thịt xương ta chưa mang theo
Khi ngã xuống miên man tủi hờn
Và về đây nghe nhau thở dài trong đêm

Được viết lại thành:

Nụ cười tươi trên môi em thơ
Là tiếng hát hân hoan cho đời
Và về đây cho nhau nụ cười tương lai…

Bài hát này được ca sĩ Elvis Phương hát lần đầu trong băng nhạc Shotguns đầu thập niên 1970, mời các bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe Elvis Phương hát

Dưới đây, xin chép lại nguyên tác bài thơ của cố thi sĩ A Khuê:

Bài: Trương Đình Tuấn – Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here